20/04/2024 11:52Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quan thư 3
關雎 3

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 31/08/2005 01:20

 

Nguyên tác

參差荇菜、
左右采之。
窈窕淑女、
琴瑟友之。
參差荇菜、
左右芼之。
窈窕淑女、
鍾鼓樂之。

Phiên âm

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu thể chi.
Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt vĩ chi.
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu mạo chi.
Yểu điệu thục nữ,
Chung cổ lạc chi.

Dịch nghĩa

Rau hạnh so le không đều nhau
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu chọn hái lấy.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Phải đánh đàn cầm đàn sắt mà thân ái nàng
Rau hạnh cọng dài cọng ngắn không đều nhau
Phải nấu chín mà dâng lên ở hai bên
Người thục nữ u nhàn ấy
Phải khua chuông đánh trống để mang nàng mừng vui.

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.
Chú giải của Chu Hy:
Chương này thuộc hứng.
- thể (thái) 菜: chọn mà hái lấy.
- mạo 芼: nấu chín mà dâng lên.
- cầm 琴: cây đàn 5 hoặc 7 dây; sắt 瑟: đàn 25 dây, đều là loại đàn dây tơ, loại nhạc khí nhỏ.
- vĩ (hữu) 友: ý thân ái.
- chung 鍾: cái chuông, lại nhạc khí bằng đồng.
- cổ 鼓: cái trống, loại nhạc khí to bằng da.
- nhạo 樂: ý rất thuận hoà vui vẻ.

Chương này nói vào lúc tìm được nàng: rau hạnh cọng ngắn cọng dài không đều kia, phải chọn hái rồi nấu luộc mà dâng lên. Người thục nữ yểu điệu ấy đã cầu được rồi, phải thân ái để làm cho nàng vui, vì rằng người ấy với đức hạnh ấy trên đời không thường có vậy. Hôm nay mà cầu được nàng, thì đã được người để phối hợp với vua thành việc nội trị. Cho nên tỏ ý vui mừng tôn kính không xiết như thế vậy.

Thiên Quan thư có 3 chương, 1 chương 4 câu và 2 chương 8 câu.

Khổng tử nói rằng: “Thiên Quan thư vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. Tôi cho rằng: “Lời ấy đối với thơ Quan thư này đúng với sự đoan chính của tính tình và sự điều hoà của thanh khí. Vì rằng đức hạnh như chim thư cưu, tình chí thiết đậm đà mà vẫn giữ gìn cách biệt, thì sự đoan chính về tính tình của bà Hậu phi Thái Tự hẳn đã có thể nhận thấy được một phần rồi. Đến việc thức ngủ lăn qua trở lại, đánh đàn cầm đàn sắt, khua chuông đánh trống, niềm vui buồn đã tột bực và đều không quá khuôn khổ phép tắc, thì sự đoan chính về tính tình của người làm thơ ấy lại có thể nhận thấy được cả toàn thể rồi vậy. Riêng sự điều hoà về thanh khí thì không thể nghe được. Tuy là đáng hận, nhưng học giả hãy thưởng thức nghĩa lý ở trong lời thơ ấy để bồi dưỡng tâm tính, thì cũng có thể nắm được căn bản của việc học Kinh Thi vậy.”

Khuông Hành nói rằng: “Phối hợp thành vợ chồng là mối đầu của việc phồn sinh của dân chúng, là nguồn cội của vạn phúc. Nghi lễ của hôn nhân được chính đáng thì về sau phẩm vật thoả thuận và thiên mệnh mới hoàn toàn.”

Mạnh tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, ý nói rằng trên hơn hết là bực cha mẹ dân, đức hạnh của bà Hậu phi phu nhân nếu chẳng ngang bằng với trời đất, thì không lấy gì mà thờ phụng thần linh để điều hoà sự thích nghi của vạn vật. Từ đời trước trở lại, việc hưng phế của ba đời Hạ, Thương, Chu chưa có bao giờ không do ở đấy vậy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Quan thư 3