Tên thật : Lê Thị Giáng Tiên
Tên húy : Thắng (Đệm giữa có chữ Chế)
Tên tự : Liễu hay Liễu Hạnh

Thần tích : - Quỳnh Hoa Công Chúa
- Bà chúa Liễu Hạnh
- Thánh Mẫu Liễu Hạnh


Sắc phong thánh hoá : - Thánh Mẫu
- Mã Hoàng công chúa
- Chế Thắng Hoà Diệu đại vương
- Mẫu nghi thiên hạ
- Được liệt vào hàng Thánh Tứ bất tử của cả nước.
Năm, nơi sinh : 1557? Làng An Thái xã Văn Cát huyện Thiên Bản,
Sơn Nam Thượng (nay là huyện Vụ Bản – Nam Hà)
Quê gốc : Nam Hà
Tác phẩm :
- Thơ xuất khẩu và giáng bút.
- Bốn bài ca từ.


Bà chúa Liễu Hạnh còn gọi đức Thánh Mẫu. Vốn chỉ là một truyền thuyết văn hoá dân tộc ta từ thế kỷ 16. Nhưng theo sự tích thì chúa là một nữ danh tài có thật, đã được tôn vinh thành Thánh trong tín ngưỡng dân gian. Các nhà nghiên cứu danh nhân lịch sử luôn tìm hiểu hầu làm rõ thêm về nhân vật đầy huyền thoại này, bởi chúa có một quê hương ở Vụ Bản Hà Nam, chúa có năm sinh, năm mất, có ngày giỗ là mồng 8 tháng 3 âm lịch, đã đi vào thành ngữ dân tộc :Thánh tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ (Tháng tám giỗ đức thánh Trần Hưng Đạo mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý 1300) - Lễ hội đền Kiếp Bạc – còn ngày mồng 8 tháng 3 giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Lễ hội Phủ Giầy). Hơn thế, chúa lại có ngôi mộ đất vẫn còn cao nằm gần núi Gối, về sau mới xây lăng, có lan can bao quanh. Mẫu có đền thờ ngay trước làng, gọi là đền Bóng Đa. Điều thú vị nhất: Chúa còn là một nữ thi sĩ tài hoa có cả một giai thoại về những cuộc xướng hoạ văn thơ với trạng Bùng Phùng Khắc Khoang ở nhiều dịp khác nhau… và khi hoá Thánh, Chúa còn giáng bút bằng thơ, bằng câu đối ở nhiều nơi… Những truyền thuyết này đã được nhiều tác gia ghi thành thần tích ở mỗi thời đại như:

-Truyền kỳ tân phả của Đoàn thị Điểm TK 18

-Liễu Hạnh công chúa diễn ngâm - Nguyễn Công Trứ TK 19

-Vân Cát thần nữ cổ lục diễm ngâm (khuyết danh)

-Vân Cát thần nữ truyện của Vũ Ngọc Khánh (1990)

-Tam toà Thánh Mẫu – Đặng Văn Lung (199)

Còn như tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, ông đã viết truyện chúa Liễu Hạnh bằng Pháp văn năm 1944, về sau Thuận Thiên thuật lại tóm tắt trong tạp chí Kiến thức ngày nay, kể rằng: “… Thuộc thế kỷ 16, ở thôn Thiên Hương (Vân Cát), làng Kim Thái (An Thái), huyện Vụ Bản, có gia đình Lê Thái Công sinh được một gái xinh tươi đặt tên là Giáng Tiên; có tên này là do tích Lê phu nhân mang thai đã quá ngày; bỗng một hôm Lê ông mệt ngủ thiếp, thấy một đạo nhân chỉ lối lên thượng giới cho ông chứng kiến buổi hội thiên đình, đang vui đột nhiên có vị tiên nữ làm vỡ chén ngọc. Thượng đế bắt phạt đày xuống hạ giới! Đến đây Lê ông sực tỉnh, vừa khi Lê phu nhân hạ sinh một bé gái xinh xắn có khuôn mặt rất sáng sủa, nhân đó đặt tên là Giáng Tiên huý Thắng, tự là Liễu. Từ thiếu thời, cô Liễu rất thông tuệ, người có nhan sắc, đức hạnh, được dân chúng trong vùng quí mến gọi là Liễu Hạnh, cô ưa thú thi ca ngâm vịnh, cô đã làm bài ca từ vịnh bốn mùa và tự phả vào bài đàn, cùng bạn bè vui hát.

Năm 18 tuổi, cô Liễu Hạnh lấy chồng là Đào Lang, người cùng thôn Vân Cát, ông bà sinh được hai người con.

Đến năm Đinh Sửu, tự nhiên không bệnh tật mà mất, nhằm ngày mồng 8 tháng 3 năm đó, hưởng dương 21 tuổi. Thei tiếp thần tích kể rằng: khi về trời thấy chưa hết hạn đày, bà lại phải đầu thai xuống trần…, nhưng lần này với danh hiệu Liễu Hạnh công chúa, bà không sống với gia đình mà chu du khắp chốn, dừng chân ở mọi danh lam thắng cảnh…”

Theo Nam hải dị nhân của Phan Kể Bính, thì người mà Thánh Mẫu hiện ra làm nữ thi khách để đối đáp thơ văn, nhiều nhất là với ông Phùng Khắc Khoan tức gọi Trạng
Bùng:

“Khi ông Phùng Khắc Khoan đi sứ sang Tàu, lúc qua khúc rừng Đoàn Thành (Lạng Sơn) bỗng gặp một người đàn bà còn trẻ ngồi dựa gốc cây to. Qua lời chào hỏi đối đáp làm quen, biết nữ khách đó tên là Liễu Hạnh, rất giỏi điển ngữ văn chương. Ông Phùng Khắc Khoan liền ra câu đối dùng lối chiết tự:

-Tam mộc sâm đình, toạ trước hảo hề nữ tử.

Nữ khách (tức chúa Liễu Hạnh) ứng khẩu đáp liền:

-Trùng Sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân.

Câu đối chiết tự của ông Phùng Khắc Khoang có nghĩa:

-Cô gái đẹp ngồi trước rừng rậm.

Câu đáp chiết tự của chúa Liễu Hạnh có nghĩa:

-Từ rừng rậm sứ giả đi ra.

Thế rồi, khi ông Phùng Khắc Khoan đi sứ về chỗ cũ sực nhớ chuyện qua, ông chăm chú nhìn quang cảnh, chợt thấy những thanh gỗ được sắp thành 4 chữ Mão khẩu công chúa. Thấy lạ, ông bèn chiết tự: Chữ mão, chữ khẩu tất của được xếp bằng gỗ là chữ mộc; ghép lại thành chữ Liễu. Sực nhớ tên nữ sĩ đã gặp trước, ông đoán chắc thể nào người ấy cũng có mặt ở quanh đây? Tìm không xa, lại thất một cây gỗ nữa khắc bốn chữ thuỷ mã dĩ tẩu.

Không cần suy nghĩ lâu, ông lại đoán biết bà Liễu Hạnh đã hoá, ý muốn nhờ họ Phùng (là ông Phùng Khắc Khoan) dựng đền thờ ở vùng này để thờ bà.

Sau đó, có lần chúa Liễu Hạnh hiện ra ở Hồ Tây đàm đạo thi văn và làm thơ liên ngâm cùng các vị danh nho:

-Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan

-Cử nhân Ngô Tường Sinh

-Tú tài Lý Hạ

Bài thơ xuất khẩu liên ngâm dài 42 câu, nhưng riêng chúa Liễu Hạnh chỉ làm một câu mở đầu và một câu kết. Đề bài là:



VỊNH CẢNH TÂY HỒ



Chúa Liễu Hạnh đọc trước:

Hồ Tây trời đất một vùng thiêng

Ông Lý Hạ tiếp:

Buông mất càn khôn thoáng một miền

Cổ thụ quanh nhà xanh lặng lặng

Ông Phùng Khắc Khoan tiếp:

Trâu vàng đầm rộng nước liên miên.
Náu nương đâu đấy vài gian nhỏ

Ông Ngô Tường Sinh tiếp:

Câu chải nhà ai một chiếc thuyền

Chúa Liễu Hạnh kết:

Vầng trăng soi rõ ta là tiên.


Ngoài phần thi thơ xướng hoạ ở những địa điểm trên, tương truyền còn nhiều nơi khác như: Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh… chúa Liễu Hạnh cũng đã hiển linh ban phước lành hặc khuyến nhân bằng những vần thơ sau, ví dụ:

- Hậu giả hậu lai, ở hiền gặp lành

- Ác giả ác báo, ăn mặn khát nước.

- Văn hay vũ mạnh, buổi kinh luân vùng vẫy cũng ghê thay

Triều đình phong sắc Mã Hoàng công chúa, Chế Thắng Hoà Diệu đại vương. Đến đời nhà Nguyễn lại gia phong Mẫu nghi thiên hạ. Được liệt vào hạng Thánh tứ bất tử của nước ta là:

-Trần Tản Viên

-Chữ Đồng Tử

-Phù Đổng Thiên Vương

-Liễu Hạnh công chúa.

Nhân dân đã lập nhiều đền thờ, thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đền chính xây dựng trước tiên là đền An Thái (quê của bà) ở thôn Vân Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định; thứ nhì là đền Sòng thuộc trang Cổ Đam, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá, đến đền núi Công Mẫu xã An Khoái, châu Lộc Bình, Lạng Sơn và còn nhiều nơi khác nữa… Riêng đền An Thái sau còn gọi là đền Phủ Giầy. Do sự tích dưới triều Lê có nhà vua đến thăm quê hương của chúa Liễu Hạnh ở Vụ Bản, đoạn ra đền Mẫu An dâng hương, được chùa hiển tặng cho đôi giầy. Từ đó có tên đền Phú Giầy.

Hằng năm làm lễ kỵ chúa có mở hội là lễ hội Phủ Giầy; Ngoài việc tế lễ, hầu bóng, hát chầu văn, còn có các môn vui chơi như: kéo co, xóc đĩa, đánh cờ… đặc biệt có môn đố chữ và chạy chữ rất đẹp mắt và thâm thúy với ngụ ý Thánh Mẫu xưa là bậc nữ lưu văn học, hay chữ.

Sau này, nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung đã nhận định về toàn bộ lễ hội Phủ Giầy trước 1945 là cuộc diễn xướng một bản sử thi văn hoá dân tộc, gắn liền với danh hiệu thánh mẫu Lê Thị Liễu Hạnh.

Trường hợp Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng tựa như truyện Bồi Liễn Tiên Nương trước kia, đều là những bậc nữ lưu tài hoa phóng khoáng và đều được thánh hoá. Nhưng ở chúa Liễu Hạnh còn đậm nét hơn, được sùng kính tôn vinh nhiều hơn. Hẳn bà đã là một thi nữ kỳ diệu, uyên thâm vượt bậc, vang danh tài đức; được đa số trong giới văn chương kính phục, và hẳn là thi văn của bà đã thu phục lòng người?

Cho nên sau khi bà mất, rất nhiều nơi trong cả nước ta đã dựng đền, miếu, tạc tượng bà để thờ và tôn vinh bà là đấng thần nhân tiên tử, là Thánh Mẫu Liễu Hạnh; và cho mãi đến thế kỷ 20 vẫn còn xuất hiện thêm đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh như ở Đèo Ngang thuộc thôn Vĩnh Sơn huyện Bình Chính tỉnh Quảng Bình và một ở Gia Định (Sài Gòn). Truyền rằng những nơi thờ tự chúa Liễu Hạnh đều rất linh thiêng và đều có giáng bút khuyên nhân thế làm điều lành.

Có thể rằng, nhân lòng tín ngưỡng sùng bái Thánh mẫu như thế, nên giới sĩ phu giàu lòng yêu nước xót dân thời đó đã mượn danh thần nữ Liễu Hạnh giáng bút đề thơ thành những bài răn dạy thế nhân đạo làm người, đạo làm dân trong một nước chăng?

Như vậy, hẳn nhân vật Lê Thị Liễu Hạnh là một nhân vật có thật, một nữ sĩ tài đức vẹn toàn được người đương thời ngưỡng mộ đến mức những chuyện kể về bà trở thành giai thoại, và khi bà mất thì những giai thoại lại trở nên là huyền thoại vậy chăng?

Huyền thoại về bà cho tới nay trên các sách văn học và báo chí vẫn thường đề cập đến.

Phần thơ của chúa Liễu Hạnh còn lại trong văn học có 4 bài hát làm theo thể từ:


XUÂN TỪ (Điệu Xuân Quang Hảo)

Cảnh như vẽ, khéo ai hay? Hoa đào mỉm miệng liễu dương mày. Bướm nhởn nhơ bay, oanh vàng líu lo trong bụi, én đỏ ríu rít trên cây. Buồng xuân dìu dắt mối tình ngây, đề thơ này!

HẠ TỪ (Điệu Cách Phố Liên)

Trời đất nhiều phần nóng nẫu. Đầu cành rúc giọng ve, bãi cỏ vắng tiếng chẫu; vò võ quốc kêu sầu, eo éo oanh hót ngẫu. Dường bảo nhau: “Chúa Xuân vè rồi, thôi cũng hảo!” cảnh sắc dường kia, ngao ngán cầm lòng không đậu. May đâu thần Chúc dong gảy một khúc nam huân, hương sen thoảng đáo, một trận gió bay, sạch lòng phiền não.

THU TỪ (Điệu Bộ Bộ Thiềm)

Mặt nước trong veo non tựa ngọc, gió vàng hây hẩy khua khóm trúc. Hoa lau muôn dặm trắng phau phau, cây cối vẻ hồng pha vẻ lục. Cung thiềm sáng quắc, ả Hằng ngủ, dạo bước thềm giao tình rạo rạo. Chi bằng đến thẳng dưới giậu hoa cúc thơm, thảnh thơi dạo đàn gảy một khúc.

ĐÔNG TỪ (Điệu Nhất Tiễn Mai)

Khi đen mờ mịt toả non sông, hồng về Nam xong! Nhạn về Nam xong! Gió bấc căm căm tuyết mịt mùng! Tựa triện ngồi trông! Tựa triện đứng trông! Sưởi lò mặt vẫn giá như đồng, ngồi chẳng yên lòng, nằm chẳng yên lòng! Dậy xem phong cảnh lúc trời Đông, hoa quên lạnh lùng, người quên lạnh lùng!
Mr.Jonny