20/04/2024 23:21Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Mang gông

Tác giả: Nguyễn Hữu Huân - 阮友勳, Nguyễn Văn Trắm

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 02/04/2010 00:18

 

Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cương thường, há phải gông!
Oằn oại hai vai quân tử trúc,
Long lay[1] một cổ trượng phu tòng[2].
Sống về đất Bắc danh còn rạng,
Thác ở thành Nam tiếng bỏ không.
Thắng bại, dinh hư[3] trời khiến chịu,
“Phản thần”, “đéo hoả[4]” đứa cười ông!
Tương truyền Nguyễn Hữu Huân làm bài thơ này trước thọ án, nhưng có một số học giả trong đó có Trương Vĩnh Ký, lại cho rằng tác giả bài thơ là Nguyễn Văn Trắm, phó tướng của Lê Văn Khôi. Cụ thể, theo quyển Truyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký in năm 1882, được ông Vương Hồng Sển in lại trong Chuyện cười cổ nhân bài Người can đảm như sau:
Ông tiền quân Trắm (Tổng Trắm), nguyên là người Bắc, bị đày vô Nam với ông Khôi. Sau giặc Khôi nổi lên mà bị binh trào hạ thành được, bắt đóng gông bỏ vô cũi điệu về kinh. Người ta thấy bị mang gông, người ta xúm lại, người ta coi, thì Tổng Trắm bèn làm một bài thơ như vầy:

Thiên hạ ai ai có thấy không?
Cang thường một gánh chả phải gông!
Oằn oại hai vai quân tử trước,
Nghinh ngang một cổ trượng phu tòng.
Sống về đất Bắc danh thơm ngợi,
Thác ở trời Nam tiếng hãy không.
Nên hư cũng bởi trời mà chớ,
Sá dễ là ai hại đặng ông?

Sau ngồi cũi điệu về Huế ra tới Bình Thuận, ông cắn lưỡi chết đi.

[1] Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920) chép là “nghênh ngang”.
[2] Hai câu này có nghĩa: Người quân tử ngay thẳng ví như cây trúc, bậc trượng phu khí tiết sánh với cây tòng.
[3] Đầy vơi.
[4] Hay “đéo oả”, tiếng chửi ở miền Nam, có sách “đéo mẹ”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Hữu Huân » Mang gông