21/04/2024 04:13Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hải thượng kỳ 1
海上其一

Tác giả: Cố Viêm Vũ - 顧炎武

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thanh
Đăng bởi hongha83 vào 18/08/2014 14:39

 

Nguyên tác

日入空山海氣侵,
秋光千里自登臨。
十年天地乾戈老,
四海蒼生吊哭深。
水涌神山來白鳥,
雲浮仙闕見黃金。
此中何處無人世,
只恐難酬烈士心。

Phiên âm

Nhật nhập không sơn hải khí xâm,
Thu quang thiên lý tự đăng lâm.
Thập niên thiên địa can qua lão,
Tứ hải thương sinh điếu khốc thâm.
Thuỷ dũng Thần sơn lai bạch điểu[1],
Vân phù tiên Khuyết kiến hoàng kim[2].
Thử trung hà xứ vô nhân thế,
Chỉ khủng nan thù liệt sĩ[3] tâm.

Dịch nghĩa

Mặt trời sau núi vắng biển bốc hơi
Nghìn dặm ánh thu trải sáng
Mười năm gươm giáo mãi trong khoảng đất trời
Dân lành trong bốn biển chịu tang tóc
Nước xối núi thần chim trắng bay
Mây bay cửa tiên thấy vàng
Trong đó nơi nào chẳng có cuộc sống
Sợ khó thoả được tấm lòng của các bậc hào kiệt

Bản dịch của Hoàng Tạo

Trời chiếu đồi hoang khí biển tràn
Ánh thu nghìn dặm ngó mênh mang
Mười năm trời đất can qua nổi
Bốn biển nhân dân tiếng khóc vang
Nước dội núi Thần đây chim trắng
Mây đùn cửa Khuyết nọ hoàng kim
Chốn ấy nơi nào không kẻ ở
Chỉ e liệt sĩ khó ai tìm
Bài thơ làm vào cuối thu năm Thuận Trị thứ 3. Trước đó một năm, Phúc vương, Lộ vương Nam Minh nối nhau về hàng nhà Thanh. Chiết Giang lập Lỗ vương, Phúc Châu lập Đường vương, giao từ xa cho tác giả chức binh bộ, chức phương tư. Mùa xuân năm đó, tác giả định đến vùng Mân, vì tang mẹ chưa chôn cất nên chưa đi được. Đến tháng 6, quân Thanh vượt sông Tiền Đường xuống nam, Lỗ vương bỏ Thiệu Hưng ra biển, Đường vương còn đóng ở Diên Bình, Phúc Kiến. Khi tác giả còn ở quê, lên núi trông ra biển, làm bài thơ này vào mùa thu.

[1, 2] Truyền thuyết ba trái núi Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu ngoài biển là nơi ở của thần tiên, cầm thú nơi này đều là màu trắng, dùng vàng bạc làm cung khuyết. Ở đây dùng thần sơn tiên khuyết để chỉ chung các đảo trên biển, kín đáo ví với căn cứ địa chống Thanh.
[3] Những người có tấm lòng mạnh mẽ, chỉ Trương Danh Chấn, bấy giờ Trương Danh Chấn hộ vệ Lỗ vương đến Chu Sơn, Hoàng Phú Khanh không nhận, đành phải trôi dạt trên biển, công việc bị bỏ. Hai câu cuối là chỉ việc này, tác giả lường tình thế, lo việc không thành.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Cố Viêm Vũ » Hải thượng kỳ 1