27/04/2024 00:20Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đệ thất cảnh - Trường Ninh thuỳ điếu
第七景-長寧垂釣

Tác giả: Thiệu Trị hoàng đế - 紹治皇帝

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi YensidTim vào 09/11/2020 05:11

 

Nguyên tác

湖亭澄湛印晴虛,
雲態波紋巧卷舒。
柳絮風竿粘細縷,
荷香月檻集長裾。
池頭影落鳴孤鴈,
舟裏人懲哭小魚。
宮闕蓬壺仁壽域,
安輿時奉賞閒餘。

Phiên âm

Hồ đình trừng trạm ấn tình hư,
Vân thái ba văn xảo quyển thư.
Liễu nhứ phong can niêm tế lũ,
Hà hương nguyệt hạm tập trường cư.
Trì đầu ảnh lạc minh cô nhạn,
Chu lý nhân trừng khốc tiểu ngư.
Cung khuyết bồng hồ nhân thọ vực,
An dư thời phụng thưởng nhàn dư.

Dịch nghĩa

Đình bên hồ, mặt nước soi cả bầu trời quang đãng,
Mây trời và sóng nước thật khéo hoà quyện vào nhau.
Tơ liễu theo cần đưa dính vào sợi cước nhỏ,
Hương sen qua cửa sổ tròn cuộn vào vạt áo dài.
Đầu ao chiếc nhạn lẻ loi soi bóng nước kêu lên,
Trong thuyền người cất cần lên, con cá nhỏ đang khóc.
Cung Khuyết ở chống Bồng Lai này thật là chỗ cho người nhân được thọ,
Đất nước đang lúc yên lành thì nên hưởng thú trong những khi nhàn rỗi.

Bản dịch của Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung

Đình bên hồ lắng cả trời cao,
Sóng nước quyện mây hợp sắc màu.
Tơ liễu theo cần vương sợi gió,
Hương sen luồn của cuộn trường bào.
Bóng lẻ nhạn kêu hư ảnh lạc,
Thân đau cá khóc mạn thuyền xao.
Bồng Lai, Cung Khuyết nơi trường thọ,
Vui thuở bình yên hứng dạt dào.
Lời dẫn: “Trường Ninh cung: Trung kiến Vương Tự điện, ngoại cấu Hồ Tâm đình. Trí thuỷ trường tồn chi đê phất Quan Âm chi trúc, nhân sơn ngưỡng chỉ anh thạch y La Hán chi tùng. Đãng dạng tình ba phiếm phiếm trục thừa thặng phong chi phảng, trừng minh tịnh luyện khinh khinh di yêu nguyệt chi linh. Bạch y chi thượng năng ngôn, xanh vĩ trì tâm khả tự.” 長寧宮:中建王字殿,外構湖心亭,智水長存芝堤拂觀音之竹,仁山仰止英石依羅漢之松,宕漾晴波泛泛逐乘風之舫,澄明淨練輕輕移邀月之舲,白衣枝上能言,赬尾池心可飼。(Cung Trường Ninh: Giữa xây điện Vương Tự, ngoài dựng đình Hồ Tâm. Mãi cho người trí thích nước, ven bờ cỏ thơm, trúc Quan Âm phe phẩy, hợp với người nhân yêu núi, trên đá hoa tươi, tùng La Hán nghiêng mình. Nước mênh môn sóng lặng, thuyền cưỡi gió trôi xuôi, hồ trong vắt êm đềm, ghe theo trăng lướt nhẹ. Chim oanh vũ trên cành biết nói, cá đỏ đuôi dưới nước đáng nuôi.)

Cung Trường Ninh nằm ở phía tây bắc, bên trong Hoàng Thành, ngay sau cung Diên Thọ, được xây dựng từ năm 1821 dưới thời Minh Mạng. Ban đầu, cung Trường Ninh được xây dựng như một hoa viên, gồm một điện chính, điện phía trước, lầu phía sau, nhà Huyên Đường, nhà Di Chí, lầu Vọng Hồ cùng với các hệ thống thành, hồ, cầu, núi. Nhà Di Chí và lầu Vọng Hồ đến năm 1838 thì được dỡ để đem đi làm lầu Trừng Luyện và nhà tạ Thanh Tâm ở hồ Tịnh Tâm.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), cung Trường Ninh được “đại gia trùng tu” và đổi tên một số công trình. Sau khi tu sửa, quy mô của cung khá lớn. Chính giữa là một trục kiến trúc có nền liền nhau như hình chữ vương 王. Trong trục này, ngôi điện đầu tiên là Ngũ Đại Đồng Đường (sở dĩ có tên gọi này là vì tháng tám năm Thiệu Trị thứ 5, hoàng tử trưởng của vua Thiệu Trị là Hồng Bảo sinh được hoàng tôn Ung Đạo, nếu tính từ Thuận Thiên Cao hoàng hậu đến Ung Đạo là năm đời). Ở giữa là điện Thọ Khang, phía sau là lầu Vạn Phúc nối với một hành lang dài. Phía trước Ngũ Đại Đồng Đường có cửa Phường Môn, phía sau lầu Vạn Phúc là núi Bảo Sơn, bên trái có ngọn núi Kê Quan, phía tây núi này lại có núi đá Kình Ngư, còn bên phải có núi Hổ Tôn. Khu vực này có một con lạch chạy vòng quanh gọi là lạch Đào Nguyên. Lạch này thông suốt từ của lạch góc tây bắc nền cung đến trước hồ Nội Kim Thuỷ. Bên trái và bên phải nhà đều bắc cầu sơn đỏ đi qua lạch. Cửa cung Trường Ninh nằm ở phía trước, 3 gian, 3 cửa...

Như trên đã nói, ban đầu cung Trường Ninh được xây dựng như một hoa viên làm nơi vua tới dạo chơi tiêu khiển hoặc đưa hoàng thái hậu đến thăm thú, nghỉ ngơi. Về sau, nó trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt của một số bà hoàng hậu sau khi vua băng hà. Theo sử sách, các bà Lệ Thiên (vợ vua Tự Đức), Từ Minh (vợ vua Dục Đức) và Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh) đã từng sống tại cung này. Năm 1923, vua Khải Định đã đổi tên cung Trường Ninh thành Trường Sanh nhưng chức năng của công trình vẫn không thay đổi. Đến nay, trải qua bao nhiêu biến động lịch sử, cung Trường Sanh đã bị xuống cấp rất nặng nề. Đến thăm cung Trường Sanh bây giờ ít ai có thể nghĩ rằng cung điện này xưa kia đã từng được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thắng cảnh của đất thần kinh.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Thiệu Trị hoàng đế » Đệ thất cảnh - Trường Ninh thuỳ điếu