27/04/2024 00:36Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phụng hoạ ngự chế “Lục Vân động”
奉和御製綠雲洞

Tác giả: Nguyễn Xung Xác - 阮冲慤

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 31/07/2019 20:06

 

Nguyên tác

蒼崖翠壁聳巑岏,
誰識壺中境界寬。
尼室晝虛雲滿榻,
化城夜靜月臨關
春深石乳融融暖,
風迥松濤洒洒寒
香火夙緣應未斷,
回頭休羨老僧閑。

Phiên âm

Thương nhai thuý bích tủng toàn ngoan,
Thuỳ thức hồ trung[1] cảnh giới khoan.
Ni thất trú hư vân mãn tháp,
Hoá thành[2] dạ tĩnh nguyệt lâm quan
Xuân thâm thạch nhũ dung dung noãn,
Phong quýnh tùng đào sái sái hàn
Hương hoả túc duyên ưng vị đoạn,
Hồi đầu hưu tiện lão tăng nhàn.

Dịch nghĩa

Vách núi xanh biếc, vút cao hiểm trở
Ai biết có một cõi rộng rãi trong bầu
Phòng ni ngày vắng, mây toả đầu giường
Chùa Phật đêm lặng, trăng soi ngoài cửa
Xuân nồng, nhũ đá lung linh ấm áp
Gió thổi, sóng tùng tuôn nước mát lạnh
Mối duyên hương lửa còn chưa cắt đứt
Quay đầu lại, đừng thèm được nhàn như vị sư già

Bản dịch của Nguyễn Hữu Thăng

Núi biếc cheo leo trải trập trùng
Trong bầu một cõi thấy mênh mông
Phòng ni ngày vắng, giường mây toả
Chùa Phật đêm yên, cửa nguyệt lồng
Nhũ đá lung linh mùa ấm áp
Sóng tùng dào dạt nước xanh trong
Mối duyên hương lửa còn chưa dứt
Nhàn tựa sư ông, thấy ngại ngùng
Động Lục Vân tại xã Chính Đại, huyện Tống Sơn, nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Vua Lê Thánh Tông làm thơ vịnh động Lục Vân vào ngày 17 tháng 9 năm Hồng Đức thứ 25 (1494).

Bài thơ này hoạ bài Ngự chế đề Lục Vân động của Lê Thánh Tông.

[1] Trong bầu. Thi Tồn người nước Lỗ học đạo, có quả bầu, trong đó là cả một trời đất riêng, đêm ông thường vào đó ngủ, tự hiệu là Hồ Thiên.
[2] Chỉ chùa Phật. Theo phẩm Hoá Thành Dụ của kinh Pháp Hoa thì mục đích cứu cánh là Phật muốn chúng sinh đắc Phật quả, lên Bảo sở nhưng sợ chúng sinh sợ khó nên mới thuyết tiểu thừa Niết bàn, như là Hoá thành (toà thành huyễn hoá) để chúng sinh tạm nghỉ giữa đường trên đường đi tới Phật quả. Sau chữ “Hoá thành” thường dùng để chỉ chùa Phật.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Xung Xác » Phụng hoạ ngự chế “Lục Vân động”