28/04/2024 04:37Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vịnh hoài kỳ 2
詠懷其二

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 09/03/2015 22:42

 

Nguyên tác

邦危壞法則,
聖遠益愁慕。
飄颻桂水遊,
悵望蒼梧暮。
潛魚不銜鉤,
走鹿無反顧。
皦皦幽曠心,
拳拳異平素。
衣食相拘閡,
朋知限流寓。
風濤上春沙,
千里侵江樹。
逆行少吉日,
時節空復度。
井灶任塵埃,
舟航煩數具。
牽纏加老病,
瑣細隘俗務。
萬古一死生,
胡為足名數。
多憂汙桃源,
拙計泥銅柱。
未辭炎瘴毒,
擺落跋涉懼。
虎狼窺中原,
焉得所曆住。
葛洪及許靖,
避世常此路。
賢愚誠等差,
自愛各馳騖。
羸瘠且如何,
魄奪針灸屢。
擁滯僮僕慵,
稽留篙師怒。
終當掛帆席,
天意難告訴。
南為祝融客,
勉強親杖屨。
結托老人星,
羅浮展衰步。

Phiên âm

Bang nguy hoại pháp tắc,
Thánh viễn ích từ mộ.
Phiêu diêu Quế thuỷ[1] du,
Trướng vọng Thương Ngô[2] mộ.
Tiềm ngư bất hàm câu,
Tẩu lộc vô phản cố.
Hạo hạo u khoáng tâm,
Quyền quyền dị bình tố.
Y thực tương câu ngại,
Bằng tri hạn lưu ngụ.
Phong đào thượng xuân sa,
Thiên lý xâm giang thụ.
Nghịch hành thiếu cát nhật,
Thì tiết không phục độ.
Tỉnh táo nhiệm trần ai,
Chu phảng phiền số cụ.
Khiên triền gia lão bệnh,
Toả tế ải tục vụ.
Vạn cổ nhất tử sinh,
Hồ vi túc danh số.
Đa ưu ố Đào Nguyên,
Chuyết kế nê đồng trụ[3].
Vị từ viêm chướng độc,
Bãi lạc bạt thiệp cụ.
Hổ lang khuy trung nguyên,
Yên đắc sở lịch trú.
Cát Hồng[4] cập Hứa Tĩnh[5],
Tịch thế thường thử lộ.
Hiền ngu thành đẳng sai,
Tự ái các trì vụ.
Luy tích thả như hà,
Thác đoạt châm chích lũ.
Ủng trệ đồng bộc dung,
Kê lưu cao sư nộ.
Chung đương quải phàm tịch,
Thiên ý nan cáo tố.
Nam vi Chúc Dung[6] khách,
Miễn cưỡng tân trượng lũ.
Kết thác Lão nhân tinh[7],
La Phù triển suy bộ.

Dịch nghĩa

Nước gặp lúc nguy thì nền nếp bị huỷ hoại,
Buồn vì bậc thánh xa rồi càng thêm ngưỡng mộ.
Lênh đênh chơi trên sông Quế,
Rầu rĩ nhìn Thương Ngô lúc ban chiều.
Cá lặn không cắn câu,
Nai chạy không ngoái cổ.
Vẫn giữ một tấm lòng rờ rỡ,
Chăm chắm làm theo lẽ bình thường.
Cái ăn mặc thường gây ra sự ngăn cách,
Ban quen biết hạn chế việc tới thăm.
Sóng gió tràn bãi rộng,
Ngàn dặm lấn cây bên sông.
Đi ngược gió gặp nhiều ngày xấu,
Thời tiết chẳng chịu giúp đỡ.
Giếng bếp phó mặc cho bụi bặm,
Thuyền bè vài thứ phiền phức.
Lôi kéo dài thêm già, bệnh,
Tủn mủn ngăn việc hàng ngày.
Xưa nay một đời người,
Sao mà đủ số phận với danh vọng được.
Lo nhiều làm nhơ danh Đào Nguyên,
Kế dở làm nhớp cột đồng.
Chưa bỏ được cái độc của mùa oi bức,
Buông tuồng lại ngại cảnh lóp ngóp.
Hổ sói nhòm ngó trung nguyên,
Làm sao mà cứ ngồi lì được.
Cát Hồng với Hứa Tĩnh,
Lánh đời cũng đều theo cách này.
Hiền với ngu có cấp bậc,
Họ tự ái thành ra lêu lỏng.
Cọp rọp như thế sao,
Buông tuồng nên bị kim chích luôn.
Đỡ để đứng vì tên hầu nhác,
Lề mề thì bác lái quát tháo.
Cuối cùng thì cứ phó mặc cho lá buồm,
Ý trời khó mà liệu trước được.
Về phía nam làm khách của Chúc Dung,
Miễn cưỡng đi guốc với chống gậy.
Xin gửi thân nơi sao chủ trì tuổi thọ,
Trong núi La Phù cố lết đi.

Bản dịch của Phạm Doanh

Nước gian nguy, lơ là phép tắc,
Bậc hiền xưa vẫn được tôn sùng.
Thuyền trên sông Quế bềnh bồng,
Thương Ngô một giải ngóng trông mà buồn.
Cá lặn sâu mồi thơm chẳng cắn,
Nai chạy đi nào dám quay đầu.
Lòng rộng trong sáng từ lâu,
Chăm chắm hành xử theo câu bình thường.
Ăn mặc vẫn tạo đường ranh giới,
Bạn bè quen ít tới hỏi thăm.
Sóng gió trên bãi cát lầm,
Cây sông xâm lấn cả trăm dặm dài.
Thiếu ngày lành, thuyền trôi ngược nước,
Thời tiết không gặp lúc tạnh trời.
Xóm làng cát bụi tơi bời,
Thuyền bè cứ phải thay rời mấy phen.
Lênh đênh mãi nên thêm bệnh tật,
Lại cứ cùng việc vặt loay hoay.
Ngàn đời sống chết vẫn hay,
Công danh, số mệnh liệu ngày làm nên.
Lo nghĩ lắm, Đào Nguyên vấy bẩn,
Kế hoạch tồi làm lún cột đồng.
Độc nóng bức chưa trừ xong,
Cảnh thất thểu do buông tuồng mà ra.
Trung nguyên hổ chưa tha dòm ngó,
Làm sao một chỗ ở cho yên.
Cát Hồng, Hứa Tĩnh lại thêm,
Lánh đời chỉ một theo bên đường này.
Ngu với Hiền vẫn hay có khác,
Vì tự ái mà lạc lối ra.
Làm sao gầy ốm thế mà,
Lóng ngóng mới bị gai chà kim châm.
Nâng giấc, đứa hầu làm biếng đỡ,
Chậm chạp nên thuyền chủ hét la.
Cuối cùng buồm cũng giương ra,
Ý trời thật khó nói cho rạch ròi.
Vùng nam nóng dành nơi thân khách,
Buộc lòng gậy dép xách cùng đi.
Lão nhân tinh, thân gửi nhờ,
Để ta tấp tểnh bước vô La Phù.
(Năm 769)

[1] Sông xuất phát từ huyện Lam Sơn, Hồ Nam, chảy về đông qua hai huyện Gia Hoà và Quế Dương rồi nhập vào sông Thung sau đó vào sông Tương.
[2] Tên núi, cũng có tên là Cửu Nghi, tại huyện Ninh Viễn, Hồ Nam, tương truyền là nơi vua Thuấn chết và được mai táng trong khi đi thăm dân tình vùng này.
[3] Chỉ quyền làm chủ đất nước.
[4] Người đời Tấn, vào núi La Phù tu tiên, luyện thuốc. Đồn rằng khi ông chết, người ta liệm ông vào áo quan thì thấy nhẹ tênh, như chỉ có bộ áo không.
[5] Người đời Tam Quốc, dẫn người nhà đi chạy loạn, nhường ưu tiên cho người khác, riêng mình chịu mọi vất vả.
[6] Hậu duệ của họ Chuyên Húc 顓頊, thần coi về lửa, một trong năm đế. Tương truyền là cháu của Hoàng Đế. Mười năm phụ tá Thiếu Hạo 少昊, hai chục năm sau lên làm đế. Lúc đầu lập nước ở Cao Dương 高陽, nên có tên là Cao Dương thị. Chọn kinh đô ở Đế Khâu, nay là huyện Bộc Dương 濮陽, Hà Bắc.
[7] Còn có tên là Nam cực lão nhân tinh, trong dân gian được vẽ hình một ông già phương phi đầu râu bạc, tay chống gậy. Có thể hiểu là Đỗ Phủ xin gửi thân nơi đỉnh Lão nhân tinh trong núi La Phù ở Quảng Đông.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Vịnh hoài kỳ 2