Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

wonbin88

Thầy kính thương của con

http://www.vinhxuanhanoi.org/tangbatho/forum/uploads/1287015884-vulan2006.jpg

Thấm thoát mà ngày tháng qua mau , con đi xa đã gần ba tháng và một mùa hạ nữa cũng sắp đi qua . Trời vào thu thật buồn , nắng hiu hắt, gió heo may báo hiệu lễ Vu Lan đã về . Tâm trạng của đứa con xa nhà nào có khác gì một kẻ mồ côi, chiều xuống sao nghe lòng buồn chi lạ!
“ Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”


Con ngồi đây mà hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua. Mỗi mùa Vu Lan về , con thường hay dắt mấy nhỏ đến chùa để được ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các con khi được cài lên áo cánh hoa hồng . Và riêng con đắm mình trong lời kinh tiếng mõ mà nghe thấm thía lời Phật dạy : “Phận con gái còn nương cha mẹ…” Nghĩ lại về mình con thấy từ bao giờ con luôn sống trong tình yêu thương vô bờ bến của má và chị , mà con thì chưa báo đáp được gì . Chỉ làm cho má và những người thân yêu luôn lo lắng cho con, má con không hề đòi hỏi con phải làm gì cho má , chỉ mong được có con ở gần bên được nghe con nói, được thấy con cười là má đã vui lắm rồi . Một ước muốn giản đơn như vậy nhưng con đâu có làm được. Nhiều lúc con cứ tự hỏi : Vì ai , vì cái gì mà con tự đánh mất đi hạnh phúc của chính mình ? Con sống ở nơi đây nhưng tâm tư tình cảm thì luôn hướng về những hình bóng thân yêu ở quê nhà.Nên rốt cuộc thì con đã tự làm khổ lấy mình và cũng làm khổ lây đến bao nhiêu người khác . Biết rằng như vậy là quá khổ, nhưng mà mãi con vẫn chưa tìm được cách vượt thoát ra ngoài nỗi khổ ấy được .


Ơ ! nhưng mà sao khi không con lại kể lể tùm lum như vậy , làm cho Thầy cũng bị buồn lây luôn rồi , nhưng ai biểu Thầy là Thầy của con làm chi, để cho mỗi khi có chuyện buồn vui gì con cũng đều nhớ đến Thầy và muốn đem kể cho Thầy nghe . Con rất mong những lời khuyên bảo dạy dỗ của Thầy .
Thầy ơi dạo này sức khoẻ của Thầy ra sao ? Chùa của mình và cả Thầy nữa có gì vui không , chị Hai của con có thường về chùa thăm Thầy không ? Có thường nhắc nhở gì đến con không ? Hay thời gian qua đi đã làm vơi luôn nỗi nhớ niềm thương của mọi người đối với con rồi ?


Dạo này mấy đứa nhỏ nhà con đã đi học lại rồi, còn con thì cũng chuẩn bị đi học. Nghĩ đến chuyện học sao mà con cảm thấy ngán quá ,tiếng Dan rất khó nói, khó hơn tiếng Anh nhiều , nhưng không học thi đâu có được, con thấy ngán học . Chứng tỏ là con đã già rồi đó phải không Thầy ? Nhưng thôi phải cố gắng chứ kể lể với Thầy , thầy cũng đâu giúp gì đuợc cho con . À ! mấy chú điệu nhỏ của chùa, mùa hè này có về chùa ở thường xuyên để làm rộn cho Thầy không ? Thầy có nhận cho mấy chú ở luôn và có nhờ chị Tiến giúp đỡ không ? Con nghĩ là Thầy phải nhận đệ tử vào rồi đó , chứ mai này Phật pháp ai lo . Con lại nhiều chuyện nữa rồi , Thầy đừng có mắng con nha ! nhưng mà cứ nghĩ đến cảnh chùa mình nằm ở nơi vắng vẻ, mà Thầy lại có một mình. Dù biết rằng bây giờ Thầy vẫn đang còn khoẻ nhưng ai biết được những khi trái gió trở trời, Thầy sớm khuya chỉ có một mình. Con cứ thấy lo lo trong lòng Thầy ơi!


Bạch Thầy ! Con đi xa không được ở gần để chăm sóc cho má con được, đành phải nhờ vào chị Hai . Con xin gởi má con cho Thầy nha, nếu có chuyện gì chị Hai con sẽ rất lúng túng , nhờ Thầy hỗ trợ cho chị. Nếu có lúc nào có dịp qua Pleiku, mà thầy có được chút ít thời gian rảnh rỗi xin Thầy hãy ghé nhà con một chút , nói chuyện với má con để má con được vui Thầy nha :
“Bảy mươi tuổi rồi mẹ có biết
Chuối chín trên buồng gió thoảng từng cơn
Nắng mưa, ấm lạnh , lòng con sợ
Thời gian có chờ cho con đền ơn ?”


Thầy ơi ! Thầy có biết không ? Có những đêm con nằm mơ thấy con và chị Hai chuẩn bị để đi thăm Thầy , nhưng sữa soạn xong rồi , sắp được gặp Thầy bỗng dưng giật mình thức giấc . Vậy là không được gặp Thầy làm con tiếc ngẩn tiếc ngơ , tức gì đâu ! Nhưng biết bắt đền ai đây, mấy lần như vậy rồi đó, thật là tiếc Thầy nhỉ? Chắc Thầy đang cười con đó phải không ? Chuyện trong mơ mà cũng …

con cũng xin kính chúc Thầy một mùa Vu Lan hạnh phúc và an lạc . con xin tặng Thầy một đoá hồng thắm như tình cảm của Thầy trò mình và con cũng kính dâng lên Thầy một đoá hồng trắng để “tưởng rằng mẹ vẫn bên ta , mẹ vẫn thương ta” .
Danmark, ngày 05 tháng 08
Lúc bé, tưởng khóc là buồn; bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mẹ tôi

* Thích nữ Thể Quán



Mẹ mất đã năm năm, nhưng dư hương của mẹ đối với tôi như còn phảng phất. Ðường mai mẹ đi, phòng nhà mẹ ở, đâu đâu cũng còn ngát thơm mùi mẹ. Tôi biết rằng: 'Ái bất trọng bất sanh Ta-bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ', nếu tôi còn lưu luyến về mẹ thì thật trái lời Phật dạy, tín hữu sẽ cho tôi nói làm bất nhất. Song mẹ con tôi hẹn nhau đã có chỗ, gặp gỡ đã có nơi:  

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/766_zpsf0bfcc30.jpg
Mẹ già như chuối chín cây...


Mẹ về Cực Lạc ít năm thì
Từ giã Ta-bà con cũng đi
Mẹ nhớ đón con bên nước Phật
Mẹ, con cùng dự hội Liên Trì.



Ðó, mẹ con tôi đâu còn trở lại Ta-bà? Ở Cực Lạc mà tu cho đến khi đắc lực rồi phân thân vô số để độ chúng sinh. Nay viết mấy lời 'Ðể lại cho vui' mà không nói về Mẹ một ít thì cái vui mất đi đến nửa. Và tôi nghĩ rằng, một ngày nào khi đủ duyên, tập sách nhỏ này đến tay quý vị, những vị nào đã gặp mẹ tôi lúc về già, dù chỉ một lần thôi, cũng thấy những gì tôi viết về mẹ không thêm một lời, không bớt một ý.

Mẹ ơi, sau khi trả con về cho cha, mẹ thật đã hy sinh chịu đau khổ cho con được sung sướng. Mẹ hòa tình thương con với thương bà ngoại làm một mẹ rất có hiếu. Khi ngoại mất, mẹ khóc kể: 'Mẹ ơi, con sáu lăm tối nằm với mẹ tám ba, mẹ nhường chỗ ấm cho con, thật là mẹ chín mươi thương con bảy chục'. Mỗi khi cúng cơm, mẹ thắp thuốc xoay trầu cho bà ngoại. Mẹ rất kính Phật trọng Tăng, nhưng nâu sòng chay lạt thì mẹ rầu lắm. Vì hiếu với ngoại, mẹ dùng chay theo ngoại mỗi tháng mười ngày. Những ngày đó mẹ rầu như bị phạt. Lúc tôi xuất gia, ăn trường trai, mẹ phục lắm, gọi bằng chị liền, mẹ bảo: 'Ăn chay được thì tôi cho là Phật sống rồi đó'. Mẹ là dân trời (hoàng tộc) nên mặc dù không giàu mà phong lưu, phục sức lụa là, mẹ ưa nem chả, gặp mấy ngày chay liên tục từ 28 đến mồng một, mẹ gọi là đi tàu suốt, buồn bã rã rời, thức cho đến 12 giờ khuya để ngã mặn. Lúc ngoại mất, mẹ gần bảy mươi, ở hương khói cho ngoại. Mẹ sợ nhất tôi rủ cụ lên chùa, nên đưa ra bài toán nan giải này: 'Tui là bà Thanh-đề đây, nghiệp chướng nặng nề lắm, ưa mùi cá thịt tanh hôi, chị tu răng cho bằng ngài Mục-kiền-liên mới độ tui nổi'.

Ngoại mất hai năm thì ni sư CT bàn: 'Ngoại mất rồi, mệ một mình đơn chiếc, sư lên về hao tốn. Nếu sợ ở với chúng mệ mất tự do, thì sư làm một cái nhà nhỏ ngoài vườn dừa, rồi ngoại giao với lối xóm nhờ họ kho trách cá trách thịt, mệ ra đó ngã mặn thì may ra mệ lên chùa được'. Nghe pháp muội đưa ý kiến chí tình chí lý, tôi cám ơn đến trào nước mắt. Năm ấy tôi vừa ra quyển 'Hai lần ơn Mẹ' được 150 ngàn, tôi làm nhà ngay. Nhà xong, tôi tôn trí tượng Quan Âm và thọ trì tại nhà mới một bộ Pháp Hoa. Khai kinh ngày 20/7, sau khi giải hạ, đến 26 xong, tôi khuynh hết tấc thành cầu Phật Bồ-tát xui khiến cho mẹ phát tâm lên ở chùa. Nhưng, thật tình tôi cũng ngại, mẹ nhiều nghiệp chướng, mà mình tu hành chưa ra chi, chắc Phật cũng khó xử, vậy xin để tùy ý Phật.

Hoàn kinh xong, tôi về hầu mẹ, thưa: 'Ngày mai mẹ đi tàu suốt, con mời mẹ lên chùa, mấy cô nấu chay ngon lắm. Mẹ ở bốn ngày, chiều mồng một về, khuya ngã mặn. Mẹ lên thử bốn ngày coi, mấy cô mấy chị điệu ai cũng trong ngoại lên chơi cả, và mẹ có một cái nhà mới xinh xắn. (Khi làm nhà, tôi không thưa với mẹ để dành một ngạc nhiên)'. Mẹ suy nghĩ một lúc rồi dạy: 'Thôi, lên thì lên luôn cho rồi'. Nghe mẹ dạy tôi lạnh xương sống, nghĩ làm sao lại có chuyện ấy được? Tôi thưa: 'Không, mẹ chỉ lên ít ngày cho vui, qua bốn ngày chay rồi về lại, chớ lên luôn làm chi!'. Mẹ dạy: 'Không, tôi đã nghĩ kỹ, trên bảy chục rồi, ăn cá thịt đã đủ, Chị nói mụ Diên ra mời ông thợ cúp vô thế phát cho tôi, rồi tôi sửa soạn lên chùa luôn'. Lạy Phật, giờ đây viết lại đoạn này, tôi vẫn còn tưởng như là một giấc mơ. Phật lực Pháp lực thật bất khả tư nghì. Nhờ ơn Tam Bảo và diệu kế của pháp muội mà mẹ tôi được lên chùa một cách bất ngờ. Lạc nguyện của mẹ con tôi đã thành tựu.

Mẹ ở chùa một thời gian thì xảy biến cố Mậu Thân. Qua nhiều cơn kinh hãi, mẹ đâm ra lẩn thẩn đến nổi gọi tôi bằng mạ. Những chiều tôi đi giảng xa, mẹ thường bảo dì Diên: 'Mụ đi tìm mạ tui cho tui một chút'. Tôi chưa về kịp, mẹ ngồi khóc nước mắt ràn rụa làm cả chùa ai cũng rưng rưng theo. Mẹ quên đến độ ấy, mà lễ phép thì không quên, cô nào gọi mẹ cũng dạ. Trong chùa có một điệu tám tuổi, gọi: 'Cố ơi!', mẹ đáp 'dạ ơi', điệu thương quá ôm hôn và dặn: 'Con là nhỏ nhất trong chùa, cố ơi chớ đừng dạ mà tội hí'. Mẹ tôi dạ một cái rầm, khiến ai cũng cười lăn. Mẹ đẹp lắm, và vô tư, nên ai cũng thương. Những ngày tôi đi vắng, chúng xúm lại chơi với mẹ, lấy bút chì đỏ bôi môi thoa má cho mẹ, hái hoa dại đeo tai cho mẹ. Mẹ mặc bộ com-lê mầu mỡ gà ngồi như pho tượng, chúng tha hồ làm chi thì làm, thấy mẹ đẹp như bà tiên. Làm đẹp xong họ nói: 'Gả mệ cho Diêm Vương hí?'. Mẹ dạ tỉnh bơ. Mấy chị em đặt cái nhà mẹ ở là 'quán gió', mỗi chiều họ xúm quanh mẹ chơi đùa. Các tín hữu đem đồ chơi biếu mẹ như làm quà cho con nít. Có bà biếu tấm ảnh quảng cáo nấm tông cú, vẽ cô gái đẹp, mẹ thích lắm, chơi với cô ta suốt ngày.

Một hôm tôi ngồi hầu, mẹ chỉ cô gái: 'Cô ni đẹp quá, mặt trái soan nì, lỗ mũi cao, con mắt thật xinh, miệng cười cũng đẹp mà hàm răng cũng đẹp nữa luôn'. Tôi chỉ tôi rồi thưa: 'Rứa mẹ nhìn xem cô ni với cô nớ, cô mô đẹp hơn?'. Mẹ nhìn tôi một lúc rồi cười chúm chím không đáp. Tôi hỏi: 'Mẹ coi cô mô đẹp hơn'. Mẹ trả lời tỉnh bơ: 'Dạ thôi đừng nói nữa'. Tôi biết mẹ khó trả lời, nên cố nài: 'Ðừng nói răng được, mẹ phải thanh toán vấn đề cho xong chớ'. Rồi tôi chỉ: 'Con mắt của cô ni với cô nớ ai đẹp hơn, lõ mũi cô nớ với cô ni ai đẹp hơn?' (tôi chỉ con mắt nheo nheo và lỗ mũi xẹp của tôi), 'và mẹ coi hàm răng của cô nớ và cô ni ai đẹp hơn?' (tôi chỉ hàm răng sún của tôi). Mẹ nghĩ một lúc rồi nói: 'Cô nớ đẹp mà không đẹp, cô ni không đẹp mà đẹp'. Rồi mẹ ôm tôi. Tôi đem câu chuyện ấy bạch quí ngài, quí ngài dạy: 'Bà cụ lẫn mà biện tài vô ngại, tui sáng suốt như ri mà hỏi rứa chắc tui nói cũng không được'.

Một hôm, khi chị em vây quanh, mẹ nói: 'Tui chừ không ưng chi cả, không thương ai cả!'.
Tôi hỏi: “Mẹ có thương con không?”
-- Dạ không.
-- Mẹ có thương cháu không?
-- Dạ không.
-- Mẹ có thương tiền không?
-- Dạ cũng không.
-- Rứa mẹ có thương Phật không?
Mẹ nghĩ một tí rồi đáp: “Dạ, người nớ thì thương lắm.”

Qua năm Nhâm Tý, Quảng Trị chạy loạn vào Thừa Thiên, tôi bàn giao công việc cho pháp muội, hầu mạ vào Ðà Nẵng, Nha Trang rồi Phan Rang. Ðến đâu ai cũng thương, và ưa chơi với mẹ. Phòng mẹ lúc nào cũng có các ni cô và Phật tử xúm lại nghe mẹ nói chuyện mà cười lăn. Mẹ đến thăm hai dì tôi, ở lại. Hai dì dâng rượu chúc thọ mẹ 82 tuổi, ca hát cho mẹ nghe. Mẹ ngồi từ bi tự tại không nói năng chi cả. Dì út ôm mẹ: 'Chị tôi ngồi như Bụt sống, không nói chi với hai em cả. Hai em của chị đây, chị có biết không?'. Bỗng mẹ chỉ lên bàn thờ bảo: 'Nì, thờ cha mẹ thì thờ một bên, để giữa mà thờ cha mẹ chồng'. Hai dì sững sờ: 'Trời ơi, té ra chị tôi không lẫn chi cả'. Rồi dì đứng dậy để ảnh ông bà ngoại qua một bên, cha mẹ chồng vào giữa. Mẹ nói: 'Ứ, rứa mới phải chứ.'

(Mời xem phần tiếp theo)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mẹ tôi

(tiếp theo bên trên)

Sư cụ viện chủ chùa Diệu Ấn Phan Rang mời mẹ vào chơi. Tôi cũng muốn hầu mẹ đi đổi gió nên nhận lời. Sư cụ để riêng tịnh thất tiếp mẹ tôi, theo yêu cầu của sư cụ, tôi đặt tên Lăng-già thất. Thất không rộng nhưng gọn và xinh, dưới ở, trên gác thờ Phật. Ngày hai buổi cơm nước xong, tôi hầu mẹ lên lầu tụng Thủy Sám để mẹ lạy và nghe, mẹ ưa lắm. Tôi lạy thì mẹ lạy theo, tôi tụng thì mẹ gõ nhịp. Có con chó Tu-di nằm khoanh tròn dưới chân bàn Phật. Khi tôi quì tụng, mẹ bảo nó: 'Nì, mạ tụng kinh thì phải ngồi mà nghe như tui ri nì, chớ đừng nằm mà tội'. Nói không nghe, mẹ xích tới đẩy nó, lôi nó cũng không dậy, mẹ bảo: 'Thôi thì có mệt mỏi mà nằm cũng được, nhưng xây đầu vô bàn Phật, chớ xây lưng rứa mà tội lắm nghe'.

Tịnh thất sư cụ lát ca-rô tấm đen tấm trắng, những ngày hạ lau thật sạch, mẹ ngồi chơi một mình. Tôi nghe mẹ nói: 'Tui nói chuyện với chị đen ni nhiều lắm, chị có nghe không? Mà không thấy chị trả lời trả vốn chi cả rứa? Còn cái chị trắng ni (chỉ tấm gạch trắng) cũng khinh người, chị cũng chẳng nói năng chi với tui cả'.

Cuối năm 1973 tôi cõng mẹ về lại Huế, mẹ được 85 tuổi, càng lẫn nhiều. Những đêm mưa lạnh kinh khủng tôi thường nằm với mẹ, vỗ mẹ và thưa: 'Ngày nhỏ mẹ ấp con, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn phải không mẹ?' Mẹ dạ. 'Bây giờ mẹ già, con nằm hầu mẹ thì bên ướt (nước tiểu của mẹ) con nằm, bên ráo mẹ lăn phải không mẹ?' Mẹ cười không đáp. Tôi thưa thêm: 'Con chỉ hầu mẹ một kiếp ni nữa thôi hí, rồi con về Cực Lạc, mẹ có thương con thì gắng niệm Phật thật nhiều để cùng về Cực Lạc với con hí'. Mẹ xây mặt vào tôi: 'Nì, cái nớ tôi để một rương đầy, đợi chi mà khuyên tui?'. Tôi hỏi: 'Mẹ để cái chi mà một rương đầy?'. Mẹ đáp: 'Cái Phật'. Năm sáu ngày sau tôi mới nhớ, mẹ dạy đúng, vì mẹ niệm công cứ đã trên hai mươi năm.

Mẹ xơi cơm xong bảo dì Diên: 'Mụ cho tui ba đồng'. Dì thưa: 'Chớ mệ lấy ba đồng làm chi?' Mẹ cầm tay dì, bảo: 'Tui nói thì lấy ý mà hội, chớ đừng nghe lời'. Dì thưa: 'Dạ hội là răng? Cha tui hội cũng không được, nữa là tui' – 'Nhưng ba, bốn lượt như vậy mà dì hội được mới tài chứ'. Mẹ xơi cơm xong cứ đòi ba đồng. Dì vấn một điếu thuốc đưa, mẹ liền chắp tay vái dì rồi ôm tay dì hôn. Dì Diên cũng mê mẹ nốt. Dì cuốc cỏ ngoài vườn, mẹ ngồi trong cửa sổ nhìn ra, dì gọi: 'Mệ ơi', mẹ: 'Dạ ơi' thật lớn, làm dì bỏ cuốc chạy lại cửa sổ cầm tay mẹ hôn.

Những ngày cuối cùng – Bây giờ mẹ nằm, không còn cầm đũa muỗng được, mỗi khi xơi cơm phải đỡ dậy. Khi đút cơm cho mẹ, tôi thường niệm Phật và đếm thầm. Thức ăn vừa miệng thì đếm tiếng thứ tám chín là mẹ nuốt. Tôi mừng thưa: 'Mẹ xơi ngon không mẹ?' Mẹ trả lời: 'Dạ ngon vô cùng vô tận'. Những thứ mẹ không ưa thì mẹ cứ nhai hoài, tôi niệm đến năm sáu chục tiếng Phật, mẹ cũng chưa nuốt. Tôi thưa: 'Có ngon không mẹ?'. Mẹ dạy: 'Dạ vừa thôi', thật là dễ thương. Từ ngày mẹ lên chùa cho đến ngày cuối chưa lúc nào mẹ đòi thứ này thứ kia, nhất là cá thịt. Cho nên, tôi chả có ngoại giao với các bà lối xóm để mẹ ngã mặn lần nào cả.

Ðầu năm Bính Thìn, tức 1976, khuya 27 tháng Giêng đúng 3 giờ 30 , mẹ về Phật. Mẹ bỏ ăn vài ngày rồi ra đi thật nhẹ nhàng. Tôi chả được dâng mẹ một viên thuốc nào trong mười mấy năm mẹ ở chùa, vì chả lúc nào mẹ bệnh. Tiễn mẹ về Cực Lạc xong, tôi viết một bức thư gởi mẹ bên kia thế giới:

"Mẹ! Mẹ về Cực Lạc trước, Mẹ trồng cây 'Mẹ' cho cao thiệt cao. Bao giờ cành lá xum xê, con sẽ làm con chim bay về đậu trên cành cây 'Mẹ' mà không dám làm sờn cành rụng lá đâu.

Mẹ ơi, Mẹ đừng ngại, cây bên Tịnh độ không sợ người đẵn gốc, bứt lá bẻ cành. Chim bên Tịnh độ không sợ người bắn ná phá tổ bắt chim, vì cây và chim đều do đức Phật hóa sanh. Chim con chuyền trên cành cây Mẹ, con hót tiếng thật êm đềm, tiếng Pháp âm nhắc mẹ tu hành hầu dự vào Phật địa. Gió trên cành cây Mẹ có tiếng vi vu cũng là Pháp âm nhắc con tinh tấn để bước lên Phật quả. Sương trên cành là sữa, con uống sữa mẹ trên cành cây tịnh, Mẹ con mình tu hoài tu mãi cho đến khi đắc quả mẹ hí.

Ðồng thời, nguyện cầu cho tất cả chúng sanh, những người niệm Phật thì được về nước Phật, còn ai chưa niệm Phật thì phát tâm niệm Phật, rồi cũng được về với Phật như Mẹ con mình. Mẹ ơi! con thương mẹ vô cùng vô tận, nhờ nghĩ đến ngày Mẹ con gặp nhau bên nước Phật mà con cảm thấy vui và rất an tâm."

Một năm sau ngày mẹ mất, tôi vào Nha Trang rồi thăm lại Phan Rang, nhớ mẹ tôi cảm tác bài thơ:

Năm kia cõng mẹ vào đây
Nhãn ngon một nhánh tự tay ta trồng
Bây giờ nhãn đã ra bông
Than ôi từ mẫu đi không trở về
Lăng-già trăng chiếu ủ ê
Quyện theo hồn mẹ biết về phương nao?
Không gian trời dệt mây sầu
Ta dìu hồn mẹ khỏi cầu sông mê
Lạc bang cảnh cũ mẹ về
Ðược gần đức Phật tựa kề đài sen
Giã từ thế giới đảo điên
Bao giờ hoàn nguyện ta nguyền ra đi
Bên nớ vui hơn bên ni
Gặp Phật, gặp Mẹ còn chi vui bằng!


Thích nữ Thể Quán
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bữa cơm đầu con nấu cho mẹ



TTO - “Thưa mẹ, hôm nay là bữa cơm đầu tiên con nấu cho mẹ. Có thể sẽ không ngon như những bữa cơm mẹ nấu trước đây. Con đang tập tành để nấu nên mẹ ăn đỡ nhé! Con mời mẹ cùng ăn cơm với con!".

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/Lao%20dong%20trong%20xa%20hoi/ImageViewaspx_zps96785803.jpg



Gần 20 năm con sinh ra trong cuộc đời này là ngần ấy thời gian con ở bên mẹ, ăn những bữa cơm do mẹ nấu. Mẹ nấu ăn ngon tuyệt, không ai có thể nào nấu ngon bằng mẹ. Con thích nhất là được vào bếp nhìn mẹ nấu và thỉnh thoảng bốc vụng vài miếng. Lúc đó mẹ thường nói: “Không biết đến bao giờ mới được ăn bữa cơm do con nấu à?”. Con hay cười vô tư: “Con học xong sẽ nấu cho mẹ ăn mỗi ngày”. Mẹ cười nhẹ…

Nhà chỉ có hai mẹ con, bữa cơm cũng đơn giản nhưng lúc nào mẹ cùng dành phần ngon nhất trong sự đơn giản ấy cho con. Đến năm con học lớp 12, năm cuối cấp, con không còn vào bếp nhìn mẹ nấu cơm nữa, bài vở nhiều quá mẹ ạ, con không có thời gian để nghỉ, con phải thi đậu đại học. Đó là ước muốn của mẹ đối với con gái bởi cuộc đời của mẹ - người công nhân may hơn 20 năm nay - vất vả lắm. Đời con phải khác.

Những bữa cơm mẹ nấu bắt đầu trễ dần, mẹ tăng ca, mẹ vào bếp cũng lâu hơn, thức ăn cũng khi mặn khi nhạt. Có lẽ mẹ đã già hơn trước. Có lần con nói: “Chừng nữa con mần có tiền, con dẫn mẹ đi nhà hàng hén mẹ! Ngoài đó họ nấu ăn ngon lắm. Ngon hơn cả ăn ở đám cưới của chị Út hôm trước”. Mẹ từ tốn: “Bộ mẹ nấu ăn không ngon sao?”. “Dạ…” - con chẳng biết trả lời sao nữa, nhưng nhiều lúc thật sự con không thể nuốt nổi thức ăn do mẹ nấu. Con ước ao những bữa ăn bên ngoài cùng bạn bè hơn về nhà.

Ngày con tốt nghiệp đại học là khoảnh khắc hạnh phúc vô cùng. Kể từ đây con sẽ bước vào một cuộc đời mới, trưởng thành hơn. Chỉ vài năm nữa thôi, bữa cơm gia đình sẽ bớt đạm bạc. Con cũng sẽ có thể thường xuyên chở mẹ đi ăn ở hàng quán. Cầm tấm bằng đại học của con, mẹ cười: “Vậy là mẹ an tâm và mãn nguyện rồi con à. Từ nay về sau, con có thể tự lo cho mình mà không cần có mẹ bên cạnh”.

Thấm thoát đã 2 năm. Đến hôm nay con mới có thể tự tay nấu cho mẹ bữa cơm. Chiếc ghế mẹ vẫn thường hay ngồi, tô cơm vẫn bên phía mẹ, món ngon vẫn bên con. Mẹ vẫn thường bày thức ăn như vậy để mẹ có thể bới cơm cho con và con có thể gắp được nhiều thức ăn cho mình. Những lời mẹ dạy ngày xưa như vang vọng. “Con gái không được ăn nhơi”, con nuốt thật nhanh chén cơm. Cơm thỉnh thoảng có vị mặn.

Một làn khói trầm bay qua, mắt con cay xè. “Không được khóc trong lúc ăn! Không nên!” - lời mẹ lại vang vang. Con cười: “Mẹ chỉ toàn la con! Chén cơm của mẹ nãy giờ có vơi miếng nào đâu”. Một tàn tro nhẹ rơi vào chén mẹ. Hương trầm vẫn thoang thoảng. Hôm nay là giỗ đầu của mẹ tôi.

YẾN NHI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chén cơm thừa



Tôi về đến nhà đã hơn 7h tối, Mẹ và em đang ăn cơm. Thấy tôi, Mẹ liền hỏi :

- Sao con về tối thế ?

- Dạ , hôm nay học 5 tiết.

Rồi không biết tôi đã ăn gì chưa Mẹ liền lấy chén đũa bảo tôi ngồi vào mâm. Bữa ăn thật đạm bạc, chỉ vài con cá nhỏ và một đĩa rau luộc. Như thế cũng là quý lắm rồi. Gia đình đanh lúc khó khăn bữa ăn làm sao sung túc được.

Lúc trưa vì sợ trễ học nên tôi không ăn cơm , chỉ lót bụng bằng một ổ bánh mỳ.Chính vì thế mà giờ này tôi ăn một cách ngon lành, cảm thấy ngon miệng hơn bao giờ hết.

Tôi vùi đầu vào mâm cơm mà không hay Mẹ tôi đã đứng lên tự lúc nào, rồi lại mang lên một đĩa trứng chiên.

- Con và em cứ ăn cho no đi.

- Mẹ ăn thêm cơm _ Tôi nói!

- Khi chiều Mẹ có ăn mấy củ khoai luộc ở nhà cô Hai nên vẫn còn no.

Tôi nhìn kỹ Mẹ, những nếp nhăn lại hằng sâu hơn và tóc Mẹ cũng bạc nhiều hơn. Mẹ ngồi nhìn hai anh em tôi ăn, đôi mắt người ánh lên niềm sung sướng.

Thì ra một hạnh phúc nữa của Mẹ là được nhìn thấy những đứa con ăn uống ngon miệng. Hạnh phúc của người Mẹ sao mà đơn giản và nhỏ bé.

Cơm nước xong tôi dạo bước ra trước hiên nhà thì gặp thằng bạn.

- Về lúc nào đó?

- Mới về

- Có ca nhạc ở nhà văn hoá. Đi xem với mình nhé!

Tôi vào nhà thay áo quần rồi xuống bếp xin Mẹ đi xem ca nhạc.

Tôi sững sốt khi nhìn thấy Mẹ đang ăn chén cơm thừa còn lại hồi nãy cùng với một chút rau. Tôi đứng như trời trồng, cổ họng ngẹn lại không nói nên lời..!


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/Gia%20DInh%20-%20Cha%20me%20Con%20cai/chen-com-thua-con-lai-300x230_zps57d6a99a.jpg



(Bài và ảnh sưu tầm từ Internet)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lời nói dối của cha



Cha mẹ nó lớn tuổi mới cưới nhau. Hồi đó, gia đình nghèo khó. Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi 3 anh em nó nên người. Nhà gần sông, nhưng cha đau yếu, ít khi có được con cá mà ăn, mà có được bữa cá đã là thịnh soạn lắm với anh em nó rồi. Nó còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/cutcaster-vector-801147859-fish-bones-on-plate-vector_zpsbd6b4480.jpg



Nó nhanh nhẩu: “Tại sao hả cha?”

Cha nó nói vẻ mặt nghiêm nghị, kiểu răn dạy: “Vì cha già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau-cái này gọi là ăn óc bổ óc, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?”

Tâm hồn trẻ con, nó và hai đứa em đinh ninh là cha nói thật. Mỗi lúc đến bữa ăn, nó còn nhanh nhẩu sẻ ra từng phần. Bỏ đầu và xương qua cho cha nó. Ba anh em tranh nhau phần thịt. Có những lúc nó cũng phân vân, những khi như thế, cha nó lại bảo: “Hồi nhỏ, ông bà nội cho tao ăn thịt suốt, giờ nhìn thịt là cha thấy ớn quá, sau này lớn các con cũng như cha thôi.”

Thấm thoắt thoi đưa, anh em nó lớn lên, và cha nó già đi. Sau này, khi nó đủ hiểu biết những lời cha nó nói trước đây là nói dối. Thì cũng là lúc đời sống của gia đình nó khấm khá hơn. Anh em nó có thể thay cha đi đò, đi sông, mò cua, thả cá. Vì thế mà cha nó cũng thỉnh thoảng ăn thịt, hay ăn thường xuyên nó cũng chẳng nhớ. Vì tuổi trẻ bồng bột, không dám- không ngẫm ngĩ nhiều về yêu thương, hay vì cha nó cố tìm cách cho “lời nói dối” được anh em nó chấp nhận hơn, nó cũng chẳng còn nhớ.

Để đến hôm nay, khi đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Cuộc sống hối hả, vô thường vô tận. Nó cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.

Hôm nay là ngày dỗ lần thứ 10 của cha nó. Nhìn di ảnh ba gầy còm, nhưng nở một nụ cười tươi sáng. Nhìn con cá chiên to đùng, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận. Nó phải quay mặt đi để lau hàng lệ, để giấu vợ con. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông, “cha đi thả cá mùa nước nổi”. Rồi sau đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ ông. Nó không thể xóa đi được cái ý nghĩ “nếu cha ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế”. Vừa khấn vái, nó lại bất giác kêu lên những tiếng “cha” từ trong cổ họng.

Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”.

Vợ hiểu. Vợ nó bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó lắm xương, nó sẽ làm đau ba đấy”.

Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chầu chực nơi cổ họng vào trong, bảo “Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con yêu”.

Nó vừa ăn vừa cố cho những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm.

(Bài và ảnh sưu tầm trên Internet)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]