20/04/2024 23:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Du Nam Hoa tự
遊南華寺

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 01/09/2005 22:28

 

Nguyên tác

神錫飛來幾百春,
寶林香火契前因。
降龍伏虎機何妙,
無樹非臺語若新。
殿側起樓藏佛缽,
龕中遺跡蛻真身。
門前一派漕溪水,
洗盡人間劫劫塵。

Phiên âm

Thần tích[1] phi lai kỷ bách xuân,
Bảo Lâm hương hoả khế tiền nhân.
Hàng long phục hổ cơ hà diệu,
Vô thụ phi đài[2] ngữ nhược tân.
Điện trắc khởi lâu tàng Phật bát,
Kham[3] trung di tích thuế chân thân.
Môn tiền nhất phái Tào Khê[4] thuỷ,
Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần.

Dịch nghĩa

Gậy thần tích bay đến đây đã mấy trăm xuân rồi
Hương hoả chùa Bảo Lâm họp cùng nhân duyên trước.
Rồng giáng, hổ phục, mấy huyền vi thật thần diệu
“Không cây, cũng không đài” lời nói nghe như mới
Bên điện dựng lầu giữ gìn bát Phật
Trong hộp còn ghi dấu nhưng chân thân đã giải thoát
Một dòng suối Tào Khê tuôn trước cửa
Rửa sạch bụi bám đời đời cho nhân gian

Bản dịch của Lê Cao Phan

Bao thế kỷ gậy thần đáp xuống
Bảo Lâm thờ phượng đúng nguyên nhân
Trị rồng cọp giỏi như thần
Bồ đề, gương sáng chẳng cần, cũng linh
Phật bát quý thờ bên chính điện
Trong am còn dấu hiệu hóa thân
Tào Khê trước cổng chảy gần
Nước trong tẩy sạch ô trần thế gian.
Nam Hoa là một ngôi chùa lớn tại huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nguyên mang tên chùa Bảo Lâm, do nhà sư Ấn Độ Trí Dược lập vào năm 502 đời nhà Lương. Đến đời nhà Tống, chùa đổi tên là Nam Hoa.

[1] Gậy thần bằng kim loại của các đạo sư biểu hiện cho thần lực. Còn được gọi là phi tích (gậy bay) vì tương truyền các đạo sư cưỡi gậy bay để di chuyển.
[2] Sư Huệ Năng, tổ thứ sáu Thiền tông Trung Quốc có câu kệ sau: “Bồ đề bản vô thụ, Minh kiến diệc phi đài” (Bồ đề vốn không có cây, Gương sáng cũng không có đài). Ý nói truyền đạo thẳng vào tâm gọi là tâm ẩn, hoặc do tâm mà ra, không có hình thức cụ thể. Lại có câu thơ cũ: “Bồ đề vô thụ, kính phi đài, Vạn sự giai tòng tâm lý lai” (Bồ đề không phải là cây thực, gương thì chẳng có đài, Vạn sự đều từ trong lòng mà đến).
[3] Các bản Nguyễn Trãi toàn tậpỨc Trai tập đều phiên là “khám” (có lẽ theo âm Việt chăng?)
[4] Con suối chảy qua trước chùa Nam Hoa, có thể xem như tượng trưng cho cảnh trí ở đây.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Du Nam Hoa tự