26/04/2024 11:40Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lương Phủ ngâm (Bộ xuất Tề thành môn)
梁父吟(步出齊城門)

Tác giả: Gia Cát Lượng - 諸葛亮

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Tam Quốc
Đăng bởi Vanachi vào 05/08/2008 15:10

 

Nguyên tác

步出齊城門,
遙望蕩陰里。
里中有三墳,
累累正相似。
問是誰家冢,
田疆古冶子。
力能排南山,
文能絕地理。
一朝被讒言,
二桃殺三士。
誰能為此謀,
國相齊晏子。

Phiên âm

Bộ xuất Tề thành[1] môn,
Dao vọng Đãng Âm[2] lý.
Lý trung hữu tam phần,
Luỹ luỹ chính tương tự.
Vấn thị thuỳ gia trủng?
Điền Cương, Cổ Dã Tử.
Lực năng bài Nam sơn[3],
Văn năng tuyệt địa lý.
Nhất triêu bị sàm ngôn,
Nhị đào sát tam sĩ.
Thuỳ năng vi thử mưu?
Quốc tướng Tề Án tử.

Dịch nghĩa

Đi bộ ra ngoài cổng đô thành nước Tề,
Từ xa nhìn về làng Đãng Âm.
Ở trong làng có ba ngôi mộ,
Giống nhau tựa như xếp chồng lên nhau.
Hỏi là mộ của ai vậy?
(Trả lời) Là mộ của Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử (và Công Tôn Tiếp).
Tài võ của họ có thể lật đổ núi Nam,
Tài văn của họ có thể xoay chuyển đất trời.
Nhưng một sớm bị lời sàm ngôn,
Hai trái đào đã giết chết ba dũng sĩ.
Ai là người có thể nghĩ ra mưu kế đó?
Là tướng quốc Án Bình Trọng của nước Tề.

Bản dịch của Nham Doanh Doanh @www.maihoatrang.com

Ra khỏi cửa thành Tề đi bộ
Dõi nhìn làng lấp ló xa mờ
Giữa làng trơ trọi ba mồ
Giống nhau tưởng đã đắp gò chồng lên
Hỏi: nằm đó tuổi tên ai nhỉ ?
Điền, Cổ, Cương, đích thị ba ngài
Núi Nam lật đổ, hùng tài
Văn chương âu cũng chuyển xoay đất trời
Một khoảnh khắc nghe lời nói dại
Hai trái đào giết hại cả ba
Mưu thâm kế hiểm ai mà ?
Án Tề tướng quốc thì ra là người
Lương Phủ ngâm 梁父吟 hay 梁甫吟, là một đề mục trong nhạc phủ, được Nhạc phủ thi tập xếp vào phần Sở điệu khúc thuộc Tương hoạ ca từ. Lương Phủ là một ngọn núi nhỏ ở chân núi Thái Sơn, xưa là nơi chôn người chết, vì thế đây cũng là những khúc táng ca. Bài này tuy cũng nhắc tới mộ phần, nhưng nội dung chính chủ yếu là vịnh sử. Nhạc phủ chính nghị giải thích bài này tỏ lòng tiếc thương của người quân tử trước việc kẻ sĩ vô tội bị giết, như nghe bài Hoàng điểu (Kinh thi), nên người đời sau dùng làm táng ca.

Theo các ghi chép còn lại, đây là một bài phong dao lưu truyền ở đất Tề (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), có khả năng do Gia Cát Lượng sáng tác, tuy đến nay khó còn điều kiện khảo chứng nhưng có một số căn cứ. Thời Hán, dưới chân núi Lương Phủ từng có huyện Lương Phủ, cha của Gia Cát Lượng là Gia Cát Khuê 諸葛珪 từng nhậm Lương Phủ uý, cho thấy sự liên quan tới đề mục bài thơ. Tam Quốc chí chỉ nhắc việc Gia Cát Lượng làm bài Lương Phủ ngâm nhưng không chép nội dung, rất có thể chính là bài thơ này. Ngoài ra, bộ Tam Quốc diễn nghĩa cũng nhắc việc Gia Cát Lượng làm bài Lương Phủ ngâm nhưng nội dung lại hoàn toàn khác bài ở đây và không thấy được chép trong sách nào khác, nhiều khả năng bài đó do chính tác giả La Quán Trung sáng tác.

Về tích nói tới trong bài thơ, thời Xuân Thu, nước Tề có ba dũng sĩ là Điền Khai Cương 田開疆, Cổ Dã Tử 古冶子 và Công Tôn Tiếp 公孫接. Án Anh 晏嬰 tự Bình Trọng 平仲, làm đến chức tướng quốc, là một người tài nhưng hơi hẹp lượng, khuyên Tề Cảnh Công trừ đi. Án tử đưa ra hai trái đào và nói với ba người là ai có công thì hãy lấy mà ăn. Công Tôn Tiếp nói: “Ta là người chỉ một quyền đánh chết lợn rừng, hổ, xứng đáng ăn đào”. Điền Khai Cương nói: “Ta đã từng dùng phục binh đuổi địch, công lao đó cũng xứng đáng ăn đào”. Cổ Dã Tử nói: “Ta theo vua đến sông Hoàng Hà, có con rùa lớn xuất hiện bắt mất ngựa của vua, ta giết rùa, một tay kéo đuôi ngựa mang về cho vua, con rùa đó chính là Hà Bá thần sông Hoàng Hà”. Hai người Công Tôn Tiếp, Điền Khai Cương thấy công mình không bằng Cổ Dã Tử mà lại đòi ăn đào nên tự thẹn với lòng tự vẫn mà chết. Cổ Dã Tử thấy hai người kia đã chết mà mình vẫn sống thì là bất nhân, sỉ nhục người ta đề lấy danh tiếng là bất nghĩa, nên cũng tự vẫn chết theo.

[1] Tức Lâm Truy, kinh đô xưa của nước Tề.
[2] Tên một ngôi làng, do nằm phía nam sông Đãng nên có tên như vậy. Nay là huyện Thang Âm 湯陰.
[3] Chỉ Ngưu sơn, hay Ngưu Đẩu sơn, ở phía nam thành nước Tề.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Gia Cát Lượng » Lương Phủ ngâm (Bộ xuất Tề thành môn)