23/04/2024 21:51Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ngồi vui kể chuyện quê nhà

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 11/10/2020 10:50

 

Ngồi vui kể chuyện quê nhà,
Rau tươi quả ngọt đồng ta ngoại thành.
Làng Đăm[1] cải biếc màu xanh,
Làng Hàn[2] cà bát trĩu cành xum xuê.
Rau thơm đất Láng[3] quen nghề,
Hành tươi Mai Động[4], Yên Khê[5] đầy đồng.
Bắp cải Phù Dực[6] sớm trồng,
Yên Mỹ[7] nổi tiếng cà hồng xưa nay.
Yên Viên[8] có món măng tây,
Lại thêm cải tiếu ngọt thay hỡi mình!
Nhất cay là giống ớt Đình,
Nhất thơm là mướp làng Quỳnh, làng Mai.
Su hào Quảng Bá[9] hơn ai,
Hoa lơ Phú Diễn[10] chen vai trắng ngà.
Cải canh mát bãi Duyên Hà[11],
Đông Dư[12] cải nén mặn mà hương quê.
Nhật Tân[13] cải trắng ven đê,
Muốn thăm cải củ thì về Lĩnh Nam[14].
Tỏi tây, xà lách Xã Đàn[15],
Đạu trạch, đậu vàng, đậu đũa Vĩnh Tuy[16].
Muống non xơ mới Thanh Trì[17],
Rau cần làng Sét[18] xanh rì bờ sông.
Bí xanh, bí đỏ đầy đồng,
Cổ Loa[19], Tầm Xá[20], Nam Hồng[21] chứ đâu.
Khoai tây mời tới làng Ngâu[22],
Thôn Quang[23] dưa chuột giữ mầu quê hương.
Vùng rau đã kể tỏ tường,
Bây giờ đất quả đưa đường vào thăm.
Cam Canh[24], bưởi Cáo[25], vải Bằng[26],
Tiếng đồn xưa vẫn còn vang quê nhà.
Chuối Giang Biên[27], chuối Trung Hà[28],
Sông Hồng, sông Đuống phù sa đắp bồi.
Cổ Loa mít chín thơm trời,
Thành tiên lại có trám bùi trên cây.
Song mai Đông Mỹ[29] quý thay,
Rừng dừa Hải Bối[30] khen tay người trồng.
Thôn Văn[31] ngọt nước nhãn lồng,
Trưa hè Hoàng Liệt[32], Bắc Hồng[33] xem dưa.
Bưởi đường Vạn Phúc[34] tìm mua,
Vườn chanh Trung Phụng[35] hoa đua trắng cành.
Tây Hồ quất đỏ trời xanh,
Mễ Trì[36] chín mọng cam sành làm duyên.
Xuân Đỉnh[37] tốt giống hồng xiêm,
Dâu tây ở Dịch Vọng Tiền[38] mình ơi.
Nghi Tàm[39] lắm táo, nhiều roi,
Ổi ngon Quảng Bá[40], Quỳnh Lôi[41] mời vào.
Trung Hà đã quý chanh đào,
Lại sai đu đủ ngọt ngào quê ta.
Mấy vần chắp nhặt nôm na,
Hoa thơm quả ngọt ai mà chẳng yêu.
Mình về ươm hạt cho nhiều,
Chiết cành gây giống, sớm chiều ta sang.
Trồng cây cho rợp đường làng,
Xe rau chạy giữa hai hàng cây xanh.
Rau tươi, quả ngọt ngoại thành,
Bốn mùa xanh bãi, đỏ cành quê hương.
[1] Tên nôm làng Tây Tựu, huyện Từ Liêm, làng rau quả nổi tiếng và có Hội bơi chải vào ngày 9 tháng 3 lịch âm.
[2] Gọi tắt tên làng Hàn Lạc, bên bờ nam sông Đuống, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm.
[3] Tên nôm của làng Yên Lãng, gồm 3 thôn Thượng, Trung, Hạ. Đây là nơi trồng húng và hành hoa nổi tiếng, xưa là làng trại, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, sau thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, rồi lại chuyển về huyện Từ Liêm (nay là 2 phường Láng Thượng, Láng Hạ, quận Đống Đa). Hội chùa Láng, thờ Từ Đạo Hạnh ngày 7 tháng 3 cùng với chùa Thày (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây cũ).
[4] Xã thuộc huyện Thanh Trì, nay là phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
[5] Còn gọi Ngũ Khê, thôn thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm.
[6] Thôn thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tên cũ là rừng Trại Nòn, còn Miếu Ban, tương truyền là nơi sinh Thánh Gióng.
[7] Làng bãi ngoài đê sông Hồng, thuộc huyện Thanh Trì.
[8] Làng còn có tên Vân Nhuộm, nay thuộc xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.
[9, 40] Còn gọi Quảng Bố, phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận xưa, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, có đền thờ Phùng Hưng.
[10] Tên nôm là Kẻ Diễn, xã thuộc huyện Từ Liêm.
[11] Xã vùng bãi sông Hồng, huyện Thanh Trì.
[12] Xã thuộc huyện Gia Lâm.
[13] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận xưa, ở phía bắc Hồ Tây, Hà Nội. Đây là làng trồng đào nổi tiếng, nay là một phường của quận Tây Hồ.
[14] Xã bên sông Hồng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
[15] Phường thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nơi lập đàn Xã Tắc, nay là ngõ Xã Đàn, quận Đống Đa.
[16] Xã thuộc huyện Thanh Trì, một phần đất lập phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
[17] Một làng thuộc huyện Thanh Trì, ở giáp sông Hồng, có nghề tráng bánh cuốn ngon có tiếng.
[18] Tức làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì. Đầm Sét có loại cá rô ngon, thôn Giáp Nhị còn có nghề làm vàng giấy.
[19] Kinh đô nhà nước Âu Lạc, quê hương truyện Mị Châu – Trọng Thuỷ, có thành ốc do vua Thục xây. Còn gọi Kẻ Chủ. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương cũng đóng đô ở đây. Hội đền vào ngày 6 tháng giêng lịch âm. Nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.
[20] Còn gọi Tằm Xá, Tàm Xá, xã vùng bãi thuộc huyện Đông Anh.
[21] Xã thuộc huyện Đông Anh.
[22] Tên nôm làng Yên Ngưu, có nghề nấu rượu, nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
[23] Gọi tắt tên làng Quang Liệt, nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, quê Chu Văn An.
[24] Tên nôm chỉ hai làng Phương Canh (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) và Vân Canh (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) ở liền nhau, cùng có giống cam ngon.
[25] Tên gọi tắt làng Cáo Đỉnh, còn gọi Kẻ Giàn, nay là một thôn thuộc xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nơi có nhiều thế đất quý.
[26] Gọi tắt tên làng Bằng Liệt, có 2 xóm Bằng Thượng, Bằng Hạ, nay là hai thôn Bằng A, Bằng B thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
[27] Xã bên sông Đuống, huyện Gia Lâm.
[28] Thôn ở bãi giữa sông Hồng, thuộc xã Ngọc Thuỵ, huyện Gia Lâm.
[29] Xã thuộc huyện Thanh Trì, do ghép 2 thôn Đông Phù và Mỹ Á mà thành.
[30] Xã thuộc huyện Đông Anh, ở bờ bắc cầu Thăng Long, tên nôm là làng Bỏi.
[31] Thôn thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
[32] Xã thuộc huyện Thanh Trì.
[33] Xã thuộc huyện Đông Anh.
[34] Xã vùng bãi bên sông Hồng, thuộc huyện Thanh Trì.
[35] Thôn, do ghép 2 thôn cũ của Thị Trung và Phụng Khánh, tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, nay là khu vực quanh chợ Khâm Thiên.
[36] Tên một làng, nay thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Đây là vùng gạo tám xoan ngon thơm nổi tiếng, cũng là đất vỡ, vật tài ba.
[37] Xã thuộc huyện Từ Liêm.
[38] Xã Dịch Vọng thuộc huyện Từ Liêm gồm 3 thôn Tiền, Trung, Hậu, nay là phường Quan Hoa và phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
[39] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, có nghề trồng hoa, cây cảnh ven Hồ Tây, xưa có rừng trúc ngà rất đẹp, chúa Trịnh lập bến tắm ở đây gọi là Bến Trúc, sau là làng, thôn của xã Quảng An, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.
[9, 40] Còn gọi Quảng Bố, phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận xưa, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, có đền thờ Phùng Hưng.
[41] Trại thuộc tổng Tả Nghiêm (sau là Kim Liên) huyện Thọ Xương, nay là phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Ngồi vui kể chuyện quê nhà