Trang trong tổng số 73 trang (726 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyễn Xuân Lộc

       MỪNG CHỊ EM

         (Nhân ngày 8/3)



Mồng tám tháng ba khắc khoải trông

Thì nay đã đến, sướng vui không!

Năm xưa anh dũng nơi tiền tuyến

Thời mới mải mê chốn ruộng đồng

Năm nắng mười mưa nào có nản

Gian lao vất vả chẳng nao lòng

Anh hùng bất khuất muôn đời rạng

Trung hậu đảm đang hiển tổ tông!

                                       Xuân Lộc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

khitieu

https://lh5.googleusercontent.com/-V-Smo_v2NP0/UThSoM4xFfI/AAAAAAAABYw/K7xtBmIg44o/s540/Hoa-Cai_ca_HD.gif

Xin chúc mừng toàn thể các nữ Thi sĩ
Cựu Giáo chức và Giáo Chức

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cao Ngọc Châu

CHIA TAY MÙA HẠ - bài thơ ba chiều
                  Nguyễn Thị Nhân
           (Thành Công, Ba Đình, HN)
Dẫu hướng về trời đất chớm thu
Vẫn lưu luyến tiếng ve sầu cuối hạ
Phượng vĩ chiều hè còn thắm lạ
Thu đến rồi sao lại níu tay?
Trăn trở hai mùa biết viết gì đây
Câu chữ mông lung khó thành vần điệu
Dù đã biết cuộc đời đầy huyền diệu
Thơ trốn tìm bút gọi ý chưa ra
Ta thầm yêu hạ đến thiết tha
Dù đêm ngắn ngày dài nắng nỏ
Sao chưa thấy tình yêu bừng lửa đỏ
Để cho ai cứ đợi cứ chờ.
Lời bình:
       Một trong những “tiêu chuẩn” để đánh giá một bài thơ hay là có tính ẩn dụ hay là thơ không gian. Bài thơ Chia tay mùa hạ của thi hữu Nguyễn Thị Nhân đã đạt được ý tưởng đó.
      Ý thứ nhất, nếu hỏi rằng: trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mùa nào ưa thích nhất, thì đa số trả lời là Thu. Bởi Mùa Xuân có muôn hoa đua nở đấy nhưng vẫn còn khá giá lạnh và mưa dầm, ẩm ướt. Mùa Hè thì nắng lửa, giông bão và lũ lụt. Trời Thu trong xanh, mây trắng như bông, gió nhẹ, mát mẻ, tạnh ráo. Còn Đông thì buốt giá và hanh hao. Bởi vậy ai cũng mong mùa thu chóng đến. Tuy nhiên, mùa hạ là mùa nhiều trái thơm quả ngọt nhất, mùa cùng con cháu nghỉ hè, đắm mình trong biển xanh và suối ngàn mát rượi để trốn nắng. Cho nên dẫu mong thu đến nhưng không thể quên một mùa hạ đầy kỷ niệm.
      Ý thứ hai, nếu coi đời người là một năm thì: mùa Xuân là tuổi thiếu niên, mùa Hè là thanh niên, mùa Thu là trung niên và mùa Đông là lão niên. Tác giả đang ở “mùa Thu” cho nên luyến tiếc mùa Hạ là điều đương nhiên. Thanh xuân là thời kỳ tràn đầy sức sống, thời kỳ quyết định công danh, sự nghiệp và tương lai. Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của mỗi người cùng với niềm hạnh phúc tràn trể mỗi khi một niềm mơ ước gặt hái được. Và bởi vậy cũng là giai đoạn phải bỏ ra tâm lực với cường độ cao nhất. Câu “Ta thầm yêu hạ đến thiết tha, dù đêm ngắn ngày dài nắng nỏ” hàm ý nói lên điều đó, bởi vì đêm là sự nghỉ ngơi, ngày là sự lao động.
      Ý thứ ba, ý chính của bài thơ mà tác giả thầm ý thổ lộ, song không phải ai cũng cảm nhận ngay được, bởi vì nó chỉ loáng thoáng xuất hiện ở vài từ giữa bài và lóe sáng trong hai câu kết. Nhưng khi đã cảm nhận được điều đó rồi thì khi đọc lại toàn bộ bài thơ lại dễ thấy tâm của nó xoay quanh chủ đề sau đây: Đó là sự trăn trở giữa hai “đối tượng” mà ta ngầm hiểu là Hạ và Thu. Hạ  hào hoa và có giọng hát quyến rũ qua hình tượng hoa phượng thắm và tiếng ve cùng bao kỷ niệm êm đềm để Thơ “thầm yêu đến thiết tha”. Nhưng “chẳng thấy bừng lửa…để cho ai cứ đợi cứ chờ” mà khi thấy Thu đến thì lại “níu tay” khiến Thơ phải trăn trở “câu chữ mông lung khó thành vần điệu” trước khi phải quyết định chia tay với Hạ dù vẫn còn “lưu luyến” và “thắm lạ”.
       Ẩn dụ là một nghệ thuật độc đáo, để mô tả một sự vật sự kiện này người ta lấy hình ảnh của sự vật sự kiện khác; “nói mà không, không mà nói”. Nhờ nó người ta có thể thổ lộ điều khó nói, nhưng không thể không nói. Nói mà vẫn vô can. Song để thể hiện được bút pháp đó đòi hỏi nhà thơ phải giàu ý tưởng. “Chia tay mùa hạ” không chỉ hấp dẫn người đọc bởi sự ẩn dụ tinh tế mà còn có những tứ thật sắc sảo. Để diễn tả sự “bí từ bí vận, ngồi cắn bút mãi chẳng biết viết gì”, tác giả dùng câu “Thơ trốn tìm bút gọi ý chưa ra”. Từ “trốn tìm” quá “đắt”. Biết chắc chắn có từ để mô tả điều muốn nói đấy nhưng nghĩ nát óc chưa ra, giồng như biết con chim xanh đang trốn trong vườn hồng mà tìm chẳng thấy. Ngoài ra tác giả còn dùng phương pháp nhân hóa “thơ trốn”, “bút gọi”, “tình yêu bừng lửa”; sử dụng các từ láy “lưu luyến”, “trăn trở”, “thiết tha”; các tính từ vô hạn mức “mông lung”, “huyền diệu”… thể hiện tình cảm mêmh mang, bâng khuâng, sâu lắng khiến cho người đọc rung động, xao xuyến, đồng điệu.            
                                          1/10/2012
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cao Ngọc Châu

LÁI ĐÒ

Người xưa khéo ví nghề dạy học
Như lái đò chở khách qua sông
Sông rộng, dòng sâu, nước bủa mênh mông
Sóng chấp chới chắn đường đi tới
Không có đò thông đường, tiếp lối
Biết phải bơi hay đắm đuối giữa dòng ?
Khi đặt chân đến đích cuối cùng
Ngồi điểm lại những dòng sông đã vượt
Hẳn thấu ơn, cảm thông, khâm phục
Người lái đò chắp bước đường xa.
Dẫu đò đầy, lũ lớn, phong ba
Vẫn nhân ái, giao hoà, dịu ngọt
Thuyền cập bến giữa bướm vờn chim hót...
Khách qua rồi vẫn ngoảnh lại vẫy trông
Tôi yêu nghề chở khách qua sông.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thơ Nhà Giáo



THƠ CỦA CHỊ TÔI

Kính tặng chị ĐỖ THỊ THẬN
nhân ngày giới thiệu thơ chị tại Thư viện Hà Nội
ngày 07/3/2013

Hồn thơ ôm cả trời quê
Người con Kinh Bắc đường về trong tim
Tâm hồn tím biếc hoa sim
Cánh cò bay hoá cánh chim đại bàng
Thơ hay thi hữu xốn xang
"Hương quê" thơm khắp xóm làng quê hương
Chân quê rất đỗi kiên cường
Thương chồng nhớ cả ngày thường, ngày xuân
Vượt lên tất cả gian truân
Ung dung, tự tại xa gần tin yêu
Chị ơi, sớm sớm chiều chiều
Suối thơ vẫn chảy bao điều yêu thương
Cả đời chị sống khiêm nhường
Chị là Sen đẹp ngát hương quê nhà.

              Hà Nội, tháng 3 năm 2013
               PGS.TS.Lương Gia Ban

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thơ Nhà Giáo

CLB THƠ NHÀ GIÁO LIÊN TIẾP GIỚI THIỆU THƠ CÚA CÁC NHÀ GIÁO ĐĂNG TRÊN
BÁO NGƯỜI HÀ NỘI ( HỘI LIÊN HIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÀ NỘI).
BCN CLB xin giới thiệu với các thi huynh thi hữu các bài thơ đăng
trên số 12 (1416) ra ngày thứ sáu 22/3/2013

THƠ CLB ĐĂNG BÁO NHN LẦN 3

1)Nhà giáo Lê thị Tam Hà
THỨC DẬY
Ngày đi xa anh trồng khóm hương nhu
Để ở nhà em có hương thơm tóc
Cái hàng rào đỏ au hoa dâm bụt
Ngọn mởn mơ cứ ngả phía đợi chờ.

Những chiếc lộc xanh trôi về mùa thu
Hương nhu vẫn thơm vào chống chếnh
Hoa vẫn thức với khoảng trời hoài niệm
Nghe phía vườn ríu rít chạnh… lòng vui.

Rồi một chiều thao thức gió heo may
Nơi gốc cũ một nhành hương non nớt
Lựa nắng mưa, lựa bao cỏ mọc
Mắt lá gầy lựa đất đơm bông.

Và mùi thơm nín để phải lòng
Bông hương tím một màu lỡ cỡ
Tiếng dương cầm buông qua ô cửa
Phím nồng nàn đánh thức mặt trời lên!

2)Nhà giáo Phạm Lệ Hằng
THU TÂY HỒ
Trăng thu trải bạc, dát vàng
Lao xao cánh bướm lướt tràn Hồ Tây
Càng nhìn, càng ngắm, càng say
Gương soi, liễu rủ lồng mây dáng chiều.

Màn sương khói tỏa phiêu diêu
Ẩn mình dưới cánh sen yêu thắm nồng
Hương đưa man mát thinh không
Quyện vào làn gió mênh mông đất trời.

Quanh hồ lụa trải gấm phơi
Đền đài Cổ Tự nhang khơi khấn cầu
Hồ Tây biêng biếc một màu
Lạc vào Tiên cảnh nỗi sầu biến tan!

Thuyền tình neo bến mênh mang
Trăng in đáy nước, trăng tràn mi em
Ơi em, cô gái hái sen
Tình ta ngây ngất chất men Tây Hồ.

3)Nhà giáo Chu Huy
RỪNG THÔNG
Ai xui rừng thông
Mặc áo bông xanh giữa mùa đông
Thả mái tóc dài trong gió
Gài hoa tuyết vào trời mênh mông
Anh đi rừng thông
Tiếng hát ai bay lòng bâng khuâng
Có phải tiếng em ca từ quê nhà bay tới
Tiếng hát dài theo, rừng thông reo.

4) Nhà giáo Nguyễn Đăng Minh
ĐÊM TRẮNG
Trăng ở nơi đây
Thả hồn vào đêm trắng
Tôi ở nơi đây
Nỗi nhớ trắng đêm.

Đêm thức trắng
Nhớ người con gái
Mà tình yêu như tiếng sét mùa đông
Rưng rức con tim, ấm áp cõi lòng

Tôi hỏi trăng
Trăng lặng thầm tỏa sáng
Hỏi dòng Elbe lạ lẫm xứ người
Nước trong xanh lặng lẽ thế sông ơi…

Tất cả đã hòa vào đêm trắng
Đêm trắng mênh mang vô tận
Bỏ mình tôi thơ thẩn
Bên dòng Elbe thổn thức nhớ ai.

5)(Nữ) Nhà giáo ĐẶNG THỊ PHÚC
TAM ĐẢO TRONG MÂY
Mờ mờ ảo ảo núi quàng mây
Tầng bậc nương xanh áo khói dày
Cao ốc leo thang chen mái lá
Rì rào Thác Bạc gọi ai đây.

Mây ngủ sườn non tỉnh giấc mơ
Bình minh trải lụa óng đường tơ
Đồi nương phố chợ say tình khách
Mây trắng chen vào ngỏ ý thơ.

Mây bò đường phố quấn hình em
Cô gái Tràng An vẻ dịu hiền
Niềm nở em Tày chào thổ cẩm
Quàng lên vai chị hẹn cười duyên.

6)Nhà giáo NGUYỄN HỒNG PHÚC
MỘT THOÁNG HỒ TÂY
Hơi sương đẫm tiếng chuông trầm
Xôn xao mặt nước Sâm Cầm mò trăng
Quanh bờ rèm liễu buông giăng
Đàn sao bay xuống giúp trăng gội đầu.

7)Nhà giáo Nguyễn Đình Thi
VA-LEN-TIN
Một ngày, ngày của Tình yêu
Câu thơ giăng mắc vào chiều nhớ thương.
Tơ lòng càng gỡ càng vương,
Tháng ngày chờ đợi phai vương tóc thề.
Bốn mùa yêu mải yêu mê,
Va-len-tin một ngày thề cớ sao?
Nụ hồng vội gửi vội trao,
Sợ buông vạt áo yếm đào gió bay
Va-len-tin chỉ một ngày,
Sao lòng vương vấn ngất ngây men tình.

8) PGS. TS Bùi Minh Trí
GIÓ THÔNG XANH

Thu vàng ký ức còn vương
Bảng đen, phấn trắng, giảng đường nao nao
Nết người, nét chữ thanh cao
Hành trang nâng bước em vào tương lai

Nỗi niềm biết sẻ cùng ai
Chảy muôn dòng mực, miệt mài đèn song
Thông xanh vờn gió trăng trong
Bút nghiên một gánh, cây lồng bóng sân

Dù cho biến hóa chân thân(1)
Đò ngang cập bến, đường trần thảnh thơi
Tinh hoa kiến thức của đời
Ta xâu chuỗi lại trao người bước sau

Nghề cao thấu hiểu lòng nhau
Học đường tô điểm sắc màu nắng tươi
Nỗi buồn ta thả lên trời
Niềm vui san sẻ cho người thân thương

Sóng vàng lớp lớp nêu gương
Nghĩa tình tụ lại mái trường vang danh
Đầu sương bên mái đầu xanh
Nghề Thầy giữ mãi trong lành ngát hương.
________________
(1) Chân thân là thân thể thực (ý nói sức khỏe
Con người thay đổi theo tuổi tác)

9)Nhà giáo Văn Đình Ưng
MƯA ĐÀ LẠT

Không cần gió, cũng không cần giông
Cứ thế mưa, mưa qua là nắng
Những đám mây trôi trong tĩnh lặng
Rưng rưng chuyện tình đôi trai gái Lang Biang

Những đám mây thấm đẫm tình yêu
Thấm đẫm bao nhiêu nước mắt
Để thành mưa tưới ngàn hoa Đà Lạt
Cho những chàng trai hái tặng người yêu.

Và vì thế, mưa thường rơi mỗi chiều
Tắm mát cả Cao nguyên hùng vĩ
Để thêm nước cho Hồ Than Thở
Cho Thung lũng Tình yêu không cạn bao giờ

Và vì thế, mưa thường bất chợt
Thoắt đến, thoắt đi, như nắng, như sương
Tất cả vì tình yêu bất tử
Đà Lạt bồng bềnh trong nắng, mây, mưa.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi-Minh-Trí

Bùi Minh Trí xin giới thiệu với các thi huynh thi hữu bài thơ của
nhà giáo Phạm Mai Hương về tâm tinh của nhà giáo nhé!

MỘT THỜI TRONG TA

Nhớ làm sao cái thủa mới đôi mươi
Đời  đẹp thế - trang sách màu tươi rói
Phấn trắng bảng đen…mái trường quê vẫy gọi
Bài giảng đầu…bối rối …buổi ban sơ…

Những tháng  ngày – lòng tràn ngập  ước mơ
Trang giáo án chưa vương mờ vết bụi
Chẳng ưu tư - những khóc cười nông nổi
Bài giảng nào cũng nối những bờ vui….

Đã qua rồi…một thời quá xa xôi
Đời nối tiếp những chặng đường xa lắc
Bước chân qua những buồn vui thầm lặng
Vẫn nghe lòng nhắc nhớ mái trường xưa…!

Nhớ những chuyến đò qua bao nắng bao mưa
Với những ước mơ – những mùa hoa phượng nở
Những mùa thi dẫu thật nhiều gian khổ
Cứ gọi về thương nhớ tháng năm xa…

Ôi một thời…một thời mãi trong ta…!

Nhà giáo Phạm Mai Hương (Nam Định)

Tinh hoa kiến thức ở đời
Ta xâu chuỗi lại trao người bước sau
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thơ Nhà Giáo

CLB THƠ NHÀ GIÁO ĐĂNG THƠ TRÊN BÁO NGƯỜI HÀ NỘI LẦN 4

TS Nguyễn Hoàng Mai (ĐÀ NẴNG)

LỜI HÁT TỪ TRÁI TIM

Nghe em hát giữa cao nguyên xa xôi
Đêm mùa thu neo lửng lưng trời vắng
Chìm vào lá tiếng thầm thì khuya lặng
Giữa đồi thông gọi nho nhỏ tên em!

Tiếng hát em chơi vơi vầng sương
Rủ lên gương hồ đêm dẻo quánh
Buông lả lơi ngọt ngào như mật đọng
Làm sao xa được em ơi.

Bản tình ca từ ngàn năm diệu vời
Đưa anh về với cội nguồn say đắm
Đường chênh vênh  gam dâng trào, gam lặng
Ngủ say giữa mơ hồ mênh mông.

Trong lời hát em có tiếng dòng sông
Thầm thì trôi giữa êm đềm mùa hạ
Ào ạt tuôn giữa mùa thu hối hả
Gọi nhau về quê hương thương yêu.

Tiếng hát em có vai mẹ sớm chiều
Gánh củi rèo nuôi củ khoai, củ sắn
Có trang vở ngẩn ngơ sân trường vắng
Đếm vô tư trong kỉ niệm phượng hồng.

Xa em rồi, gần giọng hát mênh mông
Gọi nhau về chung quê hương thuở nhỏ
Gửi cho em nửa bài ca để ngỏ
Em sẽ về hát nữa, phải không em!


Nhà giáo Hoàng Thi Sơn (Ninh Bình)

GỘI ĐẦU CHO MẸ
(Kính yêu tặng mẹ )

Chiều nay đun nước lá chanh
Bỏ thêm bồ kết cỏ xanh mần trầu
Gỡ vòng khăn quấn trên đầu
Gội đầu cho mẹ lòng đau lệ nhòa
Tóc dài mẹ đã sương pha
Lưa thưa tóc rụng mẹ già khi nao?
Thời xanh tóc gội mưa rào
Phơi sương nhuộm nắng mẹ nào sá chi
Bây giờ chân chậm bước đi
Cánh tay cũng mỏi mỗi khi gội đầu.
Con đi công tác thật lâu
Ghé về thăm mẹ có đâu được nhiều
Mẹ ơi nắng đã xế chiều
Tay con chải tóc lòng nhiều vấn vương
Nước con pha đủ mùi hương
Làm sao sánh được tình thương bao ngày
Nâng niu lọn tóc trên tay
Mắt con lại thấy cay cay nghẹn ngào…


Nhà giáo Bùi thị Sơn (Lai Châu)

TRAI RỪNG
Trai rừng
              như cây thông mọc thẳng
              nói lời yêu rạch ròi:
              Tao thích mày.
Trai rừng
              dám cầm tay, bẹo má người yêu giữa chợ.
Trai rừng
              làm cán bộ
              vẫn là dân
              ở nhà không làm trần
              nền nhà không rải thảm.
Khách đến
              rải chiếu xuống nền
              uống rượu ngô thoải mái
              say rồi thì ngủ lại đến mai.
Trai rừng
             chẳng dễ dãi
             trước những lời đầu môi chót lưỡi.
Trai rừng
             không có tuổi
             từ lúc tóc còn xanh
             đến khi đầu điểm bạc
             vẫn thích cười, thích hát.
Trai rừng
             thích vợ mình  
             là người tình đắm say, mộc mạc
             chẳng phấn son, hào nhoáng mĩ miều.
Tôi yêu
             Trai rừng.


Nhà giáo nhân dân Nguyễn Nghĩa Dân

CHÙA VẠN ĐỨC (*)   
Vào Vạn Đức tưởng đên thăm Tây Trúc
Gốc bồ đề Phật thành đạo trầm tư
Một phút ghé mình nương bóng Phật
Đướng đời thêm tháu nhẽ chân như.
_____________
(*) Ở thành phố Hội An, Quảng Nam


Nhà giáo Trương Phương Nghi

SÁO TRÚC
Vàng ươm gom nhặt nắng chiều
Thổi vào thân trúc phiêu diêu trong rừng
Vi vu vang vọng điệp trùng
Vút cao giai điệu, trầm hùng biển mơ
Sóng xô trắng bọt hôn bờ
Uốn cong làn khói, thẫn thờ hoàng hôn
Sáo ngân trầm ấm véo von
Gửi vào thương nhớ sắt son Đông dài
Bồi hồi ngân tiếng sáo ai
Làn mây trắng quyện đêm dài mưa Xuân
Quàng lên đỉnh núi thẫm xanh
Mùa Hè rực nắng trong lành sáo ru
Sáo rung tùng trúc mùa Thu
Trăng tròn dịu ngọt chim gù, mờ sương
Bốn mùa lay động tâm hồn
Bổng trầm sáo trúc bồn chồn con tim
Sáo ngân nga thật dịu êm
Bốn mùa dệt cả tình em dâng trào.

                   
Nhà giáo Nguyễn Mạnh Chu

MỖI TUẦN CÓ MỘT NGÀY SAY
Anh cùng em xuống chợ
Mỗi tuần có một ngày say!

Rượu đong nắng đong mây
Đầy hương ngô hương lúa
Men ủ lá rừng cất từ hồn bếp lửa
Khát tình đôi lứa thương nhau.

Phạt rừng oằn dao
Xới cây vẹt cuốc
Cả sáu ngày trần lưng tối mặt
Mỗi tuần có một này say!

Bát cụng bát, nghiêng núi nhòa mây
Cạn vò cạn thống
Say đổ tiếng khèn, say tràn mê đắm
Rượu say rồi, mắt tìm mắt say nhau.

Anh díu chân em, bóng ngả đổ chiều
Bỏ mặc nỗi đời cực nhọc
Rừng đá đảo điên trời Đồng Văn-Mèo Vạc
Rượu với người hòa cay đắng ngất ngây…

Mỗi tuần có một ngày say!


Nhà giáo Vũ Kiệt

THÌ THẦM
Gặp nhau một thoáng sân trường
Thế rồi nhớ, thê rồi thương, thế rồi…
Thì thầm em ghé tai tôi:
…”Người đâu mà lại có người…; ghét ghê…”
Chang chang nắng đổ trưa hè
Sân trường vắng ngắt vẫn nghe thì thầm…


Nhà giáo Nguyễn Duy Quang

NGƯỜI ẤY
Vẫn bờ tre, vẫn làng xưa
Vẫn con đường nhỏ tắm mưa dầm dề
Lâu rồi, người ấy không về
Lâu rồi, người ấy bỏ quê theo chồng
Lâu rồi, người ấy nhớ không?
Sợ ma,
           người ấy,
                           giữa đồng
                                           … ôm tôi.PGS.TS.

Bùi Minh Trí

TRỞ LẠI SÔNG QUÊ

Em đưa anh về một thời xa xưa
Sóng lúa rì rào đồng quê êm ả
Bạn bè lứa đôi chăn trâu cắt cỏ
Thả hồn bình minh, hơi thở sương chiều

Tuổi thơ trôi với sông quê thân yêu
Mỗi trưa hè ta cùng nhau ngụp lặn
Tiếng chim gù giữa không gian vắng lặng
Dưới bóng cây chia nhau củ sắn lùi

Miền đất quê ta  nghèo khó mà vui
Cái tầm thường cũng trở nên vô giá
Yêu xóm làng, thương nhau là tất cả
Khóm tre xanh nói chuyện với mặt trời

Xa lắm rồi vẫn nhớ mãi nhớ hoài
Chuyện tương lai đôi ta từng thủ thỉ
Như đã an bài tình duyên có số
Em là Sao Mai, anh là Sao Hôm

Đành chịu đựng, cuộc đời là trái tim
Sâu thăm thẳm một bến bờ hoang vắng
Chứa buồn vui, ngọt bùi và cay đắng
Đến bao giờ ta trở lại sông quê?

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương Kim Bằng

Mùa sấu rụng lá
           
Mùa sấu lá rơi đón Hạ sang
Ngỡ ngàng Hà Nội phố mơ màng
Rụng trong thoang thoảng thêu hoa nắng
Rớt xuống thênh thang dệt thảm vàng  
Mấy khóm mơ phai nhường lặng lẽ
Vài chồi nõn biếc tiếp mơn man
Ấm êm vun vén tình đôi lứa
Xao xuyến nỗi gì mà ngổn ngang?

                      Hà Nội - Tháng 4
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi-Minh-Trí

{align=center]

Nhà giáo TS Nguyễn Hoàng Mai (ngh.mai)gửi tới Bùi Minh Trí
02 bài thơ. BMT giới thiệu cùng các thi huynh thi hữu:

TS Nguyễn Hoàng Mai (Đà Nẵng)
KỈ NIỆM VỚI ĐỒNG LÊ

Anh lại nghe em hát
Về Đồng Lê thân yêu
Những kỉ niệm chợt men theo lối vắng
Rải ngày xưa vào kí ức xa rồi.

"Em lại đưa anh về thăm quê Đồng Lê…"
Có còn như những ngày xưa không nhỉ?
Em có còn nhớ một thời thiếu nữ
Nắng nõn nà thắm hồng trên má
Để chiều về anh ngã, anh nghiêng.

Ta không cùng nhau chăn trâu thuở nhỏ
Không lên nương với sắn, ngô, khoai
Nhưng ta có những ngày hè nắng đỏ
Gió Lào hanh khô rát giọng ai hoài.

Ta có những ngày mưa dầm đất
Cơn lũ về dồn hai đứa bên nhau
Ta có những đêm đông lạnh ngất
Củ sắn vùi kể chuyện mai sau.

Em ví anh như ngọn gió mùa hè
Thổi dạt dào mà không sao gần được
Anh nói em như ngọn nồm thấm ướt
Trái tim khô cằn bao năm tháng lênh đênh.

Em có đưa anh về Đồng Lê nữa không?
Vẫn bịn rịn những con đò đợi bến
Neo ngày xưa vào chùm lưu luyến
Gói yêu thương về lại với Đồng Lê.


TS Nguyễn Hoàng Mai (Đà Nẵng)
HỒN THĂNG LONG

Nghiêng mình ngắm cảnh đất Thăng Long
Vạn năm sau soi bóng nước sông Hồng
Phù sa muôn nẻo về quy tụ
Tinh hoa ngời sáng chí vô song

Từ thuở ngàn năm lập, kiến quốc
Khí thiêng ngầm tại với giang sơn
Thổi linh hồn vào từng hạt đất
Tô quốc bình yên mãi mãi vươn

Nhân sĩ muôn nơi cùng chung sức
Xây Thăng Long, tình sử thiên nhiên
Yêu đất nước, mồ hôi nước mắt
Đập tan tàn phá nội, ngoại xâm

Để Hồ Gươm long lanh mây nứoc
Em cười mắt nắng, má hây hây
Để trường con học, chim quây tổ
Gia đình yêu thương đượm tháng ngày

Ta trân trọng những gì có được
Yêu đến từng ngọn cỏ ven đường
Mỗi bước chân, nốt trầm hò hẹn
Hồn Thăng Long thắm mãi yêu thương.
Tinh hoa kiến thức ở đời
Ta xâu chuỗi lại trao người bước sau
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 73 trang (726 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] ... ›Trang sau »Trang cuối