18/04/2024 17:57Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tam Điệp sơn
三疊山

Tác giả: Nguyễn Văn Tĩnh

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/01/2020 20:08

 

Nguyên tác

此方菜粥至終年,
磽瘠耕居數畝田。
日出汗衣如暑雨,
夜來腹里固空懸。
稅差官索連連日,
征伐殃生滿滿天。
帝業若成江赤血,
深林不免禍災纏。

Phiên âm

Thử phương thái chúc chí chung niên,
Nghiêu tích canh cư sổ mẫu điền.
Nhật xuất hãn y như thử vũ,
Dạ lai phúc lý cố không huyền.
Thuế sai quan sách liên liên nhật,
Chinh phạt[1] ương sinh mãn mãn thiên.
Đế nghiệp nhược thành giang xích huyết,
Thâm lâm bất miễn hoạ tai triền.

Dịch nghĩa

Nhân dân nơi này quanh năm chỉ có cháo rau,
Cày cấy sinh nhai trên vùng đất vài mẫu khô cằn.
Mặt trời lên, ra đồng áo đẫm mồ hôi như gặp cơn mưa mùa hạ làm ướt,
Đêm về trong dạ nhiều khi trống rỗng.
Thế mà thuế sai thì cứ hằng ngày hối thúc,
Còn gặp chinh chiến tàn phá xảy ra ở khắp nơi.
Nghiệp đế nếu thành sự chắc là máu chảy thành sông,
Dầu ẩn vào nơi rừng sâu cũng không tránh khỏi tai hoạ.

Bản dịch của Dương Văn Vượng

Cháo rau lay lứt quanh năm
Cấy cày vài mẫu khô cằn được bao
Đêm về bụng rỗng xôn xao
Ngày ra đồng ruộng mưa rào mồ hôi
Thuế sai cứ thúc đổ hồi
Chiến tranh tàn phá khắp nơi khốn cùng
Nếu như nghiệp đế thành công
Máu thành sông chảy, hang cùng cũng vương
Bài thơ này chép trong Thiên gia thi tuyển của Nguyễn Đức Huy, người xã An Nhân, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

Câu đối ở đền Dâu (thị xã Tam Điệp, Ninh Bình ngày nay) của Lê Đình Tưởng người xã Cao Mật, huyện Kim Bảng (nay là thôn Cao Mật, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Thống thứ 5 (1502), làm quan Phó đô ngự sử: “Sơn biên dư cốt thượng tồn lạc phách hữu lai trú thử; Tang lý cổ từ nhật đại chinh hồn vô xứ khả quy y” (Bên non vượng vụn hãy còn, phách lạc thiêng chăng đây trú được; Trong dâu đền xưa ngay đẹp, hồn bay người lính tới nương thân).

[1] Năm 1589, Trịnh Tùng đánh Mạc Đôn Thượng ở Tam Điệp. Qua các đời vùng này đã xảy ra nhiều chiến tranh tàn hại, chứng tích còn dư rải rác khắp núi rừng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Văn Tĩnh » Tam Điệp sơn