28/03/2024 17:28Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nguyễn Trọng Tạo như tôi biết

Nguyễn Trọng Tạo

Đăng bởi saoviet vào 12/12/2008 14:45

 

- Ông này (ý à) có mà uống rượu với cả nước!

Ông Thìn, người nổi tiếng tửu lượng của thị xã Cửa Lò vừa khoát tay, vừa nói một câu xanh rờn màu nước biển. Ông nói về cái sự rượu, sự uống của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một cuộc vui với bạn bè xứ Nghệ trên bãi biển đẹp nhất miền Trung này.

Ờ thì đã là nhà thơ, người làm thơ, người sáng tạo chữ, ai không uống rượu. “Bầu rượu túi thơ” mà. Cổ nhân thật vĩ đại khi tìm ra, chế ra thứ nước uống có cồn, khơi nguồn những sáng tạo của nhân loại. Cái sự uống của ông Tạo nổi tiếng lắm. Thời còn sống ở Huế, ông đã từng trắng đêm với nhà văn quá cố Hoà Vang, đi bộ 20 km lên đỉnh Bạch Mã và đã đi hết can 10 lít rượu Phú Cam - Huế. Ông từng uống với nhạc sỹ Văn Cao, Trịnh Công Sơn... và đã thốt lên một bài thơ 2 câu bất tử: “Sông Hương hoá rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”.

Tôi biết ông mới có mười năm nay, nhưng tôi cũng đã hiểu ra cái cách “hành tửu” của ông. Ông nói uống rượu phải như đi bộ, phải từ từ, đừng có dô dô, 100% là mất mạng như chơi. Hoá ra, ông đã tự tiết chế mình, hãm mình, tu mình trong tửu đạo. Mặc dù vậy, trong địa hạt chơi mà bây giờ ông gọi là địa hạt thích, ông đã có nhiều tác phẩm sống trong lòng người nghe, người đọc, người xem. Ông nói, lúc nào thích thơ thì thơ, thích không vần thì không vần, thích có vần thì có vần, thích nhạc thì nhạc, thích vẽ bìa thì bìa. Xin được kể như phép thống kê thuần tuý ở sự thích nhạc, thích thơ, thích vẽ bìa sách của ông.

Về sự thích 1, ông nói ngày nào cũng có người yêu nhạc của ông hát cho ông nghe qua điện thoại Khúc hát sông quê – ca khúc ông phổ thơ Lê Huy Mậu – nhà thơ đồng hương Xứ Nghệ của ông, hiện đang sống tại Vũng Tàu. Nhạc của ông da diết hơi thở dân ca máu thịt. Dễ hát, dễ thuộc, dễ xoáy vào tâm trạng của nhiều người gốc quê của nước Việt ta. Trước đây, bài Làng Quan họ quê tôi, phỏng thơ Nguyễn Phan Hách đã từng được đài NHK và chương trình karaoke của Nhật Bản chọn là một trong 100 ca khúc hay nhất của Việt Nam hồi thập niên 80 thế kỷ trước... Tôi cũng được ông cho nghe các CD, VCD nhạc của ông tại nhà riêng. Nhạc ông hướng thiện, dẫn dắt, lôi kéo người nghe về phía đông, về phương đông, nơi có tộc bách Việt đã từng chia ly sum họp. Giai điệu hướng về biển xanh và núi cao, mỗi nơi đã có 50 người con trong bọc trăm trứng nở thành. Ông hát về cuộc ly hôn lớn nhất của mọi thời đại. Sự thích này cũng mang về cho ông cả chục giải thưởng Âm nhạc quốc gia.

Về sự thích 2, ông đã xuất bản 9 tập thơ, 4 tập trường ca, 4 tập văn xuôi. Trong các tập văn xuôi, có Văn chương Cảm và Luận, là cuốn sách được sinh viên, học sinh rất thích. Họ tìm được lối đi, cách tiếp cận các tác phẩm văn học. Cuốn sách này như sách giáo khoa cho sinh viên chuyên ngành Văn, cho học sinh thi đại học. Con gái tôi, cả hai đứa đều đọc thêm tập sách này như tập lý luận văn học chính để nâng cao kiến thức mà chưa có được từ nhà trường. Nhờ thế mà hai con tôi thi khối D, văn đều đạt điểm cao, hai cháu đều đỗ cả. Những năm mới quen ông, khi ông từ Huế ra Hà Nội sống, tôi được đọc tập thơ Đồng dao cho người lớn xuất bản năm 1994, tái bản cuối 1999. Lúc đó sách đã phát hành được mấy năm, nên chính ông cũng chỉ còn 1 cuốn lưu tác giả. Tôi mượn ông tập thơ duy nhất còn lại và đã âm thầm đọc bằng bàn phím computer, âm thầm in ra 2 cuốn giấy cứng, thuê nhà sách Tân Dân ở Cửa Nam, đóng thành tập như sách của nhà xuất bản ấn hành. Tôi mang tặng ông 1 cuốn và đề nghị ông đề tặng vào cuốn còn lại cho tôi. Ông ghi: “Tôi chúc mừng cho thơ tôi đã được Vân Đình Hùng làm sống tiếp trên bản đặc biệt này”. Hồi đó là tháng 4 năm 1999.

Cùng năm ấy, ông cho ra tập thơ Nương Thân. Mở đầu tập thơ, trong lời tựa ông viết: “Người ta nói đời là Cõi Tạm. Tôi thấy mình chỉ là kẻ Nương Thân... Trên con đường vô định, tôi đã đi tìm thơ gần trọn cuộc đời, để quay về với ngôn ngữ thơ ca nhịp chẵn của Việt Nam mình. Thơ lục bát, thơ bốn tiếng, thơ tám tiếng... bao giờ cũng tạo nên những cặp đôi thuỷ chung bền vững như một đặc tính vĩnh cửu của tâm hồn người Việt. Những vần lưng, vần nối của lục bát, đồng dao... cứ đi mãi không ngừng từ thế giới hồn nhiên tới triết lý cao siêu... Và bây giờ, cửa căn phòng bấy lâu khép kín của thơ tôi đã mở. Mời bạn hãy bước vào. Rồi bạn sẽ quen dần với thứ ánh sáng u huyền đang hắt lên từ vết nứt của bức tường ngôn ngữ”.

Lời mời gọi trang nhã này cùng với bức tường ngôn ngữ u huyền, người đọc tự dưng tìm được chốn nương thân đồng cảm cùng ông.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến viết sau khi đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo: Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt... Nguyễn Trọng Tạo không làm thơ tả cảnh.

Tôi xin được dẫn vài câu thơ của ông
... mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi
... và em thuở ấy đi biệt xứ
sao lại về đây. Lấp lánh. Và…
Thơ viết như thế xin đừng bình. Đụng vào nó vỡ tức thì, tan vào thinh không ngay. Nó thật mảnh mai và nhẹ tựa khí trời. “Thơ anh thản nhiên nhẹ nhàng và dễ dàng như những hình tượng đã có sẵn trên cây, anh chỉ việc rung cây là chúng rụng xuống Thơ anh” - (Thuỵ Khuê – Pari, 1993)

Về sự thích thứ 3 – bìa sách. Ông vẽ bìa có gu riêng, độc đáo và ấn tượng. Ông đã đoạt 2 giải bìa sách đẹp của Bộ Văn hoá Thông tin. Có bìa còn được người ta viết cả lời bình là bìa cuốn Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ông còn làm nhiều bìa thơ cho các nhà thơ mà ông yêu quí. Bìa tập thơ Mật ong vàng lũng núi mới đây của nhà thơ Bùi Quang Thanh là một ví dụ.

Để khép lại bài viết này, tôi xin mượn lời nhà thơ Vũ Cao đã viết về Nguyễn Trọng Tạo: “Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại... Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào”. Tôi hiểu rằng, “nhà thơ Núi Đôi” đã đánh giá rất cao bản ngã thi sĩ độc đáo riêng biệt của Nguyễn Trọng Tạo trong lớp nhà thơ cùng thời, ông không chạy theo “phong trào”, không “vụ đề tài” như là mặt nổi của văn chương, mà chỉ luôn hướng tới rung cảm nhân văn về thân phận con người và thời đại.

Phải chăng Nguyễn Trọng Tạo là một “siêu sĩ”? Với tôi và nhiều bạn khác của ông, ông là một trong những nhà thơ đặc biệt được yêu mến, kính trọng bởi tài năng và tính hướng thượng, khiêm nhường…./.
Vân Đình Hùng

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trọng Tạo » Nguyễn Trọng Tạo như tôi biết