24/04/2024 20:41Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cái sáo mặc áo em tao

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Tứ ngôn; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trung đại
Đăng bởi Vanachi vào 21/11/2009 23:43

 

Cái sáo[1] mặc áo em tao[2],
Làm tổ cây cà,
Làm nhà cây chanh.
Đọc canh bờ giếng,
Mỏi miệng tiếng kèn.
Hỡi cô trồng sen,
Cho anh hái lá.
Hỡi cô trồng bưởi,
Cho anh hái hoa.
Cứ một cụm cà,
Là ba cụm lý[3].
Con nhà ông lý[4],
Mặc áo tía tô.
Con nhà thằng Ngô[5],
Mặc áo lang khách[6].
Hai con chim khách,
Đánh nhau trên cây.
Hai cái bánh giầy,
Đánh nhau mâm cỗ.
Có hai hạt đỗ,
Đánh nổ nồi rang.
Hai con kiến vàng[7],
Đánh nhau lọ mật.
Có hai hòn đất,
Đánh vật bờ ao.
Mày tát chuôm[8] tao,
Tao tát ao mày.
Mày đầy rổ cá,
Tao đầy rổ tôm.
Mày đi chợ Cầu Nôm[9],
Tao đi chợ Cầu Dền[10].
Mày bán cửa đền,
Tao bán cửa vua.
Mày làm mắm chua,
Tao làm mắm thính.
Mày con ông chính[11],
Tao con ông xã[12].
Mày là cái cả,
Tao là thằng hai.
Mày đội bồ đài[13],
Tao đội nón méo.
Mày cầm cái kéo,
Tao cầm con dao.
Mày làm sao,
Tao làm vậy.
Mày đi buôn cậy[14],
Tao đi buôn hồng[15].
Mày đi lấy chồng,
Tao đi lấy vợ.
Mày lên kẻ chợ[16],
Tao về nhà quê.
[1] Khảo dị: “Cái cáo”.
[2] Khảo dị: “mặc áo của cô”.
[3] Hoa thiên lý.
[4] Lý trưởng, chức quan đứng đầu làng, bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
[5] Chỉ người Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
[6] Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Khảo dị: “chú khách”.
[7] Khảo dị: “kiến càng”.
[8] Chỗ trũng có đọng nước ở ngoài đồng.
[9] Tên một cái chợ ở đầu làng Nôm, xưa thuộc phủ Thuận Yên, trấn Kinh Bắc, nay thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Làng có một cây cầu đá đã 200 tuổi, bắc qua sông Nguyệt Đức, tên là cầu Nôm, có lẽ là nguồn gốc của tên chợ, rồi tên làng. Dân làng ngày xưa có nghề buôn đồng nát.
[10] Chợ ở khu vực cửa ô Cầu Dền, thuộc kinh thành Thăng Long - Hà Nội xưa.
[11] Chức quan đứng đầu tổng, cũng gọi là cai tổng.
[12] Người có chức vị trong làng xã ngày xưa.
[13] Một loại mũ có hình chóp, cũng phát âm thành “bù đài”. Có nơi giải thích là mo cau nhúng ướt gấp lại, dùng để múc nước.
[14] Cũng gọi là cây thị sen hoặc cây mận chà là, loại cây gỗ nhỏ thường gặp ở miền Bắc, thuộc họ thị, vỏ màu hơi đen, nhánh non có lông. Quả phơi khô dùng ăn và được dùng làm thuốc giải nhiệt. Nhựa cây cậy có chất dính, thường dùng để phết dán quạt giấy.
[15] Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tuỳ theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.
[16] Từ cũ chỉ kinh đô. Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Cái sáo mặc áo em tao