Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]

Ảnh đại diện

Tùng Văn

“ĐẦU ĐÀO BÁO LÝ”

Một lần “hắn” có nhiệm vụ đại diện cho gia đình nhà gái, đón đoàn nhà trai đến dạm hỏi con của chị gái “hắn”. Một đôi lần “hắn” đã được tiếp xúc với vài người bên họ nhà trai, vẫn với cái lối trịch thượng kẻ cả của gia đình ông tổng ông lý, nhưng đã hết thời.
  Vừa vào đến nhà, hai bên chưa xong câu chào hỏi xã giao thì một ông già nhất trong đám nhà trai giơ ngón tay trỏ xỉa ra trước mặt nói nửa nạc nửa mỡ:
-Này tôi bảo cho bà Mỹ biết è (tiếng địa phương) “Miếng trầu là dâu nhà người rồi è”… Mọi người bên họ nhà gái chưa kịp phản ứng thì “hắn” đã đứng lên thẽ thọt nhẹ nhàng:
-Dạ, thưa cụ rằng (nói lái lại), cụ dạy thế khí phải, nhưng cổ nhân lại có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, vậy mời cụ và các vị ăn trầu uống nước, còn cháu có là dâu nhà người hay không thì cũng còn tùy cơ duyên của các cháu và cuộc trao đổi giữa hai bên gia đình hôm nay.
  Ông đại diện nhà trai đỏ mặt, tưng hửng không nói gì được nữa, và cả đám nhà trai không ai lên tiếng .
 Để chữa cho không khí đỡ nặng nề “hắn” lại đon đả mời chào đám nhà trai ăn trầu uống nước, còn trong thâm tâm “hắn” nghĩ gì thì có trời mà biết được!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lanviphong

Tùng Văn đã viết:
CÁNH CHIM CUỐI TRỜI
  
 Mười tám tuổi em vào đại học, tuổi hắn đã hai nhăm. Em xuất thân trong một gia đình cách mạng, mẹ làm đến chức Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh miền duyên hải, còn hắn, con nhà nghèo quê miền Sơn tây cũ. Khi nhập trường hắn đã mang quân hàm trung uý quân đội và vừa ở chiến trường ra trong người vẫn còn đeo đẳng những cơn sốt rét rừng.
  Hắn thôi đèn sách gần mười năm nay, nhưng có tiếng là kẻ học giỏi thời học phổ thông, vì thế không lâu, sau năm học thứ nhất hắn đã vượt lên đứng đầu toàn khoá hơn ba trăm sinh viên.
  Khoá học của hắn một phần là học sinh phổ thông thi vào, còn phần lớn là sinh viên ở các trường  khác chuyển sang. Người ta bầu hắn làm chi trưởng và được lãnh đạo chỉ định vào Đảng uỷ nhà trường; vậy lợi thế cho hắn cũng  nhiều, nhưng dàng buộc hắn cũng lắm. Với tính cách trầm tĩnh, thẳng thắn, sống có nhân cách nên hắn có ảnh hưởng đến nhiều sinh viên khác trong trường.
  Còn em, nhìn em người ta biết thừa là cô gái lá ngọc cành vàng, được chiều chuộng từ bé. Em dư dả kiến thức sách vở, nhưng lại non nớt và bỡ ngỡ với cuộc sống ngoài đời.
  Em và hắn có chung sở thích đọc các tác phẩm văn học cổ điển nước ngoài. Cũng vì chung sở thích mà em và hẳn trở nên thân nhau. Học lực em khá, tiếp thu nhanh nhưng chểnh mảng nên không mấy khi kiểm tra bài được điểm cao. Hắn thỉnh thoảng góp ý em nên chăm chỉ hơn để tốt nghiệp có cái bằng khá giỏi, em chỉ cười khì…
 Nhìn em có người thảng thốt vì đôi mắt đẹp,trong sáng cuốn hút người ta bởi cái nhìn ngây thơ, thánh thiện. Một đôi lần hắn nhìn em mặt nghệt ra, đến lúc em bảo “anh nhìn gì mà khiếp vậy” hắn mới bừng tỉnh xấu hổ cười trừ, ấy thế mà vẫn không  định nghĩa nổi ở đôi mắt ấy ẩn chứa những gì mà có sức  lôi cuốn không thể cưỡng lại được.                                               
  Một lần, trên hành lang vắng vẻ của trường, em đi trước, không biết rằng hắn từ trong phòng đi ra, tay cầm cuốn truyện bỗng hắn cất tiếng gọi:                                        1
 -“Katiusa”. Em quay đầu nhìn lại không hiểu, nhưng thấy hắn cầm trong tay cuốn truyện, em đến bên giằng vội rồi hấp tấp giở xem bìa sách vừa cười vừa kêu lên:
  - Ôi! “Phục sinh” và thế là chạy biến về phòng không một lời hỏi mượn.                                              
  Ba ngày sau, cũng lại trên hành lang nhà trường em nói cho hắn biết:
  - Em không đồng ý anh gọi em bằng cái tên “Katiusa” đâu nhé! Hắn cười và bảo:
  - Em thử soi gương xem đôi mắt của em có giống mắt nàng “Maxlova” trong truyện Phục sinh của Lev Tolstoi không? Họ bắt đầu chuyển sang trao đổi về tác phẩm và nhân vật. Cứ thế họ đến với nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Lúc hờn dỗi dấm dẳn, lúc hẹn hò..càng lâu em cảm nhận ra rằng nơi ấy, hắn, là bờ vai để có thể ngả vào những lúc em yếu lòng.                                        
  Vài lần giận nhau để rồi họ xích lại gần nhau hơn. Nhớ có lần em giận hắn, nhất định không gặp và không nói chuyện, nhưng chỉ được ba ngày, không chịu nổi nỗi nhớ cồn cào trong tâm can, em đành phải làm lành bằng cách viết hai câu thơ Chinh phụ ngâm vào giấy với ý trách: “Xanh kia thăm thẳm từng trên/Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”, rồi kẹp vào vở ghi bài của hắn. Hắn đọc xong mà nước mắt cứ muốn trào ra, thì ra em đã trách mình “gây cuộc binh đao” hắn nghĩ, rồi vội vàng đáp lại bằng hai câu Kiều: “Dù cho vật đổi sao rời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh”, hắn muốn nhận sai về phần mình nhưng không quên nhắc khéo em dù thế nào đi nữa cũng “giữ lấy lời thề tử sinh”. Thế rồi họ lại về bên nhau để bù đắp lại những ngày giông bão.
  Tình yêu của em và hắn đẹp, trong sáng, không vụ lợi, không toan tính. Họ bỏ qua những rào cản về hoàn cảnh, về gia đình, dự định khi ra trường ổn định công tác sẽ báo cáo tổ chức và gia đình để lo chuyện cưới hỏi.
                              *  *  *                          
                                                                                                                                                                             
Bốn năm học sắp kết thúc, sinh viên chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp hoặc bài thi (nếu không đủ điều kiện viết luận văn). Hắn có ý thức chuẩn bị từ những năm đầu khoá học, nên không khó khăn gì để hoàn thành một luận văn mà dưới con mắt của các thầy đều đánh giá là xuất sắc.
  Trò đời, trời không chiều lòng người, hắn có quyết định trở lại                                              
chiến trường ngay cùng một số cán bộ làm nòng cốt xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác luật pháp chuẩn bị cho sau ngày giải phóng.
  Nhận được quyết định hắn bàng hoàng, hẫng hụt, mọi dự tính cho tuơng lai đều đổ vỡ. Hắn không dám chia sẻ với người yêu,chỉ khi em nhìn thấy thần sắc hắn thay đổi, em gặng hỏi nhiều lần, hắn đành nói thật:
  -Anh phải trở lại chiến trường. Nghe được tin sét đánh, em lẩy bẩy như cò gặp bão, bỏ ăn, nằm sụp như người ốm, không khóc mà nước mắt lúc nào cũng trào ra.
Đến cơ sự này hắn xác định phải cứng rắn để vực em qua cú xốc trời giáng. Cũng chẳng còn thời gian báo cáo tổ chức và gia đình để làm đám cưới.
  Trong những ngày gấp rút chuẩn bị lên đường, hắn cố gắng chăm sóc, bù đắp tình cảm cho em, chỉ với một điều nghĩ rằng không lâu, em phải chịu một mất mát quá lớn không chắc gì đứng vững!
  Trong tâm trí em, chỉ duy nhất một điều: chắc gì anh ấy còn sống trở về. Chiến trường nơi hòn tên mũi đạn, lại đang trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh! Lúc nào trong đầu em cũng với một câu hỏi: “liệu anh còn để trở về với em không?”
  Như hiểu được suy nghĩ của nhau, họ dành cho nhau tất cả, những vật chất và tinh thần mà họ có. Thế rồi cái gì đến cũng phải đến. Em dâng trọn trinh tiết cho tình yêu, không đắn  đo, toan tính. Lúc  đầu hắn cố  gắng  kìm nén tình cảm vì thương em, nếu một mai phải phơi xương nơi chiến địa biết đâu lại làm khổ em, nhưng rồi lý trí không thắng nổi bản năng, nhất là trong hoàn cảnh này.
  Ngày lên đường hắn không dám nói cho em biết, chỉ dám viết một phong thư và nhờ một người bạn mang đến trao cho em sau khi hắn đi rồi.                                               
  Nhận  được thư em không khóc, dường như em biết chắc giây phút này sẽ đến! Em câm nín, rời xa chỗ đông người, đi, về, đến lớp lặng lẽ như một cái bóng.
  Kẻ đi, đã đi xa nặng nề mang theo hình ảnh đôi mắt nàng “Maslova”. Người ở lại buồn như một cái xác không hồn. Trong khi chờ bổ nhiệm công tác em về thăm gia đình, thăm bà Viện trưởng.
  Phần buồn nhớ người yêu, phần tàu xe trắc trở, về đến nhà em chỉ nằm không buồn ăn uống, chuyện trò gì. Thấy con buồn bã xơ xác, bà Viện trưởng gặng hỏi, em đành nói hết sự thật. Nghe xong mẹ cũng se sắt lòng dạ, trước tình cảnh của con như thế người mẹ nào mà không lo lắng động lòng xót xa! Nhưng rồi bà phải tìm ra giải pháp ngõ hầu tháo gỡ bế tắc cho con, cho chính bản thân bà và gia đình.
  Với kinh nghiệm của người mẹ, bà biết chắc con mình đã có thai, lúc đầu bà cũng lo lắng khuyên con nên phá bỏ cái mấm sống đang hình thành mỗi ngày một lớn trong bụng. Nghe thấy thế em há hốc mồm, mắt dại đi như một con thú bị dồn vào đường cùng, em phản kháng theo bản năng. Khi tĩnh trí  lại em cũng không thể nào đang tâm phá bỏ kết quả tình yêu đã có giữa em với người mình yêu – dẫu có phải đánh đổi bằng cả mạng sống!
  Cả một tình yêu đẹp, kéo dài suốt bốn năm trời, sao lại có kết cục bi thảm thế này? Em nghĩ, tại sao ông trời lại cứ bày trò để hành hạ những người lành hiền yếu đuối như em, cho em nếm vị ngọt của tình yêu thế rồi đang tâm hắt bỏ trước mặt kẻ đang khát khô họng. Em bất lực trước mọi trò đùa của Tạo hoá!
  Biết lòng con sắt đá, tôn thờ mối tình đầu như một kẻ cuồng tín, bà Viện trưởng lại tìm một giải pháp khác. Ép con lấy chồng! Miễn là con gái có chồng thì thanh danh của bà mới được toàn vẹn.
  Bà cũng đã dặt ra nhiều giả thiết: Liệu người yêu của con gái bà có còn để trở về với mối tình đầu không? Một người con gái không chồng  mà có con thì cơ quan nào nhận nó vào làm việc, dù bà có dùng thanh thế của mình thì vị trí làm việc của con chắc gì được xứng đáng! Bây giờ người ta sống sợ vì dư luận, nhưng thân bại danh liệt cũng bởi dư luận. Muốn giữ danh dự cho gia đình và danh tiết cho con, vô tình bà trở nên  tàn nhẫn!
  Cuối cùng thì hôn nhân vẫn đến với em!
  Đêm tân hôn, thực sự vừa hổ thẹn vừa đắng cay, hổ thẹn bao nhiêu với người chồng mới thì đắng cay bấy nhiêu với cuộc đưa tang mối tình đầu.
 Tại sao em phải làm như thế - Tại ai? Tại ai! Tại sao hai người đàn ông em gặp trong đời, họ làm gì nên tội mà em lại phản bội và lừa dối họ? Cay đắng bao nhiêu thì càng tủi hổ bấy nhiêu.         
                                                 
                                 *  *  *
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lanviphong

Xem nội dung mở đầu của chuyện xong thấy nó hay quá nhưng sao lại có dòng cuối "Tại sao em.... hổ bấy nhiêu"  liệu có yếu tố sắp đặt hay không. Không ai biết tương lai của mình cả mọi người chỉ có thể biết được mình những việc đã sảy ra thôi. Nhưng tác giả lại viết chuyện sắp đặt như là một hồi ký nên làm cho tính hấp dẫn mất đi. Người xem không còn tò mò nữa. Không biết viết như thế ban Tùng văn thấy thế nào
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]