29/03/2024 12:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Độc Hoàng Lỗ Trực thi
讀黃魯直詩

Tác giả: Trương Lỗi - 張耒

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Bắc Tống, Liêu
Đăng bởi tôn tiền tử vào 27/09/2018 01:33

 

Nguyên tác

江南宿草一荒丘,
試讀遺編涕不收。
不踐前人舊行跡,
獨惊斯世擅風流。
一尊華髮江邊客,
萬里黃茅嶺外州。
虎豹磨牙九關邃,
重華可訴且南游。

Phiên âm

Giang Nam túc thảo nhất hoang khâu[1],
Thí độc di biên thế bất thu.
Bất tiễn tiền nhân cựu hành tích,
Độc kinh tư thế thiện phong lưu.[2]
Nhất tôn hoa phát giang biên khách,
Vạn lý hoàng mao Lĩnh ngoại châu.[3]
Hổ báo ma nha cửu quan thuý[4],
Trùng Hoa[5] thả tố khả nam du.

Dịch nghĩa

Một nấm cỏ hoang ở Giang Nam
Đem đọc sách ông không cầm nổi lệ
Không theo vết cũ xưa từng bước
Đời nay sững sờ những gì ông mở mang
Mái tóc bạc, thân khách ở bên sông
Vạn dặm cỏ tranh úa ở miền Lĩnh ngoại
Hổ báo mài răng chín tầng cửa sâu thẳm
Hãy về nam đem kể lại với Trùng Hoa

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Cỏ áy Giang Nam một nấm hoang
Thơ ông đem đọc lệ khôn ngừng
Không theo vết cũ câu gò bó
Còn để đời nay tứ mở mang
Thân khách bên sông màu tóc bạc
Dặm trường lĩnh ngoại cỏ tranh vàng
Cọp beo chín cửa mài răng sắc
Nam gặp Trùng Hoa cáo rõ ràng
Bài này tuyển từ Kha Sơn tập quyển 18, bản Tứ khố toàn thư. Trương Lỗi với Hoàng Đình Kiên (Lỗ Trực) cùng trong nhóm “Tô môn tứ học sĩ”, cùng bị cuốn vào đảng tranh mới và cũ, trải qua biếm trích, nên ông hiểu thấu đáo thơ ca cũng như nỗi gian truân trên đường làm quan của Hoàng.

[1] Năm Sùng Ninh thứ 2, Hoàng Đình Kiên vì tội “hạnh tai báng quốc” (nhân thiên tai phỉ báng nhà nước) bị đầy đến Tuyên Châu (nay là Nghi Sơn, Quảng Tây). Sau bốn năm ốm chết, không một thân thích ở bên, nhờ có bạn lo cho việc tang sự, sau dời quan tài về táng bên mộ tổ. Câu này nêu lên nỗi thê lương về thân hậu của Hoàng.
[2] Hai câu này bình về thành tựu thi ca của Hoàng. Thơ Hoàng Đình Kiên “Dĩ tục vi nhã, dĩ cố vi tân” (Lấy tục làm thanh nhã, lấy cũ làm mới), không trau truốt, có góc cạnh sần sùi, dùng điển cũ để thể hiện nội dung, có ảnh hưởng rất lớn.
[3] Nhớ lại cảnh huống trước đây. Tác giả tự chú: “Năm Tân Tỵ, Lỗ Trực gặp ta trên sông Hoàng Châu”. Bấy giờ là năm đầu Kiến Trung Tĩnh Quốc, hoàng thái hậu họ Hướng nghe chính sự, nhân vật đảng cũ lại được khởi dụng. Hoàng Đình Kiên sau khi bị biếm ở Kiềm Châu (nay là Bành Thuỷ, Tứ Xuyên), Nhung Châu (nay là Nghi Tân, Tứ Xuyên), sau sáu năm cũng được vời về kinh, trên đường Hoàng Châu gặp tác giả. Lĩnh ngoại chỉ khu vực phía nam mạch núi Ngũ Lĩnh, bao gồm khu vực Quảng Đông, Quảng Tây.
[4] Sở từ - Chiêu hồn: “Hổ báo cửu quan, trác hại hạ nhân ta”. “Cửu quan” tức “cửu hôn”, hay “cửu thiên chi hôn”, thường dùng để chỉ cửa cung của đế vương. Ý câu này là cửa cung vua sâu thẳm, bọn gian nịnh hoành hành ngăn trở, khiến vua không nắm được sự thực. Chỉ Thái Kinh cầm quyền, đả kích đảng cũ.
[5] Tên vua Thuấn, nam tuần không trở về, mộ để ở cánh đồng Thương Ngô. Sau khi Hoàng Đình Kiên gặp Trương Lỗi không lâu, lại bị biếm về Nghi Châu. Đường xuống nam đi quang hồ Động Đình, Linh Lăng, chính là con đường vua Thuấn nam tuần. Nên câu này ý nói thời bấy giờ có oan không nơi để kêu, chỉ có thể cáo với bậc vua hiền là Đế Thuấn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trương Lỗi » Độc Hoàng Lỗ Trực thi