Trương Đăng Dung - Người dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary
Lê Tân Chế

Phó giáo sư Trương Đăng Dung, sinh năm 1955 tại Nghệ An. Anh tốt nghiệp Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Budapest năm 1978 và bảo vệ luận án tiến sĩ cũng tại Budapest năm 1984. Anh là người Việt Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Hungary, và được Nhà xuất bản Europa xuất bản năm 1984. Hơn mười năm qua anh đã dịch gần một trăm bài thơ của các nhà thơ Hungary sang tiếng Việt. Ngoài ra anh đã dịch sang tiếng Việt hai cuốn tiểu thuyết lớn là : "Đứa trẻ mồ côi" của Mogic Gicmon (NXB Văn học 1987) và "Lâu đài" của Franz Kafka (NXB VĂn học 1998). Công việc chính của anh là nghiên cứu văn học, anh đã viết nhiều bài nghiên cứu in trong tạp chí Văn học, chủ biên và đồng tác giả một số công trình khoa học khác. Hiện nay anh là Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam. Do những đóng góp của anh trong lĩnh vực truyền bá văn học giữa Việt Nam và Hungary, năm 1991 anh được Hội Hung học quốc tế tặng giải thưởng Lotz Janos cùng sáu giáo sư khác trên thế giới.
   Trương Đăng Dung tâm sự:
   - Trong lĩnh vực văn hoá, tôi không bao giờ nghĩ rằng dịch thơ khó hơn dịch văn xuôi. Tôi có dịch vài cuốn tiểu thuyết và thấy rằng dịch văn xuôi cũng rất khó. Tôi luôn cảm phục những người dịch văn xuôi, có biết bao sự vất vả, lòng kiên nhẫn và tài năng sáng tạo trong công việc của họ. Tôi dịch thơ, đơn giản là vì tôi thích làm việc đó. Dịch thơ cũng cần có tình yêu. Tôi nghĩ rằng, khi còn được trời cho đi lại trên mặt đất này, ngoài sức khoẻ ra đối với tôi việc gì cũng quan trọng như nhau, từ việc nấu một bữa cơm ngon mời bạn bè đến việc thuyết trình về lí luận thơ hiện đại... Được làm việc mình thích đó cũng là hạnh phúc.
   Người ta thường nói đến nền văn học lớn và nền văn học nhỏ mà quên rằng có những nền văn học được biết đến nhiều và có những nền văn học ít được biết đến do sự không phổ cập của cái ngôn ngữ đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng. Hơn nữa đã có một thời người ta có một cái nhìn thiên vị đối với một số nền văn học, do bị chi phối bởi cách phân chia chính trị về các hệ thống thế giới. Đất nước Hungary như một thung lũng dưới trời Âu, nằm giữa bốn bề núi dựng chỉ còn con đường duy nhất là bay lên cao bằng hồn của dân tộc gửi gắm qua các nhà thơ. Thơ Hungary rất phong phú, và thời nào cũng có những nhà thơ lớn, có thể nói đây là đất nước của thơ ca. Cũng như dân tộc Hung, thơ Hungary suốt từ thời Trung đại luôn gắn với quá trình hội nhập thế giới, hội nhập để khẳng định chính mình. Trước lời tiên đoán của Herder về sự tiêu vong của nền văn hoá dân tộc, các nhà thơ Hungary trong tinh thần của Cách mạng 1848, luôn nhạy cảm trước vị thế của dân tộc mình trong tương quan với thế giới. Chính vì vậy các vấn đề bức xúc của thời đại và của dân tộc luôn được phản ánh trong thơ Hungary. Tuy nhiên, cũng như trong đời sống của một số nền văn học, văn học Hungary cũng có những giá trị không vượt qua được ý nghĩa của các sự kiện bị giới hạn bởi những lợi ích nhất thời.
    Những năm du học ở nước ngoài tôi nhận ta rằng thế giới biết đến Việt Nam chủ yếu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người ta không biết nhiều về nền văn hoá Việt Nam, hoặc chỉ có những thông tin không đầy đủ, thiếu hệ thống. Có những người ở châu Âu nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến chiến tranh, đến xứ sở của núi rừng hoang dã đầy bí ẩn. Ở Hungary trong những năm 1970 người ta có dịch một vài cuốn tiểu thuyết và một số truyện ngắn Việt Nam viết về cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bạn đọc Hungary hầu như biết rất ít về văn hoá Việt Nam. Nhìn những tác phẩm văn học cổ điển lớn viết bằng thứ tiếng phổ cập của các nước, được nhiều người biết đến, từ thời sinh viên tôi đã nghĩ đến Truyện Kiều của Nguyễn Du và mơ ước dịch tác phẩm này sang tiếng Hungary. Tôi dịch Truyện Kiều với mong muốn giúp cho bạn đọc Hungary biết đến nền văn học chúng ta, hiểu hơn nỗi đau và cả những bâng khuâng xao xuyến của thi nhân Việt Nam trước thân phận của con người. Sau khi bản dịch Truyện Kiều của chúng tôi in thành sách, Giáo sư viện sĩ Klocniczay Tibor, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Hungary, đã viết thư chúc mừng tôi và hỏi rằng "Tại sao một tác phẩm như thế mà bây giờ chúng tôi mới được đọc".

Báo Sài Gòn giải phóng, tháng 12, năm 2000