19/04/2024 08:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ngự chế đề Chích Trợ sơn
御製題隻箸山

Tác giả: Trịnh Sâm - 鄭森

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 05/02/2020 20:51

 

Nguyên tác

臺望滄茫海色秋,
天將隻著障橫流。
孤高如削浮鰲極,
聳峙無雙壓蜃樓。
十二海門標砥柱,
三千塵界認仙州。
挾超自是英雄志,
前席何須更借籌。

Phiên âm

Nhất vọng thương mang hải sắc thâu (thu),
Thiên tương Chích Trợ chướng hoành lưu.
Cô cao như tước phù ngao cực[1],
Tủng trĩ vô song áp thẩn lâu[2].
Thập nhị hải môn tiêu để trụ,
Tam thiên trần giới nhận tiên châu.
Hiệp siêu tự thị anh hùng chí,
Tiền tịch hà tu cánh tá trù!

Dịch nghĩa

Trông ra biển xanh bát ngát một màu thu,
Trời đem núi Chích Trợ chắn ngang dòng nước.
Một mình sừng sững như con ngao nổi lên giữa biển nâng cột chống trời,
Một mình chót vót như muốn che lấp cả toà thẩn lâu.
Trong mười hai cửa biển duy ngọn núi này vút cao như trụ đá,
Khắp ba nghìn cõi trần đều coi đây là một cõi tiên.
Chí khí anh hùng mang hoài bão từ đó,
Thuở trước nào đâu đã trù tính đến!

Bản dịch của Hồng Phi, Hương Nao

Bát ngát trông vời biển sắc thâu,
Trời đem Chích Trợ chặn dòng sâu.
Một mình sùng sững nâng ngao cực,
Riêng dáng hiên ngang chắn thẩn lâu.
Hơn chục cửa sông nêu trụ đá,
Ba ngàn cõi thế đáng Tiên Châu.
Anh hùng chí khí vươn từ đó,
Thuở trước nào ai có tính đâu!
Chích Trợ sơn tên Nôm là núi Chiếc Đũa. Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chép: “Núi Chích Trợ là một ngọn núi đứng trơ trọi, trông như hình chiếc đũa dựng trong cái vạc. Đứng xa lại trông như hình toà sen, nên lại gọi là Liên Sơn”. Sách Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú cũng chép: “Núi Chích Trợ ở ngoài cửa biển Thần Phù, chót vót lởm chởm đứng một mình, trông như đẽo gọt nhọn đi”. Hiện nay, núi này toạ lạc trên cánh đồng làng Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, nhưng chỉ cao khoảng gần trăm mét, gồm nhiều phiến đá xếp thành từng lớp, ở giữa có một cái hang xuyên suốt từ bên này sang bên kia núi, hình núi không giống chiếc đũa chút nào, mà có lẽ giống một toà sen, như Lê Quý Đôn từng nhận xét là do có lẽ xưa nước biển dâng rất cao, núi Chích Trợ nằm ở cửa Thần Phù mênh mông biển nước.

Trong các sách như Lịch triều hiến chương loại chí, Trịnh gia thế phả... đều có chép bài thơ chúa Trịnh Sâm đề ở núi Chích Trợ, song không hiểu tại sao các sách trên chỉ chép có 6 câu đầu, mất hẳn 2 câu cuối. Ở vách núi phía bắc hiện còn thấy khắc hai bài thơ chữ Hán làm theo thể Đường luật. Một bài của vua Lê Hiến Tông đề năm Cảnh Thống thứ 4 (1501), và một bài là của chúa Trịnh Sâm mà các sách nói trên đã chép, nhưng bản khắc trên núi còn đủ cả 8 câu. Lạc khoản đề “Nhật Nam nguyên chủ đề” 日南元主題, phía dưới còn một dòng chữ Hán nhỏ nhưng đã bị mất hết đọc không được.

[1] Một loại rùa biển. Theo thần thoại Trung Quốc, thuở hồng hoang bà Nữ Oa luyện đá ngũ sắc vá trời, lấy bốn chân con ngao làm đá kê cột chống trời.
[2] Lâu đài do hơi con “thẩn” tạo nên trên mặt biển bởi hơi nước do mặt trời phản chiếu tạo nên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trịnh Sâm » Ngự chế đề Chích Trợ sơn