26/04/2024 08:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồng Nghệ An phú

Tác giả: Lê Hồng Phong

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 01/10/2008 10:27

 

Phiên âm

Hồng Lĩnh cao phong đương bình trướng,
Lam Giang bích thuỷ tự thang trì.
Kỷ thiên niên tuấn kiệt anh nhi,
Tạ thắng địa duy trì Nam chính khí.
Cách vật chất cao đàm phong thuỷ[1],
Bối hoành sơn nhất luỹ tương liên.
Hướng Lam thành Ngư được diện tiền,
Cụ thử hữu thiên nhiên đích thắng cảnh.
Tường tế sát nhân dân phúc hạnh,
Trú, thực, y cứu cánh hà như?
Tô canh điền tạc tỉnh vi tư,
Bị tân khổ vị tự hồ cơ cận.
Tuy sơn thuỷ thủ chi bất tận,
Đãn chủ quyền khả hậu thuỳ chi?
Yếu sinh tồn phấn đấu vi y,
Phi sơn thuỷ tú kỳ chung tuấn kiệt.
Ngô dân chí dưỡng thành thiết huyết,
Lịch sơn hà bách chiết bất hồi.
Bình dân trung đột khởi quần khôi,
Sử cường đạo văn lôi nhi chiến đảm.
Lê Thái Tổ anh hùng quả cảm,
Cứ Lam thành sát tận Ngô Linh.
Vị giang sơn đả đảo bất bình,
Sáng vĩ tích quang vinh Nam quốc sử.
Phan trung liệt[2] Lam Giang hùng cứ,
Tật thanh hô: "Sát tả an lương[3]".
Tuỳ thời khởi nghĩa Cần Vương,
Chí tại cứu phi thường chi quốc nạn.
Thống quan ngã Hồng, Lam dĩ vãng,
Đổ cận kim hùng tráng vô song.
Tô-duy-ai vận động tiền phong,
Khai ngã quốc công nông tân thế kỷ.
Tuy chiến đấu vị năng nhất trí,
Đản thanh danh phong mỹ hoàn cầu.
Phàm phong trào nhất khởi ba đào,
Chung nan miễn thăng cao nhi tạm thoái.
Cách mạng tuy nhất thời thất bại,
Di hạ lai hữu đại giá chi huấn điều:
Bất bình hành phát khởi phong trào,
Khách quan hựu liêu liêu vô điều kiện.
Khởi nghĩa đa tòng các phủ huyện,
Tại tập trung phương diện hư không.
Trí song phương lực lượng bất đồng,
Hựu dĩ Hãm Lam, Hồng vu tiều tuỵ.
Vị phấn đấu giang sơn mỹ lệ,
Yếu Đông Dương nhất trí hưng công.
Đại liên minh toàn quốc công nông,
Phương chấn chỉnh Lam, Hồng chân thắng cảnh.

Dịch nghĩa

Dãy Hồng Lĩnh núi cao làm bức bình phong,
Dải Lam Giang nước biếc tựa như hào nóng.
Hàng mấy ngàn năm các bậc anh hùng hào kiệt,
Dựa vào đất ưu việt này để duy trì chính khí nước Nam.
Lấy vật chất để mà luận bàn kiểu phong thuỷ.
Lưng tựa vào dãy Hoành Sơn làm một thành luỹ nối liền nhau.
Đảo Song Ngư chầu trước mặt thành Lam,
Nơi đây có đầy đủ thắng cảnh thiên nhiên.
Nhưng xét cho tường tận hạnh phúc của nhân dân,
Về nhà ở, cơm ăn, áo mặc ra sao?
Đem sức lực cày ruộng, đào giếng làm ra của cải,
Mà vẫn bị cực khổ bởi vì nghèo đói.
Tuy sông núi của ta của cải là vô tận,
Nhưng giận nỗi chủ quyền thuộc về tay ai?
Muốn sống còn phải dựa vào sức phấn đấu của mình.
Chứ đâu phải non kỳ nước tú chung đúc nên người tuấn kiệt.
Chí dân ta nuôi thành máu thép,
Từng trải non sông hàng trăm lần đổ gẫy cũng không chùn.
Trong bình dân trỗi dậy lớp lớp anh hùng,
Khiến quân giặc cướp nghe sấm vang mà vỡ mật.
Vua Lê Thái Tổ là người anh hùng quả cảm,
Giữ thành Lam giết hết quân Ngô,
Vì non sông mà đánh đổ nỗi bất bình,
Dựng nghiệp lớn làm rạng rỡ lịch sử nước Nam.
Vị trung liệt họ Phan hùng cứ ở sông Lam,
Thét vang khẩu hiệu "Bình tây, sát tả, an lương"
Tuỳ thời khởi nghĩa Cần Vương,
Chí những muốn cứu tai nạn phi thường của nước nhà.
Xem tổng quát cõi Hồng, Lam thuở trước.
Nhìn về gần đây hùng tráng tuyệt vời,
Đi tiền phong trong cuộc vận động Xô-viết
Mở ra kỷ nguyên mới phong trào công nông yêu nước
Dẫu chiến đấu chưa được nhất trí,
Nhưng thanh danh đã vang dội toàn cầu.
Phàm phong trào lúc sóng cồn mới nổi dậy,
Không tránh khỏi có lúc lên cao rồi lại tạm thoái.
Cách mạng tuy một thời bị thất bại,
Để lại sau này một bài học lớn lao:
Bởi phong trào phát động không đều,
Mà điều kiện khách quan cũng xa vời chưa có.
Việc khởi nghĩa chỉ ở mấy phủ, huyện,
Chưa có sự chỉ huy chung ở bên trên,
Cho nên lực lượng hai bên không đồng đều,
Lại chìm đắm Lam, Hồng vào vòng tiều tuỵ.
Để phấn đấu cho một non sông tươi đẹp,
Phải dấy lên phong trào của cả xứ Đông Dương,
Phải có mặt trận liên minh công nông cả nước,
Mới chấn chỉnh được thắng cảnh sông Lam núi Hồng.

Bản dịch của Thạch Can

Hồng Lĩnh non cao làm lá chắn,
Lam Giang nước biếc tựa hào sôi.
Mấy ngàn năm tuấn kiệt anh tài,
Dựa đất vững cõi Nam ngời chính khí.
Lấy vật chất luận bàn hình thế,
Lưng tựa liền thành luỹ Đèo Ngang.
Hòn Ngư chầu trước mặt thành Lam,
Đầy đủ cảnh giang sơn tráng lệ.
Song hạnh phúc nhân dân xem xét kỹ,
Mặc, ở, ăn - Sinh kế ra sao?
Suốt quanh năm cuốc bẫm cày sâu,
Vẫn nghèo đói phải lâm vào cực khổ.
Dẫu của cải non sông ta giầu có,
Nhưng chủ quyền, căm giận ở tay ai!
Muốn sống còn phải phấn đấu không ngơi,
Há sông núi đúc nên người hào kiệt?
Chí dân ta nuôi thành màu sắt,
Trải trăm lần có mất không chùng.
Trong bình dân trỗi dậy lớp lớp anh hùng,
Khiến quân giặc nghe sấm vang mà táng đảm.
Lê Thái Tổ anh hùng quả cảm,
Giữ Lam thành giết sạch quân Ngô.
Vì non sông rửa mối hận thù,
Xây nghiệp lớn điểm tô trang quốc sử.
Phan trung liệt sông Lam hùng cứ,
Tiếng thét vang giết giặc cứu dân lương.
Khắp nơi nơi khởi nghĩa Cần Vương,
Chí những muốn cứu tai ương cho đất nước.
Nhìn tổng quát Hồng, Lam thuở trước,
Đến gần đây hùng tráng vô cùng.
Từ phong trào Xô-viết tiền phong,
Kỷ nguyên mới công nông mở lối.
Tuy chiến đấu chưa thâu về một mối,
Nhưng thanh danh đã vang dội toàn cầu.
Phàm phong trào nổi dậy lúc ban đầu,
Khó tránh khỏi lên cao rồi tạm thoái.
Cách mạng tuy một thời thất bại,
Để lại sau bài học lớn lao:
Bởi phong trào phát động không đều,
Mà điều kiện khách quan cũng xa vời chưa có.
Việc khởi nghĩa chỉ ở nơi huyện, phủ,
Mà bên trên chưa có chủ trương chung.
Nên tương quan lực lượng không đồng,
Lại chìm dắm Lam, Hồng vào vòng tiều tuỵ.
Để phấn đấu cho một giang sơn mĩ lệ.
Cả Đông Dương phải nhất trí hiệp đồng.
Đại liên minh toàn quốc công nông,
Mới chấn chỉnh thắng cảnh Lam, Hồng muôn thuở.

Bài này do Lê Hồng Phong sáng tác lúc bị giam trong tù Côn Đảo năm 1940, trong điều kiện không có giấy bút, sáng tác câu nào đọc câu đó cho đồng chí Nguyễn Tấn Miêng. Đồng chí Nguyễn Tấn Miêng người Bạc Liêu (Nam Bộ), năm 1940 cũng bị đế quốc Pháp bắt, giam chung với đồng chí Lê Hồng Phong ở nhà tù Côn Đảo, sau là cán bộ quân đội. Đồng chí Miêng không biết chữ Hán, nhưng sau hơn 40 năm vẫn nhớ thuộc lòng tường tận. Tháng 8-1984, đồng chí Miêng trong chuyến ra thăm Hà Nội đã đọc lại cho cụ Thạch Can để chép lại theo nguyên văn bằng chữ Hán và dịch ra quốc văn theo đúng với nguyên thể, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1/1985.
[1] Xưa để chỉ kiểu đất địa lý. Vùng Nghệ An xưa thường lưu truyền là có kiểu đất quý, hình thế sông núi có hình hổ, voi, rồng, phượng... Ngoài biển trước sông Cấm (cửa Hội) lại có 2 hòn đảo gọi là hòn Ngư chầu vào. Nghệ Tĩnh xưa có câu sấm truyền "Song Ngư đáo địa, Nghi Lộc vi vương" (đảo Song Ngư liền đến đất, Nghi Lộc làm vua). Ở đây, ý tác giả là đứng về duy vật mà bàn về hình thế sông núi: đây là nơi hiểm yếu và thắng cảnh.
[2] Tức Phan Đình Phùng.
[3] "Bình tây, sát tả, an lương" là khẩu hiệu của phong trào Cần Vương lúc đó, có nghĩa là "Dẹp giặc Tây, giết tả đạo, yên lương dân".

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lê Hồng Phong » Hồng Nghệ An phú