16/04/2024 20:41Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Trăng vào trời, mùng bảy trăng tỏ

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 07/09/2020 21:59

 

Bản dịch của Lang Văn Tôn

Trăng vào trời, mùng bảy trăng tỏ,
Sương ở trời, từng giọt sương sa.
Đá ở núi, lở xuống thành đồng chặn cả khe,
Mường ta rậm, cỏ với cây dìu chắc[1].
Cây lim, cây ná[2] xuân sang là chặt,
Đóng bè, rời bản xuống miền xuôi.
Mường Miêng[3], mường Nghình, mường Hảm[4] biết mấy năm rồi.
Năm mới đến, bỏ đi năm xấu.
Bỗng đâu trong rừng lại thêm loại gấu,
Gấu biết nói, gấu đi hai chân[5].
Ta cầu xin với trời, trời vẫn lần khân,
Để loài gấu mắt xanh gầm rít,
Lùa đàn bà, đồ chi vơ hết,
Suối không chảy, bản mường u buồn.
Đâu đâu cũng sợ thằng Tây trắng,
Tại Thanh Nga, Gia Hội[6] khéo đúc nên tướng[7].
Vẫy suối, suối chảy; gọi rừng, rừng reo.
Hổ phục, voi chầu khi tướng đi đâu
Mỗi ngày nhìn trời không biết mấy trâu đem cúng.
Phà ơi[8], phà đã thương mường Quỳ[9], đoái đến,
Cho lúa kẻ Khum, kẻ Mai[10] nặng trĩu chín vàng,
Cho suối chảy về bản ta toàn bạc trắng trong,
Cho dân các bản giết con hươu, con nai thật khoẻ.
Tướng đã đi rồi, bỏ người vợ trẻ,
Bỏ cả con thơ, dân bản ta nuôi.
Người đã đi, nhiều kẻ nín lời[11],
Đất này, đất của ta, từ ngày xưa lắm.
Không phải đất tạu, đất xin bọn quan hút thuốc phiện[12].
Cái nhà dựng lên, tay ta chặt cây,
Đau khổ đeo vào cổ nhiều rồi.
Thằng Tây trắng, thằng Tây trắng
Nó bảo đất này từ nay của hắn
Ta muốn bay vào với người “quan trên[13]
Xin “quan trên” cho mang dao đi liền
Cùng đánh cho được thằng Tây trắng.
Ở Thanh Nga, Gia Hội nhiều người mong lắm
“Quan trên” gửi lời: “Bay nhớ câu
Đất kẻ Khum, kẻ Mai ai đã đi đâu
Thì yêu bản, mường như yêu nàng Ba Tạo[14]
Hãy về lo sắm nỏ, sắm dùi, sắm gạo”.
Thanh Nga, Gia Hội nhiều người nghe
Kéo vô rừng sâu chặt ná[15] làm bè
Lên Đồng Minh[16] họp bàn với người khác
Góp gà, góp vịt, góp lúa, góp bạc,
Góp nhiều trai bản đi làm nghĩa quân.
Trai gái trẻ già theo lời nói của “quan trên”
Nửa đêm lên Pù[17] trăng xế
Dao dắt lưng, con rắn, con hùm chẳng kể
Pù Lấu[18] đây rồi, xôi địu nặng vai
Khảm khắp[19] dập dồn, phía Đông đã thấy ông mặt trời.
Dân bản ta đi theo hai ông tướng.
Um tùm núi rậm, bao người dưới trướng
Đi theo hai tướng có quản Thụ, quản Thông[20]
Ông quản Tiệp[21] người Chiếng Ngám ngã ba sông
Dân bản đi theo các ông
Đánh thằng Tây Trắng, loài gấu rừng độc ác
Đánh cho nó không còn biết ăn xôi, uống nác[22].
Đốc Hạnh tức Lang Văn Hạnh, người xã Châu Hạnh. Đốc Thiết tức Lang Văn Thiết, người xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, thuộc dòng họ quý tộc người Thái ở miền núi phía tây bắc Nghệ An. Hai ông tham gia khởi nghĩa Cần Vương, xây dựng căn cứ ở vùng Phù Căm, Phà Đài, Đò Ham dọc theo sông Hiếu thuộc xã Châu Bình và Châu Yên, huyện Quỳ Châu bây giờ. Đây là bài vè nói về Lang Văn Hạnh và Lang Văn Thiết, nguyên văn tiếng Thái, theo lời kể của Lang Văn Nghinh.
Bản dịch của Lang Văn Tôn ở Châu Hạnh, Quỳ Châu.

[1] Ý nói núi rừng rậm rạp.
[2] Cây nứa.
[15] Chặt nứa.
[3] Thuộc xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu.
[4] Là các xã Châu Quang, Châu Lý, Châu Đình, Châu Cường, Châu Hồng... huyện Quỳ Hợp. Ý nói năm qua là năm xấu, năm mới đến sẽ có nhiều niềm vui.
[5] Chỉ bọn thực dân Pháp, bà con gọi là thằng Tây trắng.
[6] Thanh Nga nay là thuộc xã Châu Nga, Gia Hội nay là xã Châu Hội. Cả hai xã thuộc huyện Quỳ Châu.
[7] Hai tướng đó là đốc Hạnh và đốc Thiết. Chức vụ đốc đó có thể là đề đốc, có thể là đốc binh, đốc chiếu do “quan trên” phong hoặc do các ông tự phong.
[8] Trời ơi.
[9] Tức cả vùng Quỳ Châu cũ. Chữ “mường” đối với người Thái rất co giãn, “mường” có thể là một bản, một xã mà cũng có thể là một huyện, một phủ.
[10] Ở Châu Hội và Châu Hạnh thuộc Quỳ Châu.
[11] Ý nói giữ bí mật.
[12] Ý nói đất của bản mường, của nhân dân, không phải của riêng bọn quí tộc người Thái, bọn quan ngồi bóc lột và hút thuốc phiện.
[13] Chỉ các người lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Nghệ Tĩnh. Vì đa số các căn cứ của phong trào Cần Vương đều ở vùng rừng núi, hay khi thất thế phải rút lên rừng núi, nên nhân dân gọi những thủ lĩnh là “quan trên”.
[14] Một nhân vật trong một trường ca của dân tộc Thái ở miền núi Nghệ An. Đó là một cô gái con quý tộc Thái, đẹp, có tài, chiến đấu anh dũng, sau khi thu phục được tất cả những bộ lạc xung quanh, đi chu du ngắm nhìn phong cảnh đất nước của mình.
[16] Một bản thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, nay là nơi huyện lỵ Quỳ Châu. Bà con thường gọi là bản Bọn, hay phủ Bọn, vì trước kia có thời phủ lỵ Quỳ Châu đóng ở đấy.
[17] Núi.
[18] Ở xã Châu Bình, nơi có căn cứ của đốc Thiết, đốc Hạnh.
[19] Tiếng kêu của đôi chim tử quy, hai chim này thường xuất hiện vào ban đêm, cứ một con kêu khảm, một con kêu khắp nghe rất sầu não, kêu từ chập tối cho đến canh khuya.
[20] Quản Thông tức Lang Văn Ọt, quản Thụ tức Lang Văn Cáng. Hai ông quê ở Châu Phong, thuộc mường Pồn. Lúc đầu hai ông lập căn cứ ở Mường Nọc (huyện lỵ Quế Phong bây giờ) sau mới phối hợp với đốc Thiết và đốc Hạnh.
[21] Tên thật là gì chưa rõ, người mường Chiếng Ngám tức là người ở xã Diễn Hạnh bây giờ.
[22] Uống nước.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Trăng vào trời, mùng bảy trăng tỏ