27/04/2024 00:59Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhâm Thân khoa tiến sĩ đề danh ký
壬申科進士題名記

Tác giả: Nhữ Đình Toản - 汝廷瓚

Thể thơ: Tản văn; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 04/07/2020 00:34

 

Nguyên tác

皇朝中興十四葉也,袞海底寧,鴻圖增固。

欽奉:皇上泰符凝命乾德体。元寔賴大元帥統國政尚師明王昭武成功賁文立治。壬申冬會試天下貢士。都督僉事致仕起復五老榮郡公鄧廷著題調,入侍陪從副都御史寶嶺侯陳名寧權知貢舉,陪從翰林院承旨道派伯楊公澍監試。上肆場合格黎貴惇等六名。十二月殿試,賜黎貴惇等及笫出身有差。申命書石以傳永久。

皇黎景興十四年仲春節位。

賜丙辰科進士入侍陪從刑部左侍郎知翰林院事播澤侯汝廷瓚奉敕撰。

參從少保五老戶部尚書兼東閣校書喬郡公阮公寀奉敕潤。

Phiên âm

Hoàng triều trung hưng thập tứ diệp[1] dã, cổn hải để ninh, hồng đồ tăng cố.

Khâm phụng: Hoàng thượng Thái phù ngưng mệnh Càn đức thể. Nguyên tẩm lại Đại nguyên suý Thống quốc chính Thượng sư Minh vương chiêu vũ thành công, bí văn lập trị. Nhâm Thân đông hội thí thiên hạ cống sĩ. Đô đốc Thiêm sự trí sĩ khởi phục ngũ lão Vinh quận công Đặng Đình Trứ Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Phó đô ngự sử Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh quyền Tri cống cử, Bồi tụng Hàn lâm viện Thừa chỉ Đạo Phái bá Dương Công Chú Giám thí. Thượng tứ trường hợp cách Lê Quý Đôn đẳng lục danh. Thập nhị nguyệt điện thí, tứ Lê Quý Đôn đẳng cập chỉ xuất thân hữu sai. Thân mệnh thư thạch dĩ truyền vĩnh cửu.

Hoàng Lê Cảnh Hưng thập tứ niên trọng xuân tiết vị.

Tứ Bính Thìn khoa tiến sĩ Nhập thị Bồi tụng Hình bộ Tả thị lang Tri Hàn lâm viện sự Bá Trạch hầu Nhữ Đình Toản phụng sắc soạn.

Tham tụng Thiếu bảo ngũ lão Hộ bộ Thượng thư kiêm Đông các Hiệu thư Kiều quận công Nguyễn Công Thái phụng sắc nhuận.

Bản dịch của (Không rõ)

Hoàng triều trung hưng đã được 14 đời, bốn biển yên bình, cơ đồ càng thêm vững chắc.

Kính vâng: Hoàng thượng quẻ Thái lập mệnh, đức Kiền giữ ngôi. Thực nhờ Đại nguyên suý Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương sáng công uy vũ, văn trị sáng ngời. Mùa đông năm Nhâm Thân thi hội cho các cống sĩ trong nước. Đô đốc Thiêm sự trí sĩ khởi phục ngũ lão Vinh quận công Đặng Đình Trứ làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Phó đô ngự sử Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh làm quyền Tri cống cử, Bồi tụng Hàn lâm viện Thừa chỉ Đạo Phái bá Dương Công Chú làm Giám thí. Qua bốn trường, lấy trúng cách bọn Lê Quý Đôn 6 người. Tháng 12 điện thí, ban cho bọn Lê Quý Đôn đỗ cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc tên lên đá để truyền tới lâu dài.

Bia dựng tháng hai niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 14 (1753).

Tiến sĩ khoa Bính Thìn, Nhập thị Bồi tụng Hình bộ Tả thị lang Tri Hàn lâm viện sự Bá Trạch hầu Nhữ Đình Toản vâng sắc soạn.

Tham tụng Thiếu bảo ngũ lão Thượng thư Bộ hộ kiêm Đông các Hiệu thư Kiều quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.
Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) do Nhữ Đình Toản soạn, lập niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753). Viện Hán Nôm công bố.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:
- Lê Quý Đôn[2] 黎貴惇 người xã Diên Hà huyện Diên Hà, Nho sinh trúng thức.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
- Đoàn Nguyễn Thục[3] 段阮俶 người xã Hải Yên huyện Quỳnh Côi, Nho sinh trúng thức, nguyên quán xã Đại Hạnh huyện Văn Giang, vốn họ Nguyễn, tên cũ là Đoàn Duy Tĩnh.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 4 người:
- Nghiêm Vũ Đăng[4] 嚴武璒 người xã Kỳ Nhai huyện Thanh Lan, Sinh đồ, tên cũ là Nghiêm Vũ Chiêu.
- Nguyễn Diêu[5] 阮瑤 người xã Hoàng Xá huyện Thư Trì, Giám sinh, tên cũ là Nguyễn Xuân Huyên.
- Tạ Đình Hoán[6] 謝廷瑍 người xã Đại Định huyện Thanh Oai, Giám sinh.
- Nguyễn Xuân Huy[7] 阮春暉 người xã Quy Đông huyện Lương Tài, Tri phủ.

[1] Nhà Lê trung hưng từ Lê Trang Tông (1533-1548) đến Lê Ý Tông (1735-1740) sát trước đời Cảnh Hưng là 14 đời vua.
[2] Lê Quý Đôn (1726-1784) hiệu Quế Đường, tự Doãn Hậu, người xã Diên Hoà, huyện Diên Hà (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), con của Lê Trọng Thứ và giữ các chức quan như: Thừa chỉ, tước Dĩnh Thành bá; thăng đến chức Nhập thị Bồi tụng, Tả thị lang Bộ hộ, tước Dĩnh Thành hầu; rồi bị giáng làm Thị lang Bộ lễ, lại được bổ các chức Tham thị kiêm Trấn thủ xứ Thuận Quảng, Tả thị lang Bộ hộ, Đô ngự sử, Tả hiệu điểm quyền Phủ sự, tước Nghĩa Phái hầu, Hiệp trấn Nghệ An và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ công, gia tước cho ông là Dĩnh quận công. Sinh thời Lê Quý Đôn có nhiều công trình nghiên cứu biên soạn, sáng tác nổi tiếng, học vấn văn chương của ông được cả người Trung Quốc và sứ thần Triều Tiên ca ngợi.
[3] Đoàn Nguyễn Thục (1728-1783) người xã Hải An, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), nguyên quán xã Đại Hạnh, huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan như Thống lĩnh Tây đạo, Phó đô ngự sử, Đốc thị Nghệ An, tước bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Ông vốn họ Nguyễn, tên cũ là Đoàn Duy Tĩnh.
[4] Nghiêm Vũ Đăng (1730-?) người xã Kỳ Nhai, huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế. Ông vốn tên là Nghiêm Vũ Chiêu.
[5] Nguyễn Diêu (1728-?) người xã Hoàng Xá, huyện Thư Trì (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ, Thư Xuyên bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu thị lang. Ông vốn tên là Nguyễn Xuân Huyên.
[6] Tạ Đình Hoán (1723-?) người xã Đại Định, huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Cấp sự trung, Đốc đồng Tuyên Quang, tước Hoàng Khê bá.
[7] Nguyễn Xuân Huy (1704-?) người xã Quy Đông, huyện Lang Tài (nay thuộc xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Tri phủ, sau làm quan Đô cấp sự trung, Đốc đồng trấn Sơn Nam.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nhữ Đình Toản » Nhâm Thân khoa tiến sĩ đề danh ký