Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [21] [22] [23] [24]

Ảnh đại diện

buithison

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY:

DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI
Thơ: Phạm Trung Dũng
(Kính tặng Hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp -
Người anh hùng dân tộc ).
Dòng sông ấy hình thành không định trước
Trời không mưa, không nước vẫn thành sông
Dòng người đi lặng lẽ sóng trong lòng
Đường Hoàng Diệu cây nghiêng bóng lặng.
Hoa tang trắng. Ngập trời hoa tang trắng!
Cả hoa vàng, hoa đỏ, với cờ sao . . .
Tiễn đưa ông - gìm nước mắt trào
Kiêu hãnh - tự hào nâng ta đứng dậy.
Đi cho năm Châu nhìn thấy
Lòng dân nước Việt ơn ông
Một tài năng lỗi lạc vô song
Một nhân cách sáng ngời không tì vết.
Đi để hồi sinh cái chết
Ngàn năm bất diệt tấm gương trong
Cho những ai ăn ở hai lòng
Nhìn mà ngẫm: Luật đời nhân quả.
Tài năng lớn, tầm nhìn khác lạ
Ông trở về như Lá giữa quê hương
Đất Quảng Bình cát trắng, hàng dương
Sóng biển, chim ca, lòng dân . . . ru ông ngủ.
Trong dòng người tiễn Ông con nhìn thấy đủ:
Cụ già, em bé, bà mẹ, bác công nhân . . .
Nhiều người đi bằng xe lăn
Nhiều người Huân chương ngực đỏ
Cho con gọi Dòng sông người đó:
DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI !
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

BÀI BÌNH CỦA BÙI THỊ SƠN

“ DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI” THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT NGƯỜI…

Mùa thu cách đây bốn mươi tư năm trước, Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta: “…đã lên đường theo tổ tiên/ Mác- Lê nin thế giới người hiền”trong nỗi tiếc thương vô hạn của nhân loại “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa “ (Tố Hữu).Và mùa thu năm nay- ngay sau những ngày bão lũ bịt bùng vây bủa, gây bao đau thương tang tóc cho đồng bào Miền Trung, Người học trò xuất sắc của Bác Hồ- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã  vĩnh viễn ra đi để lại trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới niềm đớn đau, nhớ tiếc khôn nguôi…Dẫu biết rằng ai rồi cũng sẽ đi về phương ấy, dẫu biết rằng Đại tướng đã bước qua cái tuổi  “ Xưa nay hiếm” hơn ba chục năm  như thế là trường thọ lắm rồi, mà sao khi được tin Người mất, ai cũng cảm thấy đường đột, bàng hoàng, hẫng hụt đớn đau như không tin nổi vào tai mắt mình nữa? Ròng rã gần tuần lễ, dòng người nườm nượp đổ về số nhà 30 Hoàng Diệu viếng Người ….Hòa mình trong người kéo dài tưởng như vô tận đó có Cựụ trí thức Phạm Trung Dũng- một bloggerquen thuộc của làng blogtiengviet.net.
Ngay khi hay tin  Đại tướng mất, anh đã xúc động thốt lên:
“Ngôi sao ấy đã băng rồi
Mà sao tôi thấy mặt trời giữa đêm”
Câu lục bát hàm ngôn giàu hình tượng ấy có sức lay động con tim khối óc của  bao người đọc về một vầng “Mặt Trời” không bao giờ tắt trong lòng nhân loại. Ba lần đến viếng Người là ba lần anh hòa dòng nước mắt của mình trong dòng nước mắt của hàng chục ngàn người khóc thương Bác.  Đọc “ dòng sông lương tri”, ta nghe như có tiếng nấc nghẹn ngào, nức nở của muôn triệu con người trước sự ra đi của một vị tướng đã trở thành huyền thoại và niềm kiêu hãnh vô bờ của con dân đất Việt.
Nhan đề bài thơ giản dị mà rất hình tượng, độc đáo. Hòa mình trong dòng người từ muôn nẻo đến viếng Đại tướng, anh tưởng tượng đó là “dòng sông lương tri”- dòng sông của những con người có khả năng hiểu biết đúng đắn điều phải trái, đúng sai trong thực tiễn cuộc sống- dòng sông của những con người yêu kính, cảm phục ,tự hào, tiếc thương Bác Võ Nguyên Giáp vô bờ…
“ Dòng sông ấy hình thành không định trước
Trời không mưa, không nước vẫn thành sông
Dòng người đi lặng lẽ sóng trong lòng
Đường Hoàng Diệu cây nghiêng bóng lặng”
Vâng ! Ngày Bác Giáp mất là một ngày nắng đẹp ! Và dòng sông ấy là sự thôi thúc tự trong tâm, là  tiếng gọi của trái tim tìm đến với trái tim.Phải chăng nơi dòng sông lặng nhất chính là nơi nước sâu lắng nhất , trong veo nhất? Không khoa trương, ồn ào, náo nhiệt, từ con người đến cảnh vật cứ âm thầm lặng lẽ tiễn đưa Bác Giáp…Ở xa không về viếng Đại tướng được, đọc đến đây, tôi cảm thấy mình như được hòa mình trong” dòng sông lương tri “ ấy với nỗi đau chung lớn lao ấy, được “ mặt trời giữa đêm” ấy sưởi ấm, soi dọi…để mình không trở thành người lạc lõng, thờ ơ trước nỗi đau nhân tình thế thái…
Tác giả đã nhìn thấy những gì trong “ dòng sông lương tri” ấy?
“Hoa tang trắng. Ngập trời hoa tang trắng!
Cả hoa vàng, hoa đỏ, với cờ sao . . .
Tiễn đưa ông - gìm nước mắt trào
Kiêu hãnh - tự hào nâng ta đứng dậy.”
“Hoa tang trắng” điệp ngữ ấy được nhắc đi nhắc lại hai lần trong một câu thơ khiến độc giả không chỉ hình dung ra số lượng, màu sắc chủ đạo của  dòng người đến viếng Bác mà còn nhấn mạnh tình cảm vô tư trong sáng của lương tri nhân loại  trước một con Người suốt đời sống thanh bạch, xứng đáng với chữ “ Người” viết hoa.
Hai sắc hoa  vàng, đỏ  hòa trong” ngập trời” sắc trắng kia, ngoài nghĩa đen ra, còn mang nghĩa bóng là màu của lá cờ đỏ sao vàng cách mạng, là máu đào của biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập tự do của dân tộc. Chính vì mục tiêu thiêng liêng cao cả ấy  mà Bác Võ Nguyên Giaps đã trọn đời quên mình cho Tổ quốc. Trước  nghĩa cả cao đẹp của Người, mọi  nỗi đau thương mất mát dường như được mọi người  ghìm nén lại, nhường chỗ cho  niềm” kiêu hãnh, tự hào nâng ta đứng dậy”. Sự vĩ đại của Bác Võ Nguyên Giaps  chính là ở chỗ vẻ đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân cách của Người đã trở thành bất tử, có sức lan tỏa rộng lớn trong lòng muôn dân, khiến mọi người xích lại gần nhau hơn trong “dòng sông lương tri” đang  trải dài vô tận…Suốt từ đêm 4/10 đến nay, bao người quên ăn, quên ngủ , lặng lẽ hòa vào” dòng sông lương tri” đến vĩnh biệt Người.Dọc đường Hoàng Diệu, có bao người tình nguyện đem cơm hộp, đem sữa đến cho đồng bào dùng tạm qua cơn đói khát, lấy sức  cùng nhau thức trắng đêm để lần cuối được chiêm ngưỡng , tri ân vị tướng huyền thoại có lòng nhân ái bao la…
Nếu ở khổ thơ đầu, “dòng sông” người ấy “hình thành không định trước” mà chỉ là sự thôi thúc tự tình cảm kính yêu, thương tiếc Bác Giáp vô sbờ  thì đến khổ thơ thứ ba, thứ tư sự hòa mình trong “ dòng sông lương tri” ấy đã có sự suy ngẫm sâu sắc của lí trí:
“Đi cho năm Châu nhìn thấy
Lòng dân nước Việt ơn ông
Một tài năng lỗi lạc vô song
Một nhân cách sáng ngời không tì vết.
Đi để hồi sinh cái chết
Ngàn năm bất diệt tấm gương trong
Cho những ai ăn ở hai lòng
Nhìn mà ngẫm:  Luật đời nhân quả”
Đọc đến câu “ Cho những ai ăn ở hai lòng…” tim tôi như quặn thắt,! Dẫu “ những ai”  ấy chỉ là số ít, nhưng vẫn đau lòng lắm ! Liệu “ những ai” đó có thời gian lắng nghe tâm nguyện của muôn dân mà thức tỉnh lương tri? Với tầm vóc của một nhân cách lớn, Bác Võ Nguyên Giáp  giành thời gian, trí tuệ, tình cảm đau nỗi đau lớn lao của dân tộc: chiến tranh kết thúc lâu rồi nhưng nhân dân ta vẫn còn nhiều người đói khổ lắm…
Chợt nhớ lại cách đây 3 năm, trong bài thơ “ Mùa Vu Lan mừng tướng Giáp vừa tròn trăm tuổi” (in trong tập thơ “ Trai rừng- NXB Văn Hóa, 2011), Bùi Thị Sơn viết:
“Trở về sau hai cuộc chiến tranh
Người vẫn luôn trọn nghĩa, vẹn tình
Bình dị quên mình cho Tổ quốc
Cho nhân dân- một Đại gia đình.
Người chọn cho mình khoảng lặng im
Như cây cổ thụ giữa đại ngàn
Lặng lẽ dâng cho đời bóng mát
Nhận về mình: Bỏng rát, chói chang...”
Càng cảm phục chữ “ Tâm”. Chữ“ Nhẫn”trong cốt cách của một vị Thánh hiền, bao dung, cao cả mà gần gũi, thân thương giản dị xiết bao!
Từ cảm xúc mãnh liệt của con tim đến ngẫm suy biện chứng của lí trí, Phạm Trung Dũng đã truyền  đến độc giả  thông điệp về một vị tướng vĩ  đại  khi “trở về như Lá giữa quê hương”. Cuộc đời sắc sắc không không, Người đi vào cõi vĩnh hằng nhẹ nhàng thanh thản như một Tiên Ông trong thần thoại:
“Đất Quảng Bình cát trắng, hàng dương
Sóng biển, chim ca, lòng dân . . . ru ông ngủ”
Câu thơ thiền đẹp và ung dung, tự tại như phong thái tự tin, không vướng bận bụi trần của một Vị Thánh làm tôi rưng rưng liên tưởng đến hình ảnh vua  Trần Nhân Tông- vị vua anh minh, quyết đoán, giàu lòng nhân ái đời Trần qua  những câu thơ của Nhà báo- Nhà thơ- Đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn:
“ Như có hẹn tự bao kiếp bao đời
Người bôn ba chốn thị phi, nơi trận mạc
Rồi trở về với bóng trăng cô tịch
Để ngàn năm lưu lại một rừng thương…”
(Trích trong bài thơ “Về Yên Tử nhớ vua Phật”)
Ghìm nén niềm xúc động trào dâng,  với trái tim nhạy cảm được chiếu sáng bằng  lương tri người cầm bút, Phạm Trung Dũng  giành những giây phút thiêng liêng hiếm hoi bên Người để quan sát, miêu tả , lắng trong cảm xúc của muôn người  đủ mọi thành phần , lứa tuổi  đến viếng Bác: từ cụ già , em bé đến bà mẹ, bác công nhân…;có “ nhiều người đi bằng xe lăn”; có “ nhiều người Huân chương ngực đỏ”…Tác giả thốt lên nh ững lời tự trong tim như muốn nói cùng Bác ước nguyện của mình:
“Cho con gọi Dòng sông người đó:
DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI”
“Dòng sông lương tri” ! Tứ thơ mở màn và khép lại thật Đẹp mà ngân vọng mãi dư ba…
Tâm nguyện của Phạm Trung Dũng, anh linh  Bác  chắc nghe thấú…Cám ơn tác giả  đã nói hộ niềm tiếc thương và nhớ ơn  vô hạn của muôn người đối với vị tướng tài ba lỗi lạc của thế giới và vô cùng yêu nước, thương dân.
“ Dòng sông lương tri” là  một trong những bài thơ đặc sắc của cộng đồng dân cư mạng viết về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giap mà tôi được đọc trong những ngày tang lễ đau thương của cả dân tộc và toàn nhân loại .
Bài thơ viết theo thể tự do nên dễ dàng  chuyển tải các cung bậc tình cảm của tác giả đến độc giả. Đó là tấm lòng của muôn triệu con tim hướng về nơi một trong những “con Người đẹp nhất” đã bay về với” Mác Lênin- thế giới người hiền”.
Bằng  biện pháp tu từ ẩn dụ xuyên suốt bài thơ, với nhịp điệu thơ mang nhạc  tính cao,lúc trải dài êm ả, lúc trùng điệp cuộn dâng như sóng… “ dòng sông lương tri” là một hình tượng thơ độc đáo, sáng tạo rất riêng của Phạm Trung Dũng. Hòa nhịp đập chung của muôn triệu trái tim, anh đã  dâng  tặng Người một đóa thơ Đẹp. Tôi rất tâm đắc với cảm nhận của Nguyễn Duệ Mai- một blogger trên  cộng đồng blogtiengviet.net:

“Dòng sông cuộn chảy âm thầm
Có chung nguồn cội từ TÂM mỗi người”


Tôi xin mượn lời nhà thơ Chử Thu Hằng để  kết thúc bài viết này:
“ DÒNG SÔNG LƯƠNG TRI” mấy chục vạn người là chữ dùng” đắt” và sáng tạo của anh ( Phạm Trung Dũng). Cuộc đời Đại tướng là minh chứng cho câu “ Lửa thử Vàng”. Sự ra đi của Đại tướng và lòng yêu kính, tiếc thương vô hạn của nhân dân đã khẳng định niềm tin của chúng ta vào những giá trị đích thực, vĩnh hằng của cuộc sống.
                                                  Lai Châu, ngày 12/10/2013.
                                                            Bùi Thị Sơn
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

GẶP MA
Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn
1.
Hồi mẹ tôi học khóa 13, Trường Trung cấp Y sĩ khu tự trị Tây Bắc, có cô Hất cùng học rất hay đến nhà tôi chơi. Cô hai mươi nhăm tuổi, xinh gái, hát hay, thế mà mãi không có người yêu. Mẹ thương cô nên ý tứ mối lái cho một chú bộ đội cùng đơn vị bố. Sau buổi đầu gặp gỡ tại nhà tôi, ăn cơm xong, chú Bảo rủ cô đi xem xi-nê… rồi tránh mặt luôn, không bao giờ nhắc đến cô Hất nữa. Mẹ gặng hỏi mãi, chú mới nói:
- Con gái gì mà nói chuyện cứ nhấm nhẳn như chó cắn ma ấy !
Sao lại là chó cắn ma? Tôi rất muốn hỏi mẹ câu ấy nhưng lại sợ mẹ mắng: “trẻ con hóng hớt chuyện người lớn” nên cứ ấm ức mãi trong lòng.
Những chuyến bố đi công tác xa nhà, cô thường sang nhà tắm gội cho chị em tôi, chế biến các món ăn ngon, rồi vui vẻ ăn cùng mẹ con tôi và ngủ luôn tại đó. Bố ở nhà thì đêm nào bố cũng kể chuyện cổ tích, chuyện thần thoại, chuyện ngụ ngôn cho anh em tôi nghe, rồi ngâm thơ, hát quan họ, hát ru cho chúng tôi ngủ. Còn cô Hất lại rất thích kể chuyện ma, hết ma cà rồng đến ma xó, hết chuyện “Con ma lưỡi xanh” lại đến chuyện “Bàn tay động đậy”, “Bác sĩ ăn thịt người”… Cô kể chuyện hấp dẫn lắm, lại kèm theo động tác minh họa làm chúng tôi sợ rúm ró nhưng cứ hồi hộp nín thở lắng nghe. Đôi lúc đến đoạn gay cấn nhất, cô dừng lại làm chúng tôi như nghẹt thở vì tò mò.
- Cô ơi! Cô kể tiếp đi nào!
- Sao nữa cô ơi!
Thích nghe thật đấy nhưng đêm đi ngủ, anh em tôi vẫn sợ run cầm cập. Hồi ấy chưa có công trình phụ khép kín như bây giờ nên nửa đêm
mót đi giải, anh em tôi phải bấm nhau cùng dậy ra góc sân “giải quyết nỗi buồn”vì mẹ phải ôm ấp bé Thu Hằng mới được sáu tháng tuổi.
Bố về, nghe chúng tôi nhắc lại những câu chuyện cô Hất kể thì nói:
- Theo duy vật, không có ma quỷ chi hết. Chết là hết các con ạ! Ai trên đời cũng chỉ sống có một lần nên cần tu nhân tích đức sống cho tử tế.
Câu này bố nhắc đi nhắc lại nhiều lần nên đã hằn sâu trong trí nhớ của tôi.
Tôi không bao giờ tin có ma và luôn tâm niệm lời răn của bố “Ai trên đời cũng chỉ sống có một lần nên cần tu nhân tích đức sống cho tử tế”.
2.
Thế mà đêm nay, sau gần bốn mươi năm bố rời xa dương thế, tôi đã tận mắt nhìn thấy ma. Thật chứ chẳng phải mơ, vì tôi tự cấu tay mình mấy lần đều thấy đau nhói.
Sáng sớm, trước khi lên xe đi công tác, anh không quên dặn dò:
- Em mới ốm dậy, cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, đừng có thức khuya và lên mạng đấy nhé!
- Vâng ạ.
Mọi bận, tiếng “Vâng ạ” ngoan hiền ấy chỉ là câu nói cửa miệng, câu nói chiếu lệ thôi. Như mẹ xưa thường nói “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”, cứ mỗi lần anh đi công tác xa nhà, mặc dù rất thương chồng tuổi đã cao mà luôn sốt sắng với công việc, tôi vô cùng vui mừng vì được tự do gặp gỡ, giao lưu với những người có chung sở thích yêu văn chương trên các diễn đàn văn học mạng mà không bị chồng quản thúc về giờ giấc vì lo cho sức khỏe của tôi. Dẫu chưa (và có thể không bao giờ) gặp gỡ nhau ngoài đời, nhưng họ đã đem đến cho tôi nguồn động viên an ủi được sống hết mình với niềm đam mê mà tuổi trẻ tôi cố kìm nén, dằn lòng để lo tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, cả “Người giáo viên nhân dân” nữa chứ!
Nhưng hôm nay thì tôi không còn chút thời gian nào để lên mạng. Sau gần hai tuần nằm viện, tôi nhớ khu nhà vườn của tôi quá! Tôi giành thời gian chăm sóc lũ chim trĩ, bồ câu công, gà gô, gà chọi, gà tre, gà ô… và đàn mèo mướp ngộ nghĩnh đáng yêu. Lại còn tưới hoa, tỉa tót cây cảnh nữa. Mùa này, vườn nhà tôi nở rộ các loại hoa: hoa chuông, hoa sao, hoa ly, hồng nhung, hồng môn, bạch môn, tầm xuân, thược dược, tỉ muội, ti gôn, xương rồng, mười giờ, hoàng lan, lan ý… muôn màu sắc, kiểu dáng và ngào ngạt hương thơm quyến rũ mời gọi lũ bướm xinh và lũ ong rừng lơi lả... Các loài cây: thông, liễu, thiết mộc lan, chuối cảnh, chuối hột, đào rừng, khế, xoài, bưởi, nhãn… qua một đêm tắm mưa nom xanh um, mướt mát như khu rừng nhỏ trong truyện cổ tích. Vừa làm vừa nghĩ vẩn vơ, trời tối sập lúc nào không hay. Tôi chỉ kịp úp bát mì tôm húp tạm, rửa ráy chân tay là lăn kềnh ra ngủ, không còn biết trời đất là gì nữa…
Bỗng có tiếng chú Vàng sủa gióng giả từng chặp: Gư âu! Gư âu! Gư âu! Gư âu!
Tiếng sủa như bị ai thít cổ dúm dó lại, khó thoát khỏi họng.
Khổ thân chú Vàng eo thon, chân dài, tai vểnh, đôi mắt luôn tròn xoe ngơ ngác như một chú nai rừng của tôi. Từ hôm khai giảng năm học mới, chú bị giam cầm gần như hai mươi tư trên hai mươi tư tiếng mỗi ngày vì tội hay trêu đuổi các cô cậu “Sinh viên tí hon” trường Mầm Non Hoa Sen đối diện cổng nhà tôi. Ban đầu chú phản đối kịch liệt bằng cách tru lên từng hồi đến mệt lử mới nghỉ giải lao để lấy sức tru tiếp. Rồi lại phản đối bằng cách tuyệt thực, giả ốm không ăn uống gì suốt hai ngày trời khiến tôi mủi lòng đã định thả chú ra mấy lần. Nhưng chồng tôi thì kiên quyết lắm: “Không thể vì thương một con chó mà để nó đùa giỡn, cắn xé các bé thơ có ngày” - Anh nói thế và giành thời gian thể dục buổi sáng đưa cậu chàng đi “giải quyết nỗi buồn”, dạo bộ mươi, mười năm phút rồi lại nhốt vào cũi sắt đặt cạnh Nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn của gia đình tôi. Và anh đã thuần hóa được chú Vàng đến độ chú ngoan ngoãn hiền lành, tự giác chui vào cũi mỗi lần cùng ông chủ đi dạo bộ buổi sáng về. Bù lại, chú được tôi cưng phụng, “cơm bưng, nước rót” và vuốt ve, tắm táp cho mỗi ngày nên nom cậu chàng ngày càng mỡ màng, óng ả ra…
Gâu! Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng sủa không còn méo mó, dúm dó nữa mà tức tối, gióng giả, hối thúc quyết liệt hơn.
Tôi vươn vai, dụi mắt, quờ quạng định tìm cái đèn pin Trung Quốc trên đầu giường thì nhìn thấy ánh sáng ma mị len qua khe cửa sổ. À, mới qua Rằm Trung Thu hai hôm nên Trăng vẫn còn sáng. Tôi xỏ chân vào dép, khẽ khàng đi ra sân. Ôi, đêm nay là cái đêm gì mà trời đất ảo mờ thế này? Sương mù giăng mắc khắp các lá cây, ngọn cỏ… Một luồng gió lạnh luồn từ gan bàn chân đến từng chân tóc khiến tôi thoáng rùng mình, run rẩy như đêm tân hôn, lần đầu tiên trong đời có bàn tay lạ lẫm của người đàn ông gọi là chồng lân la, sờ soạng… Tôi xoa hai bàn tay vào nhau, hoảng hốt thấy tay mình lạnh như ướp đá và chợt nhớ đến cô Hất có một lần rửa tay tôi cho tôi đã văng tục : “Khiếp! Tay con bé này lạnh như l…ma”. Tại sao l…ma lại lạnh nhỉ? Tôi không dám hỏi bố mẹ câu này bởi bố mẹ tôi không bao giờ nói tục. Hỏi thế sợ bẩn mồm lắm!
Gâu! Gâu! Gâu! Gâu!
Vàng ơi! Đừng sủa “Như chó cắn ma” thế! Tao xuống ngay bây giờ!
Gâu! Gâu !Gâu! Gâu!
Gì mà khó tính, bức bối thế! Hay có con rắn xanh từ hàng rào chanh leo bên hàng xóm mò sang cắn mày? Tao xuống ngay bây giờ.
Tôi vừa bước hối hả vừa ngước nhìn hàng rào cận kề giàn chanh leo hàng xóm. Bỗng chân tôi bủn rủn không thể bước thêm nửa bước nữa…
“Ma dẫn lối, quỷ đưa đường”. Mặc cho chú Vàng đáng thương vẫn hằn học tức tối gâu lên từng hồi, không biết bằng cách nào tôi vẫn lết về được phòng ngủ, leo lên chiếc giường gỗ pơ mu, ngủ say như chết.
3.
Vừa ru bé Rồng ngủ xong, đang chuẩn bị tranh thủ viết tin bài thì Hoài Thy nhận được điện thoại của bố từ huyện Mường Tè:
- Con sắp đi ngủ chưa? Từ chặp tối đến giờ, bố điện đến năm cuộc điện thoại mà không thấy mẹ nhấc máy. Con thử vào xem mẹ thế nào? Bố lo lắm, vì mẹ vừa ra viện, lại ở nhà một mình đêm hôm thế này…
- Vâng, con sẽ vào ngay ạ.
Cô ra sân bấm máy cho mẹ. Rõ ràng có tiếng chuông đổ dồn mà sao mẹ lại không nghe máy nhỉ? Cô trở vào nhà, nói khẽ với chồng:
- Anh ngủ với bé Rồng nhé! Em vào xem mẹ thế nào.
Từ nhà Hoài Thy đến nhà bố mẹ cô chưa đầy ba ki lô mét nên cô đi xe máy loáng cái là đến ngay. Cô lách chìa khóa mở cổng, rồi nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào nhà. Mẹ nằm co ro sát mép giường, ngáy khò khò, nước bọt nhểu ra hai bên mép, nom phát khiếp !
“Chắc hôm nay mẹ lao động mệt lắm nên ngủ quên”. Nhìn mẹ ngủ thấy thương quá nên cô không nỡ đánh thức mẹ dậy. Cô nhắn tin cho chồng: “Anh ngủ với con trai nhé! Mẹ mệt nên đêm nay em ngủ trông nom mẹ. Mai em về sớm đi gửi Rồng để hai vợ chồng kịp giờ đi làm.” Hoài Thy lấy khăn mặt dấp nước ấm, lau mặt, lau tay cho mẹ rồi kê đầu gối ngay ngắn, đắp chăn, buông màn cho mẹ ngủ. Chợt thấy góc phòng lóe lên ánh sáng xanh của lap - top chưa kịp tắt, cô bèn nhấn enter và đọc được dòng chữ mẹ viết dang dở:
“…Tôi vừa bước hối hả vừa ngước nhìn hàng rào cận kề giàn chanh leo hàng xóm. Bỗng chân tôi bủn rủn không thể bước thêm nửa bước nữa. Ngang tầm cây chuối hột cao lênh khênh là một cái đầu lâu to như nồi cơm điện tọa trên chiếc cổ dài ngoằng ngoẵng nhỏ bằng ngón tay trỏ cứ dập dềnh trồi lên, tụt xuống nhẹ tênh như không có trọng lượng. Hai hàm răng va vào nhau lập cập, lấy hết sức bình sinh, tôi dùng các móng tay phải cấu lên mặt, đau nhói! Không phải là mơ! Lại dùng các móng tay trái véo đùi non. Đau quá! Rõ ràng không phải là mơ! Cha mẹ ơi! Đêm nay, con gặp ma thật rồi!
Tôi căng mắt ra nhìn cái đầu lâu kỳ dị tô trát đủ các màu sắc cầu vồng gần giống hình trái tim khổng lồ bị bóp méo. Đầu phía bên phải nó nhòn nhọn khoằm khoằm như mỏ quạ, phía trên còn cài chiếc nơ đỏ nhờ nhờ như màu máu, còn phía dưới cái mỏ quạ ấy là một thẻo thịt dài đo đỏ cong cong hình con đỉa to tướng bám vào. Ở khoảng giữa chiếc nơ và con đỉa ấy, trồi lên một con mắt to thô lố như nắm đấm trẻ con, ở giữa đen ngòm, bên ngoài con ngươi trắng nhởn. Đầu lâu của một người chột mắt chăng? Khuôn mặt mang hình trái tim có một mắt, không mồm, không mũi ấy cứ dập dềnh lên xuống nhún nhẩy theo nhịp sủa dấm dẳn của chú Vàng đáng thương. Tôi véo má lần nữa và lặng lẽ quan sát tiếp. Sau nửa mặt bên phải của đầu lâu là đoạn võng xuống khiến tôi liên tưởng đến trái tim người rồi từ đấy nó lại vồng lên tròn trịa khêu gợi như chiếc mông trinh nữ điểm xuyết những chiếc lông vũ xanh đỏ, tím vàng to như quả chuối mắn. Từ “Chiếc mông trinh nữ” phía bên trái xuôi vát xuống là nơi gặp gỡ của “Con đỉa to tướng” phía bên phải xuôi vát xuống tạo thành một góc nhọn mềm mượt của trái tim ngự trên chiếc cổ yếu ớt không mang nổi cái đầu lâu ngất ngưởng…”.
Đọc đến đây, hai hàm răng Hoài Thy va vào nhau lập cập:
“Thế này là thế nào? Mẹ gặp ma thật chăng? Mẹ thường nói là mẹ theo duy vật như ông, không bao giờ tin vào chuyện ma quỷ cơ mà”.
Trí tò mò trỗi dậy, Hoài Thy định xuống khu nhà vườn xem mặt mũi cái đầu lâu kỳ dị ấy ra sao song vốn nhút nhát, cô khóa trái cửa lại, tắt vi tính, rồi chui vào chăn ôm chặt lấy mẹ như hai năm trước đây cô chưa đi lấy chồng.
Cô lẩm nhẩm đếm từ một đến một trăm và lại đếm ngược lại từ một trăm đến một. Được vài lần như thế, Hoài Thy ngủ thiếp đi lúc nào không biết…
Suýt nữa thì Hoài Thy ngủ quên, không kịp trở về nhà giúp chồng đem bé Rồng đi gửi trẻ. May quá, tiếng khóc hờn lẫy của cô bé mẫu giáo bên kia giàn chanh leo sát kề mảnh vườn của mẹ đã khiến cô giật mình tỉnh giấc:
- Ứ ừ, con bắt đền mẹ đấy! Bóng bay của con bay mất rồi!
- Hu! Hu! Bóng bay con gà của con bay mất rồi! Bắt đền mẹ đấy!
- Bóng bay con gà cơ! Nào, nào…
Hoài Thy dụi mắt, vươn vai đi về phía bụi chuối cảnh thì thấy quả bóng bay hình con gà đủ màu sắc cầu vồng đang dềnh lên dềnh xuống trông thật đẹp mắt. Nhìn ngang, nó chỉ có một mắt thật. Và cái cổ dài ngoằng ngoẵng khẳng khiu ấy chính là cái cần để bé cầm tay cho gà đi chơi…
Cô vui vẻ gọi toáng lên:
- Bé Miu Miu ơi! Cô tìm thấy bóng bay con gà của cháu rồi này.
Chị Thu - mẹ bé Miu Miu - mừng rỡ nhận quả bóng bay con gà, cảm ơn cô ríu rít. Hoài Thy khe khẽ trở vào nhà, nghe tiếng mẹ nói mớ:
- Ông Bồ Tùng Linh tài thật! Đọc tiểu thuyết “Liêu trai chí dị” của ông bao nhiêu lần cũng không thấy chán…
B.T.S
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Gái Núi kính chúc các thầy,các cô giáo về hưu và đương chức luôn có một sức khỏe dồi dào, lạc quan yêu đời và hạnh phúc nhé!
Gái Núi xin gửi lên trang một truyện ngắn của con gái mình- nhà báo Phùng Hải Yến- sinh năm 1985-phóng viên Tòa soạn Báo Lai Châu, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Các Dân tộc Thiểu số Việt Nam.
BẢN HỦI
Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
Khi Xoàn giơ tay lên góc trái của bảng để ghi sĩ số lớp, cô cảm giác hụt hẫng ở ngón cái và ngón trỏ. Đảo mắt nhìn xuống, Xoàn hét lên: cô nhìn thấy những ngón tay búp măng cùn cụt ở đầu móng. Những mẩu thịt ton hon đang run rẩy cố nắm thật chắc viên phấn. Xoàn tức tưởi chạy khỏi lớp, bỏ lại phía sau ánh mắt tròn xoe ngạc nhiên của học sinh. Xoàn lao vào nhà bếp tìm con dao, hai nhát cứa vào ngón trỏ làm máu nhuộm đỏ mắt Xoàn, nhưng cô không thấy đau.
Ánh mắt ráo hoảnh, Xoàn lặng lẽ bước vào căn phòng nhỏ với những đồ đạc giản đơn. Lặng lẽ thay chiếc áo trắng mà trước khi ra trường cô đã mua để mặc trong cuộc hẹn với bạn trai. Mới đó mà đã như lâu lắm. Hiện cô ở cách thành phố gần một ngàn ki lô mét tính cả bằng đường xe và đường đi bộ. Thời còn là một nữ sinh sư phạm, cô đâu biết có những bản nhỏ cheo leo vách núi như nơi cô được cử đến dạy. Xoàn khẽ nằm xuống giường, nước mắt ứ tràn qua má. Cái lưng còng của mẹ; dáng ngồi hút thuốc lào, xóc tổ tôm của cha;
cái quần xộc xệch của thằng em út; dáng con trâu với cái cày liêu xiêu trong nắng chiều đồng quê… ùa vào tâm khảm cô. Lại cả ngày Xoàn chia tay với người yêu khi anh nhận quyết định ở lại thành phố. Sự khác biệt về gia cảnh khiến anh không đủ can đảm níu giữ cô, còn lòng tự trọng, tự ti của một cô gái nhà quê đưa chân cô theo hướng khác. Cứ thế, Xoàn nhớ lại hai mươi ba năm cuộc đời mình. Một cách quả quyết, cô liếc con dao cực sắc vào động mạch tay…
***
- Xoàn, Xoàn, con gái gì mà ngủ trưa cũng ú ớ, dậy đi chứ? Mồ hôi tứa khắp mặt này!
Xoàn ngồi bật dậy, ngơ ngác, rồi vội vã ôm chầm lấy chị Nhung:
- Không, không, chị ơi, em sợ lắm, trong mơ em cũng thấy mình bị lây hủi.
- Giữ mồm giữ miệng chứ. Chuyện cái Hoa xuống bản mua gà đen về bồi bổ cho chồng ốm rồi bị lây hủi làm mày sợ chứ gì? Ai cũng nghĩ như mày khéo cả trường này phải giải tán. Những đứa trẻ không bị hủi cũng thất học vì bản hủi này mất.
Xoàn lặng im, tay vân vê tà áo. Sự sợ hãi trong giấc mơ còn lẩn khuất ở đâu đó, nhưng cô không dám nói gì nữa. Bản hủi ở khá xa trung tâm xã, bước chân đầu tiên của cô tới đây, chị Nhung cảnh báo:
- Trông cũng xinh đấy! Nhưng em ạ, ở đây yêu cũng khó chứ đừng nói đến chuyện lập gia đình
Lúc ấy, Xoàn chẳng hiểu chị nói gì. Hai chị em ở chung trong căn phòng tập thể của trường. Dần dà, trong mắt Xoàn, chị Nhung giống như người chị cả, chị Nhung sắc sảo; chị Nhung yêu thương trẻ nhỏ trót sinh ra trong bản hủi, chị Nhung không chấp nhận số phận bằng cách yêu qua quýt, lấy chồng tạm bợ. Chị Nhung bảo:
- Ở lâu mày khắc hiểu.
Chỉ trong tháng đầu, Xoàn nhanh chóng quen với các anh chị dạy học cùng trường. Xoàn đặc biệt ấn tượng với chị Mai – cô gái dong dỏng có nước da sáng, đôi mắt nâu và khuôn miệng chín mọng ở phòng kế bên. Chị Mai dạy môn mỹ thuật và âm nhạc, “đã từng muốn mình là một diễn viên múa” - chị nhoẻn nụ cười chết người khi nói về mơ ước của mình. Hôm Xoàn sang phòng chị xin dầu gió xoa vào những vết đỏ loét trên chân, nghe Xoàn than thở, chị nhắc:
- Xứ này là xứ độc, bị ruồi vàng đốt phải vài ba năm mới lặn hoặc “đóng dấu” nham nhở sẹo trên chân đấy!
Chị Mai không dọa. Sau tháng đầu tiên dạy học Xoàn đã cất cả những cái áo sơ mi ngắn tay, những chiếc quần lửng gối. Có lúc đang đêm, Xoàn bật dậy, mở cái hòm gỗ, hay tay mân mê những bộ đồ không có cơ hội mặc cho đến khi tiếng càu nhàu của chị Nhung cất lên Xoàn mới lên giường ngủ tiếp. Trong mơ, Xoàn thấy mình mặc váy ngắn, tung tăng giày cao gót dạo phố cùng người yêu…
Sáng sớm, khi tiếng gà chưa tan, Xoàn trở dậy mặc chiếc áo sơ mi tay dài, quần dài đến gót chân xuống bản gọi học sinh đến lớp. Đó cũng là khoảng thời gian thử thách đáng sợ nhất trong ngày của Xoàn. Gọi là bản hủi vì không có gia đình nào không có người hủi. Cũng không biết bản ấy đã hình thành từ bao giờ, tuy không bị ai xa lánh nhưng bản ở cách xã những mấy cánh rừng, mấy con suối; bản chứa nhiều ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác không hiểu sao ngón tay, ngón chân của cha mẹ chúng lại rụng như lá cây cơm nguội bên suối. Đến nhà học sinh nào Xoàn cũng được mời đến ngồi cạnh bếp lửa, Xoàn thật khó để quen với những gương mặt thiếu lông mày lông mi, chi chít nốt sần củ trên thịt da của những người trong bản. Khi cùng lũ trẻ tới trường với những tiết học bắt đầu muộn, Xoàn mới khẽ rùng mình.
Kỳ lạ là các cô, cậu bé sinh ra trong gia đình có bố mẹ bị hủi lại rất lành lặn, mắt đứa nào đứa nấy trong veo, ánh nhìn lanh lợi; bàn tay bàn chân đủ ngón đủ móng tuy sần chai vì lao động sớm. Khi vuốt ve tay chúng, Xoàn thường nhớ đến cu Tí nhà mình. Những đứa trẻ nói giọng ngọng lơ ngọng líu với Xoàn. Ở gần chúng, Xoàn cũng bập bẹ học tiếng của dân tộc Mảng, hỏi cách dệt váy thổ cẩm, ăn thử món rau sắn và rêu mà chúng hớn hở mang đến làm quà cho cô giáo.
Điểm duy nhất Xoàn không thích ở chị Mai là khi có những anh chàng cán bộ người Kinh ở xã hoặc ở huyện xuống. Lúc ấy, ánh mắt chị sáng long lanh, hai má hồng rực, chị thường rủ Xoàn đi cùng sang nhà trưởng bản. Hai tay chị liên tục vuốt tóc, mắt liếc dọc liếc ngang. Xoàn đem chuyện về kể với chị Nhung, chị Nhung cười xòa:
- “Gái phải hơi giai… ” thôi kệ nó, con gái phơi phới mà rơi vào vùng này cũng chẳng biết làm sao. Cái Mai nó không yêu bộ đội biên phòng để cố mà bắt cưới như cái Huyền, không chịu lấy thằng trai Mảng khỏe như con ngựa đực, thì nó… cứ lả lơi thế thôi!
Trong giọng nói giả bộ lơ lớ của chị, Xoàn trở lại cảm giác ăn quả me tròn trên rừng, chát chua và có phần cay đắng. Những đêm chị Mai đưa khách về, Xoàn cố ngủ mà không ngủ nổi, bên kia giường, chị Nhung cũng trở trăn, lật mình, thở dài. Những người ấy cứ đến lại cứ đi, Xoàn thấy lạ vì chị Mai không cần có cảm tình với họ, cũng chẳng biết họ có luyến lưu nhiều với mình hay không. Dần dà, Xoàn cũng không hay nói chuyện với chị nữa, không chỉ mình Xoàn, dường như ở trường này ai cũng ác cảm ngấm ngầm không nói ra được, không đồng tình với cách sống của chị Mai.
Đó là một buổi chiều đông giá, chị Huyền tóc tai xoã sượi lảo đảo chạy lên con dốc có ngôi trường nhỏ, trên tay bế đứa con gái chưa tròn bốn tuổi, chị gào thét điên cuồng. Cả khu tập thể nhỏ bé chợt nhốn nháo. Hỏi ra mới biết anh Thành chồng chị sau chuyến tuần tra biên giới về bỗng thấy nước mũi chảy nhiều, giọng nói khản đặc. Ban đầu chị tưởng anh bị xoang nên mua thuốc cho anh uống, sau rồi thấy tay chân anh dần co quắp, đoán đó là dấu hiệu của bệnh hủi nên chị sợ hãi chạy bổ ra khỏi nhà, mang theo đứa con chị yêu hơn chính mình. Chị chỉ mong đưa nó ra khỏi bản càng nhanh càng tốt. Chị không thể tưởng tượng người chồng mới hôm qua đầu ấp tay kề với mình sẽ dần bị trụi mi trụi tóc, rụng tay rụng chân. “Bốp” – cái tát của chị Nhung bất ngờ quá nên không ai kịp ngăn lại:
- Mày nghĩ thế nào mà định mang con đi, vợ chồng gắn với nhau không chỉ vì tình mà còn vì nghĩa đấy! Hồi mới lên người ta bảo mày bị ma nhập vì khắp người nổi da rắn. Thằng Lanh là học sinh lớn nhất của cái trường này, nó thấy cô giáo khổ quá nên lần mò lên núi đá kiếm lá thuốc giã đắp cho đến khi đỏ thịt đỏ da thì mày quay sang có bầu để lừa anh chàng bộ đội biên phòng cưới. Nay lại bạc bẽo vậy mà được sao? Nói cho mày biết, bệnh phong không dễ lây vậy đâu, những đứa trẻ học ở đây có mấy đứa bị lây hả? Hôm nay là cuối tuần nên học sinh về hết, chứ hình ảnh một cô giáo thế này thì mất mặt quá!
Chị Huyền chết sững, Xoàn cũng chết sững. Trong lòng Xoàn dậy sóng, sợ hãi cúi mặt trước tuổi bốn mươi của chị Nhung. Khi ấy, Xoàn tự rủa mình hèn nhát khi bất đồ nghĩ đến việc bỏ trốn khỏi nơi tai họa luôn rình rập này.
Anh Vàng đến bản khi Xoàn vẫn còn hoang mang bởi chuyện của chị Huyền dù chị đã mang con trở về nhà, chăm sóc chồng tận tình trong đợt nghỉ phép, nghe tin sau đó anh khoác ba lô lên đồn biên phòng và ở miết trên ấy. Chị Huyền lên lớp giảng toán cho học sinh với đôi mắt rười rượi ngẫm suy, thằng Lanh thi thoảng len lén nhìn và thấy mắt cô Huyền đỏ hoe, rần rật nước mắt.
Xoàn quen anh Vàng ở ngoài suối, khi anh hỏi đường đến trường. Mắt một mí, mũi khoằm và môi mỏng – khuôn mặt tròn vo của anh chẳng ăn nhập gì với đường nét trên đó. Qua câu chuyện dọc đường về, Xoàn biết anh là cán bộ Phòng Lao động Thương binh Xã hội của huyện. Ngoài giọng nói ngọng nghịu gây mất cảm tình với Xoàn ngay từ đầu, khi trò chuyện, Xoàn còn không dám nhìn thẳng vào mặt anh vì sợ trí tưởng tượng của cô giáo dạy văn sẽ khiến cô phá lên cười vô ý tứ. Chị Mai xoay xoay cái gương tròn trên tay:
- Ba mươi hai tuổi, dân tộc Hmông thì đã làm sao, người ta làm ở huyện đấy!
Sau hôm đầu làm quen, Vàng mời Xoàn đi chơi. Ra bờ suối, đang hỏi chuyện gia đình, anh bảo:
- Chờ anh một lát.
Không chờ Xoàn trả lời, anh phóng vào lùm cây gần đó, quay lưng lại phía Xoàn “giải quyết”. Cái lưng của anh to và thô đập vào mắt Xoàn, đêm miền núi vắng lặng nên từ tiếng kéo phéc mô tuya đến tiếng khạc đờm trong cổ họng đều đập vào tai Xoàn. Choáng váng vì hành động phản cảm ấy nhưng Xoàn vẫn cố giữ phép lịch sự để không nhăn mặt bỏ về. Hôm sau, Xoàn cố ý tránh mặt anh ta, soạn giáo án và đi ngủ thật sớm.
Nửa đêm, tiếng rú thất kinh của người đàn ông vang từ phòng bên cạnh làm Xoàn tỉnh giấc, chị Nhung và Xoàn chạy bổ sang phòng chị Mai. Chị Mai ngước cái nhìn bị thương vào khoảng trống trước mặt, hai bàn chân buông thõng, những ngón chân ngun ngủn đã cụt hết móng, anh Vàng vơ vội cái chăn đắp lên tấm thân trần như nhộng, ấp úng:
- Thật là kinh khủng, cô ta…
Xoàn lặng đi khi thấy ánh mắt tê dại của chị Mai, ánh mắt ấy mãi còn ám ảnh Xoàn. Ánh mắt không thấy lại được vì ngay hôm sau chị đã biến mất, trên bàn lưu lại một lá thư:
“Mọi người mãi mãi không hiểu được sự kinh khiếp của em trong những ngày đầu mang căn bệnh này. Những giấc mơ què cụt khiến em thèm cảm giác được làm mẹ, có một đứa con dù với bất kỳ ai để khi chết đi rồi vẫn biết có một phần của mình còn tồn tại trên đời. Em tin là con em sẽ khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ vẫn ngày ngày đến lớp chúng ta. Em sẽ dạy nó học vẽ học nhạc, ngón chân nó sẽ có đầy đủ móng, lông mi rất cong, lông mày rất rậm, ngón tay nó búp măng và nó có thể múa…”
Những dòng thư của chị còn dài và ứa nước mắt. Khoảng trời trước mặt Xoàn sụp vỡ ở tuổi hai tư trưởng thành.
***
- Qua khúc cua tay áo này là bản ấy sẽ xa tít trong quá khứ, em đừng có khóc đến sưng cả mắt như thế chứ?
Xoàn nhìn Vàng, ánh mắt của anh ta kéo dài vệt chỉ, tia mắt rắn lạnh lẽo. Hình ảnh chị Mai nhàu nát chết bên nắm lá ngón không khiến anh ta nghĩ anh ta chính là một phần nguyên nhân ư? Chắc trước khi chết chị đã đau đớn đứt gan đứt ruột, đứt cả nghĩ suy, đứt niềm hy vọng? Xoàn xót đau nhìn chiếc xe lăn dần qua khúc cua.
- Dừng lại, tôi xuống.
Người lái xe gằn giọng:
- Vàng, cậu lại làm chuyện gì thế này? Xe của cơ quan cần về đúng giờ để còn xuống tỉnh dự hội nghị.
Tuy nói thế nhưng chiếc xe cũng dần khựng lại,. Xoàn kéo nắm chốt, nhảy xuống, cô xách túi hành lý chạy ngược về phía con đường bụi mù, đằng sau là tiếng của Vàng:
- Cô điên rồi, cô sẽ hối hận, đời cô sẽ chìm trong cái bản hủi ấy.
Xoàn không nghe thấy bất kỳ lời nào của gã đàn ông ném theo, khoảng trời trước cô là những ánh mắt học trò lung linh, chấp chới. Những ánh mắt như cánh bướm, nó sặc sỡ đủ màu, nó sẽ bay xa và sẽ bay cao…
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lyric

Đi đâu để lại truyện ma
Khiến người ta sợ người ta tò mò
Kết cục là cái lầm to
Bóng bay của bé thập thò giàn chanh
Thả hồn bay bổng vu vơ
Lang thang tìm bạn vịnh thơ giải sầu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

THLNPH

chị buithison ơi, có thể chia sẻ một chút cảm hứng hay cảm xúc khi viết không ạ? :-/
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [21] [22] [23] [24]