29/03/2024 09:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phố Dần trong Cổng tỉnh

Trần Dần

Đăng bởi Thái Linh vào 10/02/2009 07:55

 

Dạ khúc trường thiên Cổng tỉnh là một tập tiểu thuyết thơ, viết trong khoảng 59-60, cùng thời với ba tập thơ khác: Sắc lệnh, Con tầu xã hội17 tình ca. Cả ba đều chưa xuất bản. 59-60 cũng là năm Hoàng Cầm sáng tác Về Kinh Bắc.

Cổng tỉnh được nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1994, 15 năm sau khi viết xong.

Thời điểm 58-60 là những năm kinh hoàng, sau Nhân Văn. Không khí đen tối dội lại trong Về Kinh BắcCổng tỉnh.

Cả Trần Dần lẫn Hoàng Cầm đều lấy đêm làm phông cho hai khúc ca bi tráng của mình.

Về Kinh Bắc bắt đầu bằng 5 đêm: đêm Thổ, đêm Kim, đêm Mộc, đêm Thuỷ và đêm Hoả. Hoàng Cầm về Kinh Bắc, về quê cha đất tổ, lậy mẹ, mách mẹ những kinh hoàng đàn áp:
Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười, con thoảng nhớ thoảng quên.
Không chỗ dung thân, Trần Dần về Nam Ðịnh, về “phố mẹ”, nhờ ký ức mở cửa cổng tỉnh, mở gan ruột mình, trở về “tảo mộ xó quê” trong nhà tù tỉnh, bằng những lời thơ mà ông gọi là dạ khúc. Dạ khúc về những đêm giữa ban ngày trong ông và trong lòng tỉnh.

Cổng tỉnh, như lời ghi dưới tựa, là tập thơ tiểu thuyết và là dạ khúc trường thiên.

Hai chữ dạ khúc vừa nói lên tính chất tâm huyết gan ruột của bài ca, dạ như lòng dạ. Dạ cũng là đêm, bài ca về cõi đêm của tác giả và những phận người nằm trong cổng tỉnh.

Cổng tỉnh là một bản trường ca, một cuốn tiểu thuyết hiện thực xã hội, viết về một thời trong lịch sử cận đại: thời Pháp thuộc và Cách mạng kháng chiến. Với những phận người, phận vện, phận tỉnh, phận phố... khi vươn lên dũng tráng, bất khuất, như những anh hùng, khi lếch thếch kéo nhau đi như lũ ăn mày, sinh ra trong đói khát, dốt nát, bị trị, hết thực dân Pháp đến phát-xít Nhật. Cảnh quá khứ Pháp thuộc, phản ánh hồi quang hiện tại 59-60: Bị trị hay độc lập: thành phố vẫn bị cầm tù. Một chữ cổng đã nói lên kiếp tù trong tỉnh: Chỉ đề lao mới cần cổng, chứ tỉnh nào lại có cổng, như tỉnh Nam của Trần Dần thời 59-60.

Trang đầu mở ra với lời khai từ, nhà thơ gọi là Khai tù, như lời khai của những chữ trong tù, như lời đối thoại của một người đi đêm thì thầm cùng kỷ niệm:
Kỷ niệm! Đưa tôi về chốn cũ
Đừng ngại mây che từng cây số buồn rầu
Đừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ thương.
Và cứ thế, nhà thơ và kỷ niệm âm thầm dẫn nhau đi, trong đêm, qua cổng tỉnh, trở về đất cũ, chỗ nào không nhớ rõ, nhà thơ lại hỏi kỷ niệm:
Đây có phải bụi Cửa Trường?
Một cuống nhau chôn trạnh lòng phố mẹ!...
Đây có phải đường Hàng Song xanh lấm tấm sao chiều?
Và cứ thế, người và kỷ niệm lủi thủi rủ nhau đi, về sâu, về xa, xuyên thời gian, về lại tuổi trẻ:
16 tuổi!!!
Đây là đêm
Ngoài cổng đề lao tim... sao mọc hững hờ.
Đây là ngày
thời gian lặp đi lặp lại những chiều vàng vọt như nhau.
Và cứ thế, vừa đi, nhà thơ vừa tâm sự với kỷ niệm:
Tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu
Đêm xuống ướt mui rồi
Sông khuya tì tũm vỗ
Đi thôi! Kỷ niệm!
Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn
Tù và thơ ơi!
Dạ khúc khởi đầu.
Cuốn tiểu thuyết gồm hai phần, phần thứ nhất tên là Đêm và phần hai Càng đêm.

Chuyến đi về không gian cũ: thành Nam, ngược thời gian xưa: tuổi trẻ. Chủ đích ngược thời gian và không gian, nhập vào chuyến đi hôm nay của Trần Dần sau Nhân Văn. Cùng đi, là những kinh hoàng hôm qua, gặp những đen tối hãm hại hôm nay, như những bóng ma không tuổi, vượt ngày tháng, đeo đuổi mãi con người.

Nếu Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm bắt đầu bằng đêm Thổ, đêm Kim, đêm Mộc, đêm Thuỷ và đêm Hoả. Năm bề bốn hướng đều đêm. Thì Trần Dần về thành Nam hôm ấy, cũng trong đêm, càng đi, càng đêm:
Gió thổi kèm ma mưa thui lòng ngõ hẹp.
ò... ò đêm đi như một cỗ quan tài.
(trang 11)
Tượng chúa Jê-xu búa gõ tầm tầm
Gió đánh hàng bàng, lá chết chạy vòng quanh
(trang 12)
Quá khứ và hiện tại hoà nhau trong không khí tha ma: Thành Nam dưới thời Pháp thuộc chôn trong hiện tại 59-60 của Trần Dần:
Cổng tỉnh! Người đi nhoà nhoà Cổng tỉnh!
Lá rắc vàng hồ
Phố héo người đi
Là mùa đi!
Người đi manh chiếu rách
Người đi tay áo quệt đôi mày
Năm tàn rồi... Ai?
Ai bắt người đi nhoà nhoà Cổng tỉnh
Ai?
Ai treo cổ rặng đèn trên dãy phố bồ côi
(trang 50)
Thành Nam lâm nạm: “Phố cụt bị thương... phố mù khắc khoải” (trang 36),

Thành Nam tự tử: “Phố thắt cổ có ngọn đèn hoang. Phố hoang có ngọn đèn thắt cổ”. (trang 18)

Thành Nam tàn tạ: “Phố úa. Đừng về phố úa” (trang 49)

Thành phố âm ty, đi đâu cũng lạc, cũng thấy xoã tóc:
Đi đâu? Chớ lạc thành quách bàn cờ.
Xoà xoã tóc hàng cây.
(trang 18)
Thành phố phòng nhì, thành phố công an, mật vụ, khắp nẻo bị chặn đường:
Đứng lại! Ai qua phố ngang
(trang 18)
Bóng tối đầy hàm răng cảnh sát
Ðầu phố ngoạm một người
(trang 21)
Thành phố không lối thoát, ngõ cụt, người đâm:
Phố cụt đâm vào phố cụt
Tôi đâm ngang phố Hàng Đồng đâm bổ xuống bờ sông
(trang 30)
Thành phố không chỗ dung thân:
Tôi còn một mình kháng cự với mông mênh
Tôi đứng thẳng trụ người đêm ngã bẩy
(trang 17)
Thành phố ăn mày:
Phố chéo chênh chênh. Ăn mày gặp ăn mày
Lườm nhau - mắt vải điều cay cay chớp nắng
(trang 12)
Thành phố bán mình:
Phố nịt vú-phố rơi voan
Phố nào thơm dạ hợp
(trang 23)
Thành phố, đói, Ất Dậu: con vện vàng hấp hối, kéo chiếc xe chở nắm xương khô của chủ, đi lần hồi, hành khất từng nhà:
Chiếc xe lăn thừng nâu... con vàng rũ cổ
Một nắm xương khô lọc lọc lòng đường.

Vàng con ơi! Hãy kéo thoai thoải hoàng hôn
Xe đi run run từng bục cửa
Hãy chờ! Nếu quả có lòng nhân.
Heo may dù úa phố
(trang 45)
Rồi một chiều đông con vàng kiệt sức, bỏ chủ ra đi. Người hành khất già quờ quạng:
Ai?
Ai kẻ chôn con?
Cất mình chẳng nổi.
Ngã vật bên lề đường
Nấc rồi lại nấc
Vàng con ơi! Cho bố khất!
Tay run quờ lá rỉ
Đắp chiếu đầy xe
Con bằng lòng vậy
Kiếp sau báo đáp đồng lần
Cha lại kéo xe con.
(trang 46)
Cổng tỉnh là một liên khúc bi đát: đói, đau, cùm, xích... vượt thời gian theo đuổi mãi con người. Cổng tỉnh là những chân dung hôm qua và hôm nay, chập vào nhau như hai giọt nước: chân dung người, chân dung chó, chân dung phố, chân dung gió, chân dung mưa, chân dung bom, chân dung thành phố, chân dung lãnh tụ:
Đã có ta suy nghĩ hộ các ngươi!
Thuỷ bộ không quân!
Mệnh lệnh!
Các ngươi sẽ đi xéo nát các thành quách
Tắt Bách! Tắt Be to (Beetho)! Tắt mọi thứ nhạc.
Chỉ để gầm gừ họng sắt nhạc ca nông
Ta muốn nghe các dân tộc rống lên như con bò bị búa nện
Các ngươi phải luôn tay chọc tiết các kinh thành
Các ngươi sẽ đi dạy dỗ các dân tộc
Người Áo! Ðừng nhận mình có thành Viên
Người Lỗ! Hãy quên Bucarest.
Hỡi năm đại châu! Hỡi tiếng nói đầu lòng!
Phải bập bẹ Furher!

[...]

Ở đâu cũng chỉ cần một thứ ảnh; ảnh ta thôi!
Một thứ tượng: tượng ta là đủ!
(trang 96-97)
Chân dung Hitler. Đúng. Võ rất kín: Chân dung Hitler trùng hợp với chân dung những lãnh tụ độc tài, tiêu diệt nghệ thuật, hò hét chiến tranh: “ta suy nghĩ hộ, tắt mọi thứ nhạc, chỉ gầm gừ họng sắt nhạc ca nông”, thế giới đại đồng: “Hỡi năm đại châu! Hỡi tiếng nói đầu lòng! Phải bập bẹ Furher”, nhại thơ Tố Hữu: “Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin”.

Thành Nam trong Cổng tỉnh, được dựng nên bằng những chân dung hôm qua và hôm nay như thế: những chân dung hò hét, của bom đạn chiến tranh; những chân dung rên la, đói rét, chết lịm, của con người; những chân dung anh hùng, đồng chí; những chân dung nhà lao, cùm xích; những chân dung im lìm rũ xuống, những chân dung gậy gộc đứng lên; những chân dung hoan hô, đả đảo... trên một bản đồ chằng chịt phố: những con phố Dần trong Cổng tỉnh.

Nguyễn Tuân có chữ phố Phái - nhưng chưa ai đả động đến phố Dần trong Cổng tỉnh - những con phố sinh ra, lớn lên, đứng dậy mà đi như người, những con phố vàng úa, chết già, những con phố thanh xuân chết yểu, những con phố trúng đạn, bị thương, những con phố què quặt, những “con phố hoang có ngọn đèn thắt cổ”.

Để lập chuyển động phố, Cổng tỉnh chôn vùi chữ cũ, ăn mừng chữ mới, tạo những chữ sơ sinh, trần truồng, chưa mặc áo lọt lòng, chưa ô nhiễm bụi bậm. Cổng tỉnh mở ra, về phía tỉnh, đánh thức kho ngôn từ bất tận đang ngủ yên trong mỗi con đường, mỗi hàng cây, mỗi phố, mỗi nhà, của một cõi nhân sinh chưa ai tìm đến.

Nhà thơ đi trong Cổng tỉnh, vừa đi vừa kể chuyện đời người, đời phố, kể những cô đơn, bất hạnh, trong chiến tranh, đói khát, trong cách mạng vùng lên, trong con người đổ xuống, dầm trong mưa máu. Phố Dần cũng chuyển động theo người. Phố Dần cũng sinh ra, lớn lên, trưởng thành, yêu đương, tàn tạ, đổ nát. Phố Dần cưu mang cả một thời trong Cổng tỉnh. Phố Dần muôn mặt, đầy hình sắc, đầy tâm sự, đổ ngược đi xuôi, phổ phận vào những sinh linh như ta phổ nhạc. Ngay từ Nhất định thắng Trần Dần đã đem phố vào thơ, ông phổ thơ con phố Sinh Từ, bằng khổ đau của những kiếp đoạ đầy sau chiến thắng. Phố của Dần không chỉ đơn thuần một ký hiệu ngôn ngữ, phố đã trở thành những sinh linh, có tim, óc, đột biến, có dung nhan, tâm sự khác nhau: Phố u ơ, phố vị thành niên, phố trăng non, phố dậy thì, phố cánh sen, phố đào, phố mận, phố ngọc, phố hai cô, phố chụm đầu, phố bơ vơ, phố thề, phố chờ, phố lỗi hẹn, phố phụ tình, phố chạ người, phố xanh, phố đỏ, phố lam, phố bão, phố chiều chìm, phố đục phố trong, phố đâm ngang, phố dọc, phố ngách xiên, phố trăng chênh, phố mạng nhện, phố gió, phố vắng, phố Bà đanh, phố lấm, phố lạnh, phố úa, phố bồ côi, phố goá, phố đói, phố rét, phố xào xạc, phố đèn vàng, phố đèn nâu, phố đèn sương, phố đèn rung, phố đèn Sành, phố Máy cưa, phố vàng lờ, phố Khách, phố cụt bị thương, phố mù khác khoải, phố đổ chàm, phố khổ, phố bụi, phố giày đinh, phố đìu hiu, phố mắt, phố xích, phố hò reo, phố thề, phố bãi chợ, phố hoác phố hơ, phố rỗng, phố nứt, phố khô dầu, phố long sơn, phố cháy, phố đổ, phố đè, phố què, phố máu, phố chết, phố xác, phố vôi bột, phố tha ma...

Những phố Dần, cứ phố phố ôm nhau nằm ngủ (trang 13), phố nhà mồ thông sang phố nhà mồ (114). Những phố Dần cứ: “Mặc! Mặc phố xúc xắc tống tình. Mặc phố me Tây cởi yếm” (trang 2). Còn người Dần, bên cạnh phố, người Dần, làm gì? Người Dần đi kháng chiến, người Dần viết lịch sử. Một lịch sử chiến tranh mưa máu, một lịch sử “ăn khách”, một lịch sử làm nên những best-sellers, một lịch sử bán chạy như tôm tươi, trên khắp địa cầu:
“Báo đê!”... số đặc biệt buổi chiều
...
Mưa máu! Mưa máu cổng nhà thờ
Đàn chiên xạc xào buổi lễ
...
Mưa máu phố trăng non trẻ thơ chơi rồng rắn
Mưa máu thư tình
Mủ chữ nhoà trang
(trang 89)
Người Dần vẫn đi trong phố, trong đêm, càng đi càng đêm... Sau chiến thắng, người Dần được gì?: “Tôi được- đầu lâu ao máu. Ánh đèn bày nhày phố gái mãi dâm” (trang 106). Và sau nữa, thời 59-60, người Dần còn được, được nhiều hơn nữa: “Sớm trước trổ cung vua. Chiều sau tạc chó đá” (trang 111).

Phố Dần chằng chịt tỉnh Nam, chằng chịt trên địa đồ đất nước. Một đất nước bán chạy khói lửa, xuất cảng tin tức chiến tranh, làm giàu các cột báo năm châu bốn biển, nuôi sống hàng vạn nhà báo, bằng những cái chết của dân mình: toàn anh hùng liệt sĩ. “Báo đê! Báo đê!”, từ 1959, Trần Dần đã nhìn thấy, trong Cổng tỉnh, một nước Việt đem bán cái lầm than, chém giết của mình, bán sốt dẻo cho những lò thông tin, luôn luôn cần rực lửa.

1945, “Các đồng chí về. Nghị quyết nằm trong hốc ngực” (trang 71). Theo chân anh hùng Phạm Bảy, “người đồng chí Đảng đầu tiên”, “cách mạng tuyển anh đi từ đó”. 1959, người Dần trở về, đi lại những phố Dần, vào lại ngõ ngách cuộc cách mạng kháng chiến... bằng những con chữ mới. 1959, sau cuộc tổng tấn công, càn quét, bắt sống, xử tử chữ thời Nhân Văn, người Dần trở về quê cũ dẫn ta vào cô đơn, vào cõi chết, vào nhà săm, vào phủ toàn quyền, vào hoả lò, vào lớp học... bằng những âm vang khác, không giống bất cứ một âm vang sôi sục nào của những bài thơ kháng chiến, giục máu, thúc cờ. Mà bằng những con chữ chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường chữ nghĩa cách mạng: Thơ ở đây làm với những con chữ ma, một thời đã chết trong cô đơn, âm thầm; chúng rủ ta đi tảo mộ. Thơ ở đây là những con chữ bị giam trong hòm lâu ngày, chúng trốn ra, run run, táp vào ta, lẫn với mưa, với gió. Chữ đây là những sinh linh, những âm bản của cuộc đời. Chữ đây cứ tuôn ra như những giọt nước mắt, những linh hồn đầy thương tích lang thang không nhà, không cửa. Chữ đây là những sinh linh sống nhờ, thác gửi. Mỗi lần nhà thơ gõ đũa gọi hồn là chúng đi theo. Người đọc mê lạc trong nghĩa điạ chữ, bạt ngàn mồ mả, chằng chịt Cổng tỉnh.

Trong những núi thơ ca tụng kháng chiến, ca tụng cách mạng mùa thu, Cổng tỉnh trỗi lên như một cung đàn lỗi nhịp, một ngọn cỏ dại, mọc xế bên mồ.
Thuỵ Khuê

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Dần » Phố Dần trong Cổng tỉnh