25/04/2024 15:11Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bổ xà giả thuyết
捕蛇者說

Tác giả: Liễu Tông Nguyên - 柳宗元

Thể thơ: Tản văn; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Trung Đường
Đăng bởi Vanachi vào 25/04/2007 17:54

 

Nguyên tác

永州之野產異蛇:
黑質而白章,
觸草木盡死;
以齧人, 無禦之者。
然得而腊之以為餌,
可以已大風、攣踠、瘻癘,
去死肌,殺三蟲。
其始太醫以王命聚之,
歲賦其二;
募有能捕之者,當其租入。
永州之人爭奔走焉。

有蔣氏者,專其利三世矣。
問之,則曰:
《吾祖死於是, 吾父死於是,
今吾嗣為之十二年,幾死者數矣。》
言之貌若甚戚者。
余悲之,且曰:
《若毒之乎? 余將告於莅事者,
更若役,復若賦,則如何?》
蔣氏大慼, 汪然出涕, 曰:
《君將哀而生之乎?
則吾斯役之不幸,
未若復吾賦不幸之甚也。
嚮吾不為斯役,則久已病矣。
自吾氏三世居是鄉,積於今六十歲矣。
而鄉鄰之生日蹙,
殫其地之出,竭其廬之入。
號呼而轉徙, 餓渴而頓踣。
觸風 雨, 犯寒暑,
呼噓毒癘, 往往而死者, 相藉也。
曩與吾祖居者,
今其室十無一焉。
與吾父居者,
今其室十無二三焉。
與吾居十二年者,
今其室十無四五焉。
非死即徙爾,
而吾以捕蛇獨存。
悍吏之來吾鄉,
叫囂乎東西, 隳突乎南北;
譁然而駭者, 雖雞狗不得寧焉。
吾恂恂而起,
視其缶, 而吾蛇尚存,
則弛然臥。
謹食之, 時而獻 焉。
退而甘食其土之有, 以盡吾齒。
蓋一歲之犯死者二焉,
其餘則熙熙而樂,
豈若吾鄉鄰之旦旦有是哉。
今雖死于此,
比吾鄉鄰之死則已後矣,
又安敢毒耶?》

余聞 而愈悲,
孔子曰:《苛政猛於虎也!》
吾嘗疑乎是,
今以蔣氏觀之, 猶信。
嗚呼!孰知賦斂之毒,
有甚於是蛇者乎!
故為之說,
以俟夫觀人風者得焉。

Phiên âm

Vĩnh Châu chi dã sản dị xà:
Hắc chất nhi bạch chương,
Xúc thảo mộc tận tử;
Dĩ khiết nhân vô ngự chi giả.
Nhiên đắc nhi lạp chi dĩ vi nhị,
Khả dĩ dĩ đại phong, luyên uyển, lâu lệ
Khứ tử cơ, sát tam trùng.
Kỳ thuỷ thái y dĩ vương mệnh tụ chi,
Tuế phú kỳ nhị;
Mộ hữu năng bổ chi giả, đương kỳ tô nhập.
Vĩnh Châu chi nhân tranh bôn tẩu yên.

Hữu Tưởng thị giả, chuyên kỳ lợi tam thế hĩ.
Vấn chi, tắc viết:
“Ngô tổ tử ư thị, ngô phụ tử ư thị.
Kim ngô tự vi chi thập nhị niên, cơ tử giả sổ hĩ.”
Ngôn chi mạo nhược thậm thích giả.
Dư bi chi, thả viết:
“Nhược độc chi hồ? Dư tương cáo ư lị sự giả,
Cánh nhược dịch, phục nhược phú, tắc như hà?
Tưởng thị đại thích, uông nhiên xuất thế, viết:
“Quân tương ai nhi sinh chi hồ?
Tắc ngô tư dịch chi bất hạnh,
Vị nhược phục ngô phú bất hạnh chi thậm dã.
Hướng ngô bất vi tư dịch, tắc cửu dĩ bệnh hĩ.
Tự ngô thị tam thế cư thị hương, tích ư kim lục thập tuế hĩ.
Nhi hương lân chi sinh nhật túc,
Đàn kỳ địa chi xuất, kiệt kỳ lư chi nhập.
Hào hô nhi chuyển tỉ, ngạ khát nhi đốn phấu.
Xúc phong vũ, phạm hàn thử,
Hô hư độc lệ, vãng vãng nhi tử giả, tương tạ dã.
Nãng dữ ngô tổ cư giả,
Kim kỳ thất thập vô nhất yên.
Dữ ngô phụ cư giả,
Kim kỳ thất thập vô nhị tam yên.
Dữ ngô cư thập nhị niên giả,
Kim kỳ thất thập vô tứ ngũ yên.
Phi tử tức tỉ nhĩ
Nhi ngô dĩ bổ xà độc tồn.
Hãn lại chi lai ngô hương,
Khiếu hiêu hồ đông tây, huy đột hồ nam bắc.
Hoa nhiên nhi hãi giả, tuy kê cẩu bất đắc ninh yên.
Ngô tuân tuân nhi khởi,
Thị kỳ phẫu, nhi ngô xà thượng tồn,
Tắc thỉ nhiên ngoạ.
Cẩn tự chi, thời nhi hiến yên.
Thoái nhi cam thực kỳ thổ chi hữu, dĩ tận ngô xỉ.
Cái nhất tuế chi phạm tử giả nhị yên,
Kỳ dư tắc hi hi nhi lạc,
Khởi nhược ngô hương lân chi đán đán hữu thị tai.
Kim tuy tử vu thử,
Tỉ ngô hương lân chi tử tắc dĩ hậu hĩ,
Hựu an cảm độc da?”

Dư văn nhi dũ bi,
Khổng Tử viết: “Hà chính mãnh ư hổ dã!”
Ngô thường nghi hồ thị,
Kim dĩ Tưởng thị quan chi, do tín.
Ô hô! Thục tri phú liễm chi độc,
Hữu thậm ư thị xà giả hồ!
Cố vi chi thuyết,
Dĩ sĩ phù quan nhân phong giả đắc yên.

Bản dịch của Trương Củng @vnthuquan.net

Đồng Vĩnh Châu có giống rắn lạ,
Thân đen vằn trắng,
Bò ngang cũng làm héo cỏ cây;
Cắn phải người, vô phương cứu chữa.
Vậy mà thịt sả làm khô thì ăn nên thuốc,
Trừ được đại phong, loan uyển, lâu lệ.
Cứu được bệnh hiểm, diệt được ung sang.
Trước thái y phụng mạng thâu liễm,
Lệ mỗi năm trưng nạp hai lần,
Kén người bắt rắn, cho miễn thuế thân.
Dân Vĩnh Châu tranh nhau theo nghiệp ấy.

Có nhà họ Tưởng kia, nghề truyền đã ba đời.
Hỏi ra thì đáp:
"Ông tôi chết vì nó, cha tôi cũng chết vì nó.
Còn tôi nối nghiệp kể đã mười hai năm, mà đã mấy lần vào sanh ra tử."
Đáp lời ta mà mặt chừng đau đớn lắm.
Ta chạnh lòng mới bảo:
"Thật độc lắm thay,
Hãy để ta riêng cáo việc ngươi cùng ty lại,
Bỏ sưu dịch, trở lại nạp thuế, nên chăng?"
Họ Tưởng hốt hoảng, nước mắt ròng ròng:
"Ngài vì thương tôi mà muốn cứu tôi,
Dẫu việc sưu dịch có là điều bất hạnh,
Song bỏ sưu mà nạp thuế thì tôi càng bất hạnh hơn.
Nếu không bắt rắn, tôi hẳn khốn đốn lâu rồi,
Nhà tôi ba đời ở đây kể đã sáu mươi năm.
Mà xóm làng sinh nhai cùng cực,
Thuế nặng sưu cao, vét đất bòn nhà chẳng đủ.
Cùng nhau bỏ đi, đói khát ngã dọc đường,
Đội mưa gió, nhiễm nóng lạnh,
Ốm thoi thóp, nối nhau mà chết.
Trước cùng ở với ông tôi,
Nay mười nhà không còn một;
Cùng ở với cha tôi,
Nay mười nhà còn chẳng được đôi ba;
Cùng ở với tôi mười hai năm trước,
Nay mười nhà còn chưa được bốn năm.
Nếu không chết cũng bỏ đi,
Chỉ có tôi nhờ bắt rắn mà sống đến giờ.
Kẻ lại dữ đến làng,
Hạch sách đầu trên xóm dưới, tra khảo trong nhà ngoài ngõ.
Người người hớt hải run sợ, đến gà chó cũng chẳng yên.
Tôi ren rén sẽ dậy,
Hé hũ dòm, thấy rắn vẫn còn,
Mới yên dạ đi nằm.
Cẩn trọng nuôi ăn, đợi hồi dâng nạp.
Còn mình thì cào bới đất vườn,
Được chi ăn nấy, qua ngày cho hết kiếp.
Thế mỗi năm chỉ liều chết hai lần,
Còn kỳ dư sống hớn hở yên vui,
Há có như xóm giềng ngày ngày chịu khổ.
Nay có vì vậy mà chết,
So với người cũng còn hậu hĩ hơn,
Sao lại cho là độc?"

Ta nghe mà bi thương...
Khổng Tử xưa nói: "Chính trị hà khắc độc hơn hổ dữ."
Ta vốn thường vẫn ngờ,
Nay, nhân chuyện họ Tưởng mà tin.
Than ôi! Thế mới biết sưu thuế là độc,
So ra rắn nọ chẳng bằng.
Nay xin chép lại chuyện này,
Mong người xem xét dân tình thấy ra.
Năm 30 tuổi, Liễu Tông Nguyên được tể tướng bấy giờ là Vương Thúc Văn để ý đến văn tài, cho thăng chức Lễ bộ viên ngoại lang. Vương Thúc Văn ý muốn liên kết các nhân tài trong triều như Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích, Lữ Ôn tiến hành cải cách triều đình, trừ khử hoạn quan đang lộng quyền. Chẳng may vua Đức Tông bệnh nặng, nhường ngôi cho em là Hiến Tông, nhân đó hoạn quan khôi phục quyền bính, Vương Thúc Văn cùng đồng bạn bị biếm trích đi xa. Liễu Tông Nguyên bị giáng làm Tư mã ở Vĩnh Châu, tức địa phận tỉnh Hồ Nam hiện nay. Ở đây nhân thấy dân chúng khổ sở vì sưu cao thuế nặng, lại có người liều mình đi bắt rắn độc để được miễn thuế thân, nên ông làm bài Bổ xà giả thuyết này. Liễu Tông Nguyên ở Vĩnh Châu được 10 năm; sau đó, năm 815, được bổ làm Thứ sử Liễu Châu. Ông mất ở Liễu Châu vào năm 819.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Liễu Tông Nguyên » Bổ xà giả thuyết