Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

buithison

Ngày Quốc khánh  2/9- xúc động mạnh khi nghĩ đến những người đã  hy sinh cho Tổ quốc, thấy lòng mình rộng mở, bao dung thân thiện hơn...
Quên cả những nỗi đau người khác mang cho mình...tự nhủ mình: Hãy yêu thương, tha thứ...cho tất cả để những ngày còn sống trên dương thế được thanh thản hơn! Thôi thì cứ để mọi người cho mình là kẻ yếu đuối, hèn nhát...còn hơn là để cho người khác phải giày vò, day dứt ân hận...vì mình.
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

NHỮNG CHÚ CUA BẢN  CHẬU
                                           Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn

   Một chiều thu êm ả, tôi lang thang tản bộ dọc con phố nhỏ, ước mong sao được nhìn thấy  những  ruộng lúa trĩu hạt thuở nào…
                                ***
   Tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã - dù chỉ là tỉnh lẻ miền núi - nhưng lũ nhóc bạn tôi vẫn thường vừa ước ao, thán phục, vừa dè bỉu gọi tôi là “dân cày đường nhựa”. Khi tôi vào học lớp  một thì giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Bố mẹ tôi phải gửi hai chị em tôi sơ tán trong bản Chậu, học cùng lũ bạn tóc đỏ như râu ngô, áo quần xộc xệch, hồn nhiên và thơm thảo, có củ sắn luộc hay chùm dâu da, bắp ngô nướng đều chia tôi ăn cùng…
    Tôi nhớ nhất những buổi trưa hè theo lũ bạn trong bản đi bắt cua. Lúc này luá đã gặt xong, người ta thả nước vào ruộng, các hố cua mới đào còn lớp mà đùn lên trên mặt hố vàng quạch, hăng hăng và ngai ngái mùi bùn. Người lớn thả cửa cho bọn trẻ đi mò cua, bắt ốc vì không còn phải lo chúng giẫm nát lúa ven bờ ruộng. Như đàn chim sổ lồng, chúng tôi vừa đùa nghịch đuổi bắt nhau, vừa nhồm nhoàm đưa bắp ngô luộc (hoặc bất cứ cái gì có thể ăn được) lên miệng nhai như  đồ chết đói chết khát. Mãi sau này, dù được đi đây đi đó, được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, tôi vẫn không sao quên những món ăn dân dã cùng cái cảm giác được sống hồn nhiên, hoà đồng với lũ bạn ngô nghê, tốt bụng  ở cái bản heo hút ấy…
          Sắp tới ruộng, thằng Muôn (lớn nhất hội) đã ngoác  miệng,  nói như ra lệnh:
     -Bọn  con gái quay mặt đi! Phanh, Sơ ! hai, ba nào!
       Có tiếng cởi đồ loạt xoạt, rồi tiếng thằng Muôn: “Xong rồi !”.
       Cái Xiểng, cái Dân chạy ùa xuống bờ ruộng, vừa chạy vừa tốc váy cuộn lên đội đầu, toàn thân chỉ còn độc mảnh vải màu xanh sĩ lâm hình tam giác…  Bằng những động tác nhanh,  mạnh,  thuần thục, chúng nhoay nhoáy thọc tay vào hố lôi ra từng chú cua đỏ au hoặc đen thẫm đút vào cái giỏ đeo sát hông, miệng cười toe toét:
         -Cởi quần dài ra! ùa xuống đi Xuân! Bọn con trai bắt hết cua bây giờ !...
          Tôi còn chưa hết ngạc nhiên trước hai đứa bạn gái hồn nhiên như cây  cỏ thì lại nổi da gà khi  nhìn thấy ba thằng con trai tồng ngồng không một mảnh vải che thân với những tấm lưng to bè, đen đúa như da trâu. Cả ba thằng đều nằm toài ngang bờ ruộng, tay trái ôm khư khư “của nợ”, tay phải thoăn thoắt xọc từng hố cua. Tiếng nước trong hố bị bàn tay hộ pháp của chúng thọc vào kêu lên oàm oạp, tức tưởi. Tôi loay hoay mãi trên bờ ruộng, tối mắt tối mũi nhìn chúng bắt cua nom diệu nghệ như làm xiếc mà ngứa ngáy hết cả chân tay .Cuối cùng, tôi đánh liều vê tròn hai ống quần phíp ngang tận bẹn, nhảy xuống ruộng. Mấy thằng trai ồ lên thán phục:
            -Ôi! Con Xuân, da mày trắng thế !
             Cái Xiểng, cái Dần quên cả bắt cua, đưa mắt nhìn tôi, ghen tị:
              -Ừ, vì Xuân là con cán bộ, đâu có phải ra nắng làm việc như bọn tớ…
         Tôi không thích chúng gọi tôi là “con cán bộ”.  Từ hồi chị em tôi vào sơ tán trong bản Chậu, bố mẹ tôi vẫn đi làm ở Khu, thỉnh thoảng mới tạt vào tiếp tế lương thực, thực phẩm cho chúng tôi. Tôi  nương tựa vào bà con cô bác trong bản và đã làm quen với  tất cả tụi trẻ con ở đây. Chúng rất quý chị em tôi và chúng tôi cũng rất yêu quý chúng. Chúng đã dạy tôi học tiếng Thái ở mọi nơi, mọi lúc. Giờ thì tôi đã am hiểu phong tục, tập quán trong bản và nói tiếng Thái khá thành thạo. Mới bẩy tuổi đầu, tôi  đã phải  vừa trông nom, bảo ban đứa em trai sáu tuổi vừa cố gắng học tập các bạn trong bản làm mọi việc (kể cả việc bắt cua). Tôi  thận trọng thò tay vào hố rồi từ từ rút tay ra lẩm bẩm: “Chẳng có con gì cả !”.
             Thằng Phanh bảo:
              -Ấy phải xắn tay áo lên cao và thọc sâu vào hố chứ! Nhìn tớ đây này !
               Tôi  hé mắt nhìn sang , thấy tay trái nó vẫn khư khư giữ “ của nợ”,  tay phải thì tụm lại, thọc thẳng vào hố cua,    lôi ra một con cua bụng chửa kềnh càng… Nó thả lại con cua vào hố:
                  -Thôi! Để nó còn đẻ và nuôi con!
               Tôi bắt chước nó, lôi ra từ trong hố một con cua bé bằng ngón chân cái rồi lại thả vào ổ: “ Thôi!Để nó còn lớn ! ”.Thọc tay vào hố tiếp theo, tôi sờ phải một vật gì nhầy nhầy, nhũn nhũn, vội rụt tay ra và hét toáng lên : “ Rắn! Rắn ! ”. Phanh  thò tay vào hố, cười ngặt nghẽo:
- Ồ! Một con cua bấy! Nó mới lột xác đêm qua, ăn thì mềm và ngon lắm! Nhưng thôi, nó còn yếu quá, thả nó đi Xuân nhé!.
Thấy tôi ngoan ngoãn  gật đầu, Phanh nhẹ nhàng đặt con cua bấy vào trong tổ của nó.
                    …Lần thứ ba, tôi vừa thọc tay vào tổ thì ngay lập tức một chiếc  kìm nhọn hoắt,  sắc cạnh quặp chặt ngón tay trỏ  của tôi mà dứt. Tôi đau điếng, nước mắt ứa ra mà không dám khóc to trước mặt lũ bạn. Thằng Sơ nhìn thấy tôi mếu máo, nước mắt lưng tròng, bèn vội vàng ào tới, hai tay nắm chặt cổ tay tôi, rút mạnh : “Oạp!” Tiếng nước trong hố cua bí bích kêu cùng lúc cánh tay tôi bật ra khỏi  hố, con cua to tướng có cặp mai nâu sẫm màu cánh rán quặp tay tôi văng ra xa, cái càng to bự của nó vẫn ngoan cố ở lại cắn riết ngón tay trỏ của tôi. Tôi ngu ngốc không hiểu vì sao nó căm thù tôi đến thế! Mãi sau này, khi đã thành thục với công việc bắt cua, gặp những tình huống tương tự tôi mới chợt nhớ ra: ngay dưới chân tôi lúc đó có một con cua cái bé nhỏ gợi tình với cái mai mỏng manh hồng hồng vừa bị tôi vô tình dứt ra khỏi cuộc tình dang dở vẫn luyến tiếc khua khua tám cẳng với hai càng lên không trung… Sơ nhẹ nhàng nâng bàn tay tôi lên miệng rồi dùng răng cắn nát cái càng to bự của con cua đực. Những tia máu đỏ tươi xối xả túa ra từ ngón tay trỏ của tôi. Phanh nhanh nhẹn lấy lá chó đẻ đưa lên miệng nhai “chẹp ,chẹp”, rịt ngay vào vết thương của tôi rồi dứt ngọn cỏ buộc chặt lại, miệng dỗ dành: “Cố gắng lên Xuân nhé! Tí nữa  cầm  được máu là hết đau ngay thôi mà!”. Tôi cảm động đến ứa nước mắt, muốn nói lời cảm ơn hai thằng bạn tốt bụng mà  nghẹn ngào không cất được lên lời. Tôi ngước mắt lên, cố nhoẻn một nụ cười thật tươi tỏ ý thân thiện thì bất chợt nhận ra, vì quá lo cho tôi mà bàn tay trái của cả hai thằng bạn đều quên nhiệm vụ … “giữ của quý”. Tôi đỏ bừng mặt định quay đi thì hai thằng chợt nhớ ra. Chúng cười xoà cho đỡ ngượng rồi ào lên bờ, mặc vội quần áo…

         Trên đường về, Phanh ngượng ngùng đi sát theo Muôn. Xiểng và Dân thì thoăn thoắt đi trước một quãng khá xa. Chắc chúng nó ngượng vì hôm nay thấy tôi quá trắng trẻo bên cạnh thân hình đen nhẻm của chúng, hoặc chúng ghen tỵ khi thấy mấy thằng trai bản cứ xoắn xuýt khen ngợi, rồi tỏ ra quan tâm đến tôi một cách thái quá. Riêng Sơ thì tìm cách tách khỏi lũ bạn, đi chầm chậm bên tôi,  miệng liến thoắng:
          - Từ lần sau, Xuân cứ đi cạnh tớ. Tớ sẽ hướng dẫn cho cậu cách  móc cua trong lỗ mà không bao giờ bị cua cặp… Mà cậu có biết không: Tớ là tớ chúa ghét cách sống của lũ cua này. Thông thường, mỗi hố cua chỉ có một con, thỉnh thoảng  mới có hố hai con như con cua đực cặp cậu lúc nãy và vợ nó… Cậu có nhìn thấy vợ nó không nhỉ? Ừ, mà đau như thế thì còn nhìn thấy gì nữa… Bọn cua ấy, nó chỉ biết thương mỗi vợ của nó thôi. Cậu thấy đấy, lúc trời nóng nhà nào nhà ấy chỉ ru rú trong tổ suốt ngày… Khi nào trời mát, chúng mới thò đầu ra khỏi tổ để kiếm ăn. Các hố cua  “hàng xóm” (mà có khi chính là cua bố cua mẹ của chúng ngày trước tách ra) có gặp biến động gì (chẳng hạn bị rắn nước mò vào hoặc bị người dùng xẻng sửa bờ sạt hết cả miệng hố) chúng vẫn cứ “bình chân như vại”, giương  mắt… cua ra mà nhìn…
        Tôi   cứ mắt tròn mắt dẹt nghe Sơ nói  thao thao bất tuyệt và thầm phục thằng bạn “DiGan” ở cái bản Chậu heo hút ấy… Phía xa, bọn thằng Muôn, thằng Phanh và cái Xiểng, cái Dân đang ngồi túm tụm trên một cái gò hoang  đợi chúng tôi. Đến nơi, tôi mới biết chúng vừa đợi vừa mải mê quan sát một đàn kiến vàng đang loay hoay ra sức kéo một con kiến chẳng may thụt chân rớt xuống  khe đất hẹp… Thằng Phanh lẳng lặng đứng dậy, mở giỏ cua của nó trút vào giỏ của tôi quá nửa. Tôi há hốc mồm chưa kịp phản ứng gì thì cái Xiểng, cái Dân cũng lần lượt đứng dậy xẻ cua sang giỏ của tôi.  Tôi ngượng nghịu bảo:
(còn nữa)
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

(Tiếp theo)                -Sao các cậu cho tớ nhiều thế! Tớ chẳng dám nhận đâu...
               Muôn nói:
                -Tớ đã bảo với tụi nó, hôm nay là thứ bảy,  thể nào chiều tối bố mẹ Xuân  cũng về thăm hai chị em Xuân nên chúng nó bàn với nhau cho thêm Xuân  một ít đón bố mẹ…
                 Chị em tôi ở  chung nhà bố mẹ Muôn nên cấm có cái gì mà giấu nó được… Sơ cười khà khà:
                -Theo tớ, tất cả bọn mình xin phép bố mẹ đem cua sang nhà Muôn nấu chung, ăn chung cho vui đi !
                Cả  bọn ồ lên tán thưởng ý kiến của nó ngay tắp lự.
           …Tối đó, khi bố mẹ tôi đi xe đạp vào đến nhà Muôn thì bọn tôi đã “đạo diễn” tinh tươm bữa “tiệc cua”. Bố mẹ Muôn đi nương cũng vừa về đến nhà. Nhìn đĩa cua rán vàng rộm thơm lừng, bát canh cua  nấu với rau cỏ bợ loáng thoáng nhưng gạch cua thì nổi lên đặc sánh mà nước miếng tôi đã tứa ra. Sơ khéo léo giã món “chẩm chéo” (gồm cỏ mền trầu, muối rang và ớt chỉ thiên nướng trên than hồng rực). Phanh ù chạy ra ven suối đem về nắm lá “phắc mạ” mềm mại như  những dải lụa đào… Tôi chăm chú quan sát và học tập được từ cái Xiểng, cái Dân cách nấu canh cua sao cho nổi váng “riêu cua màu mỡ” nom thật bắt mắt. Quá đơn giản! Trước hết, bóc mai cua ra, khều gạch cua để riêng vào một cái bát, gạn cho ráo nước, phi hành mỡ thật thơm, đổ gạch cua vào, dùng đũa đảo đều cho chín tới rồi bắc ra ngay. Sau khi giã cua xong, lọc lấy nước cho vào nồi bắc lên bếp, cho lửa nhỏ, dùng đũa khuấy đều tay cho thịt cua từ từ nổi lên. Khi nồi nước canh bắt đầu sôi lăn tăn, phải nhanh tay gạt lửa sang đun ở một góc nồi, tất cả thịt cua dạt về một phía , lẹ làng bốc rau  cỏ bợ thả vào phía nước đang sôi không có thịt cua. Rau vừa chín tới, gạt gạch cua phi với hành mỡ phủ lên trên… Bọn chúng cũng học được từ tôi cách rán cua vàng rộm, thơm lừng. Có gì đâu! Chỉ cần có thêm một quả trứng và hai thìa bột mỳ quấy sền sệt làm bột nhúng trước khi thả cua vào chảo rán. Bữa cơm hôm đó là bữa cơm ngon nhất trong những năm chị em tôi đi sơ tán ở bản Chậu. Bác chủ nhà đem chai “lẩu sơ” ra đãi bố mẹ tôi. Lũ nhóc chúng tôi thì vừa nhai cua rau ráu, húp canh soàn soạt vừa rôm rả nói đủ thứ chuyện trên  trời dưới  biển …
      …Thằng Sơ giữ lời hứa, lần sau nó dạy tôi cách lừa lựa thò tay lên vòm trên của hố, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ ép chặt hai càng cua lại rồi từ từ nắm gọn con cua trong bàn tay, nhẹ nhàng rút tay ra khỏi hố, lại nhẹ nhàng thả vào chiếc hom giỏ đeo bên hông. Có điều, sau  “sự cố” xảy ra hôm đó, từ lần sau đi bắt cua, chẳng ai bảo ai mà cả sáu đứa cùng mặc “xuổng cỏm” (quần cộc) xuống ruộng…
                                              ***
     Đêm qua, sau khi hai vợ chồng to tiếng với nhau, tôi leo lên gác ngủ riêng mà  không sao chợp mắt nổi. Những kỷ niệm xa xưa cứ ùa về da diết… Suốt cả thời tuổi trẻ, vợ chồng tôi là hình ảnh  mẫu mực về tình yêu lý tưởng cho bao người ao ước, ghen tỵ. Nhà chưa phải là giàu nhưng vợ chồng hiểu biết, tôn trọng và yêu thương nhau rất mực. Con trai khôi ngô, tuấn tú; con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn… Chim đủ lông đủ cánh thì chim phải tự bay đi kiếm mồi. Con cái trưởng thành, khôn lớn, chúng phải có cuộc sống riêng của chúng. Thỉnh thoảng, năm thì mười hoạ chúng đi công tác tạt qua nhà hoặc tranh thủ ngày nghỉ đưa vợ con (hoặc chồng con) về thăm bố mẹ ,ông bà là tôi mừng quýnh, đi ra đi vào, nói cười suốt ngày. Để khi chúng đi rồi, tôi lại ngơ ngẩn vào ra, thẫn thờ như người mất hồn…
         Vào tuổi bốn mươi tám, sau lần đi cơ sở bị trượt chân ngã ở con suối cạn, bị chệch hai đĩa đệm, sức khoẻ tôi gần như  suy sụp. Tôi đành xin nghỉ hưu sớm. Mình tự biết mình không còn đủ sức khoẻ thì nên tự rút lui, nhường ghế cho tụi trẻ. Vả lại, mình ở nhà còn có thời gian dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho chồng yên tâm công tác.Thế là tôi chuyển ra tỉnh  ở với chồng…Hai năm đầu mới nghỉ, chồng tôi rất tâm lý, sợ tôi ở nhà một mình buồn, hàng ngày anh mượn sách báo ở cơ quan đem về cho tôi đọc, kể những câu chuyện vui cho tôi nghe. Buổi tối,
hai vợ chồng ăn cơm sớm, cùng bách bộ và trở về xem thời sự. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi, chẳng có gì đáng phàn nàn. Dạo này, anh bận nên ăn cơm tối xong, chỉ tranh thủ xem thời sự rồi đi nghỉ sớm. Tôi thơ thẩn ra đường một mình và làm quen với những cụ già đi bộ (phần lớn là công nhân nông trường chè đã nghỉ hưu, nhà ở trong ngõ hẻm chứ không được mặt đường như tôi). Từ đó, sáng nào tôi cũng theo các cụ tập thể dục ở sân vận động và trở về lúc sáu giờ, sửa soạn  bữa ăn sáng cho chồng đi làm. Các cụ tiện thể đi bộ ra chợ mua thức ăn giúp con cháu thường ghé qua nhà chơi với tôi, tâm sự chuyện gia đình. Biết tôi trước đây là chủ tịch Hội  phụ nữ huyện,  các cụ tin tưởng lắm ! Từ chuyện mâu thuẫn mẹ chồng con dâu …đến những vướng mắc trong việc làm thủ tục vay vốn của hội phụ nữ, các cụ cũng  đến nhờ tôi tư vấn… Tôi tranh thủ  thời gian đến nhà các cụ, gặp gỡ các chị, dàn xếp mọi chuyện ổn thoả và được mọi người rất quý: “Chị cầm chút cây nhà lá vườn về cho tụi em vui lòng” … Chị con dâu vui vẻ nói và dúi vào tay tôi chùm ngọn bí xanh rờn. Bữa cơm trưa, chồng tôi cứ ấm tắc khen món rau bí luộc chấm nước mắm dầm tỏi thật là “hết sảy”. Tôi say sưa kể cho anh nghe chuyện gia đình các cụ,  mong nhận được lời tán thưởng của chồng thì thì bị anh “dội ngay một gáo nước lạnh”:
      _ Ăn nhanh  để anh nghỉ, chiều còn đi họp. Mà em cứ kể chuyện con cà con kê, sắp giống các bà già bẩy mươi rồi đấy! Rõ là…”ôm rơm rặm bụng”!
     Tôi chưa kịp nói lại một lời, anh đã buông bát đũa đứng dậy. Tôi lặng lẽ thu dọn mâm bát và buồn rầu nghe tiếng ngáy o o của chồng dội từ phòng bên… Rửa sạch hai tay, tôi ra đứng chải đầu trước gương. Lâu lắm rồi, tôi không soi gương nên giật mình khi thấy mình đã già thật rồi. Hai vợ chồng cùng bước vào tuổi năm mươi mà nom anh còn phong độ, hoạt bát lắm! Anh có bao mối quan hệ, giao lưu toàn với những người sang trọng. Nhưng đó cũng chỉ là những cuộc giao lưu ngoài công sở. Nhà tôi ít khách lắm! Thảng hoặc mới có những người bạn cũ từ huyện ra tỉnh công tác, tranh thủ ghé thăm. Hai dãy phố tôi ở cũng toàn là quan chức, suốt ngày cửa đóng im ỉm, con cái thì đi học, bố mẹ thì đi làm. Trưa về nhoáng nhuýt ăn cơm rồi lại nhoáng nhuýt đi làm, hết giờ làm việc buổi chiều thì tranh thủ chơi cầu lông đến tối mịt về nổi lửa ,ăn qua quít, còn kịp theo dõi chương trình thời sự, rồi còn phim ảnh. Vợ chồng, con cái còn ít có thời gian rảnh rỗi để nói chuyện với nhau lấy đâu ra thời gian sang chơi nhà hàng xóm… Anh thường âu yếm nói với tôi rằng:
     _ Anh là người hạnh phúc nhất trên đời vì có “cô Tấm” ở trong nhà, ăn ở theo sở thích… Những người giàu có nhất ở đây sao có được cuộc sống như anh…
      Dù không phải là người “ưa nịnh”, tôi vẫn rất vui sướng vì biết anh chân thật với vợ. Từ lúc cưới nhau đến giờ, anh không bao giờ thích những cuộc liên hoan vui vẻ nơi nhà hàng, khách sạn (có chăng chỉ là xã giao theo phép lịch sự). Với anh, ngoài công việc ra, mối quan tâm lớn nhất là chăm chút cho tổ ấm của mình.
( Còn nữa)
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

(Tiếp theo và hết)              
.       Sáng qua, vừa mới có tám giờ, anh đã phóng xe về vì quên đem kính đi làm.Lúc bấy giờ,có năm cụ vừa đi chợ về ghé vào thăm tôi, các cụ đổ ngọn  su su và quả đỗ ra nền nhà, vừa nhặt sạch vừa tranh thủ xem bài thể dục “Mai bắc đẩu” tôi vừa sưu tầm về quay trên màn hình. Anh lễ phép chào các cụ rồi vội vã đi ngay. Buổi chiều, anh đi làm về, thấy tôi đang lăn lê bò toài ra lau nhà liền nhếch mép cười khẩy:
_ Thân làm vạ đời! Đã đau lưng rồi mà chẳng biết giữ gìn. Sáng nay tôi thấy mấy bà chân đất, mắt toét bầy bừa ra nhà mà lộn cả ruột. Thảo nào, dạo này tôi thấy cô cứ tươi hơn hớn. Đúng là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mà, cô mới có năm mươi tuổi, lại toàn chơi với các bà già bẩy mươi ở trong ngõ hẻm, chẳng hợp chút nào! Sao không bật ti vi lên xem hay mở Karaoke ra mà luyện giọng. Cô vẫn thích hát lắm cơ mà?
      Tôi không chơi với các bà già trong ngõ hẻm thì tôi chơi với ai bây giờ? Con cháu thì ở xa, chồng thì đi làm suốt ngày. Đành rằng được lo toan, chăm sóc cho anh là niềm hạnh phúc của tôi, đành rằng nhà tôi chẳng thiếu gì phương tiện giải trí. Nhưng cuộc sống chỉ bó hẹp, đơn điệu vậy sao?
 _ Trướcđây…
     Tôi định nói: “Trước đây, bố mẹ em làm việc ở Khu mà vẫn chơi thân với
với bố mẹ anh ở trong bản đâý thôi!” nhưng kịp ghìm lại, bố mẹ chồng tôi nào có tội tình gì. Từ xưa đến nay, tôi vẫn luôn kính trọng ông bà. Tôi kịp nói tránh:
  _ Trước đây, anh khác xa bây giờ…  

                                               ***

    Sáng nay, anh đi dự hội nghị và ăn cơm trưa luôn ở đó, không buồn gọi điện bảo tôi đừng chờ cơm. Tôi ngán ngẩm cũng bỏ bữa luôn. Buổi chiều, tôi cắm cơm sớm và tha thẩn ra đường. Vừa đến con dốc ngoặt rẽ vào nông trường, tôi giật bắn mình nhận ra một phụ nữ trung tuổi đang lao xe đạp vun vút sau lưng. Thì ra, chị đang chở hai rọ than tổ ong đi bán, đến dốc thì bị đứt phanh. Bằng phản xạ tự nhiên, tôi lao lên vỉa hè. Vừa lúc đó, mấy bà già bán rau và hoa quả gần đó lao ra,mỗi người một tay giữ chiếc xe đạp đứng khựng lại. Một bà trẻ hơn nhanh nhẹn đón đầu, hai tay cầm ghi đông xe giữ thăng bằng. Chị phụ nữ bán than sau phút hoàn hồn, ríu rít cảm ơn các bà. Tôi ngượng nghịu, cắm cúi bước đi. Hình ảnh đàn kiến trên gò hoang năm nào hiện về mồn một…  
        Tôi đang miên man đắm chìm trong ký ức thì nghe tiếng xe phanh kít sau lưng.Tiếng Sơ nhỏ nhẹ, thầm thì:  “Về đi Xuân! Em đi đâu, chẳng nói một câu .Anh về nhà mãi chờ mãi chẳng thấy em về, anh lo quá!”
 “Cái con cua ấy! Nó chỉ thương mỗi vợ nó thôi!”. Bên tai tôi văng vẳng tiếng nói của Sơ  hơn bốn mươi năm về trước…
 _ Thế sao trưa nay không về ăn cơm, anh cũng chẳng báo cho em biết?
      Sơ gãi tai: “Anh xin lỗi! Hôm nay tan họp muộn, mọi người lại hè nhau đi ăn luôn nên anh  quên!”. “À!Ra thế!”Tôi ngoan ngoãn ngồi sau xe,ngắm tấm lưng to bè của chồng và tự rủa mình: “Mang tiếng là cán bộ phụ nữ mà chẳng tâm lý chút nào! Vợ chồng sống với nhau, ai chẳng có lúc này lúc khác. Chồng mình là người hiểu biết và nhân hậu nhưng vô tâm. Lẽ ra, mình phải lựa lúc tâm tình với anh ấy! Ừ, phải rồi! Sơ ơi! Rằm này, hai vợ chồng mình sẽ về bản Chậu thăm bố mẹ, thăm bà con cô bác, thăm gia đình anh Muôn, cái Siểng, cái Dân và thắp hương cho Phanh. Thấm thoắt, Phanh hy sinh đã hơn ba mươi năm rồi…”.
     Sơ vẫn cho xe đi từ từ và không nói lời nào. Tôi khẽ ngả đầu vào lưng anh, hít hà mùi mồ hôi nồng nồng quen thuộc: “Chắc anh ấy cảm nhận được điều mình đang nghĩ…”
                                            Lai Châu, ngày25/8/2008
                                            Viết lại:ngày 9/9//2010
                                               B.T.S
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đăng Thuyết

Sơn à!anh đã đọc rất kỹ truyện này của em .anh cám ơn em nhé
ĐT
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

MÙA DỊU DÀNG
                                                  Tản văn
Một ngày mới lại đến để mùa xuân  xích gần như cầm nắm, ấp ôm được trong vòng tay khao khát thèm dịu dàng…Em lại được nghe giọng nói ấm áp, thân thương, trìu mến của anh sau bao ngày đằng đẵng nhớ thương, bế tắc, tuyệt vọng. Người ơi! Người là ai? Người cầm tinh con gì mà lại  đem cho em hạnh phúc  ngọt ngào mà đớn đau đến  thế? Em cầu trời khấn phật cho  MỦA XUÂN mãi ở bên Người và Người là MÙA XUÂN vĩnh viễn trong em- dù ngoài đời ta  chẳng có nổi nhau…
  Em đã lang thang suốt dọc chiều dài đất nước để tìm quên anh mà không sao quên nổi. Mỗi miền đất em qua, mỗi conngười em gặp đều đem đến cho em bao tình cảm tốt đẹp nhưng  chưa ai làm cho con tim em run rẩy như mỗi khi em nhớ đếnNgười. Em đã từng có những người bạn trai thân thiết như bạn gái, chuyện bé như con kiến cũng chụm đầu ghé tai san sẻ cùng nhau, cầm nắm tay nhau tung tăng trên đường như trẻ nhỏ mà vô tư chẳng gợn chút dục tình…
  Vậy mà…chỉ một lần đọc thơ Người khi chưa hề biết mặt em đã khóc rưng rức  như đứa trẻ nhỏ bị cha mẹ đánh oan…Người ta gọi đó là “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” chăng? Hay các cụ nhà quê nôm na mách qué gọi  đó là phải lòng phải mề nhau..? Giá em có đủ lý trí khôn ngoan để che đậy cảm xúc đớn đau, kỳ diệu ấy, để chẳng lôi cuốn Người vào cuộc tình éo le, bế tắc, không  lối thoát này…Nhưng em đã không làm nổi như thế, bởi từ trong sâu thẳm con tim em thầm thì mách bảo: Anh chính là cái nửa kia đích của mình  đã bị con tạo trớ trêu trao nhầm cho người đàn bà khác-
người may mắn sinh ra trước em một thập kỷ nên đã kịp gặp anh-  người trai tài hoa, đa tình mà cũng lắm truân chuyên trên đường đời…Ban đầu, em đã dối người và tự dối mình bằng cách(qua  điện thoại, nhắn tin) rằng mình có một cuộc sống lứa đôi ngập tràn hạnh phúc…Người đã rất khẳng khái chúc mừng em để em nói lời cám ơn khách khí mà nuốt lệ trong lòng…Rồi, em đã bật đèn xanh cho người và ta đã gặp nhau- hai con người bằng xương bằng thịt…Sóng gió thăng trầm của cuộc đời đã chụp lên hai mái đầu xác xơ màu sương khói…Sao ta lại hen gặp  nhau ở Ngã Ba Sông nhỉ? Phải chăng chính vì thế mà cuộc tình ta cứ giằng xé , cào cấu khôn nguôi…
                        Ngày mồng một tết viét giùm người bạn gái BÍCH THUẬN
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đăng Thuyết

NHỆT LỆ! anh đọc bài tản văn của em .từ đáy lòng mình anh rất xúc động.
Cái gì cứ giữ mãi trong lòng cũng đều không tốt cứ cởi lòng mình ra cho thanh thản. anh rất thông cảm và sẻ chia những day dứt trong em. anh đã hình dung ra những gì em đang viết...
Văn xuôi của em là rất tốt rất thật. văn mà không thật thì thật buồn. mảng này thong thi viện thật lòng mà nói anh rất thích giong văn của anh Thế Duyên và em.rất mong em cố gắng nhièu hơn nữa để có những bài viết hay.Cảm ơn em
ĐT
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

DỊU DÀNG XUÂN TRONG BỆNH VIỆN
                                                                         Tản văn của  Bùi Thị Sơn
Một sáng mai bừng tỉnh,tôi bỗng dịu dàng nghe tiếng bệnh nhân í ới gọi nhau lên bếp tập thể lấy nước sôi về uống.Trong dịu dàng tia nắng ban mai,tôi nhìn thấy những khuôn mặt người như quen như lạ thấp thoáng ẩn hiện.Dịu dàng chiếc áo cóm bó sát lưng ong cô gái Thái chăm sóc mẹ ốm.Dịu dàng bàn tay to bè anh thợ điện vụng về ôm ấp đứa con gái nhỏ mới chào đời.Dịu dàng tiếng nói ấm áp của bà mẹ người Mông chăm con dâu mổ ruột thừa.Và ánh mắt,bàn tay của các bác sĩ,y tá mới thân  thương,gần gũi,dịu dàng biết bao!
“Ôi !con tôi đã tỉnh lại rồi !”Giọng nói dịu dàng âu yếm như từ một cõi xa xăm nào trôi về.Tôi cố mở to mắt nhìn và nhận ra gương mặt dịu dàng hiền từ của người mẹ tám mươi tuổi : “Mẹ! Ai đưa mẹ từ Tuyên Quang lên với con?”Tôi dịu dàng ngước cặp mắt u buồn nhìn mẹ,lòng rưng rưng muốn khóc…
-Con còn yếu lắm!Đừng vội nói chuyện!Con tỉnh lại là mẹ vui lắm rồi…
Tôi bỗng thấy mình nhỏ bé trong cái nhìn bao dung ,ấm áp ,dịu dàng của mẹ…Khung cảnh,con người…trong một góc bệnh viện gợi cho tôi nhớ lại tuổi ấu thơ thời bao cấp vật chất thiếu thốn trăm bề mà chứa chan tình người.Chao ôi !Tôi thèm dịu dàng quá!Ước gì tôi cứ được sống mãi trong cảm xúc giàu có tình ngưòi này…
Một chiếc xe tắc xi nhẹ nhàng dừng bánh trước cổng bệnh viện.Từ trên xe bước xuống,một anh sĩ quan quân đội,một chị cán bộ kiểm lâm,một cô văn công  xinh tươi duyên dáng ôm bó hoa ly tươi thắm cùng đồng thanh thưa:
-Em chào cô  ạ !Nhìn thấy cô   tỉnh lại  rồi,chúng em mừng quá !
Tôi cố gượng ngồi dậy nhưng  chân tay vẫn còn tê cứng,ê ẩm.Một bóng áo choàng trắng xuất hiện với bó hoa hồng nhung rực rỡ trên tay nhẹ nhàng bước vào phòng :
-Cháu chào các bà!Em chào cô !Chào các  bạn!Các bạn đến nhanh thế!
-ừ,vừa nhận điện thoại của bạn là cô đã tỉnh,bọn mình rủ nhau đến thăm cô luôn…Chỉ có Vân đang bận lên lớp tận Nùng Nàng là chưa đến được…
   Bà cụ bệnh nhân giường bên nói với mẹ:
-Bà phúc đức quá !Từ hôm cô ấy vào viện,bao nhiêu bạn bè,học trò ngày nào   cũng tới thăm…còn cô y  sĩ này ngày nào cũng đến thay hoa tươi và lấy áo quần cô giáo về giặt...
    Mẹ  vừa nắn tay xoa bóp cho tôi,vừa nhỏ nhẹ  nói:
-Vâng!Cái nghề của cháu nó được cái là  giàu tình người.
      “Giàu tình người”-ba  tiếng giản dị ,thiêng liêng  ấy là niềm vui,hạnh phúc cả đời tôi nâng niu gìn giữ…
        Thấy tôi ngó quanh quẩn,mẹ hiểu ý:
-Tìm chồng à ?Tối qua mẹ bắt nó về ngủ trông nhà để mẹ ra trông con thay.Rõ khổ,chăm sóc vợ chục ngày mà râu ria mọc tua tủa.Con cái thì đi học xa ,nó không muốn các con phải nghỉ học…
   Bà cụ  giường bên lại nói:
         -Tôi chưa thấy ai chăm sóc vợ tận tình chu đáo như chú ấy.Thức suốt đêm xoa bóp chân tay cho vợ…
         Qua lời kể của bà cụ,tôi biết mình bị lên cơn tai biến mạch máu não khi đi cùng bạn bè thăm động Pu Xam Cáp.May mà các y bác sĩ kịp thời cứu chữa….
        Một tốp người lại  vào thăm.Tôi nhận ra giọng nói oang oang của cái người cao gầy khẳng khiu,tóc cắt ngắn chẳng ra đàn bà chẳng ra đàn ông  mà lại rất nhân hậu, đam mê văn chương  và chăm lo  cho hội viên đến  độ quên cả hạnh phúc  riêng mình.Tôi nhận ra  cái vẻ trầm tư kín đáo của ngưòi thầy giáo làm thơ xứ Huế mộng mơ mà sâu sắc.Tôi nhận ra ánh mắt hồn nhiên trẻ mãi của người trai núi đam mê nghề nhiếp ảnh và sưu tầm văn hoá dân gian của dân tộc Pú Nả…Và nhận ra chất lính hiên ngang mạnh mẽ ẩn giấu sau những truyện ngắn hóm hỉnh mà giàu chất nhân văn của một người trọn đời theo binh nghiệp…Các bạn trong Hội Văn học Nghệ thuật  tỉnh đến thăm tôi đấy!
           Những giọt nước mắt lăn dài trên  đôi gò má,tôi cảm động không nói được lời nào với mọi người .Mẹ bảo: “Đừng khóc !Hôm nay là sinh nhật của con đấy!”.Tôi nhớ ra rồi! Mẹ sinh tôi vào tháng ba-tháng  mùa xuân còn dịu dàng ngan ngát hoa thơm và dùng dằng chưa muốn nhường bước cho mùa hè nồng nàn quyến rũ thế chân.Nơi đây,tôi đã được tái sinh để dịu dàng nhận  ra cuộc đời  mình còn ăm ắp   bao dịu dàng hạnh phúc và khát khao dâng hiến,san sẻ những dịu dàng ,hạnh phúc  của mình cho đời…
                                                  Lai Châu,ngày 24/3/2010.
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Truyện vui
TÔI VÀ LỚP TRƯỞNG
Cách đây hơn 20 năm, hồi còn học Đại học Sư phạm, bọn sinh viên khoa Văn chúng tôi cũng tập toẹ làm thơ kiểu ...Bút Tre. Yêu nhau cứ phải giấu giấu giếm, sợ lớp trưởng báo cáo với thầy trưởng khoa. Dù chưa có người yêu, trong giờ học tiếng Nga, buồn ngủ quá, tôi viết 2 câu tuồn cho các bạn trong lớp đọc:
  Yêu anh, em chẳng sợ chi
Sợ thằng lớp trưởng nó đi báo khoà (khoà có nghĩa là khoa ấy mà)
 Ai dè,"thằng lớp trưởng" nhặt luôn được mảnh giấy ấy. "Nó"gặp riêng tôi, buồn xiu: " Các bạn không hiểu mình làm mình buồn quá! Vì trách nhiệm mình phải nhắc nhở các bạn thực hiện nội quy của Nhà trường thôi, mình đâu phải... loại người hớt lẻo" .
  "Thằng lớp trưởng" không "đi báo khoà" như lời cảnh báo của tôi nên tôi không thể ghét "nó" được. "Nó" là "đồng tác giả" với tôi khi cho ra đời hai "tác phẩm thơ tình" bằng xương, bằng thịt: Một chàng "kỹ sư tâm hồn" và một nàng phóng viên báo chí...
Bùi Thị Sơn
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

PHONG   LAN
Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn

1-  Luân đang ngồi trầm ngâm bên ô cửa sổ, ngắm nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng thì nghe tiếng gõ cửa gấp gáp:
- Cứ vào!
Chưa kịp nhận ra người thanh niên bảnh bao này là ai, Luân đã ngợp thở trong vòng ôm rất chặt của anh ta:
- Anh Luân! Em nhớ anh quá! Một năm rồi còn gì! Em đánh mất di động nên không còn địa chỉ để liên lạc với mọi người. Em vẫn theo dõi Tạp chí Văn nghệ của các anh. Anh viết lên tay lắm! Còn Phong Lan, có dễ đến nửa năm rồi, em không đọc được bài nào của cô ấy. Em cứ hy vọng  đợt đi trại viết này, sẽ gặp được Phong Lan. Thế mà…
Nghe cái giọng thao thao bất tuyệt của anh thanh niên, Luân nhớ ra ngay anh ta tên là Minh - một bạn viết ở Phú Thọ…Năm ngoái, trại viết của Hội Liên hiệp tổ chức tại Bãi Bằng - một địa điểm khá đẹp và thơ mộng. Trại viên gồm các văn nghệ sĩ 14 tỉnh Khu vực miền núi phía Bắc. Lai Châu chọn được hai trại viên tiêu biểu là Luân và Phong Lan. Ngoài bốn mươi tuổi, Phong Lan vẫn đẹp lắm - một vẻ đẹp mong manh, kiêu sa và huyền bí …
Người ta thường nói: ông trời công bằng lắm, chẳng mấy ai được cả tài và sắc. Những cô gái xinh  đẹp thường không thông minh và ngược lại, những cô gái thông minh thường không xinh đẹp. Thế mà, trong trại viết ấy, Phong Lan nổi lên như một biểu tượng: đẹp, thông minh, dịu dàng và quyến rũ. Nàng thường mặc những chiếc áo bằng ren hoặc lụa tơ tằm, ôm sát thân hình tròn lẳn gợi cảm. Có nửa tháng ở trại, nàng là trung tâm thu hút của mọi người, từ chị Hiền ở Yên Bái - một cô giáo đã nghỉ hưu đến Thu Trang - cô  phóng viên ở Lạng Sơn, trẻ nhất trại - ai cũng quý mến Phong Lan. Các cô gái trẻ thường bình luận  sau lưng cô:
- Này, chị ấy lúc nào cũng nhàn nhã, chẳng thấy đóng cửa cắm cúi viết như bọn mình, lúc nào cũng thấy chị ấy đem máy ảnh, một mình thơ thẩn trên đỉnh núi Chang như người mộng du…
- ồ, thế thì mọi người không biết rồi, chị ấy đã chuẩn bị rất chu đáo các bài viết từ ở nhà, đóng thành tập thơ riêng, truyện ngắn riêng. Đến trại, chị ấy đi dạo một mình, ngắm cảnh thiên nhiên, ấp ủ cảm xúc, ý tưởng cho những sáng tác mới…đó cũng là một phong cách hay!
- Mà chị ấy cũng rất chu đáo, chăm sóc đến mọi người. Lúc nào đi trên núi Chang về, cũng có bó hoa rừng cắm ở phòng nữ, trên bàn lúc nào cũng có một loại bánh kẹo mới để mọi người  “ăn cho vui”. Chị pha cà phê thì tuyệt ngon, phòng nào chị cũng biếu một hộp cà phê Trung Nguyên “nhâm nhi cho tỉnh táo, còn lấy sức mà viết”.
Chuyện ấy chỉ có Luân là biết: Chồng Phong Lan là Giám đốc một ngành kinh tế của tỉnh, dịp tết vừa qua, đám bậu xậu dưới quyền từ tỉnh đến các huyện biếu xén đủ thứ, làm sao dùng hết được.Mà chồng Phong Lan cũng rất thoáng.Ông ấy luôn là    “Mạnh Thường Quân”cho những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn;dù bận rộn biết bao công việc,ông vẫn luôn giành thời gian và tình cảm ưu ái cho giới văn nghệ sĩ và các phóng viên báo tỉnh nhà. Hôm Phong Lan xuống trại, cô ấy cũng ghé qua trường Luân, nhẹ nhàng mời anh cùng đi:
- Em biết, đợt này cả tỉnh chỉ có hai anh em mình đi trại viết. Anh nhà em cũng tiện đường đi Hà nội công tác đúng dịp này, em ra mời anh đi cùng. Ta đi sớm một chút qua chùa Hương, quay lại là vừa lúc khai mạc trại anh ạ!
- Cám ơn Lan! Có lẽ tôi phải đi sau vì còn bận giải quyết một số việc của gia đình, Lan cứ đi trước đi.
- Vâng!Thế em đi trước nhé!
Vẫn nụ cười quyến rũ, vẫn nói năng dịu dàng từ tốn, Luân thầm nghĩ: “Công tác gì cái lão ấy. Lại lấy xe công đưa vợ đi chơi đây! Ta bỏ hai trăm bạc đi xe ca, tự do không hơn à?”
…Đám  đàn ông văn nghệ sĩ tỉnh lẻ, bữa cơm nào cũng tìm cách lân la ngồi gần Phong Lan, tán tỉnh cô ra mặt:
- Em  đúng là một bông hoa rừng …
- Cái tên em mới thật ấn tượng,chắc bố mẹ em tự hào về con gái lắm mới đặt cho em  tên một loài hoa đẹp - Chúa của các loài hoa…
Phong Lan đỏ mặt (lúc nào cũng đỏ mặt, e thẹn như con gái mới chết chứ):
- Em cũng thường thôi!
- Em vừa đẹp vừa giỏi, lại khiêm tốn. Nhưng em ơi! Người ta vẫn thường bảo một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự cao đấy em ạ!
Phong Lan lại đỏ mặt, liếc nhanh qua Luân. Luân tảng lờ như không nghe thấy những lời tán tỉnh nhạt nhẽo, trống rỗng của đám đàn ông háo sắc cũng như không nhìn thấy cái liếc mắt như van lơn, ngăn chặn của Phong Lan. ừ, chắc lúc ấy cô ấy chợt nhớ ra, cái tên Phong Lan là do anh gọi đầu tiên(sau này cũng trở thành bút danh của cô ấy). Lúc gọi cô cái tên đó, anh cảm thấy ở cô một vẻ đẹp mong manh yếu ớt như cánh hoa lan đong đưa trước gió. “ừ, thì bây giờ cô ta vẫn là Phong Lan - nhưng với một ý nghĩa hoàn toàn khác” - Luân cay đắng nghĩ .
Tán là tán cho vui vậy thôi, ai cũng yên bề gia thất rồi. Cũng có đôi chàng nghệ sĩ tỉnh lẻ nửa nạc nửa mỡ “Được thì tốt, không được thì là đùa vui thôi mà”. Phong Lan không tỏ ra dễ dãi, mềm lòng cũng không tỏ ra phật ý hay kiêu kỳ ngạo mạn trước những lời tán tụng suồng sã quá trớn. Cô thường mở to đôi mắt bồ câu ngây thơ, ngạc nhiên như không hiểu mọi người nói gì (ở cái tuổi của cô mà  vẫn cứ  như “con nai rừng ngơ ngác” mới  chết người chứ!). Nói thế thôi, các ông văn  nghệ sĩ từng trải tinh đời lắm, họ hiểu: cô ta giữ phép lịch sự nên giả vờ không biết gì, đóng kịch kể cũng khéo. Thế nhưng, thái độ ấy làm cho một người “chết” thật! Người đó  là Minh - một hội viên của Phú Thọ - nghề nghiệp chính là thợ ảnh, trẻ hơn Phong Lan đến năm  tuổi, trai tân…
(Còn nữa)
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối