28/03/2024 18:17Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Mưa xuân (I)

Tác giả: Nguyễn Bính - Nguyễn Trọng Bính

Thể thơ: Thơ mới bảy chữ; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Vanachi vào 24/06/2005 02:01

 

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Em xin phép mẹ vội vàng đi,
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe.
Mưa nhỏ[1] nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng[2].

Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya[3].

Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.[4]

          *

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ,
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng hát tối nay?
1936

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

[1] Có bản in là “Mưa bụi”.
[2] Chữ này có bản chép là “nhỡ nhàng” hoặc “lỡ làng”. Thực ra, ba chữ ấy không hoàn toàn tương đương nhau. Bẽ bàng là thái độ (hổ thẹn), lỡ làng là cảnh ngộ (bất đạt, bất thành một cách ngang trái, hẩm hiu). Về từ nguyên, có thể lỡ làng và nhỡ nhàng cùng gốc nghĩa. Nhưng sắc thái khác nhau gần đây có phần rõ ra: về biểu thái - lỡ làng nặng, còn nhỡ nhàng nhẹ hơn, về biểu niệm - chữ trước như là “thể hoàn thành”, nghiêng về nghĩa hoàn kết, chữ sau như là “thể chưa hoàn thành”, nghiêng về nghĩa sơ chớm. Trong tình cảnh của cô gái mới lỡ một cuộc hẹn này, chữ nhỡ nhàng nghe phải hơn chăng? Nhỡ nhàng đây sẽ là khởi đầu cho những lỡ làng về sau.
[3] Có bản in là “Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya”.
[4] Khổ thơ này có ở bản in lần đầu trong tập Lỡ bước sang ngang (NXB Lê Cường, 1940), nhưng đã được tác giả bỏ đi trong những lần in sau cho hàm súc hơn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bính » Mưa xuân (I)