27/04/2024 09:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thuật hoài kỳ 2
述懷其二

Tác giả: Nguyễn Xuân Ôn - 阮春溫

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 08/06/2016 16:46

 

Nguyên tác

制敵兵戎與戰舟,
未聞更向敵人謀。
不難委曲求他智,
只恐因循益我愚。
自古聖神咨猾夏,
當今賢俊誦支秋。
昔人不學洋人術,
曾破儋林滅五胡。

Phiên âm

Chế địch binh nhung dữ chiến chu,
Vị văn cánh hướng địch nhân mưu.
Bất nan uỷ khúc cầu tha trí,
Chỉ khủng nhân tuần ích ngã ngu.
Tự cổ thánh thần tư hoạt Hạ[1],
Đương kim hiền tuấn tụng Chi Thu[2].
Tích nhân bất học dương nhân thuật,
Tằng phá Đam Lâm[3] diệt Ngũ Hồ[4].

Dịch nghĩa

Quân đội và tàu chiến là để chế ngự quân giặc
Chưa nghe đời nào lại đem việc ấy toan tính với giặc bao giờ
Chịu nhún để học cái khôn của nó thì không khó gì
Chỉ sợ lần lữa mãi càng chuốc thêm cái dại của mình
Các bậc thánh thần đời xưa thường thở than vì nỗi mọi rợ làm loạn Trung châu
Các người hiền kiệt đời nay lại đua nhau đọc Giê Su
Người xưa có cần học kỹ thuật Tây dương đâu
Mà cũng phá được rợ Đam Lâm và diệt được năm rợ Hồ

Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Hà Văn Đại

Chống giặc cần quân với lại tàu,
Chưa ai mưu sự với quân thù.
Khó gì luồn luỵ tìm thêm trí,
Sợ nỗi lần lừa lại thấy ngu.
Từ trước thánh thần than mọi rợ,
Mà nay hiền tuấn đọc Giê-xu
Người xưa chẳng học nghề quân địch
Vẫn phá Đam Lâm diệt Ngũ Hồ
[1] Trích điển trong Thư kinh (Thuấn điển 舜典): “Man Di hoạt Hạ” 蠻夷猾夏 (Man Di quấy rối nước Hạ). Nước Hạ do vua Vũ lập ra, sau chữ Hạ này mượn chỉ Trung Quốc.
[2] Là tiếng dịch chữ Jésus, câu này tác giả có ý phản đối các nhà trí thức hồi đó muốn nghe ông Nguyễn Trường Tộ mà cải cách.
[3] Một dân tộc thiểu số cổ đại Trung Quốc ở phía bắc Thái Nguyên, Trung Quốc.
[4] Chỉ Ngũ Hồ loạn Hoa, tức năm dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa, gồm Hung Nô (Lưu Uyên - Hán Triệu), Yết (Thạch Lặc - Hậu Triệu), Tiên Ti (Mộ Dung - các nước Yên, trừ Bắc Yên), Đê (Phù Kiên - Tiền Tần, Lý Đặc - Thành Hán), Khương (Diêu Trường - nước Hậu Tần). Đó là là một tập hợp gồm nhiều quốc gia có thời gian tồn tại ngắn ở bên trong và tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 đến 439 kéo theo sự rút lui của nhà Tấn về miền nam Trung Quốc đến khi Bắc triều (Bắc Nguỵ) thống nhất toàn bộ phương Bắc, mở ra cục diện mới là Nam Bắc triều.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Xuân Ôn » Thuật hoài kỳ 2