19/04/2024 12:59Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thái Thạch độ
采石渡

Tác giả: Nguyễn Trung Ngạn - 阮忠彥

Thể thơ: Ngũ ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi hongha83 vào 27/03/2020 07:49

 

Nguyên tác

采石乃天塹,
江南舊霸圖。
群山連建業,
一水接蕪湖。
風景愁猶在,
英雄事己無。
六朝興廢事,
攬轡獨長呼。

Phiên âm

Thái Thạch[1] nãi thiên tiệm,
Giang Nam cựu bá đồ.
Quần sơn liên Kiến Nghiệp[2],
Nhất thuỷ tiếp Vu Hồ[3].
Phong cảnh sầu do tại,
Anh hùng sự dĩ vô.
Lục triều[4] hưng phế sự,
Lãm bí độc trường hô.

Dịch nghĩa

Bến Thái Thạch là hào rãnh của trời
Đó là cơ đồ bá chủ thuở xưa ở miền Giang Nam
Các ngọn núi nối nhau đến tận cùng vùng Kiến Nghiệp
Một con sông chạy dài tiếp giáp Vu Hồ
Vẻ u sầu của cảnh vật vẫn còn đây
Mà sự nghiệp anh hùng đã không còn thấy nữa
Bao nhiêu việc hưng phế thời Lục triều
Một mình nắm dây cương mà than dài

Bản dịch của Đoàn Thị Thu Vân

Trường Giang, Thái Thạch còn đây
Giang Nam nghiệp bá một thời nơi đây
Núi liền Kiến Nghiệp chạy dài
Một dòng sông chảy đến nơi Vu Hồ
Cảnh xưa vẫn nét u sầu
Anh hùng sự nghiệp còn đâu trên đời
Lục triều hưng phế đổi dời
Ghì cương hét giữa đất trời mênh mang
[1] Tên ghềnh đá nằm ở phía nam sông Trường Giang thuộc thành phố Mã An Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hình thế nơi đây hiểm trở, hùng tráng. Từ đời Lưỡng Hán về sau là chỗ đất chiến trường tranh giành nhau. Hiện nay trở thành một danh thắng nổi tiếng của Trung Quốc.
[2] Tên gọi của Nam Kinh giai đoạn Đông Ngô, là đô thành của Đông Ngô thời Tam Quốc. Đời Tấn vì tránh tên huý của Mẫn Đế nên đổi tên là Kiến Khang, đời Tuỳ bỏ. Thành cũ nay ở phía nam thành phố Nam Kinh, Trung Quốc.
[3] Còn gọi là Giang Thành, gọi tắt là Vu, hồ ở phía tây nam huyện Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
[4] Sáu triều đại của Trung Quốc trong khoảng từ năm 222 đến năm 589, gồm Đông Ngô, Đông Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần. Sáu triều đại này đều đóng đô ở Kiến Khang (tức Nam Kinh ngày nay).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trung Ngạn » Thái Thạch độ