27/04/2024 04:10Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bộ vận Phan mậu tài “Văn hữu đăng tiểu khoa đề ký” hoạ chi
步韻潘茂才聞友登小科題寄和之

Tác giả: Trần Đình Tân - 陳廷賓

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 14/01/2019 09:52

 

Nguyên tác

笑我貪名別梓鄉,
笑君今日舞衣裳。
高山流水古今韻,
弄笛吹簫前後章。
月點花陰留睡鶴,
晴輝梧樹待棲凰。
新婚遠別兩相好,
煩語家妻歸日將。

Phiên âm

Tiếu ngã tham danh biệt tử hương,
Tiếu quân kim nhật vũ y thường[1].
Cao sơn lưu thuỷ[2] cổ kim vận,
Lộng địch xuy tiêu tiền hậu chương.
Nguyệt điểm hoa âm lưu thuỵ hạc,
Tình huy ngô thụ đãi thê hoàng[3].
Tân hôn viễn biệt lưỡng tương hảo,
Phiền ngữ gia thê quy nhật tương.

Dịch nghĩa

Cười tôi tham danh mà xa quê hương
Cười anh ngày nay múa khúc Nghê thường vũ y
Non cao nước chảy là vần điệu xưa nay
Thổi sáo thổi tiêu có bài trước bài sau
Trăng rọi xuống bóng hoa, nơi ấy có con hạc ngủ
Trời tạnh ráo và sáng sủa, cây ngô đồng đợi chim hoàng về đậu
Anh vui duyên mới còn tôi xa cách quê nhà nhưng cả hai người đều tốt đẹp.
Phiền anh nói cùng vợ tôi rằng ngày tôi về cũng sắp tới

Bản dịch của Đặng Quý Địch

Cười tớ tham danh biệt cố hương
Cười anh giờ lại múa nghê thường
Non cao nước chảy xưa nay điệu
Sáo thổi tiêu hoà sau trước chương
Hạc ngủ hoa râm vừng nguyệt rọi
Hoàng về trời mát nhánh ngô giương
Anh – Tôi vui vẻ. Phiền anh chút:
Cũng sắp về rồi – Nhắn vợ thương.
Phan mậu tài tức tú tài Phan Quế 潘桂.

[1] Dị văn lục: Đêm trung thu, Đường Minh Hoàng được đạo sĩ La Công Viễn làm phép đưa lên chơi cung trăng. Tại đó, bầy tiên nga mặc áo lông hạc và xiêm màu cầu vồng đang múa cạnh cây quế theo điệu nhạc não nùng. Khi về cõi trần, nhà vua nhớ lại vũ khúc này mà chế tác thành điệu múa Nghê thường vũ y (Xiêm màu cầu vồng, áo lông chim).
[2] Theo Liệt tử, Bá Nha gảy đàn nghĩ tới núi cao, Tử Kỳ nghe liền nói: “Nguy nguy hồ! Chí tại cao sơn” (Vòi vọi thay! Chí ở non cao!). Bá Nha gảy đàn nghĩ tới sông rộng, Tử Kỳ nghe liền nói: “Hạo hạo hồ! Chí tại lưu thuỷ!” (Mênh mông thay! Chí tại nước chảy!). Sau bốn chữ “cao sơn lưu thuỷ” nhằm trỏ những bản đàn có âm điệu du dương. Ở nước ta, nhạc cổ có hai bản mang tên Hành vânLưu thuỷ, có làn điệu như mây bay nước chảy, ở đây tác giả có ý muốn nhắc tới hai bản đàn này.
[3] Phượng hoàng là giống chim rất quý hiếm, con trống gọi là phượng, con mái gọi là hoàng. Người xưa cho rằng giống chim này trống mái đi từng cặp, chỉ ăn hạt bông tre, chỉ đậu trên cây ngô đồng (cây vông), chỉ xuất hiện khi nào thiên hạ thái bình! Văn học cổ dùng chúng ví với vợ chồng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Đình Tân » Bộ vận Phan mậu tài “Văn hữu đăng tiểu khoa đề ký” hoạ chi