Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đan Hạ

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Để tôi nhớ nơi sinh ra mình, thảo nguyên oằn vệt cỏ. Để tôi không quên ánh mắt đau đáu của mẹ mỗi chuyến tôi rời xa thảo nguyên. Phi ngựa vượt qua những sườn đồi, những lưng núi. Để tôi quên nơi này cỏ đã lại xanh rờn, đã lại nâu xám. Bốn mùa nơi tôi đến không có gì khác nhau. Bốn mùa thảo nguyên tôi, cây bao mùa thay lá. Giấc mơ nào của tôi cũng ám ảnh những cuộn sương mù trắng, dâng cao, dâng cao, phút chốc dày đặc cả khoảng không, rồi chẳng còn nhìn thấy bất kỳ đường nét và màu sắc cỏ cây, hoa lá. Sương trắng cao ngất giữa thinh không, những đám mây trắng thanh sạch đứng im, những bông lau trắng ngả rũ rượi. Tôi ngoảnh lại, nhoài tay với. Vé tuổi thơ trôi lửng lơ giữa trời, đẹp xa vời như một ngày bình minh lạnh.

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Tôi thấy cả một bầu trời rất rộng, rất trong. Đáy mắt tôi in long lanh hình tương lai vẽ vội. Để tôi thấy tuổi hồng hoa là đáng trọng, những trang lưu bút bè bạn là đáng nhớ và đáng lưu. Mai này, tôi nhìn lại, dòng nhật ký của riêng tôi chỉ toàn là những ích kỷ xúc cảm riêng mình, đâu có vòng tay xưa ấp ôm bè bạn. Để tôi nhớ mong toàn những thứ không thuộc về mình, đâu nhìn thấy những gì đã luôn là của mình mà mình đâu có nhìn đến. Thảo nguyên - nhà tôi đấy! Chon von non cao. Tôi khơi khơi ngọn lá, nhành cỏ cũng được một vác thơ mang về nhà. Tôi còn rong ruổi, phiêu linh trên ngựa đến khi nào?

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Để đếm những vạch khắc trên thân gỗ lâu năm. Để hoài mong những kỷ niệm mẹ cha chất chồng. Để đếm tuổi thảo nguyên nuôi nấng tôi từ khi mới là hình hài đến khi đã tung cánh bay xa. Để chất ngất nhớ mong dốc thành suối nguồn ạt ào kéo đến với tôi trong suốt ngày cuối tuần. Tôi đã biết, tên nơi ấy, nơi vẫy gọi tôi, có tên là "tôi yêu nó đến thế!". Chỉ nơi ấy mới đọc được những khát khao, những hồi ức, những giản dị tâm hồn tôi. Bình yên mà tôi biết.

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.
Tôi không đòi chiếc vé đó nữa. Vì tôi biết tuổi thơ cũng như năm tháng. Đã đi hà tất phải trở lại? Đến thì đến, đi thì đi. Chỉ biết, phút chốc tôi có thể có vé về thảo nguyên, nếu thực sự tôi muốn thế. Đời tôi gắn chặt với thảo nguyên, nếu nguyện ước của tôi là như thế. Ngựa ơi, dừng bước chân nhè nhẹ, đế đi về nơi có lá vẫy, để hướng tới mặt trời, dù hoàng hôn khuất bóng, tôi vẫn mong, mai này, mọi người nhắc đến tôi "người của thảo nguyên".


/Mẹ ơi! con đã về/
Đan Đan
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

Xưa xửa xừa xưa, người Thảo Nguyên nhắc nhở nhau qua nhiều thế hệ:

đừng khom lưng khi đi bên cạnh người gù

Trong đời, ai cũng mong hoàn hảo. Đời không như mơ. Lòng người mang nặng nhiều mơ ước.

Nên có người tàn tật, có trẻ em chất độc màu da cam, có người xấu xí, đần độn. Các bậc sinh thành không muốn, bản thân người đó cũng không muốn, cao xanh ác nghiệt
Hãy nhìn họ cảm thông thay vì giễu cợt và có hành vi, lời nói độc địa
Đan Đan đã cãi lộn
đã điên tiết
thậm chí đập bàn

Đan có một người bạn kém cỏi về nhan sắc. Một cô gái xấu xí, với bản thân họ đã là một nỗi đau, gì mà phải xì xào như mấy mẹ hàng chợ. Cô ấy đã vươn mình mà sống chẳng xấu hổ vì môi, răng, mắt, tóc, da mình không chút đẹp, cô ấy cũng không rảnh để chú tâm đi thẩm mỹ này nọ mà trau dồi cho vốn kiến thức, hành xử của mình đẹp lên

Cho đến khi những người xung quanh đồn khắp nơi rằng cô bạn Đan là một tuyệt thế giai nhân trong công ty, một chàng giàu có lãng tử gia đình một tay che cả bầu trời thành phố quỳ sụp dưới chân cô xin tổ chức lễ thành hôn đáng giá bạc tỷ.
Đan biết đó là lời đồn đại qua miệng thiên hạ, không đáng tin cậy.

Nhưng
khi cô ấy nói anh là người mồ côi
không có khoản thừa kế nào
là người bị bệnh trầm cảm
có phần (hâm đơ) như người đời thường nói


Đan thấy lạnh sống lưng,
cái lạnh rợn người
Con người ác miệng vậy sao
Có thể bày đặt thành chuyện vui đùa từ nỗi đau người khác
Có thể cười khi nước mắt rơi
(Nếu là chính mình thì sao)

Xin hãy nắm tay để dịu lại nỗi đau
Nhìn nhau bằng ánh trìu mến, cảm thông
Ai cũng muốn hoàn hảo
Đương nhiên không ai muốn tật nguyền, bất hạnh bao giờ
Ngẫm suy: kẻ bất hạnh nhất trên đời là kẻ có trái tim bất hạnh, tâm hồn khuyết tật, không có lòng yêu đồng loại.

Đừng khom lưng khi đi bên cạnh người gù
Ở thảo nguyên quê Đan, mẹ dạy con như thế!



4/7/2010
Đan Đan
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

QUÊ TÔI VÙNG TÂY BẮC
      Quê tôi vùng Tây Bắc. Nơi núi đèo tiếp giáp bầu trời bằng những cụm hoa mây trắng muốt. Vùng quê tôi đẹp không chỉ ở cảnh sắc thiên nhiên mà còn vì ấm áp hồn người, hồn núi. Quê tôi – thung lũng rộng dài, vòng tay thân ái, đoàn kết của anh em các dân tộc kết thành cái nôi lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú. Cứ sau mỗi dịp tết là nô nức những ngày hội của bản mường: những ngày hội với dập dờn váy xòe từ những đường chỉ thêu tinh tế của những cô gái khéo léo miền rừng; với ngân xa tiếng hát đối, réo rắt khèn môi…
Ở nơi đó, trong từng hành động, từng lời người già nói, từng câu truyện cổ tích, từng chi tiết trong ngày đám ma, đám hỏi… của người vùng cao đều có ý nghĩa và chứa đựng nét đẹp văn hóa dân tộc. Thời hội nhập, chúng ta không khỏi lo lắng về việc phai nhạt vốn văn hóa và cần thiết phải bảo lưu, khuyến khích nhân dân gìn giữ, phát triển nét đẹp vốn có trong đời sống của mình. Tôi từng đọc ở đâu đó câu nói “một người già chết đi, chúng ta như đã chôn một thư viện quốc gia”. Quả thế! Ở quê tôi, những cụ ông, cụ bà móm mém, mắt hằn vệt chân chim tuy không biết tiếng phổ thông nhưng có thể kể chuyện cổ tích ròng rã qua một tuần không hết chuyện, có thể hát những làn điệu cũ của dân tộc mình bằng tất cả lòng mê say xuất phát từ tâm thức qua từng đêm dài bên bập bùng bếp lửa. Tiếc rằng, lớp trẻ như chúng tôi không còn mấy người học và biết tiếng dân tộc mình, để đi đến, để ghi chép lại, để lưu giữ những hạt ngọc từng lung linh trong đời sống tinh thần cha ông mình. Tìm về với bản sắc văn hóa dân gian, ấy là một hành trình dài, cần đến ý thức và sự góp công của những người thực sự yêu cội nguồn, gắn bó với vùng đất, con người xứ núi. Không đơn thuần chỉ là dựng lại những ngày hội, biểu diễn vài điệu múa, khua trống, thổi khèn đã là bảo lưu nền văn hóa.
       Nói đến văn hóa các dân tộc là nói đến những gì tinh túy nhất, nhân văn nhất, chất phác nhất trong tâm hồn người miền núi. Tôi cảm nhận được nét độc đáo ấy qua “then”: hiểu được quan niệm về thế giới khác, về hồn phách của đời sống tâm linh dân tộc Thái; về tục ăn cơm mới mà rất nhiều dân tộc đều có; hay đơn giản chỉ là bộ xà tích, chiếc khăn piêu trên đầu người thiếu nữ… Một tín hiệu đáng mừng là ngay trong thời kỳ hiện đại, vẫn còn những người hết lòng tìm về với bản sắc, dành phần lớn thời gian đời mình đến với dân chúng, tìm hiểu và ghi chép lại những nét độc đáo ấy, để chúng ta có thể biết được qua các trang sách báo, để những ngày hội văn hóa, những cuộc thi đàn tính tiếp tục nối dài. Thế hệ sau vẫn háo hức học câu hát đối, háo hức so dây đàn nhờ ông bà dạy, nghe truyện cổ nhớ đến nguồn cội của mình. Và như thế, nét đẹp văn hóa dân gian sẽ còn được bảo lưu, được trân trọng.
     Quê tôi vùng Tây Bắc, đến đầu dốc, thấy những hẻm núi uốn lượn như vệt đuôi rồng, xa xa vang tới lời hát giao duyên. Chợt thêm yêu quê mình, nơi màu xanh đại ngàn rải hút tầm mắt; nơi ngựa ô vẫn lục lạc khua vó gõ vào chiều; nơi thắng cố vẫn nghi ngút khói buổi chợ phiên; và là nơi bất cứ lần nào về, tôi cũng khẽ khàng gọi: quê hương ơi!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

THƯ GỬI THEO CÁNH ÉN

Mẹ kính yêu!
Con viết bức thư này cho mẹ vào tháng mười hai… heo may tràn về trên những công trường tấp nập, cảnh vật ngả sang mùa. Bất chợt con nhận ra mùa xuân đã chạm khẽ trên lá non, bật lên những nụ chồi xanh biếc. Thấp thoáng cánh én đưa mùa về trên nền trời gió lộng. Thị xã chỗ con ở cũng đang cựa mình đổi mới, hừng hực sức xuân.
Mùa về! Cũng vào thời gian này, khi trước mẹ thường ngồi bên cửa, soạn giáo án chuẩn bị cho tiết dạy văn hôm sau. Từng đàn chim én liệng chao trước cửa, mẹ lại hát bài hát có câu: “Con biết xuân này mẹ chờ tin con, khi thấy hoa đào nở đầy trên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa…”. Trí óc non nớt của cô bé mới mười ba tuổi khiến con không thể biết được trong mẹ lúc đó là trăm mối ưu tư. Hẳn mẹ đã nhớ bà, nhớ quên ngoại lắm! Cho đến bây giờ đây, khi chính con ở trong cảnh xa nhà mới biết những tâm tình ấy da diết đến thế nào…
Mẹ kính yêu!
Thời gian trôi nhanh quá, mẹ nhỉ? Thấm thoắt con đã xa mẹ được hai năm rồi! Nhớ lại ngày đầu khi nhận quyết định lên miền đất núi công tác, mọi người đều hết sức khuyên can. Chỉ có mẹ với ánh mắt tin tưởng đã hiểu được những suy nghĩ trong con. “Hãy đi đi con, đến nơi mọi người cần con nhất”. Câu nói nhẹ nhàng theo con vượt núi băng đèo đến với thị xã mới này. Tấm lòng chân chất của những con người miền núi, sự nhiệt tình của các bác, các chú thế hệ đi trước… đã níu chân con ở lại. Như chú ong miệt mài với những chuyến đi mong làm mật dâng đời, con đã cùng sống và làm việc trong không khí khẩn trương của ngày đầu xây dựng thị xã. Con biết mẹ đã cho con một lựa chọn đúng. Nơi đây chẳng khác nào quê hương thứ hai của con. Lai Châu có những đêm mưa lạnh, con nhớ nhà mình, nhớ mẹ “kinh khủng” (câu nói mà con thường nhắc trong điện thoại, mẹ lại trêu con rằng sao con gái mẹ lớn rồi còn ăn nói kỳ cục đến vậy!). Có những lần tỉnh dậy giữa đêm, thấy nước mắt ướt mặn một bên gối, con lại thấy mình ích kỷ quá! Bao nhiêu đồng nghiệp của con cũng theo tiếng gọi lên đường, dẹp đi những nỗi niềm riêng tư vì một khát vọng chính đáng của tuổi trẻ: khát vọng được hết lòng cống hiến vì lý tưởng. Bà con dân tộc nơi đây còn nghèo đói, có những cảnh đời khi con được biết đã không cầm nổi xúc động. Vậy mà không nề hà gian khó, họ vẫn vươn lên như những búp măng rừng sau cơn mưa lại nhú. Thị xã mới bụi bặm với những công trình đêm ngày tấp nập. Dường như ai cũng đang cố gắng hòa chung vào guồng máy dựng xây. Con tự hào biết mấy vì đứa con gái được yêu chiều trong lòng mẹ đã có thể góp mình trong nhịp điệu khẩn trương ấy. Tiếng khèn, tiếng sáo âm vang khắp đồi chè, núi rừng bừng nở hoa ban trong mùa xuân mới – loài hoa mà trước đây con chỉ được biết qua sách vở, đài báo, tivi… ngày 20/11, chàng trai người Mông cùng cơ quan mang những đóa ban rừng đến tận khu chung cư tặng. Con xúc động bởi cảm giác tấm lòng chàng trai người miền núi ấy cũng thật như nhịp đập trái tim con. Càng thêm yêu đất, yêu người nơi đây.
Mẹ kính yêu!
Làng hoa Ngọc Hà mùa này chắc rực rỡ lắm, năm nay mẹ có đi chợ tết như năm nào con và mẹ bên nhau? Nhà mình nấu nồi bánh chưng to, hai má con ửng đỏ, cười khúc khích nghe mẹ kể chuyện ngày xưa của cha và mẹ. Câu chuyện đã bao lần con ví như “chuyện cổ tích”. Mẹ có còn ngồi trầm ngâm bên khung cửa nhớ đến bà ngoại ở xa lắc miền Trung? Đất nước mình mang hình chữ S. Con người Việt Nam mình dù ở nơi nào cũng xem như quê hương vì nơi đâu cũng cần có những bàn tay chung sức xây dựng, mẹ nhỉ? Nói đến câu này con lại muốn sà vào lòng mẹ như hồi còn học ở gần nhà, để được nghe giọng trách yêu của mẹ: “Cha bố cô, chỉ được cái giỏi nịnh mẹ là không ai bằng”. Ôi chao, con nhớ… Mỗi mùa xuân qua đi mẹ lại thêm một tuổi, mái tóc điểm bạc. Con như cánh én liệng chao đến tận phương xa song trong tim luôn ghi khắc hình bóng mẹ. “Con biết xuân này mẹ chờ tin con, nhưng nếu con về bạn bè trông mong. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mẹ ơi con xuân này vắng nhà”. Câu hát theo chân con qua các đồi chè bát ngát, các công trình tấp nập... Năm nay con không về… song con biết mẹ sẽ ủng hộ những việc con làm, một cánh én không đủ làm nên mùa xuân, song nếu én về nhiều sẽ góp thêm xuân trên miền quê đổi mới.
Mẹ kính yêu!
Khi con viết đến những dòng này thì ánh điện đã chan hòa khắp thị xã. Sự chuyển mình huyền diệu khiến mọi người đều tin tưởng rằng ngày mai vùng đất núi sẽ bừng sáng, sánh ngang tầm với những nơi khác, nhân dân vùng cao sớm an cư, lạc nghiệp. Một mùa chim én liệng nào đó… mẹ sẽ cùng con đón xuân nơi dải đất biên cương của Tổ quốc này, mẹ nhé!
Con của mẹ!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

PHỞ CHỢ PHIÊN
      Mỗi tháng gió mùa đông bắc hiu hiu thổi, lòng tôi chộn rộn nhớ những buổi chợ phiên quê mình. Ăm ắp đầy kỷ niệm sau cái bậc cửa gỗ cao trong ngôi nhà trình tường dựa lưng vào núi. Tuổi thơ tôi không nhớ nổi mình đã bao lần bước chân qua bậc cửa ấy để đòi mế đi theo mỗi cuối tuần.
      Chợ phiên San Thàng ở thị xã Lai Châu xúng xính áo hoa, mùi chàm quấn quýt trong làn gió. Mế gùi rau cải đắng, susu, bắp chuối bằng lu cở, bố dắt ngựa thồ củi, tôi ôm con gà mái mơ lăng xăng chạy theo sau. Dòng người ngày càng đông đúc, nhộn nhịp, màu thổ cẩm cứ lan dần, lan dần trên con đường đến chợ. Người ta nói chợ phiên vui như ngày hội thật chẳng sai. Bố mế và tôi lẫn vào hội mua bán ấy, cho đến khi cùng bán xong những thứ mang theo. Mế đứng ở hàng tạp hóa, tần ngần đếm những đồng tiền lẻ nhàu nát và nở một nụ cười vui mừng vì tiền bán được vẫn dư ra một chút để bỏ vào cạp váy xòe. Sau đó mế mua dầu thắp, muối bỏ vào lu cở. Khi mế ra, thằng con trai mế là tôi cười ngoác miệng, nỗi mừng vui không giấu diếm trên nét mặt vì biết mế sắp “đãi” tôi và bố một trận ra trò.
       Chúng tôi bước vào hàng phở, gọi là hàng cho oai chứ quán phở chỉ là vài chiếc ghế xô lệch và chiếc bàn gỗ tạm bợ, xoàng xĩnh liền kề hàng thắng cố. Thắng cố đối với dân tộc Mông chỉ là món ăn thường ngày, không còn lạ miệng và ham thích nữa. Bát phở quán bà Mây dân tộc Nhắng luôn là món quà chợ mà đứa trẻ nào đi theo bố mế cũng đòi. Bát phở đã được đặt sẵn bánh phở đầy ú hụ, bỏ thêm vài lát thịt ba chỉ, hành lá, chan nước béo ngậy là bữa trưa ngon lành của chúng tôi sau mỗi buổi chợ phiên. Mế lục lu cở tìm gói mèn mén* đã mang theo từ nhà bỏ thêm vào bát nước dùng đã vơi quá nửa của tôi và bố. Ăn xong, tôi quệt gấu tay áo lau miệng, bố đã say lúy túy vì uống mấy chén trong quán rượu, mế phải vắt bố lên lưng ngựa để dắt, sau đó tôi và mế thong thả qua suối trở về bản. Đó là tập hồi ức hình ảnh tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.
       Trưởng thành, tôi xa quê và đến nhiều vùng, miền khác. Tôi được ăn nhiều món ăn nổi tiếng: phở bò Nam Định, phở gà Hà Nội, bún bò giò heo Huế, bún chả Đà Nẵng… song mỗi khi bưng bát phở nghi ngút khói, lòng tôi lại rộn lên cảm giác về bát phở chợ phiên xưa. Phở quê tôi không có vẻ sang trọng, lịch thiệp như ở những vùng quê khác, bát phở chỉ bình dị, dân dã như chính tấm tình của người dân miền núi.
      Tôi trở lại quê mình cũng vào dịp gió mùa đông bắc thổi. Gió năm nay se sắt và lạnh hơn dù tôi đã mặc comple ấm áp. Tôi ghé vào chợ phiên cuối tuần. Phiên chợ vẫn đông vui như thủa ấy nhưng bố mế tôi đã xa khuất chân mây. Tôi tìm hình bóng tiếng cười của bố, dáng dịu dàng của mế, song chỉ còn cái lạnh hun hút xoáy vào lòng người con xa quê. Tôi bước vào quán phở của bà Mây, quán nay đã đổi chủ song bát phở thì vẫn như trong hoài niệm của thằng bé lên mười ngày nào. Vẫn một hàng những bát phở đầy ú hụ được xếp cạnh một đĩa các lát thịt nhiều mỡ ít nạc bên màu xanh ngon mắt của hành lá. Một người đàn ông vận áo chàm đang húp sùm sụp nước phở và khề khà chén rượu ngô ủ men lá. Ông tâm sự với người bán hàng: “Hôm nay bán được bó củi mười bốn nghìn, hai bố con ăn phở hết mười nghìn, còn bốn nghìn mang về cho vợ thôi, cô Dính à!”
     Tôi bâng khuâng nhìn ông và nhìn ánh mắt xoe tròn của bé gái bên cạnh. Cô bé đã ăn xong, khẽ nở nụ cười tươi trên miệng rồi kéo kéo tay người đàn ông: “Bố à, về thôi! Sắp tan chợ rồi, mế chờ bố ở quán hàng tạp hóa đấy!”.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

THÁNG BA
Trên con đường ngập ngừng màu nắng tháng ba, chút thảng thốt hiện về trong mắt, bất chợt nhận ra: tháng tư đã sắp xa. Tôi nhớ, tôi yêu… miên man niềm thương với thất thường khí hậu, khi cái nóng chỉ mới dâng lên nhàn nhạt, đủ để cảm giác, đã gặp cơn mưa bất chợt lạnh…
Tháng ba, cái tháng mong manh, gợi trong tôi biết bao xúc cảm. Biết yêu những câu thơ tuyệt diệu, ngọt ngào nhạc điệu giao mùa, biết loay hoay, vụng dại viết những ngôn từ ngô nghê trên trang giấy. Chẳng phải là thứ ngôn ngữ thực tế được chắt lọc từ mênh mông cuộc sống, chẳng phải công việc vừa để thỏa mãn lòng khao khát, vừa để dâng trào say mê, vừa để mưu sinh, xô đẩy như bao người. Tôi cứ cắm cúi viết… chẳng phải vì những nguyên nhân thường ngày, chỉ… vì yêu tháng tư, vì viết ra chẳng để làm gì cả. Chỉ muốn giữ lại riêng mình cái thinh lặng của một thời… vì tôi biết có những tháng tư đi qua, cánh tay nhỏ bé không tìm lại nổi, không kịp ôm lại những yêu dấu mỏng manh đến diệu vợi ấy...
Tháng ba, tháng trở về những huyền thoại mùa cổ tích. Tháng có thật nhiều, thật nhiều những ngày ý nghĩa trong cuộc đời cô gái vừa qua tuổi đôi mươi. Tháng có ngày sinh nhật của người mẹ tôi vẫn hằng tôn thờ, kính trọng. Người mẹ đã hy sinh những ước vọng lớn lao tuổi thanh xuân để cùng cha tôi đến những vùng xa xôi nhất. Người mẹ đặt tên con theo niềm nhớ khôn nguôi về biển – người mẹ cho tôi hai chữ tình yêu ngay từ thủa tôi mới lọt lòng… Tháng ba, tháng có ngày tôi cần phải cảm ơn một người mẹ nữa – người đã sinh ra anh. Không có anh, trái tim lạnh lùng của tôi nào biết trên thế gian này còn rất nhiều điều cần tin, cần nghĩ. Anh – người tặng cho tôi chữ N, để cái góc nhỏ yếu đuối, TỰ TI trong tôi thêm TỰ TIN ở dòng đời. Người giúp tôi hiểu thế nào là tình người, mọi cung bậc cảm xúc, để dẫu mai này, khi tôi đến bất kỳ nơi nào, đều thấy lòng mình vững vàng vì có một điểm tựa – nơi mà tôi vẫn thường thì thầm, thấy đời bình yên… Tháng ba, tháng có mùa thi tôi đã từng gục ngã, tháng dạy cho tôi biết ngã ở đâu thì phải đứng lên ngay từ chỗ ấy. Tháng tôi như con tằm lột xác, đau đớn bỏ cái kén lại để non nớt đứng lên. Tháng tôi nhận ra bên cạnh mình có rất nhiều những người bạn tuyệt vời: một người chị hiểu tôi hơn chính bản thân tôi, một người em mà tôi có thể sẻ chia hết tâm sự của mình… và còn gì nữa, tôi yêu tháng ba và tôi tin tháng ba cũng yêu tôi, như tình yêu song phương cần sự đáp đền để tình cảm theo nấc số nhân nhân lên mãi.
Tháng ba. Tôi đi xa những con phố cũ. Tôi đi xa tàng cây hoàng điệp vẫn ngày ngày ngạo nghễ trổ hoa trên con đường đến lớp. Tôi đi xa những tháng năm chứa đầy mộng mơ, hoài vọng. Tôi đến những vùng đất mới, biết khát khao một cuộc sống có ý nghĩa hơn khi truyền tải chúng đến với bạn đọc. Biết đau đáu, trăn trở mỗi đêm về những đề tài bắt gặp trên từng chặng đường. Tháng ba… tôi tin ngọn lửa tình yêu của tôi với mùa chưa từng lụi tắt. Giống như hòn than kia, vẫn rực đỏ âm ỉ trong tàn tro mùa mới. Tháng ba… tôi nhớ cô bé một thời trèo cành phượng, hái lá me, hát tình ca và viết những đoản khúc mùa chớm hạ…
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Con gái yêu của me!

Mẹ biết con buồn vì ngày mai con không thể có mặt trong hội  nghị NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII.  Mới cách đây 6 tháng 22 ngày, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, con cùng 15 người viết trẻ toàn quốc đã làm rạng rỡ sân thơ hiện đại. Có thế một số người viết già không  đồng tình với cách viết của các con do cách nhìn khác nhau về thế hệ nhưng con luôn trân trọng và biết ơn các vị tiền bối cùng những tác phẩm văn học họ viết ra trong khói bom , máu và nụ cười, nước mắt.  Mẹ yêu quý và tự hào về con biết bao nhiêu!

Sau đêm Nguyên Tiêu- Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9, Ban Tổ chức Sân thơ Hiện Đại công bố con là một trong số các đại biểu tham dự HỘI NGHỊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII ( diễn ra từ 8 -11/9 tại Hà Nội - Việt Trì - Tuyên Quang – Thái Nguyên).

Mẹ biết con vui mừng chờ đợi ngày Đại hội để được giao lưu học hỏi những bạn viết trẻ trong Toàn quốc, con đến với Văn chương bằng niềm say mê và tình yêu đích thực chứ không màng ngôi vị nào.

Thế mà đến tận hôm nay (6/9) sát ngày Đại hội rồi, con vẫn chưa nhận được giấy mời. Họ thay đổi nhân sự sao? Vì lý do gì thì cũng phải thông báo cho người ta biết chứ! Hay giấy mời bị ách tắc nơi nào?
Thông báo chính xác hiện nay ấn định có 112 đại biểu về dự Đại hội này.
Mẹ khuyên con gọi điện về Hà Nội hỏi hoặc ra thẳng Hội VHNT xem giấy tờ có bị lẫn đâu không? Con bảo: " Không cần đâu mẹ à, con cho rằng viết là công việc hàng ngày, là máu thịt, lẽ sống của con rồi. Đi được thì cũng vui, không đi được cũng có sao đâu mẹ". Mẹ yêu con bởi con giống mẹ cái tính cách khí khái ngang tàng của kẻ sĩ, yêu quý tôn trọng ai cũng nhìn vào thực chất tài năng họ chứ không nhìn cái mác họ đeo đâu!

5 năm nữa,  bước sang Hội nghị lần thứ IX, con mới 31 tuổi đâu đã gọi là…già?

Cứ viết đi con ạ! Viết bằng niềm đam mê bỏng cháy lòng mình...Viết khi tiếng lòng còn thổn thúc...
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

VUI VUI MỘT CHÚT...

Cô ca sỹ hàng xóm của tôi vừa xinh đẹp vừa hát rất hay và đương nhiên là có rất nhiều người mê. Dù không đáp trả  được  tình cảm của tất cả những người yêu mình nhưng vì bản tính cô nhân hậu không lỡ làm ai phải đau lòng nên cô vẫn niềm nở với tất cả mọi người. Thói đời "không ăn được thì đạp đổ", một số người đàn ông nhỏ nhen, ích kỉ đã tìm cơ hội  để bôi bác cô.

Khi cô lên sân khấu hát bài CHIẾC VÒNG CẦU HÔN, đến đoạn:  

" Nơi đây ra đi bao nhiêu chàng trai..."
cô định ấp bàn tay nuột nà lên ngực trái để diễn tả tình cảm. Do xúc động  nên  cử chỉ  và lời bài hát không ăn khớp với nhau, khi bàn tay còn cách  hơn một gang mới lên tới...trái tim thì cô đã hát:
" Nơi đây ra đi bao nhiêu chàng trai..."
khiến mấy người đàn ông xấu  tính vỗ tay rầm rập...
Cô ca sĩ vui trào nước mắt vì hôm nay mình hát thành công quá, chưa hết bài mà khán giả ái mộ đã vỗ tay!!!
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

TỰ THÚ CỦA MỘT TÍN ĐỒ THÔNG MINH

Em lúc nào cũng tuyên bố với mọi người là mình rất thông minh.

Có rất nhiều người nghĩ em là kẻ cao ngạo, tự mãn.

Có rất nhiều chàng trai sợ hãi điều này. Đơn giản vì con trai không ai thích con gái thông minh hơn mình.

Có rất nhiều cô gái thông minh nghĩ em không có một tẹo thông minh nào. Vì con gái thông minh luôn biết tỏ ra ngu ngốc trước mặt mọi người. Vì hình như người ngốc thường được mọi người thương hơn. Con trai thấy con gái ngốc thì cảm giác như bản thân mình sẽ mạnh mẽ hơn, có thể chở che cho nàng.

Em không thích tỏ ra ngu ngốc như vậy! Dù em biết tất cả những người “cố tỏ ra” ngu ngốc đều hết sức thông minh.

Nhưng em không tin tất cả con gái tỏ ra thông minh đều ngu ngốc. Tất nhiên số % đó rất nhiều! Vì họ chẳng biết bất kỳ điều gì nên họ muốn thiên hạ hiểu là điều gì họ cũng thông tuệ.

Em không tin những chàng trai thích con gái tỏ ra ngu ngốc là những chàng trai thông minh. Vì những chàng trai tự biết mình thông minh, không đời nào lại sợ con gái thông minh hơn mình. Hơn nữa, một chàng trai thông minh không nhất thiết phải cố tìm một người yếu kém hơn mình để yêu, anh ta muốn thông minh hơn một kẻ ngu ngốc – như vậy mà tự hào sao? Ồ, mà thông minh hơn người ngu ngốc có thật là thông minh không nhỉ?

***
Sau một tràng dài biện luận, giờ phải rút ra kết luận thôi! Thực thì em không khoe khoang. Cũng không muốn gào lên rằng ta đây thông minh để mọi người tưởng lầm như vậy! Đơn giản chỉ là em muốn tìm một chàng trai dám đối đầu với một cô gái tự cho mình là thông minh mà không hề run sợ.

Cái không hề run sợ đó có thể xem là bản lĩnh của một chàng trai. Điều này là thiển ý của riêng em. Có thể người khác không tin. Nhưng “phép thử” của em đã thành công. Tin hay không mặc ai. Ít ra thì qua đó, em “bắt gặp” một kẻ ngạo nghễ như anh.

& rồi em chưa từng buồn vì tất cả những chàng trai sợ hãi cô gái thông minh là em mà phải ra đi. Vì họ đi nên em mới có cơ hội gặp duy nhất một chàng trai có đủ bản lĩnh để không sợ hãi.

& rồi trước mặt chàng trai bản lĩnh ấy, đôi khi em thấy mình hết sức ngốc nghếch – 1 sự ngốc nghếch không phải “cố ý tỏ ra” mà rõ ràng là như thế! Đấy, em đâu cần dối gạt cảm xúc của mình chớ! Yêu một người thì bỗng nhiên mình ngốc nghếch – em vẫn thích mọi việc diễn ra tự nhiên. Thì ngay cả cái việc ngốc nghếch cũng nên để xảy ra tự nhiên, nhể?

Giờ thì em có thể hãnh diện khẳng định mình đích thực rất thông minh. ^_^ không ai có thể phủ nhận điều này. Em cũng không cần tỏ ra nữa! Vì thực tế đã chứng minh, chọn được một người như anh ý à, không thông minh và bản lĩnh như em thì chuyện đó rất khó có thể xảy ra đấy! Khi viết đến những dòng này, em biết anh sẽ bật cười, thì anh cứ tự hào đi, không lẽ đôi khi em không tâng bốc anh chút chút, “xấu chàng thì hổ ai” chứ? Nhở?




4/7/2010
Đan Đan
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

ĐIỀU ƯỚC
      20/10, khi xung quanh tôi là những tiếng chúc tụng, những bó hoa bọc giấy bóng kiếng sặc sỡ, bất chợt nhớ đến quê nhà. Trái tim khẽ thầm thì, những điều ước được gởi theo những chiếc đèn giời thả lung linh trên bầu trời Hà Thành của ngày này:
        Ước không còn nghe tiếng thở dài, mệt nhọc của mẹ trong điện thoại. Mẹ ơi! Đừng ốm nữa, đừng bệnh nữa... Ước gì những đứa con trên thế gian này, cũng như tôi, khi lớn lên, khi đi xa, cha mẹ ở nhà sẽ luôn bình an. Dẫu biết ước chỉ là ước, nhưng tôi vẫn ước cho những ban mai thức giấc, tôi nhớ đến những người thân yêu của mình để sống có nghị lực hơn, để đừng ích kỷ xúc cảm riêng mình. Mỗi chúng ta ai cũng phải trưởng thành, ai cũng có những lúc nghĩ đến mình quá nhiều, quên đi những người đang đứng sau, ủng hộ và lúc nào cũng mong cầu tốt lành đến với mình. Để đừng nói những câu sến, sáo như tôi hôm nay, ngày mai, là hành động, phải không? Và tôi cũng mong mình đừng yếu đuối nói tiếng "ước gì", cái gì cần làm thì bắt tay làm thôi. Thời gian chả khi nào đứng lại để chờ đợi ai. Ngoài hai mươi, mỗi người đều có trong tay chìa khóa để mở những con đường phía trước, mở thế nào đây? Đừng nói ước gì, mà thiết thực nghĩ suy đi...
Giờ thì tôi lại ước chi cho mình đừng quá thông minh để phải suy nghĩ, nên yếu đuối thử ước thế này này, để ngốc ngốc một chút, khờ khờ một chút, biết rơi nước mắt một chút, biết cười đúng lúc một chút, biết ngô nghê thể hiện cảm xúc thật một chút. Nén lòng hoài chỉ làm hằn thêm vệt lo âu, lạnh ngắt trong mắt. Tôi đôi khi cũng muốn mình biết gắt gỏng một chút, cáu cũng được, thậm chí là đến một góc vắng, tối, khuất, để hét lên cho nhẹ đi những khắc khoải tâm trạng. Tìm đến với tâm tư của mình - chả phải đó cũng là ước mơ quá xa vời hay sao? Rồi tôi ước, là thôi mà! Thảo nguyên không nên ước, trên trời nhấp nháy sao, ngôi nào cũng sẽ xanh, cũng sẽ sáng, sẽ chớp, rồi sẽ lóa, làm sao để ánh hy vọng chỉ nhạt mờ, không tắt lụi vĩnh viễn. Thông kia còn có thể mọc trên đá, huống chi trái tim của những người vùng cao...
        Còn điều ước cuối cùng, tôi mong những điều vu vơ mình ước đủ sức mạnh thắp nụ cười trên môi những người tôi hằng yêu mến, tất cả, chỉ một nụ cười lướt nhẹ qua như gió, để tôi biết, phút giây này tôi nhớ đến mọi người, và yêu cuộc sống này xiết bao…
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối