19/04/2024 19:47Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Biện nhân chu hành đáp Trương Hỗ
汴人舟行答張祜

Tác giả: Đỗ Mục - 杜牧

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi hongha83 vào 10/11/2013 22:00

 

Nguyên tác

千萬長河共使船,
聽君詩句倍愴然。
春風野岸名花發,
一道帆檣畫柳煙。

Phiên âm

Thiên vạn trường hà cộng sử thuyền,
Thính quân thi cú bội sảng nhiên.
Xuân phong dã ngạn danh hoa phát,
Nhất đạo phàm tường hoạ liễu yên.

Dịch nghĩa

Ngàn vạn dặm sông dài, mọi người đều phải dùng thuyền cả thôi
Nghe những câu thơ của bác mà trong lòng dồn dập bao nhiêu buồn chán
Gió xuân thổi qua những bờ sông hoang vắng, khiến cho những bông hoa nổi tiếng nở rực rỡ
Thẳng một cánh buồm, trên những cột buồm như cùng với những cây liễu trong khói sương ven sông thành một bức tranh

Bản dịch của Lê Văn Đình, Ngô Như Sâm

Sông dài nên phải đi thuyền
Nghe thơ bác đọc, lòng phiền não thay
Bên sông rực rỡ hoa đầy
Khói sương bảng lảng, liễu bay đôi bờ
Cánh buồm no gió phởn phơ
Bức tranh cảnh đẹp như thơ bên trời
Biện: sông thường gọi là Biện Hà. Trước thường gọi Khai Phong là Biện Lương, tỉnh Hà Nam gọi là Biện Tỉnh, đều vì có sông Biện chảy qua. Biện Châu thời Xuân Thu thuộc nước Trịnh, sang Chiến Quốc là kinh đô của Nguỵ, Đông Nguỵ gọi là Lương Châu, Bắc Nguỵ đổi là Biện Châu. Nhà Lương lấy làm kinh đô, đổi làm phủ Khai Phong, hiệu Đông Đô. Đến nhà Kim, kinh đô chuyển về Thượng Kinh, đất Yên, gọi là Bắc Kinh, cải Khai Phong thành Nam Kinh (tức thành phố Khai Phong thuộc Hà Nam ngày nay). "Biện nhân chu hành" có thể hiểu là: Đỗ Mục đi thuyền trên sông Biện Hà, cũng có thể hiểu là đi thuyền của một người đất Biện, người Hà Nam, có thể trên sông Biện Hà, mà cũng có thể không phải sông Biện Hà, nhưng nếu thế phải là người Biện Hà. Rắc rối, nhưng phải hiểu như vậy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Mục » Biện nhân chu hành đáp Trương Hỗ