Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

hongha83

Đây là bộ sách do Trần Huyền Trang biên soạn, tiểu sử cụ thể của ông có thể tham khảo trong cuốn: "Bách khoa thư văn hoá cổ điển Trung Quốc"
của soạn giả Nguyễn Tôn Nhan, NXB Văn hoá thông tin, 2002. Trần Huyền Trang có lẽ không còn xa lạ với tất cả chúng ta, người đã được tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân đưa vào bộ sách "Tây du ký" bất hủ của mình.
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Huyền tích về chiếc hố sâu ở thị trấn Bà La Môn nước Ma Lạp Bà (Ấn Độ)

Ngày xưa trong thị trấn Bà La Môn ở nước Ma Lạp Bà có một tín đồ đạo Bà La Môn từ nhỏ đã tỏ ra thông minh vô cùng, lớn lên trở thành một thanh niên học vấn uyên bác, đứng đầu trong học giới, kinh điển Phật giáo và ngoại đạo thảy đều quán thông, đều nắm trong lòng bàn tay các vấn đề về thiên văn, lịch pháp. Dung mạo phương phi, phong độ cao nhã, nức tiếng xa gần, được nhà vua tôn kính, nhân dân sùng bái. Cả ngàn môn đồ của ông ngày ngày đều nghe ông thuyết giáo, vị đạo khâm phục vô cùng.

Ông ta thường tự khoe khoang:

- Ta ra đời vì cả thế giới, truyền giảng sở học của thánh hiền, dẫn đạo người đời, bất kể tiên hiền hậu triết đều không có ai sánh với ta được. Đối với các vị như Đại Tự Tại Thiên, Bà Tẩu Thiên, Na La Duyên Thiên, Phật Thế Tôn được người ta tôn phục, đề cao học thuyết thiếu xác thực của họ, tranh nhau cúng dường lễ bái thật tốn công mất sức. Bây giờ đã có ta thì các vị ấy không còn đáng kể nữa.

Rồi ông ta cho lấy gỗ đàn màu hồng chạm hình bốn vị là Đại Tự Tại Thiên, Bà Tẩu Thiên, Na La Duyên Thiên và Phật Đà làm bốn chân ghế ngồi của mình, đi đâu cũng mang theo, ba hoa cái giọng kiêu ngạo cuồng vọng như thế.

Bấy giờ ở Tây Ấn có một vị hoà thượng tên là Hiền Ái rất giỏi sở học Nhân minh, lại thường thông hiểu lý luận ngoại đạo, hoàn mỹ đạo đức, tính tình thuần phác, giới hạnh thanh túc, tiếng thơm lan truyền. Hoà thượng không có niệm tham dục, trước sau là người tri túc, hoàn toàn không cầu tha vặt, nghe chuyện ấy thì than thở:

- Đáng giận thay! Xem thường nhân tài ngày nay quá! Một con người ngu xuẩn dám làm những việc hung đức đến thế!

Rồi chống tích trượng viễn du đến nước này, đem tâm nguyện của mình trình bày lên nhà vua. Nhà vua thấy hoà thượng ăn mặc lam lũ, trong lòng coi thường, song vì kính trọng chí hướng của ông ta nên cũng làm lễ tiếp đón rồi cho tổ chức hội trường biện luận, rồi thông báo cho vị Bà La Môn.

Người Bà La Môn nghe tin cười khinh thị:

- Ông ấy là ai mà dám làm như vậy?

Rồi dặn dò môn đồ, đi đến hội trường. Có cả ngàn người tham dự.

Hoà thượng Hiền Ái mặc chiếc áo vá đến hội trường ngồi nơi tấm bồ đoàn trải trên sàn. Người Bà la Môn thì ngồi trên chiếc ghế gỗ đàn mang theo lên giọng bài xích Phật pháp bằng lý luận tà thuyết. Đáp lại, Hiền Ái đem huyền lý Phật pháp thuyết giảng thông suốt như dòng nước tuôn trào bất tuyệt, đả phá từng đề mục của người Bà La Môn. Cuối cùng người Bà La Môn chỉ còn chấp nhận thất bại.

Nhà vua nói với người Bà La Môn:

- Như vậy là bao lâu nay, nhà ngươi chỉ có hư danh, lừa vua dối dân, mê hoặc mọi người. Nhà nước đã có pháp điển, người thua phải bị giết.

Đang khi chuẩn bị lò thiêu bắt hắn ngồi lên. Bị cảnh lâm vào khốn cùng, người Bà La Môn cầu cứu hoà thượng. Hiền Ái nói với nhà vua:

- Bệ hạ nhân nghĩa giáo hoá khắp bốn phương, tôi nghe tiếng ca tụng khắp trên đường đi , bệ hạ nên mở lượng nhân từ, không nên áp dụng hình phạt giết người, tha cho ông ta một lần lầm lỡ.

Nhà vua nghe lời khuyên, bắt người Bà La Môn ngồi xe lửa đi khắp các nơi trong nước tuyên cáo sự việc. Người Bà La Môn xấu hổ vì cách sỉ nhục như thế, rất phẫn uất, bị chứng thổ huyết. Hoà thượng nghe tin, đến thăm lựa lời an ủi:

- Học vấn của ngài rất uyên bác, thông hiểu Phật giáo, ngoại đạo, tiếng đồn lan xa, mọi vinh nhục trên đời nên hành xử cho thoả đáng. Danh tiếng như thế, thực ra thì có nghĩa lý gì?

Người Bà La Môn thẹn quá hoá giận, mở miệng mắng chửi hoà thượng, phỉ báng Phật giáo Đại Thừa, bôi bác các bậc thánh hiền. Nói chưa hết lời, mặt đất vụt nứt toác ra, người Bà La Môn rơi tuột vào đó, di tích vẫn còn cho tới ngày nay.

Lê Sơn dịch
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Vì sao có thỏ trên cung trăng?

Vào thời Kiếp sơ, trong một mảnh rừng hoang dã có ba con vật không cùng giống loài, một con hồ ly, một con thỏ, một con khỉ sinh sống hoà thuận. Bấy giờ Thiên Đế Thích muốn khảo cứu việc tu Bồ tát hạnh của thú, mới từ trời giáng lâm, ứng hoá thành một ông lão nói với ba con vật:

Các ngươi sinh sống yên ổn không? Có khó khăn gì không vậy?

Ba con vật trả lời:

- Chúng tôi chạy nhảy nơi rừng bụi um tùm, dạo chơi dưới bóng cây râm mát, tuy không cùng giòng giống mà cùng nhau vui đùa, bình an vô sự, rất là thích thú.

Ông lão nói:

- Nghe nói các ngươi sống hoà thuận vui vẻ, ta già yếu lắm rồi, từ xa xôi đến đây thăm chơi. Bây giờ ta đói lắm, có gì ăn thiết đãi ta không nào?

Ba con vật liền đáp:

- Mời ông chờ cho chốc lát, chúng tôi đi sửa soạn thức ăn.

Ba con vật đồng tâm hiệp lực, thành tâm khoản đãi phân công nhau đi tìm thức ăn. Hồ ly ra ngoài sông tìm bắt cá. Khỉ vô trong rừng tìm hái các loại kỳ hoa dị thảo. Chúng đem ra hầu hạ ông lão. Chỉ có thỏ đi về tay không vì chỉ biết nhảy nhót. Ông lão nói:

- Ta thấy các ngươi đâu có thật sự hoà mục, khỉ với hồ ly chí đồng đạo hợp, đều nhận ra công việc phải làm, chỉ có thỏ đi về tay không, chẳng có thực phẩm tặng cho lão già yếu đuối này. Ta nói vậy có đúng không nào?

Thỏ nghe ông lão trách móc, bèn nói với khỉ và hồ ly:

- Các bạn kiếm củi đem về đây, tôi làm việc này.

Khỉ và hồ ly vội vàng chạy đi kiếm cành khô, cỏ khô đem về chất một đống, đốt lửa cháy phừng phừng.

Thỏ nói:

- Ông lão nhân hậu ơi, tôi là kẻ kém cỏi không hoàn thành công việc ông nhờ cậy. Nay tôi lấy thân mình cung cấp bữa ăn cho ông đây.

Nói xong liền nhảy vào đống củi đang cháy phừng phừng, bị chết thiêu. Bấy giờ ông lão biến lại thành hình mạo Đế Thích, trừ dập ngọn lửa, thu hài cốt thỏ, cảm thương nói với khỉ và hồ ly:

- Cần chi thỏ phải làm ra nông nỗi này. Ta rất lấy làm cảm động tấm lòng của thỏ. Nhất định không làm cho mai một hành vi vĩ đại thế này đâu. Ta đem về nguyệt cung để tiện lưu truyền hậu thế.

Vì thế người ta đều nói, có con thỏ trên mặt trăng là từ việc ấy mà ra.

Lê Sơn dịch
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

Cảm ơn bạn.Quả là giờ mới biết sự tích vì sao có chú thỏ trên cung Trăng. Rất hay.
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]