Trang trong tổng số 73 trang (726 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Lâm Nguyệt

BỐN MƯƠI NĂM...
Thân tặng các bạn Giáo viên
đã và sẽ về nghỉ hưu.

Bốn chục năm trường dạy học, sống xa em,
Nằm giường cá nhân, ăn cơm tập thể,
Ngày tám tiếng "ngọc vàng", không kể, (1)
Anh còn đêm đêm thao thức, miệt mài...
Bốn mươi năm trọn vẹn hiến dâng đời:
Tri thức trong đầu, nhiệt tình trong ngực,
Anh đã dốc bao nhiêu tâm lực,
Từ cơ năng, đến lời nói, giọng cười,
Vì thế hệ tương lai, vì sự nghiệp "trồng người",
Không một chút đắn đo, tính toán;
Mặc tuổi trẻ, tình yêu và năm tháng
Đã trôi qua, như một kẻ vô tình...
Bốn mươi năm, ngồi ngẫm lại đời mình -
Đời Thầy giáo - anh được gì, em nhỉ?
- Cái danh hiệu "vô cùng cao quý"
Và "vô cùng sáng tạo" đó, em!

Nay trở về...
Sống giữa cuộc đua chen,
Người ta lấy bạc vàng làm giá trị;
Anh đâu sẵn bạc vàng!
Anh đâu còn son trẻ!
Bước đường xa, chân cũng chậm rồi!
Duy trên môi, còn thoáng nụ cười
Bao đau khổ, vui buồn hằn đọng lại
Trên khuôn mặt học trò thuở ấy,
Đưa bàn tay quen cầm phấn cho em...
Bốn mươi năm trở về,
Như cái buổi đầu tiên...

20-11-1990,
BÙI XUÂN LÂM.

(1) Thời đó, 8 giờ làm việc trong một ngày gọi là "8 giờ vàng ngọc".
LNg.BXL.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lâm Nguyệt

TRƯỜNG CŨ *
Thân tặng các bạn Giáo viên và các em Học sinh
đã công tác và học tập tại trường PT cấp III Tạ Uyên,
Yên Mô, Ninh Bình (từ 1964 đến 1971).

Tôi trở về thăm vùng đất cũ,
Một thời trường huyện đóng nơi đây,
“Tạ Uyên” - hai tiếng thân yêu đó
Ấp ủ trong lòng mãi chẳng khuây!

Đường rộng, xe bon, chiều xuống chậm,
Đồng quê, xuân đã sắp qua rồi,
Bốn bề, ngô lúa lên xanh mượt,
Làng, phố chen nhau, thoáng bóng người...

Ba bốn chục năm, như gió thoảng,
Biết bao thay đổi, có ai lường!
Phi-lao mấy gốc nghiêng nghiêng bóng:
Nhân chứng nơi đây một mái trường!

“Tạ Uyên” đây nhỉ? Ôi thương mến!
Người cũ, còn ai, đã mất ai?
Bè bạn, học trò... xa hết cả!
Nôn nao kỉ niệm tháng năm dài...

Lớp học năm nào, đâu thấy nữa!
Thay vào: nhà xưởng của ai đây?
Cổng trường khi trước, tên kiêu hãnh,
Nay biển công ti, khéo đặt bày!

Hồ nước trong xưa, ta tắm gội,
Giờ đây phủ kín những rong bèo.
Sân trường thuở ấy vui như hội,
Nay nửa phơi hàng, nửa mọc rêu...

Trường cũ đã đi vào dĩ vãng,
Thời gian mải miết nước qua cầu,
Người xưa chẳng khác con thuyền mộng,
Bến bãi lở rồi, biết cặp đâu?

Tôi đứng lặng nhìn khu đất cũ,
Lòng nghe nặng trĩu những ưu phiền;
Nhưng trong sâu thẳm miền tâm tưởng,
Vẫn sáng ngời ngời một “Tạ Uyên”!

02-4-2005, Ất Dậu,
BÙI XUÂN LÂM.

* Trường Tạ Uyên (cũ) thành lập 1964, đến năm 1971 thì chia làm hai trường Yên Mô A (đặt ở Khánh Thượng)
và Yên Mô B (đặt ở Yên Mạc). Địa điểm cũ hiện nay là của một công ti kinh tế (đối diện với trường Tạ Uyên mới).
Bài thơ này được sáng tác trước khi trường THPT Tạ Uyên (mới) ra đời.
LNg.BXL.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi-Minh-Trí


BAN CN giới thiệu tiếp trang thơ Nhà giáo đăng trên Báo Người Hà Nội ngày 10/5/2013:

Nhà giáo Hồng Phúc
HOÀNG HÔN TRÊN CẦU THANH TRÌ

Mặt trời ngủ cuối dòng sông
Cầu nghiêng soi bóng má hồng nghiêng che
Gió nồm âu yếm vuốt ve
Ngô non bãi Giữa vẫy tre Bát Tràng
Sếu bay – vệt mực vẩy ngang
Sáo diều vi vút trên làn mây xanh
Thuyền xuôi – liền chị, liền anh
Ba tầm lúng liếng, chòng chành khuôn trăng.


Nhà giáo   Đỗ Thanh
TÌNH YÊU CỔ TÍCH

Cơn gió lạnh mùa đông vừa chợt tới
Em giờ này không biết ở nơi nao
Ghế đá cũ chỗ em ngồi dạo ấy
Anh vẫn dành một nửa  - phía niềm đau.

Thu đã đến rồi lại đi mải miết
Thu song hành, tồn tại cùng em
Ba năm trọn buồn vui khôn kể xiết
Phía hồ xa, tơ liễu vẫn buông rèm.

Anh rất muốn được ở bên em mãi
Ngắm em nhìn, em nói, em nghe
Đi bên em, đường dài như ngắn lại
Dặm đường khuya heo hút bóng em về.

Anh muốn dệt một Tình yêu Cổ tích
Hai đứa mình đẹp mãi ở trong tranh
Cuộc sống dẫu chưa một ngày toàn bích
Cây bên đường, hoa lá mãi tươi xanh.


Nhà giáo Bùi Thị Hạnh
HOA TÌNH ĐẦU

Vỏ trầu vẫn đỏ mùa đông
Người đi ngày ấy sao không thấy về
Thời gian cứa nát câu thề
Để lòng em vẫn bộn bề nhớ thương.

Mình em đi khắp muôn phương
Với câu hát cũ lời thương ngày nào
Lời vàng đã rớt xuống ao
Đêm đêm mơ tưởng… mò sao trên trời.

Yêu chi yêu suốt một đời
Chỉ mong người nói một lời trăng suông
Mối tình ngâu vẫn còn vương
Ngàn năm lã chã buồn thương tình đầu.

Người ơi – người có biết đâu
Dầm sương gió bấc giàn trầu vẫn xanh
Hoa cau vãn thức năm canh
Hoa tình đầu vẫn là… nhành tình non!

Tinh hoa kiến thức ở đời
Ta xâu chuỗi lại trao người bước sau
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

KIM QUY

Ta lại tìm về
Ta lại tìm về với bảng đen
Với trường với lớp vốn thân quen
Nét phấn vẹn nguyên tròn ngay ngắn
Và cả niềm tin trong mắt em

Xa trường mải miết khắp muôn nơi
Cuộc sống mưu sinh nẻo lần hồi
Mỏi cánh chim chiều lòng vẫn nhớ
Nơi ấy bao ngày đẫm mồ hôi.

Thời gian mòn mỏi lãng đãng trôi
Đàn em tung cánh khắp phương trời
Con đường tri thức thênh thang bước
Gom nhặt cho đời dạ thảnh thơi.

Ta lại tìm về dấu vết xưa
Đường mòn một thuở dưới nắng mưa
Qua cánh đồng làng bao nhung nhớ
Vội vã đi về những sớm trưa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Xuân Lộc

   CẢM NHẬN NGẮN VÀ HỌA THƠ THI SỸ THANG NGỌC PHO
(Tham luận sẽ được đọc tại buổi bình thơ thi sỹ Thang Ngọc Pho ở Thư viện Hà nội, sáng 19-07-2013)
    Cách đây hơn một năm,có người bạn nhờ tôi đưa đến thăm anh Thang Ngọc Pho đang bị ốm.Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh và cũng từ hôm ấy chúng tôi trở thành những người bạn (dù là bạn vong niên và dù rằng anh là giáo viên văn kỳ cựu,thơ phú đầy mình,còn tôi – một tâm hồn xơ cứng bên môn toán khô khan!).
    Tôi đã đọc kỹ các tập thơ của anh và có nhiều cảm nhận , nhưng cảm nhận sâu đậm nhất là : CHẤT TRỮ TÌNH LÃNG MẠN luôn thấm đẫm và lai láng trong thơ anh.
     Trong Cõi Tạm của chúng ta , những người sống hiền lành phúc hậu thì mai rày xuống cõi Vĩnh Hằng sẽ thành Tiên thành Phật ; những kẻ bạc ác sau khi chết sẽ thành quỷ miền Âm ty.Còn anh – một lãng tử si tình thì sao:
    Còn tôi sống kiếp tình si
Mai ngày không biết hồn đi đường nào
    Bắc thang lên hỏi Nam Tào
Phán rằng hồn hóa thành sao ái tình (Sao ái tình).
    Anh quê ở Nam Định,nơi có chợ Viềng rất độc đáo : Mỗi năm chợ chỉ họp một đêm duy nhất (suốt đêm mồng 8 tháng giêng âm lịch).Độc đáo hơn nữa : người ta đi chợ Viềng không phải để mua các vật dụng nhu yếu phẩm, mà là để bán đi cái rủi và mua về sự may mắn.Chúng ta cùng xem nhà thơ nhà giáo Thang Ngọc Pho đã mua gì ở chợ này:
    Còn tôi mua một cây si
Đem về trồng giữa lối đi nhà nàng (Chợ Viềng).
     Khi vui anh uống rượu.Lúc buồn – cũng như người xưa,anh lấy rượu để giải sầu “khử sầu duy hữu tam bôi tửu”.Anh còn dùng rượu khi nhớ nàng:
    Nhớ em
                 uống rượu cho khuây
Rượu cay cạn hết,nhớ đầy tràn ly.
Mà không nhớ nàng sao được:
    Cảm ơn tạo hóa dụng công
Ban cho nàng một đường cong tuyệt vời
    Để cho ngơ ngẩn hồn tôi
Xa nàng-đầy ắp một trời nhớ thương (Đường cong)
     Không hề dấu giếm, anh đã “khoe” niềm sung sướng khi được đắm mình trong giây phút cộng hưởng giữa say rượu và say tình:
    Rượu rót vào bao tử
    Tình rót vào trái tim
    Rượu say người ngất ngưởng
    Tình đắm hồn phiêu linh
                   ---
    Say rượu và say tình
    Hai cái say cộng hưởng
    Đất trời thành lung linh! (Say)

    Nếu như trong Ca dao,chàng thanh niên đã tự nhận:
    Người ta câu bể câu sông
Tôi đi câu lấy con ông cháu bà
thì anh cũng đã không úp mở việc việc đi nghỉ mát để đơm hoa hồng:
   Ta đi nghỉ mát Sầm sơn
Đem theo chiếc đó để đơm hoa hồng
    Hoa hồng bãi biển mênh mông
Chiều nào cũng vác đó không trở về (Đơm hoa)

    Vui là thế,hài là thế,nhưng nhiều đêm nhà thơ cũng có lắm tâm tư:
    Ban ngày vợ vợ con con
Nửa đêm thao thức chỉ còn mình ta
    Bầu trời muôn vạn sao sa
Nửa đêm một mảnh trăng tà bơ vơ! (Nửa đêm)
                            ----------
Càng đọc thơ anh, tôi càng lịm đi giữa một trời lãng mạn,giữa một biển ái tình.Với cảm xúc dào dạt ấy,tôi đã họa nhiều bài Đường thi của anh.Hôm nay xin phép ghi lại dưới đây hai trong những bài họa ấy:

          M ẤT
Mất em đau xót biết bao ngày
Thao thức hằng đêm vóc dáng gầy
Chẳng ngậm bồ hòn sao cũng đắng
Không ăn ớt gió thế mà cay
Vui xài một xị lòng không tỉnh
Buồn uống mươi ly dạ chửa say
Duyên nợ buông lơi từ kiếp trước
Dạ tràng xe cát bỗng thành mây.
                       Thang Ngọc Pho

            BUỒN
Chẳng thể nào nguôi những tháng ngày
Mất em độ ấy mãi hao gầy
Đêm dài thương nhớ tràn chua xót
Ngày ngắn u sầu ngập đắng cay
Duyên cũ còn lưu bao vị đắng
Tình xưa vẫn đọng lắm niềm say
Em đi để một trời hiu quạnh
Đành chép thơ buồn gửi gió mây…
                          Xuân Lộc

          THƠ
Óng ả mượt mà những sợi tơ
Lời vàng ý ngọc dệt thành thơ
Bao người trầm mặc chìm sông mộng
Khối kẻ đa sầu đắm biển mơ
Nhiều chị si mê thành ngốc nghếch
Lắm anh say đắm hóa ngu ngơ
Sao mà kỳ diệu phiêu linh thế
Từ thuở xa xưa đến tận giờ
                  Thang Ngọc Pho
         
          TÌNH
Từ khi bà Nguyệt kết duyên tơ
Nhung nhớ khơi nên vạn ý thơ
Thao thức bao đêm chàng chỉ mộng
Bâng khuâng lắm tối thiếp luôn mơ
Năm hò bảy hẹn lòng say đắm
Chín dợi mười chờ dạ ngẩn ngơ
Tự thuở Hồng hoang xa lắc ấy
Tình yêu cháy mãi đến bây giờ!
                    Xuân Lộc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thơ Nhà Giáo

Sáng ngày 17/5/2013, CLB Thơ Nhà giáo phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề
" CẢM NHẬN THƠ HỒ CHỦ TỊCH".
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 30 bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo và các thi huynh thi hữu.Buổi sinh hoạt đã được tổ chức một cách chu đáo với nội dung bao gồm nhiều thể loại: Bài giới thiệu chung thơ Hồ Chủ tịch, các bài bình thơ, các bài cảm nhận, các bài hoạ thơ và các bài thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch.
BCN giới thiệu hình ảnh Pano chủ đề buổi sinh hoạt trên Sân khấu Hội trường và ảnh chủ nhiêm CLB Bùi Minh Trí (mặc quần đen áo trắng) cùng thi hữu Đăng Cang ở buổi sinh hoạt đó.

https://lh3.googleusercontent.com/-x1S20gM_1c4/UaQCmgzYvtI/AAAAAAAAAcI/UDt0IDP7dlY/s512/C%25E1%25BA%25A3m%2520nh%25E1%25BA%25ADn%2520th%25C6%25A1%2520HCT.jpg

Sau đây là bài phát biểu của BMT:

       ĐÔI ĐIỀU TÌM HIỂU VÀ CẢM NHẬN THƠ HỒ CHÍ MINH
                                                                          Bùi Minh Trí
            
         Từ mục đích làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giành toàn vẹn chủ quyền non sông, Hồ Chủ tịch trở thành một nhà thơ lớn của thời đại.Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn trên Thế giới và trong nước đã đánh giá rất cao thơ của Hồ Chủ tịch, nhất là những bài thơ cổ vũ phòng trào giải phóng dân tộc và giải phóng những người nô lệ.
        Những áng thơ văn bất hủ của Người như Nhật ký trong tù (1942),Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Di chúc (l969), cùng với bài thơ “thần” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, mãi mãi khắc chữ vàng đánh dấu những mốc son lịch sử rực rỡ dựng nước và giữ nước của dân tộc.Chủ tịch Hồ Chí Minh không có ý định trở thành nhà thơ, hay sáng tác thơ để lưu danh thiên cổ. Người làm thơ chỉ vì khát vọng thực hiện mục tiêu cách mạng độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội. Thơ của Người hết sức đa dạng và phong phú. Có thể thấy (theo ý kiến cá nhân tôi)thơ Hồ Chủ tịch gồm có ba mảng lớn: Thơ vận động quần chúng tuyên truyền cách mạng, thơ nói lên ý chí cách mạng và thơ cảm hứng trữ tình, trong đó có thơ tiếng Việt, thơ chữ Hán.

      Thơ vận động quần chúng tuyên truyền cách mạng là những bài diễn ca súc tích, dễ hiểu, nắm bắt sâu sắc tình cảm, tâm lý từng loại đối tượng, tuyên truyền các tầng lớp đồng bào đứng lên đánh giặc cứu nước trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh. Trong bài Ca dân cày, ngày câu mở đầu Bác đã nói đến tình cảnh vất vả cực nhọc của người nông dân và nỗi đồng cảm của mình: “Thương ôi, những bạn dân cày/ Chân bùn tay lấm suốt ngày gian lao”. Tiếp mạch thơ ấy, Bác nói rõ hơn nỗi thống khổ của họ:”Lại còn phu dịch tuần phiên/ Làm chết xác được đồng tiền nào đâu”. Bởi vậy khi Bác khơi gợi, thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn và vùng lên đấu tranh là lẽ tự nhiên: “Muốn phá sạch nỗi bất bình/ Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào”. Lời thơ giản dị mộc mạc dễ đi sâu và lòng người nông dân nghèo, mà dưới ách nô lệ của thưc dân phong kiến đại đa số còn mù chữ. Còn đối với công nhân, Bác có bài Ca Công Nhân hay là Thợ thuyền ta phải đứng ra. Thời trai trẻ để hoạt động cách mạng Bác đã từng làm phụ bếp đốt lò, quét tuyết, làm in ấn nên Bác đồng cảm ngay với họ:“ Công nhân sức mạnh nghề quen/ Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ/ Mà mình quần áo xác xơ/ Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm/ Lại còn đánh chửi tần phiền/ Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua”. Vì thế Bác kêu gọi công nhân:“Thợ thuyền ta phải đứng ra/ Trước là cứu nước, sau ta cứu mình”. Muốn thế cần có một tổ chức, thì đó chính là Mặt trận Việt Minh:“Cùng nhau vào Hội Việt Minh/ Ra tay tranh đấu hy sinh mới là”. Cách thức tuyên truyền cách mạng bằng thơ ca của Bác thật dễ đi vào lòng người, nhất là vào hai giai cấp công nhân và nông dân bị áp bức bóc lột thậm tệ nhất và cuộc sống cùng cực nhất.

     Về thơ nói lên ý chí cách mạng trước hết phải kể tới Tập thơ NHẬT KÝ TRONG TÙ.Tập thơ này nói lên tâm sự của người cách mạng đang nung nấu ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, lại vô cớ bị bắt, bị nhục. Bởi vậy ngay từ bài thơ đầu tiên, bài thơ Khai quyển, Bác đã nói đến hai chữ tự do:“Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. Và bài Vọng nguyệt (ngắm trăng) với bản dịch: “Trong tù không rượu, cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” thể hiện phong thái ung dung tự tại, lạc quan yêu đời, yêu tự do của Bác. Đặc biệt là lời đề từ cho tập thơ là bài Tinh thần càng phải cao, với hình vẽ hai nắm tay mới là ý chủ đạo nêu ra tinh thần cảm hứng của cả tập thơ với ý chí và tinh thần cách mạng của Bác:“Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại”, đã được Nam Trân dịch là:”Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ tinh thần càng phải cao”.Tinh thần muốn có được phải qua rèn luyện như là:“Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công”( bài Nghe tiếng giã gạo).Tinh thần lạc quan cách mạng của Bác thể hiện ở từng ý thơ trong bài thơ Giải đi sớm (Nam Trân dịch):“Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn quét sạch không/ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng”.Tương phản giữa rạng đông màu hồng với đêm tàn là những nét vẽ đặc sắc thể hiện được hình ảnh người chiến sĩ cách mạng có một tâm hồn cao đẹp với ý chí đấu tranh quét sạch những tăm tối vì một rạng đông ấm no hạnh phúc cho nhân dân.Trong tù không ngủ được, trằn trọc băn khoăn vì việc nước:“Một canh…hai canh lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành”. Nhưng vừa chợp mắt thì ” Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”(bài "Không ngủ được"), đó là ánh sáng kỳ diệu của tâm hồn và lý tưởng cách mạng bừng lên trong thơ Bác. Trong bài Học đánh cờ, Bác đã nói lên ý chí kiên quyết không ngừng thế tiến công:“Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/Kiên quyết không ngừng thế tiến công/Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng nên công”.Người xưa nói “ Văn là người”. Đối với người làm cách mạng thì Bác nói rất rõ ràng như một lời hiệu triệu:“Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”(bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi).Ánh sáng của chất ''thép'' và chất ''tình'' kỳ diệu, thể hiện trong từng câu,từng chữ từ những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù , chắc chắn sẽ còn soi sáng tâm hồn nhiều thế hệ mai sau, như nhà thơ Hoàng Trung Thông nói:“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn toả rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.                                                                              
       Thơ cảm hứng trữ tình 1à những bài thơ được sáng tác tại Việt Bắc thời kỳ tiền khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp. Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên và con người.Thiên nhiên dưới con mắt của Bác rất sống động và phong phú, tâm hồn và thơ của Người tràn đầy ánh trăng.Người diễn tả phong cảnh bằng những lời thơ rất tế nhị mà đằm thắm: ”Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (bài Cảnh khuya). Cách so sánh tu từ Tiếng suối “trong” như “tiếng hát” và ánh trăng soi vào cây cổ thụ tạo ra những khoảng sáng tối như các chùm hoa lồng vào nhau, khiến cảnh sắc đẹp và sinh động. Đói với thiếu niên nhi đồng, Người từng khẳng định:”Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”.Người nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:”Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn,ngủ,biết học hành là ngoan” (Kêu gọi thiếu nhi -1941).Người có thơ cho thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu:”Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”(Thư Trung thu 1951).Và đây là bài thơ Tặng các cụ phụ lão (1960):”Càng già càng dẻo càng dai/Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai/Đôn đốc đàn em làm nhiệm vụ/Vuốt râu mừng xã hội tương lai”.
                              Đặc biệt, Bác có những bài thơ đầy cảm xúc về mùa xuân nơi chiến khu, cảm xúc khi nghe tin thắng trận. Mùa xuân là mùa đẹp nhất của một năm. Đó là mùa cây cối tốt tươi, trăm hoa đua nở, mùa của các lễ hội văn hóa và tâm linh... Thơ xuân của Bác thường gần gũi, thân thương nhưng cũng vô cùng tinh tế, sâu sắc và hàm chứa nhiều triết lý. Bài thơ luôn được nhắc tới là bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng-Bản dịch của Xuân Thủy):“Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Đây là một bài thơ tứ tuyệt, một tác phẩm thơ hay nhất của Hồ Chủ tịch  và có thể  nói là một trong những tác phẩm hay nhất của nền thơ ca Việt Nam nói chung về mùa xuân. Với hai câu đầu, Bác đã vẽ nên một bức tranh thủy mặc đẹp đến xúc động lòng người. Ta thấy như hiện lên trước mắt dòng sông và ánh trăng sống động, thanh khiết cùng với con thuyền... như hòa quyện vào nhau và đầy chất lãng mạn. Một đêm xuân, từ "rằm xuân", qua "sông xuân" đến "trời xuân" không gian xuân mênh mông vô tận, dưới ánh trăng lồng lộng tình xuân thật là lai láng. Tứ thơ đột ngột xuất hiện ở câu chuyển - câu thứ ba; theo cụ Trần Trọng Kim, thơ tứ tuyệt “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước”. Bác chuẩn bị kết bằng một câu uyển chuyển“Giữa dòng bàn bạc việc quân”, nhắc cho thi nhân nhớ đến việc thực hiện công việc hệ trọng của đất nước, đề của thơ sáng tỏ, tình của thơ thêm sâu và do đó câu kết thật là thi vị “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.Và đây là những nét vẽ bằng thơ, cho ta thấy cảnh Pắc bó hùng vĩ :”Non xa xa,nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê Nin,kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”. Trong bài Tin thắng trận, (năm 1948) Bác viết: ”Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau/”. Đó là chất trữ tình của cuộc sống chiến đấu vất vả gian lao. Và rồi:”Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu/ Ấy tin thắng trận Liên khu báo về”. Cái mơ và cái thực đan xen vào nhau, lời hay tứ đẹp làm cho bài thơ thật là đẹp và sống động.Trong bài Cảnh rừng Việt Bắc, Bác Hồ nhìn Việt Bắc với một tình thần lạc quan và thi vị. Cảnh sắc rừng Việt Bắc thật là đẹp và vui với "Vượn hót chim kêu suốt cả ngày" và "Non xanh nước biếc tha hồ dạo". Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ thiếu thốn, nhưng Bác và đồng bào, chiến sĩ đã tạo ra  một cuộc sống phong lưu và ngập tràn vui vẻ "Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay". Không những thế tấm lòng với Việt Bắc luôn luôn là thủy chung, sau này khi thắng lợi vẫn không quên "Kháng chiến thành công ta trở lại". Càng về sau, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc càng ác liệt, công việc của Bác càng nhiều và cấp bách hơn. Xuân trong thơ Bác luôn gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Đối với Bác mùa xuân nở hoa độc lập, kết quả tự do mới chính là mùa xuân đích thực. Cứ mỗi độ xuân về tết đến, Bác lại tranh thủ dành cho xuân và cho toàn thể đồng chí, đồng bào những bài thơ xuân (Thơ chúc tết) ấm áp tình cảm, chan chứa niềm tin. Xuân trong thơ có sức mạnh và khả năng kỳ diệu là kéo chiến thắng về gần hơn với toàn dân tộc:”Xuân này kháng chiến đã năm xuân/Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công”. Mùa xuân và những lời động viên của Bác luôn lay động lòng người sâu sắc. Với sức mạnh và sự diệu kỳ của mùa xuân, "Toàn dân ta quyết một lòng/ Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời"(Thơ chúc tết 1951).Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, Bác đã viết:”Xuân về xin có một bài ca/Gửi chúc đồng bào cả nước ta/Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/Tin mừng thắng trận nở như hoa!”(Thơ chúc tết 1967).Và đây là bài thơ chúc tết cuối cùng, như tiếng kèn xung trận báo hiệu trước thời kỳ chuẩn bị tổng phản công:”Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên!Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn! “ (Thơ chúc tết 1969).
       Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là những bản hùng ca chiến đấu, vừa là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa là vũ khí trong công cuộc chống kẻ thù xâm lược, vừa biểu hiện của một tâm hồn đầy nhân văn và lãng mạn.Với những giá trị đó thơ của Hồ Chủ tịch đã, đang và sẽ mãi mãi có giá trị đặc biệt trong lòng người Việt Nam và nhân dân Thế giới.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi-Minh-Trí



BMT giới thiệu bài bình của nhà giáo, nhà thơ Thang Ngọc Pho về bài thơ CẢNH KHUYA của
Hồ Chủ Tịch

CẢNH KHUYA

                 Tiếng suối trong như tiếng hát xa

                 Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

                 Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

                 Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

                                            1947

                                      HỒ CHÍ MINH

Lời bình của THANG NGỌC PHO

     Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này gồm hai phần: Hai câu đầu là tả cảnh, hai câu cuối là tả người.

     Căn cứ vào ngôn từ và niên đại thì đây là cảnh núi rừng Việt Bắc một đêm trăng. Chi tiết tả cảnh bao gồm trăng, tiếng suối và cây cổ thụ.

                 Tiếng suối trong như tiếng hát xa

                 Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

     Tác giả đã miêu tả suối bằng ngôn từ chuyển cảm giác với biện pháp tu từ so sánh. “Trong” vốn là từ miêu tả cảm giác về màu sắc từ thị giác được tác giả dùng để miêu tả cảm giác về âm thanh qua thính giác. Biện pháp tu từ này cũng đã được thi hào Nguyễn Du sử dụng rất thành công trong “Truyện Kiều” khi miêu tả tiếng đàn của nàng Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Có thể Hồ Chí Minh đã kế thừa nghệ thuật này từ Tiên Điền tiên sinh. Đêm khuya tiếng chim muông chìm lắng xuống, chỉ còn mỗi tiếng suối độc tôn, không pha tạp nên âm thanh trong trẻo lạ thường và trở thành một nét đẹp độc đáo của núi rừng. Và độc đáo hơn khi tác giả dùng phép so sánh “như tiếng hát xa”. Qua phép so sánh này, tiếng suối đã trở thành tiếng hát của núi rừng. Núi rừng dược thi vị hóa trong cảm quan mang tính lạc quan của tác giả. Nếu câu thơ đầu miêu tả về âm thanh thì câu thứ hai lại miêu tả về hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Không gian trong câu thơ là một không gian nhiều tầng: tầng thứ nhất là trăng trên trời cao rộng toả ánh sáng bao trùm lên tầng thứ hai là rừng cây mà hiện diện là cây cổ thụ, rồi bóng cây cổ thụ lại trùm lên tầng thứ ba là mặt đất như là một thảm hoa. Nếu đọc liền một mạch cả câu thơ thì ta có cảm nhận hoa đây là ánh trăng lọt qua kẽ lá cây cổ thụ in trên nền đất thành một thảm hoa.  

     Chỉ với ba chi tiết là tiếng suối, trăng và cây cổ thụ mà tác giả đã vẽ nên một bức tranh toàn bích về cảnh núi rừng Việt Bắc rất đặc trưng trong đêm khuya hùng vĩ và tươi đẹp. Đây là nghệ thuật tranh chấm phá trong nền hội hoạ truyền thống phương Đông mà tác giả đã kế thừa một cách ưu mỹ.

      Nếu hai câu đầu tả cảnh thì hai câu sau tả người:

               Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ

               Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà!
      Đọc thoáng qua, ta có cảm giác hai câu này ngôn từ ít chất thơ bởi nó mộc mạc, không có một từ ngữ nào mang đặc trưng của thơ ca. Song đọc kỹ thì ta nhận ra chất thơ chính là tâm trạng của tác giả khắc hoạ trong đó mà nhãn tự là từ “lo”. Đặt bài thơ vào bối cảnh Việt Bắc năm 1947, ta thấy được tâm trạng của Cụ Hồ, người đang lái con thuyền kháng chiến. Lúc này cuộc kháng chiến đang lâm vào cảnh gieo neo. Thực dân Pháp dựa vào quân đội và vũ khí vượt trội so với ta. Chúng kéo bộ binh và pháo binh bao vây Việt Bắc phối hợp với lữ đoàn dù đổ bộ xuống chiến khu hòng đánh úp tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta. Vận  nước trong thế gieo neo, Hồ Chí Minh, người thuyền trưởng không lo sao được. Từ “lo” đã diễn tả một cách chân thực nỗi lòng của Bác. “Lo” vừa là lo lắng, “lo” vừa là lo liệu, lo toan thành ra nó mang ý nghĩa tích cực, chủ động. Thì ra Cụ Hồ không phải thức khuya  để ngắm cảnh mà vì “lo nỗi nước nhà”. Lo cho vận mệnh đất nước đến không ngủ được. Cụ Hồ đang thao thức vì dân vì nước, đang phải suy nghĩ lao lung để tìm ra chiến lược, chiến thuật hữu hiệu vượt qua khúc quành lắm thác nhiều ghềnh để đạt tới đích cuối cùng.

      Bài “Cảnh khuya” đã khắc hoạ một bức tranh núi rừng Việt Bắc bằng những chi tiết chon lọc đặc trưng. Nhưng điều quan trọng là đã khắc hoạ được tâm trạng của nhân vật chủ thể – tác giả trong bối cảnh đó. Từ đó người đọc cảm nhận được tình cảm yêu nước sâu sắc của tác giả - Hồ Chí Minh ở hai khía cạnh: thụ cảm cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp của đất nước và luôn luôn lo lắng cho nền độc lập của Tổ Quốc! Bài “Cảnh khuya” thể hiện được những đặc trưng cơ bản của thơ : thơ vừa có nhạc vừa có họa và thơ phải diễn tả được tư tưởng tình cảm của tác giả. “Cảnh khuya là một mẫu mực của thơ tứ tuỵệt trong thi ca truyền thống Việt Nam.

                                                        

                                                      Hà Nội tháng Năm 2013.

                                                           Thang Ngọc Pho

Tinh hoa kiến thức ở đời
Ta xâu chuỗi lại trao người bước sau
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Ngọc Vĩnh

Xin góp với trang giao lưu thơ nhà giáo :


           ÂM VANG TRỐNG TRƯỜNG

    Đứng chờ em ở ven đường
    Mong giờ tan học trống trường khua vang

    Một hồi báo , một hồi tan  
    Hai  hồi rạo rực đón em đi về
    Nắng mưa nào có sá chi
    Đưa nhau một đoạn khắc ghi cả đời

    Xe chạy đã một quãng dài
    Âm vang tiếng trống còn hoài bước chân
    Trống hồi dóng dục bao lần
    Cứ như ngày ấy trắng ngần tuổi thơ

    Trống ơi ! Trống đã vang chưa ?
    Mà sao lồng ngực gió ùa trong ta
    Mong cho mưa thuận gió hoà
    Những ngày rạo rực bài ca trống trường

           Phạm Ngọc Vĩnh

30/5/2013

  Dù thơ chẳng thể bay xa
Vẫn trong ký ức cùng ta tháng ngày!

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

Xin mời các bạn thơ hoạ bài thơ này của nhà giáo,
nhà thơ Nguyễn Đức Định hoặc thơ mừng để động viên
cụ.Tôi xin chuyển thơ tới cụ. Xin cảm ơn!



      Bách niên tự vịnh

Quý Tỵ xuân về náo nức vui
Nhà nhà hạnh phúc chẳng riêng ai
Chúc mừng các bậc cao niên thọ
Thanh thản bước lên bách tuế đài!

                    *

Trộm ước thầm mong tôi đã được
Song toàn đôi lão chín,* mười mươi.
Phúc nhà hùng vượng nhờ tiên tổ
Tuổi thọ vinh thăng ấy tước trời.
Con cháu chắt chung lòng hiếu thảo
Họ hàng bè bạn tặng thơ vui
Chan hoà hạnh phúc điều duy nhất
Rày ước mai ao thoả nguyện rồi!

      Xuân Quý Tỵ 2013
       Nguyễn Đức Định
  Số nhà 214 Phố Hoa Bằng
       Phường Yên Hoà
  Quận Cầu Giấy - Hà Nội

* Cụ bà năm nay 90 tuổi, khoẻ mạnh;
 Con cháu đều thành đạt.
 Cụ Nguyễn Đức Định phục hồi sức khoẻ
 sau 1 trận đột quỵ cách hơn 1 năm;
 Cụ viết tay trái, tự đi lại trong nhà.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương Kim Bằng

ĐỜI

Để tháng năm thắm tô màu rực rỡ
Bao kiếp hoa sớm nở,tối rơi đầy
Áo chị quét đường mồ hôi,phai,rách
Đời thật đẹp, sao đời lắm đắng cay?

TRĂNG

Ăm ắp đêm rằm vàng sáng lóa
Ngất ngây hạnh phúc ngỡ căng tròn.
Ai hay vò võ bao đêm khuyết
Tầm tã bao đêm nước mắt tuôn?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 73 trang (726 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối