20/04/2024 18:34Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồi 21

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 29/06/2005 11:18

 

Theo lệ tục chiêu hồn, chàng Kim xót thương quá nỗi,
May tái sinh lại gặp, nàng Kiều mừng rỡ chi cân.
(Câu 2775-3030)


2775. Khóc than kể hết niềm tây:
Chàng ôi! Biết nỗi nước này cho chưa?
Kiều nhi phận mỏng như tờ
Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng!
Gặp cơn gia biến[1] lạ dường
2780. Bán mình nó đã tìm đường cứu cha
Dùng dằng khi bước chân ra
Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần
Trót lời nặng với lang quân[2]
Mượn con em nó Thuý Vân thay lời
2785. Gọi là trả chút nghĩa người
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên!
Kiếp này duyên đã phụ duyên
Dạ đài còn biết, sẽ đền lai sinh[3]
Mấy lời ký chú đinh ninh[4]
2790. Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi
Phận sao bạc bấy, Kiều nhi!
Chàng Kim về đó, con thì đi đâu?
Ông bà càng nói càng đau
Chàng càng nghe nói, càng dầu như dưa
2795. Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa
Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai
Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê

Thấy chàng đau nỗi biệt ly
2800. Nhận ngừng, ông mới vỗ về giải khuyên:
Bây giờ ván đã đóng thuyền[5]
Đã đành phận bạc, khôn đền tình chung!
Quá thương chút nghĩa đèo bòng
Nghìn vàng thân ấy, dễ hòng bỏ sao?
2805. Dỗ dành, khuyên giải trăm chiều
Lửa phiền càng dập, càng khêu mối phiền
Thề xưa giở đến kim hoàn[6]
Của xưa lại giở đến đàn với hương
Sinh càng trông thấy, càng thương
2810. Gan càng tức tối, ruột càng xót xa
Rằng: Tôi trót quá chân ra
Để cho đến nỗi trôi hoa, dạt bèo
Cùng nhau thề thốt đã nhiều
Những điều vàng đá, phải điều nói không?
2815. Chưa chăn gối cũng vợ chồng
Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?
Bao nhiêu của, mấy ngày đàng
Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi!
Nỗi thương nói chẳng hết lời
2820. Tạ từ, sinh mới sụt sùi trở ra

Vội về sửa chốn vườn hoa
Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang
Thần hôn, chăm chút lễ thường
Dưỡng thân[7], thay tấm lòng nàng ngày xưa
2825. Đinh ninh mài lệ, chép thư
Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe
Biết bao công mượn, của thuê
Lâm Thanh[8] mấy độ đi về dặm khơi
Người một nơi, hỏi một nơi
2830. Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?
Sinh càng thảm thiết, khát khao
Như nung gan sắt, như bào lòng son
Ruột tằm ngày một héo dòn
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve
2835. Thẩn thơ, lúc tỉnh, lúc mê
Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao

Xuân huyên lo sợ biết bao
Quá ra, khi đến thế nào mà hay!
Vội vàng sắm sửa chọn ngày
2840. Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng
Người yểu điệu, kẻ văn chương
Trai tài, gái sắc, xuân đương vừa thì
Tuy rằng vui chữ vu quy
Vui này, đã cất sầu kia được nào!
2845. Khi ăn ở, lúc ra vào
Càng sâu duyên mới, càng dào tình xưa
Nỗi nang nhớ đến bao giờ
Tuôn châu đôi trận, vò tơ trăm vòng
Có khi vắng vẻ thư phòng
2850. Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa
Bẻ bai, rủ rỉ tiếng tơ
Trầm bay lạt khói, gió đưa lay rèm
Dường như bên nóc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiên mơ màng
2855. Bởi lòng tạc đá ghi vàng
Tưởng nàng, nên lại thấy nàng về đây

Những là phiền muộn đêm ngày
Xuân thu, biết đã đổi thay mấy lần
Chế khoa[9] gặp hội tràng văn
2860. Vương, Kim, cùng chiếm bảng xuân[10] một ngày
Cửa trời[11] rộng mở đường mây[12]
Hoa chào ngõ hạnh[13], hương bay dặm phần[14]
Chàng Vương nhớ đến xa gần
Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền[15]
2865. Tình xưa, ân trả, nghĩa đền
Gia thân bèn mới kết duyên Châu Trần

Kim từ nhẹ bước thanh vân
Nỗi nàng, càng nghĩ xa gần, càng thương
Ấy ai dặn ngọc thề vàng
2870. Bây giờ kim mã, ngọc đường[16] với ai
Rễ bèo, chân sóng lạc loài
Nghĩ mình vinh hiển, thương người lưu ly
Vâng ra ngoại nhậm[17] Lâm Chuy
Quan sơn nghìn dặm, thê nhi[18] một đoàn
2875. Cầm đường[19] ngày tháng thanh nhàn
Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn[20] tiêu dao

Phòng xuân trướng rủ hoa đào
Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng
Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng
2880. Nghe lời, chàng cũng hai đường tin nghi
Nọ Lâm Thanh với Lâm Chuy
Khác nhau một chữ, hoặc khi có lầm
Trong cơ thanh khí[21], tương tầm
Ở đây hoặc có giai âm[22] chăng là?
2885. Thăng đường[23] chàng mới hỏi tra

Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:
Sự này đã ngoại mười niên
Tôi đã biết mặt, biết tên rành rành
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh
2890. Đi mua người ở Bắc kinh đưa về
Thuý Kiều tài sắc ai bì
Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ
Kiên trinh[24] chẳng phải gan vừa
Liều mình[25] thế ấy, phải lừa[26] thế kia
2895. Phong trần chịu đã ê chề
Dây duyên, sau lại gả về Thúc lang
Phải tay vợ cả phũ phàng
Bắt về Vô Tích, toan đường bẻ hoa
Bực mình, nàng mới trốn ra
2900. Chẳng may lại gặp một nhà Bạc kia
Thoắt buôn về, thoắt bán đi
Mây trôi bèo nổi, thiếu gì là nơi!
Bỗng đâu lại gặp một người
Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh
2905. Trong tay muôn vạn tinh binh
Kéo về đóng chật một thành Lâm Chuy
Tóc tơ[27] các tích mọi khi
Oán thì trả oán, ân thì trả ân
Đã nên có nghĩa có nhân
2910. Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen
Chưa tường được họ được tên
Sự này, hỏi Thúc Sinh viên mới tường.

Nghe lời Đỗ nói rõ ràng
Tức thì đệ thiếp mời chàng Thúc Sinh
2915. Nỗi nàng hỏi hết phân minh
Chồng con đâu tá, tính danh là gì?
Thúc rằng: Gặp lúc lưu ly
Trong quân, tôi hỏi thiếu gì tóc tơ
Đại vương tên Hải họ Từ
2920. Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người
Gặp nàng thì ở châu Thai
Lạ gì quốc sắc, thiên tài[28] phải duyên
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên
Làm nên động địa kinh thiên[29] đùng đùng
2925. Đại quân đồn đóng cõi đông
Về sau chẳng biết vân mồng[30] làm sao?

Nghe tường ngành ngọn tiêu hao[31]
Lòng riêng, chàng luống lao đao thẫn thờ
Xót thay chiếc lá bơ vơ
2930. Kiếp trần, biết dũ bao giờ cho xong?
Hoa theo nước chảy xuôi dòng
Xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan!
Lời xưa đã lỗi muôn vàn
Mảnh hương còn đó, phím đàn còn đây
2935. Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây
Lửa hương biết có kiếp này nữa thôi?
Bình bồng[32] còn chút xa xôi
Đỉnh chung[33] sao nỡ ăn ngồi cho an!
Rắp mong treo ấn từ quan[34]
2940. Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua
Dấn mình trong áng can qua
Vào sinh ra tử, hoạ là thấy nhau
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu
Bóng chim tăm cá, biết đâu mà nhìn?
2945. Những là nấn ná đợi tin
Nắng mưa đã biết mấy phen đổi dời!
Năm mây[35], bỗng thấy chiếu trời[36]
Khâm ban[37] sắc chỉ[38] đến nơi rành rành
Kim thì cải nhậm[39] Nam Bình[40]
2950. Chàng Vương, cũng cải nhậm thành châu Dương[41]
Sắm sanh xe ngựa vội vàng
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan[42]

Xẩy nghe thế giặc đã tan
Sóng êm Phúc Kiến[43], lửa tàn Chiết Giang[44]
2955. Được tin Kim mới rủ Vương
Tiện đường, cùng lại tìm nàng sau xưa
Hàng Châu[45] đến đó bấy giờ
Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành
Rằng: Ngày hôm nọ giao binh
2960. Thất cơ[46], Từ đã thu linh[47] trận tiền
Nàng Kiều công cả, chẳng đền
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù[48]
Nàng đà gieo ngọc, trầm châu[49]
Sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan!
2965. Thương ôi! Không hợp mà tan
Một nhà vinh hiển, riêng oan một nàng!
Chiêu hồn[50], thiết vị[51], lễ thường
Giải oan, lập một đàn tràng[52] bên sông
Ngọn triều non bạc trùng trùng
2970. Vời trông còn tưởng cánh hồng[53] lúc gieo
Tình thâm, bể thảm, lạ điều
Nào hồn tinh vệ[54] biết theo chốn nào?

Cơ duyên[55] đâu bỗng lạ sao?
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi
2975. Trông lên linh vị[56] chữ bài
Thất kinh mới hỏi: Những người đâu ta?
Với nàng thân thích gần xa?
Người còn, sao bỗng làm ma khóc người?
Nghe tin ngơ ngác rụng rời
2980. Xúm quanh kể họ, rộn lời hỏi tra:
Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu
Thật tin nghe đã bấy lâu
Pháp sư[57] dạy thế, sự đâu lạ dường!
2985. Sư rằng: Nhân quả[58] với nàng
Lâm Chuy buổi trước, Tiền Đường buổi sau
Khi nàng gieo ngọc, trầm châu
Đón nhau, tôi đã gặp nhau rước về
Cùng nhau nương cửa Bồ Đề[59]
2990. Thảo am[60] đó, cũng gần kề chẳng xa
Phật tiền[61] ngày bạc lân la
Đăm đăm, nàng cũng nhớ nhà khôn khuây.

Nghe tin, nở mặt nở mày
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
2995. Từ phen chiếc lá lìa rừng
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau hoạ thấy, kiếp này hẳn thôi
Minh dương[62], đôi ngả chắc rồi
3000. Cõi trần mà lại thấy người Cửu Nguyên[63]
Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên
Bộ hành một lũ, theo liền một khi
Bẻ lau, vạch cỏ, tìm đi
Tình thâm luống hãy hồ nghi nửa phần
3005. Quanh co theo giải giang tân[64]
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường
Giác Duyên lên tiếng gọi nàng
Buồng trong, vội dạo sen vàng bước ra
Trông xem đủ mặt một nhà:
3010. Xuân già còn khoẻ, huyên già còn tươi
Hai em phương trưởng[65] hoà hai
Nọ chàng Kim đó, là người ngày xưa!
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt, còn ngờ chiêm bao!
3015. Giọt châu thánh thót quyên bào
Mừng mừng, tủi tủi, biết bao sự tình!

Huyên già dưới gối gieo mình
Khóc than, mình kể sự mình đầu đuôi:
Từ con lưu lạc quê người
3020. Bèo trôi, sóng vỗ, chốc mười lăm năm
Tính rằng sông nước cát lầm
Kiếp này, ai lại còn cầm gặp đây?
Ông bà trông mặt, cầm tay
Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra
3025. Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa
Mười phần xuân có gầy ba bốn phần
Nỗi mừng, biết lấy chi cân?
Lời tan hợp, chuyện xa gần, thiếu đâu?
Hai em hỏi trước han sau
3030. Đứng trông, chàng cũng trở sầu làm tươi.
[1] Tai biến của gia đình.
[2] Tiếng dùng để chỉ người chồng trẻ và chỉ những người trai trẻ nói chung.
[3] Kiếp sau. Câu này ý nói nếu như chết mà thiêng thì kiếp sau xin đền bù lại.
[4] Ghi chú, dặn dò cặn kẽ.
[5] Ý nói Thuý Kiều bây giờ đã về tay người khác.
[6] Vòng vàng, vật Kim Trọng đưa cho Thuý Kiều làm tin lúc mới gặp nhau (câu 318: “Xuyến vàng đi chiếc, khăn là một vuông”).
[7] Nuôi cha mẹ. Câu này ý nói Kim Trọng thay Kiều phụng dưỡng vợ chồng Vương ông như cha mẹ mình.
[8] Mã Giám Sinh nói dối là quê ở đó, nên Kim Trọng mới sai người đến đây hỏi thăm tin Kiều.
[9] Khoa thi do ý vua mà mở ra, khác với khoa thi thường lệ.
[10] Do chữ xuân bảng, bảng thi về mùa xuân. Chiếm bảng xuân tức là thi đỗ.
[11] Do chữ thiên môn, tức là cửa nhà vua.
[12] Do chữ vân lộ hay thanh vân lộ, ý nói đường công danh, sĩ hoạn.
[13] Tức Hạnh Viên ở kinh đô Tràng An. Đời nhà Đường các tân khoa tiến sĩ được dự tiệc và xem hoa ở đây.
[14] Do chữ phần du mà ra, ý nói quê nhà. Xem chú thích câu 2235. Cây này tả cảnh vinh hoa của Kim, Vương khi thi đỗ và về vinh qui.
[15] Hay chu toàn, làm cho được tròn vẹn. Câu này ý nói Vương Quan làm rể họ Chung.
[16] Đời Tống Thái Tông, vua đề ở dinh Hàn Lâm ba chữ “Ngọc đường thự”. Đời sau bèn dùng những chữ “Kim mã ngọc đường” để nói chung cảnh quan gia phú quý.
[17] Làm quan ở cõi ngoài (không phải ở huyện nhà).
[18] Vợ con.
[19] Phụ Tử Tiện thời Xuân Thu làm quan huyện, thường hay gảy đàn, người sau bèn gọi đinh quan huyện là cầm đường.
[20] Triệu Biên đời Tống, đi làm quan, chỉ đem theo một con hạc và một cây đàn, tỏ ra người liêm khiết cao thượng.
[21] Câu này ý nói Thuý Vân, Thuý Kiều là hai chị em ruột, cho nên dễ cảm thông với nhau.
[22] Tin tốt.
[23] Ra ngồi làm việc ở công đường.
[24] Kiên quyết giữ gìn trinh tiết.
[25] Chỉ việc Thuý Kiều tự vẫn lúc mới đến nhà Tú Bà.
[26] Chỉ việc sợ bị Sở Khanh lừa đưa đi trốn.
[27] Kẽ tóc chân tơ, ý nói hỏi rất tỷ mỷ.
[28] Tài trời phú cho.
[29] Sôi trời nổi đất.
[30] Tiếng cổ, nghĩa là tin tức, manh mối.
[31] Cùng nghĩa với tăm hơi, tin tức.
[32] Bình: bèo; bồng: cỏ bồng. Hai vật này thường hay trôi nổi theo nước và gió. Ở đây để chỉ tấm thân phiêu bạt của Kiều.
[33] Đỉnh: cái vạc để nấu thức ăn; chung: cái chuông để đánh báo hiệu giờ ăn. Đỉnh chung ở đây dùng để chỉ cảnh vinh hiển phú quý.
[34] Treo trả cái ấn tại công đường mà bỏ về, không làm quan nữa.
[35] Do chữ ngũ vân, ý nói tờ chiếu có vẽ mây năm sắc.
[36] Là chiếu nhà vua.
[37] Chữ khâm nguyên có nghĩa là kính, sau được dùng để chỉ nhà vua. Ví dụ như nói khâm sai, khâm định,...
[38] Tờ sắc ban bố mệnh lệnh của nhà vua.
[39] Đổi đi làm nơi khác.
[40] Tên huyện, thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), ở phía trên sông Tiền Đường và Hàng Châu.
[41] Tức Dương Châu, tên phủ thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), ở phía trên sông Tiền Đường và Hàng Châu.
[42] Đi đến chỗ làm quan, đi nhậm chức.
[43, 44] Phúc Kiến, Chiết Giang: hai tỉnh phía đông nam Trung Quốc, nơi cát cứ cũ của Từ Hải.
[45] Tên phủ, nay là thủ phủ tỉnh Chiết Giang.
[46] Để lỡ cơ mưu, làm sai quân cơ, tức là bị mắc mưu địch.
[47] Thu khí thiêng, ý nói chết.
[48] Người tù trưởng ở địa phương, cùng như chữ thổ quan.
[49] Ngọc và châu thường được dùng để chỉ cái đẹp, cái quý giá. “Gieo ngọc trầm châu” ở đây chỉ việc Thuý Kiều trầm mình.
[50] Gọi hồn.
[51] Đặt bài vị viết tên hiệu người chết mà thờ cúng.
[52] Đàn làm lễ giải oan.
[53] Cánh chim hồng. Cũng hiểu là phong thái nhẹ nhàng của cô gái đẹp.
[54] Tên một loài chim nhỏ, sống ở bãi bể. Theo sách Thuật dị ký, xưa con gái vua Viêm Đế chết đuối ở biển, hồn hoá thành con chim tinh vệ, hàng ngày ngậm đá ở núi Tây Sơn vứt xuống biển để hòng lấp biển. ở đây ví Thuý Kiều trầm mình nên mượn điểm ấy.
[55] Cơ: cơ trời; duyên: duyên may. Câu này ý nói cơ trời xui khiến, duyên số lạ lùng.
[56] Bài vị thờ linh hồn người chết.
[57] Tiếng đồn xưng những tăng ni, đạo sĩ cấp trên.
[58] Ở đây có nghĩa như là nhân duyên, duyên nợ.
[59] Cửa Phật.
[60] Chùa lợp tranh.
[61] Trước bàn thờ Phật.
[62] Cõi tối và cõi sáng, tức âm phủ và dương gian.
[63] Tên một xứ ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) đời Xuân Thu là chỗ chôn các quan khánh và đại phu nhà Tần, người sau bèn dùng chữ cửu nguyên để chỉ mộ địa nói chung.
[64] Ven sông.
[65] Khôn lớn và trưởng thành.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Hồi 21