27/04/2024 04:55Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phỏng Tử Hậu di tích

Tác giả: Phạm Hy Lượng - 范熙亮

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Phạm Hy Hưng vào 18/12/2022 09:34

 

Phiên âm

Vạn lý hoang tưu tác trục thần,
Thiên thu di tích tại hồ tân.
Vi phùng Hứa Bá năng tri kỷ,
Thuỳ liệu Trung lang khước ngộ thân.
Văn tự phi do tăng đạt mệnh,
Sơn khê hà hạnh đắc truyền nhân.
Nhi kim Tư Mã di danh xứ,
Cổ Mẫu[1] đàm biên nguyệt tự ngân.

Dịch nghĩa

Làm một kẻ bề tôi bị biến tới nơi hẻo lánh xa xôi,
Dấu vết thiên thu còn mãi bên hồ.
Bởi gặp Hứa Bá nên có thể kết thành tri kỷ,
Ai ngờ chức Trung Lang lại làm hại đến tấm thân.
Chẳng phải bởi văn tự, mà là vì người đời ghét sự thành đạt.
Núi khe nhờ đó mà may mắn được người đời lưu truyền.
Đến nay những nơi quan Tư Mã để lại tên tuổi,
Vằng vặc như vầng trăng bạc bên hồ Cổ Mẫu.

Bản dịch của Trần Lê Văn

Người bề tôi đày nơi đất trích,
Còn bên hồ dấu tích nghìn năm.
Gặp Hứa Bá thành tri âm,
Chức Trung Lang hại đến thân, ai ngờ!
Cũng chẳng tại văn thơ nên thế,
Tại những ai ghen kẻ công thành.
Nơi nào Tư Mã lưu danh,
Còn vằng vặc tựa trang thanh bên hồ.
Nguyên chú: “Tử Hậu sở du lịch khê khâu chư xứ, thổ nhân dĩ Tư Mã danh chi” (Gồm những đồi non, khe suối mà Tử Hậu từng dạo chơi, dân trong vùng gọi ông là Tư Mã).

Tử Hậu là tự của Liễu Tông Nguyên (773-819), nguyên quán ở Hà Đông. Năm Trinh Nguyên 9 (973), ông đỗ khoa Bác học hoành từ, làm quan tới Giám sát ngự chế. Vì tham gia vào nhóm cải cách chính trị do Vương Thúc Văn đề xướng, cuối cùng thất bại nên bị biến làm Tư Mã Vĩnh Châu, thuộc tỉnh Hồ Nam.

[1] Liễu Tông Nguyên có soạn bài Cổ Mẫu đàm ký. Cổ Mẫu có nghĩa đen là chiếc bàn là. Vì hồ có hình giống như chiếc bàn là nên đặt tên hồ là Cổ Mẫu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phạm Hy Lượng » Phỏng Tử Hậu di tích