21/04/2024 04:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Những ngày tang lễ của Đại Tướng là những ngày nhân dân phong thánh cho Ngài

Tác giả: Phạm Ngọc San

Thể thơ: Thơ tự do; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Phạm Thôn Nhân vào 22/08/2015 08:20

 

Ngài đã về trời!

Không,
Ngài lại về trấn miền biên ải.
Ngài về với “Hoành sơn nhất đái[1]
sừng sững ngoạ mũi Rồng Thọ Sơn[2],
Ngài dang tay dọc dẫy Trường Sơn
bảo vệ non sông hình chữ S.

Mắt ngài sáng với tình yêu tha thiết
rõi khắp biển Đông
trấn cá kình cho yên con cháu Lạc Hồng
mãi mãi có Hoà bình - Tự do - Hạnh phúc.

Như Thần Độc Cước[3]
phúc thần dân thờ phụng,
thân xả đôi, nửa ở đất nửa ngoài khơi.
Gặp “Độc Cước sơn triều” giặc khiếp,
quỷ rã rời
chỉ có một đường cuốn xéo!

Trên đất này, những địa linh
những mốc vàng chiến công lung linh khắp nẻo:
Vạn Kiếp, Chi Lăng, Bạch Đằng giang…
lũ xâm lăng nghe khiếp vía kinh hoàng
mới nghĩ đến đã sởn gan xanh mật.
Chúng bay hãy ngước nhìn!
Đức Thánh Trần ngự trên Kiếp Bạc[4]
vạn đại uy linh!

Nay vị Thánh của dân
đã từng
làm thực dân Pháp thất kinh:
Điện Biên Phủ còn ghi sử sách
năm châu lẫy lừng chiến tích.
Rồi Điện Biên Phủ trên không
B52 rúc bùn hoá trầm tích
xác pháo đài bay “về thời đồ đá” giữa làng hoa[5].
Hai đế quốc to thu gói cuốn cờ
bại dưới tay kỳ tài Đại Tướng.

Tổ quốc phong Ngài là Đại tướng.
Thế giới phong Ngài là danh tướng, Vĩ nhân.
Chiến công của ngài hiển hách bởi binh khí ngài dùng là Đức và Tâm

“Dĩ công vi thượng[6]” Ngài vì dân vì nước.
Hàng chục vạn người lặng đi trong tâm tưởng
trang nghiêm tay chắp miệng khấn cầu.
Hàng vạn dân trầm tĩnh cúi đầu
trước một nhân cách lớn.
Toàn dân Việt lại cháy lên niềm tin trong phút giây tiếc thương và đau đớn,
lại tự hào về những chiến công
kể cả những chiến công thầm lặng đến hư không, của thánh nhân bất tử!

Hàng vạn dân đồng tâm nhất cử
dâng lên Ngài đạo sắc đỏ tươi khắc sâu vào lịch sử,
“Ngài bậc thánh của muôn dân!”
Linh hồn người là hào khí non sông!
Ngài lại về với Hoành Sơn ngự lại Núi Rồng
trấn giữ non sông và biển cả.
Hà Nội,
13-14/10/2013

[1] “Hoành Sơn nhất đới” hoặc “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” - câu sấm của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã giúp Nguyễn Hoàng gây dựng nên một triều đại tồn tại mấy trăm năm.
[2] Mũi Rồng núi Thọ Sơn, nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ngọn núi thuộc dẫy Hoành Sơn chạy ngang ra biển. Nơi đây được coi là có địa thế “Rồng cuộn hổ ngồi”.
[3] Vị thần được nhiều nơi thờ tự. Là một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh quỉ biển ngoài khơi và đánh giặc trong đất liền cứu dân làng. Đền Độc Cước nằm trên đỉnh núi mang tên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ ở thị xã Sầm Sơn. Đền xây dựng từ đời Trần. Đến đời Lê sắc phong “Độc Cước sơn triều”.
[4] Thờ Đức Thánh Ông Trần Triều. Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi.
[5] Năm 1972 một phần xác máy bay B52 bị bộ đội Phòng không không quân Việt Nam bắn hạ đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà.
[6] Lấy việc công làm hàng đầu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phạm Ngọc San » Những ngày tang lễ của Đại Tướng là những ngày nhân dân phong thánh cho Ngài