28/03/2024 16:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hàn Mặc Tử - Mai Đình: Tình thơ hay tình yêu?

Hàn Mặc Tử

Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 16:49

 

Mai Đình thực ra không phải là một nàng thơ, cũng không phải là người tình của Hàn Mặc Tử... Đúng nghĩa, nàng là một người bạn văn chương của chàng. Nàng gặp Hàn Mặc Tử khi chàng đã lâm trọng bệnh, xa lánh tất cả mọi người để về ẩn mình trong một cái chòi tranh ở Gò Bồi, cách thành Quy Nhơn 15 cây số.

Mai Đình xuất thân trong một gia đình khá giả, nhưng mang trong mình dòng máu lãng mạn, nàng theo tiếng gọi bốn phương cất bước ra đi. Nhờ có nghề dạy nữ công gia chánh cho những gia đình giàu có nên Mai Đình kiếm kế sinh nhai khá dễ dàng. Nàng đã đặt chân đến nhiều vùng đất xa xôi, có khi qua tận Nam Vang. Năm 1937, Mai Đình đến Quy Nhơn. Trước đó nàng đã nghe danh Hàn Mặc Tử từ lâu. Là một người có cá tính mạnh mẽ, nàng không câu nệ, tìm cách giáp mặt chàng. Lần đầu tiên, Hàn Mặc Tử vì tự ti bệnh tật nên không chịu tiếp. Nàng bèn vào Nha Trang, thông qua Quách Tấn để “tiếp cận” chàng. Trong hồi ký của mình, Quách Tấn nhớ lại: “Gặp tôi, nàng không chút e lệ, ngồi nói chuyện như người quen biết đã lâu”. Phê bình bài thơ Gái quê xong, nàng tỏ thật nỗi lòng đối với Tử: “Biết Tử mang bệnh ngặt nghèo, lòng tôi hết sức thương cảm. Tôi mong sao chia sớt được nỗi đau khổ của Tử một đôi phần”. Rồi nàng trách Mộng Cầm sao đành lòng bỏ Tử.

Nàng gửi cho Quách Tấn bài thơ Biết anh để tặng Hàn Mặc Tử với những câu thơ thật mạnh dạn: “Còn anh em đã gặp anh đâu!/Chỉ cảm vần thơ có những câu/Âu yếm say sưa đầy cả mộng/Xui lòng tư tưởng lúc đêm thâu”. Đây là bài thơ đầu tiên mở ra một tình bạn văn chương thú vị giữa hai người. Hàn Mặc Tử nhận được thơ, liền hồi âm nhưng Mai Đình đã đi khỏi Nha Trang. Chàng buồn rầu sáng tác bài Lưu luyến: “Chửa gặp nhau mà đã biệt ly/Hồn anh theo dõi bóng em đi/Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió/Lưu luyến bên em chẳng nói gì”.

Điều đặc biệt nhất trong mối quan hệ Mai Đình - Hàn Mặc Tử là nàng đã hành xử rất đúng với tinh thần văn chương: Tứ hải giai huynh đệ. Theo tài liệu của Trần Thanh Mại thì mùa hè năm 1938, Mai Đình từ biệt Quy Nhơn để vào Sài Gòn thu xếp công việc. Khi trở ra, Mai Đình đưa Hàn Mặc Tử một món tiền để lo thuốc thang và nói ý định của mình: sẽ ở lại trong cái chòi tranh cùng với chàng. Hàn Mặc Tử từ chối nhưng nàng mặc kệ, cứ ở đấy đi chợ nấu ăn, sắc thuốc cho chàng. Mai Đình không hề ngần ngại bệnh tật cũng như dư luận người đời.

Hàn Mặc Tử từ chỗ không muốn gặp mặt đến xúc động trước việc làm của Mai Đình nên đã có nhiều câu thơ tặng nàng: “Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn/Đêm muộn xuống gieo vào muôn sóng mắt/Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt/Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!”. Ngoài lo việc cơm nước thuốc thang cho chàng, thời gian còn lại, nàng cùng chàng ngâm thơ vịnh cảnh. Hai tâm hồn thi sĩ sống bềnh bồng với những vần thơ như thế suốt một thời gian dài. Nhưng số tiền Mai Đình mang theo cũng đã hết. Nàng khuyên chàng vào Bệnh viện phong Quy Hoà để điều trị, nàng sẽ đi theo và ở luôn trong ấy để chăm sóc cho chàng. Nhưng Hàn Mặc Tử từ chối. Cuối cùng hai người phải từ giã nhau. Nàng lại cất bước giang hồ bốn phương. Lâu lâu, chàng lại nhận được cánh thư của nàng từ phương trời xa nào đó. Trong một lần ngồi buồn, chàng đem những từ ngữ trong bức thư nàng gửi xếp lại thành bài thơ. Đó là bài Thao thức với những câu thơ da diết: “Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy/Cho nên muôn dặm ở ngoài kia/Em đang mong mỏi, em đang nhớ/Bứt rứt lòng em muốn trở về”.

Mối tình thơ kỳ lạ giữa Mai Đình và Hàn Mặc Tử cùng với việc Mai Đình chăm sóc cho Hàn Mặc Tử được Trần Thanh Mại công bố vào năm 1942, một năm sau ngày Hàn Mặc Tử mãi mãi ra đi. Nhưng câu chuyện trên đây không được gia đình Hàn Mặc Tử thừa nhận và Quách Tấn thì cho rằng Trần Thanh Mại đã hoàn toàn bịa đặt. Tuy nhiên, những tài liệu của Trần Thanh Mại công bố đã thuyết phục được không ít người. Có người cho rằng, trước đây giữa nhà thơ Quách Tấn và nhà phê bình Trần Thanh Mại xảy ra vụ kiện bản quyền thơ Hàn Mặc Tử, liên quan trực tiếp đến cuốn sách Hàn Mặc Tử mà Trần Thanh Mại xuất bản năm 1942, xuất phát từ mâu thuẫn này mà nhà thơ Quách Tấn đã nói như vậy chăng?

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hàn Mặc Tử » Hàn Mặc Tử - Mai Đình: Tình thơ hay tình yêu?