27/04/2024 04:01Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thụ kinh đài
授經臺

Tác giả: Tô Thức - 蘇軾

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Bắc Tống, Liêu
Đăng bởi tôn tiền tử vào 10/11/2018 01:37

 

Nguyên tác

劍舞有神通草聖,
海山無事化琴工。
此臺一覽秦川小,
不待傳經意已空。

Phiên âm

Kiếm vũ hữu thần thông thảo thánh[1],
Hải sơn vô sự hoá cầm công.
Thử đài nhất lãm Tần xuyên[2] tiểu,
Bất đãi truyện kinh ý dĩ không.

Dịch nghĩa

Những ngọn cỏ với dáng dấp cao kỳ như thánh, khi đong đưa, trông như những ngọn thần kiếm đang vũ lộng,
Núi và sông, nhàn rỗi vô sự, tự nhiên trở thành những tay thợ đàn.
Chỉ một lần nhìn thấy đài này rồi, cả một dãy Tần Xuyên thành ra nhỏ bé,
Không phải đợi nghe được lời kinh, mà ý đã là không.

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Ngọn cỏ đong đưa, thần kiếm múa,
Núi sông vô sự, tự nhiên đàn.
Mới nhìn đài thấy Tần Xuyên nhỏ,
Chẳng đợi nghe kinh, ý đã sang.
Nguyên chú: “Nãi nam sơn nhất phong nhĩ, phi phức hữu trúc xứ” 乃南山一峰耳,非復有築處 (Đó là một ngọn núi trong dãy Nam sơn chứ không phải là một cái đài được dựng lên).

Bản dịch nghĩa trong Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng (Tuệ Sỹ, NXB Ca Dao, 1973).
[1] Thánh cỏ hay cỏ thánh, mô tả những ngọn cỏ đong đưa theo gió một cách tuyệt diệu. Nhưng cũng chính từ cái thảo thánh này làm cho bài thơ trầm trọng ra.
[2] Một dãy ở Thiểm Tây.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tô Thức » Thụ kinh đài