30/04/2024 00:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Càn hải môn lữ thứ
乾海門旅次

Tác giả: Lê Thánh Tông - 黎聖宗

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 17/05/2012 08:43

 

Nguyên tác

潮頭泛泛綵舟移,
芹海川頭想到時。
一水白攢天暫險,
群山翠聚石屏危。
風濤久醒英宗夢,
香火猶欽聖女祠。
在在衢童歌帝德,
遐荒無處不雍熙。

Phiên âm

Triều đầu phiếm phiếm thải chu di,
Cần Hải xuyên đầu tưởng đáo thì.
Nhất thuỷ bạch toàn thiên tạm hiểm,
Quần sơn thuý tụ thạch bình nguy.
Phong đào cửu tỉnh Anh Tông[1] mộng,
Hương hoả do khâm Thánh Nữ từ[2].
Tại tại cù đồng ca đế đức,
Hà hoang vô xứ bất ung hy.

Dịch nghĩa

Chiếc thuyền hoa lênh đênh lướt trên đầu ngọn thuỷ triều
Nghĩ tới cảnh tượng đầu sông Cần Hải
Dòng nước dồn về trắng xoá, tựa hào trời thật hiểm yếu
Dãy núi tụ màu xanh biếc, như bình phong đá rêu ngất cao
Sóng gió làm ta bừng tỉnh giấc mộng về vua Anh Tông
Khói hương chứng tỏ mọi người còn kính thờ ngôi đền Thánh Nữ
Đó đây vẫn vẳng tiếng trẻ hát ca ngợi công đức nhà vua
Nơi xa xôi hoang vu chỗ nào cũng thái bình yên ổn

Bản dịch của Ngô Linh Ngọc

Thuyền hoa mặt sóng dạo chơi
Đầu sông Cần Hải, nhớ nơi ghé vào
Hào trời xây, sóng bạc gào
Bình phong đá dựng, núi cao trập trùng
Sóng cuồng tỉnh mộng Anh Tông
Ngôi đền Thánh Nữ vẫn nồng khói hương
Ơn vua, tiếng trẻ hát vang
Thái bình cõi vắng, đất hoang cũng mừng
Nguyên chú: Cửa biển Càn, thời Trần kiêng huý đổi là cửa biển Cần. Vua Trần Anh Tông đi nam chinh đóng quân ở đây, đêm mộng thấy một người con gái nói: “Thiếp là Triệu nữ nương tử, bị sóng gió làm chết đuối, vâng mệnh Thượng Đế làm hải thần ở đây đã lâu, nay nghe tin bệ hạ nam chinh, xin nguyện giúp đỡ thánh công”. Hôm sau nhà vua hỏi các bô lão, thì quả là có chuyện như vậy. Sau đó quân nhà vua vượt biển được sóng yên gió lặng. Khi thắng lợi trở về, nhà vua bèn xuống chiếu lập đền thờ, sai quan tới tế lễ. Nay trong Tự điển được phong Thượng đẳng thần, ngày càng linh ứng.

Cần Hải (cửa biển Cần) tức Cửa Cờn, cửa sông Hoàng Mai, xã Phương Cần, thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ngày nay.

[1] Tức vua Trần Anh Tông, vị vua thứ tư nhà Trần, con trai lớn của vua Trần Nhân Tông. Ông sinh năm 1267, mất năm 1320, làm vua 21 năm (1293-1314), thọ 54 tuổi. Ngài cũng là một ông vua giỏi, có công to trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông Nguyên sang xâm lược nước ta và là nhà tu hành quan tâm nghiên cứu đạo Phật, đạt nhiều thành tựu.
[2] Đền Thánh Nữ, còn gọi là đền Cờn, đền Thánh mẫu, thờ Thái hậu họ Dương và nàng công chúa nhà Tống (vợ vua Tống Bính Đế). Khi nhà Tống bị quân Nguyên đánh thua, vua tôi hơn 800 người nhảy xuống biển tự tử. Xác mẹ con bà Thái hậu trôi dạt vào cửa Cờn, sắc mặt vẫn hồng hào như lúc sống, được dân chài bản xã thương xót, lo liệu chôn cất. Từ đó đền rất linh thiêng, thường phù hộ dân chài đi biển đánh cá. Đời vua Trần Anh Tông và Lê Thánh Tông, thần đã âm phù cho nhà vua chiến thắng giặc Chiêm, được nhà vua phong là “Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị Thánh nương”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lê Thánh Tông » Càn hải môn lữ thứ