26/04/2024 06:48Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhất phiến
一片

Tác giả: Lý Thương Ẩn - 李商隱

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi Diệp Y Như vào 16/06/2010 02:34

 

Nguyên tác

一片瓊英價動天,
連城十二昔虛傳。
良工巧費真為累,
楮葉成來不值錢。

Phiên âm

Nhất phiến quỳnh anh giá động thiên,
Liên thành thập nhị tích hư truyền[1].
Lương công xảo phí chân vi luỵ,
Chử diệp[2] thành lai bất trị tiền.

Dịch nghĩa

Một khối ngọc quỳnh giá động trời,
Chuyện xưa đem mười hai thành đổi lấy viên ngọc chỉ là hư truyền.
Người thợ lành nghề khéo léo mài giũa, thật nhọc công phí sức,
Mài xong lá ngọc chẳng đáng bao nhiêu tiền.

Bản dịch của Lê Quang Trường

Rực rỡ ngọc quỳnh giá động thiên,
Đem thành đổi ngọc chuyện hư truyền.
Thợ lành mài giũa nhọc công sức,
Lá dó mài xong chẳng đáng tiền.
Về chủ ý bài thơ này, xưa nay có nhiều thuyết. Phùng Hạo đời Thanh trong Ngọc Khê Sinh thi tập tiên chú nói: “Đây là lời tự than thở lúc nhà thơ chưa đỗ đạt”. Nói như vậy cũng có lý của nó, bởi vì tác giả sớm nổi danh về văn chương, “xuất hiện giữa chư công”, vì thế khi thi tiến sĩ mấy lần gặp phải sự ganh ghét của bọn quyền quý nên bị đánh rớt. Điều mà Phùng Hạo nói “lời tự thở than” chính là điều ấy.

Thực ra, bài thơ này tả không được hàm súc mà là một bài thơ “luận về thơ văn” của tác giả tự bàn về thơ văn của mình. Vương Đạt Tân trong Lý Thương Ẩn thi tạp khảo nói tác giả “tuy chuộng đối ngẫu, dùng điển cố, nhưng ông luôn chủ trương lấy tự nhiên làm cơ sở, ông từng nói một khối ngọc hoàn mỹ hơn là ngọc bích đáng giá liên thành, nếu cứ uổng phí tâm ức mà mài giũa tạo thành những chiếc lá dó chi li vụn vặt chỉ phá hoạt sự hoàn mỹ của khối ngọc thôi”. Diệp Thông Kỳ tiên sinh cũng có kiến giải như thế trong Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú. Ông còn viện dẫn cả bài tựa Phàn Nam giáp tậpPhàn Nam ất tập, nói rằng nỗi khổ tâm của Lý Thương Ẩn là các loại “văn tứ lục” do ông thảo tấu “chưa đủ để khoe khoang”, “chết cũng không đủ để nổi danh”. Bài thơ này biểu hiện quan niệm về văn học của tác giả, ông chủ trương giãi bày tính linh, chuộng vẻ đẹp tự nhiên.

[1] Câu này dẫn điển từ Sử ký, Liêm Pha, Lạn Tương Như truyện: “Huệ Văn Vương nước Triệu được viên ngọc bích họ Hoà của nước Sở, Tần Chiêu Vương nghe tin, sai mang thư qua Triệu vương xin đem mười lăm thành đổi lấy ngọc bích”. Lại trong sách Bắc sử, Bành Thành Vương Hiệp truyện: “Nay bệ hạ ban cho một chữ đáng giá liên thành lắm vậy”. Câu này thoát ý từ điển trên, nhưng đúng ra phải là mười lăm thành.
[2] Lá dó, là dó dùng để làm giấy. Sách Liệt tử, Thuyết phù chép: Nước Tống có người vì vua của mình mà lấy ngọc khắc thành chiếc lá dó, ba năm mới xong, sắc nhọn mỏng mảnh, bóng láng, dẫu có để lộn trong đám lá dó cũng không phân biệt được. Người ấy nhờ thế mà kiếm ăn được ở nước Tống. Tử Liệt Tử nghe thế nói rằng: “Giả như các sinh vật trong trời đất, ba năm mới thành một chiếc lá thì những vật có lá ít lắm”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Thương Ẩn » Nhất phiến