26/04/2024 05:53Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Diên Hựu tự
延祐寺

Tác giả: Huyền Quang thiền sư - 玄光禪師

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi Vanachi vào 08/04/2006 04:36

 

Nguyên tác

上方秋夜一鐘闌,
月色如波楓樹丹。
鴟吻倒眠方鏡冷,
塔光雙峙玉尖寒。
萬緣不擾城遮俗,
半點無憂眼放寬。
參透是非平等相,
魔宮佛國好生觀。

Phiên âm

Thượng phương thu dạ nhất chung lan,
Nguyệt sắc như ba phong thụ đan.
Si vẫn[1] đảo miên phương kính lãnh,
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.
Vạn duyên bất nhiễu thành già tục,
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan.
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,
Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.

Dịch nghĩa

Đêm thu, trên chùa một tiếng chuông đã tàn,
Ánh trăng như sóng, cây phong lá đỏ.
Bóng “xi vẫn” nằm ngủ ngược dưới mặt hồ như tấm gương vuông lạnh giá,
Hai ngọn tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt.
Muôn vàn nhân duyên không vương vấn là bức thành che niềm tục,
Không lo lắng chút gì nên tầm mắt mở rộng.
Hiểu thấu ý nghĩa của thuyết phải trái đều như nhau,
Thì xem cung ma có khác gì nước Phật!

Bản dịch của Huệ Chi

Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn,
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan.
In ngược hình chim, gương nước lạnh,
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiêu hàn.
Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục,
Một mảy nào lo: rộng nhãn quan.
Thấu hiểu thị phi đều thế cả,
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn.
Diên Hựu tức chùa Một Cột, toạ lạc tại thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay gần phía bên phải lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quận Ba Đình, Hà Nội. Chùa là một công trình độc đáo, xây dựng năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất (1049) đời Lý Thái Tông. Tương truyền, nhà vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, đưa tay dắt nhà vua lên toà trong đặt tượng Phật sắc vàng lấp lánh. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể lại chuyện này, nhà sư Thiền Tuệ khuyên nhà vua nên dựng chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm toà sen của Phật Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng. Nhà vua kén thợ làm theo kiểu ấy. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ toà Phật sắc hồng. Các nhà sư đến các bề tôi làm lễ, đi vòng quanh chùa tụng kinh, cầu chúc nhà vua sống lâu, vì thế đặt tên chùa là chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ). Đời Lý Nhân Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 5 (1080), vua cho đúc chuông lớn để treo trong chùa. Chuông đúc xong, đánh không kêu. Nhà vua cho rằng đã thành khí, không nên tiêu huỷ, bèn đem bỏ ở ruộng, rùa tụ vào đó để sống; người đương thời gọi là Ruộng Rùa, quả chuông đó cũng gọi là chuông Quy Điền.

Khi quân Minh bao vây Đông Quan, Vương Thông đã phá chuông để đúc súng đạn. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu vào các thời Trần, Lê, Nguyễn. Năm 1945, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đặt mìn phá đổ chùa. Ngay sau ngày tiếp quản, Bộ Văn hoá đã cho tu sửa chùa theo đúng kiểu mẫu cũ, và được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá tháng 4-1962. Hiện chùa Một Cột là một trong những di tích lịch sử văn hoá lâu đời và nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.

[1] Còn gọi là “si vĩ”, là hình những con chim, cú, hoặc rồng được khắc hoặc đắp nổi trên nói các đình, chùa. Trên nóc cùa Một Cột ngày nay có hình rồng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Huyền Quang thiền sư » Diên Hựu tự