Trang trong tổng số 14 trang (132 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thơ, những cuộc đi tìm và thử thách

* Nguyễn Hữu Hồng Minh




Nỗ lực làm mới thơ cũng như mạnh dạn thể nghiệm những hình thức khác của thơ hiện đại để đem thơ đến gần hơn với bạn đọc luôn là trăn trở của những người tâm huyết với thơ.

Từ những thể nghiệm trình diễn bề mặt…

Hội Nhà văn VN có vai trò to lớn trong việc tổ chức những sân khấu trình diễn thơ cho các nhà thơ trẻ ở Ngày thơ VN thời gian qua. Và một sự kiện khác cũng đang được những người yêu thơ đón đợi, đó là festival Thơ trẻ “Những nấc thang” tổ chức lần đầu tiên tại Huế vào tháng 6.2010.

Nhà thơ Phạm Nguyên Tường, Chủ tịch Hội Nhà văn Huế, giám đốc điều hành chương trình festival Thơ trẻ cho biết, chủ trương của ban tổ chức lần này là cố tìm ra những phương thức mới để đưa thơ trở lại gần hơn với công chúng. Anh nói thực ra trong lễ hội văn hóa Huế những lần trước đã từng có ba festival thơ được tổ chức, nhưng dành riêng cho sân thơ trẻ và những nhà thơ trẻ thì đây là lần đầu tiên. Đặc biệt hơn, các festival thơ đều duy trì được nội dung thơ kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. “Các nhà thơ trẻ được mời sẽ gửi cho ban tổ chức chương trình các ý tưởng làm việc của mình. Chúng tôi lưu ý họ nhấn mạnh vào yếu tố công chúng, làm sao đọc một bài thơ không còn đơn điệu, thụ động mà nhà thơ phải thực sự hòa mình vào đó và lôi cuốn khán giả”.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó tổng biên tập tạp chí Sông Hương, thành viên ban tổ chức, cũng đồng tình với việc khám phá những góc độ khác cho thơ. “Người ta thường nói Huế chuẩn mực như sông Hương chậm chảy, nhưng với thơ, họ có một tình yêu vừa sâu vừa đằm. Trình diễn và sắp đặt thơ trẻ trong festival Huế có lẽ sẽ gây bất ngờ thậm chí tranh cãi với nhiều người nhưng chúng tôi ủng hộ những thể nghiệm”. Anh cho biết các nhóm thơ Ngàn năm Thăng Long, 360 độ C và các nhà thơ trẻ chuyên về trình diễn thơ như Huỳnh Lê Nhật Tấn, Đồng Chuông Tử, Chiêu Anh Nguyễn… là những kỳ vọng của ban tổ chức.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (ban sáng tác trẻ Hội Nhà văn VN) cho biết từ những mạnh dạn thể nghiệm sân chơi thơ trẻ trình diễn và sắp đặt trong Ngày thơ VN từ 2005 đến nay, người yêu thơ đã đánh giá cao mô hình này và bây giờ là không thể thiếu. Không chỉ các nhà thơ trẻ, nhiều nhà thơ cao niên như Dương Tường cũng sẵn sàng lên sân khấu nhập vai “câu chuyện thế hệ” với các bạn trẻ. Đó là những chuyển động mang không khí thơ hôm nay mà rõ ràng là thơ hôm qua không có…  

Đến những giá trị thức tỉnh chiều sâu

Sự thú vị của thơ chính là đa chiều, đa giác, đa góc độ khám phá. Khi thơ trình diễn sắp đặt cố gắng gây cảm hứng mới, tìm đến với độc giả từ góc nhìn xã hội thì ở phía cá nhân, các nhà thơ tiếp tục lặn sâu hơn, phủ triệt hơn với con đường đi của mình. Cá tính và độc đáo như Phạm Phú Hải với tập "Một hôm núi khóc" xuất bản sau khi anh mất đã đoạt giải thưởng thơ Bách Việt lần hai - 2010. Gần như một đời thơ khép kín, mà nhiều người cho rằng điên loạn, lại thâm trầm chảy một mạch thơ dữ dội đến kỳ lạ “Có bàn chân dài hơn con đường/Nên chân trời là những đốt xương/Của ai bỏ lại ngàn năm trước/Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường…”. Và mỗi tầm ngắm lại thử thách “công phá” một bản lĩnh riêng. Như nhà thơ Nguyễn Duy vẫn một mình một cõi “Thơ ơi ta bảo thơ này/Để ta đi cấy đi cày nuôi thơ”. Ông hết đưa thơ lên lịch ảnh, lại chuyển sang vẽ thơ lên sàng, nia, rổ, rá. Và gần đây nhất ông có công chủ biên cùng nhóm nhà thơ Paul Hoover, Phạm Văn Ánh, Nguyễn Đỗ chuyển tập thơ chữ Hán “Về Côn Sơn” (Returning to Conson) của thi hào Nguyễn Trãi sang tiếng Anh, tự gạn đãi những giá trị đích thực của nền thơ Việt để đưa ra giới thiệu với bạn bè thế giới. Từ cái riêng đã nhập vào cái chung. Và sự quyến rũ của thơ chính là những “điểm chết” mà nhà thơ Đặng Đình Lưu đã chỉ ra, để rồi vượt lên và chinh phục “đỉnh núi” thử thách…

Nguồn: Báo Thanh Niên 18/04/2010
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi


ĐỐI THOẠI THƠ TRẺ SÀI GÒN

Anh Trúc thực hiện
 

Chưa ở đâu như Sài Gòn khi tụ hợp một lực lượng khá đông đảo nhà thơ thuộc nhiều thế hệ: đa giọng điệu, phong cách, tạo nên những đợt sóng có khi trầm ngâm, nhẹ nhàng lại có khi dữ dội, bất cần và hung bạo. Phải chăng, Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu” nên các nhà thơ, đặc biệt là nhà thơ trẻ, mặc nhiên gây hấn với các giá trị lỗi thời và sẵn sàng đề xuất những thử nghiệm mới mẻ? Có lẽ, với trái tim thi sĩ cuồng nhiệt, sáng tạo ra giá trị mới luôn là “Tự do đầu tiên và cuối cùng”? Chúng ta có thể kể đến không ít gương mặt trẻ đã nổi lên cũng như hứa hẹn những đột phá rất đáng mong đợi trong tương lai như Vương Huy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đồng Chuông Tử, Đỗ Trí Vương, Song Phạm, Phan Trung Thành, Thục Linh, Nguyệt Phạm, Khương Hà, Chiêu Anh Nguyễn…     
 

15 giờ 30 phút một ngày trời mát mẻ vì Sài Gòn có dấu hiệu mưa, tại hẻm Trịnh 47 Phạm Ngọc Thạch, các nhà thơ trẻ gồm Phan Trung Thành (PTT), Đồng Chuông Tử (ĐCT) và nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (NHHM), đến trễ hơn có nhà thơ nữ Nguyệt Phạm (NP) đã tham gia trò chuyện sôi nổi và thẳng thắn về các vấn đề xung quanh Thơ Trẻ Sài Gòn. Một số nhà thơ trẻ khác đang đi công tác và bận đột xuất sẽ góp mặt ở lần trò chuyện sau. Xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến tất cả anh chị!   

A- KHÔNG KHÍ SÁNG TẠO VĂN CHƯƠNG Ở SÀI GÒN: SÔI NỔI HAY Ủ Ê? 

* Theo anh chị, ở Sài Gòn có không khí sáng tạo hay không và nếu có thì như thế nào?

- NHHM: Không khí thơ Sài Gòn khác với không khí của các vùng miền khác rất rõ như Hà Nội chẳng hạn. Hà Nội truyền thống, lịch lãm vì thế cũng “đầm” hơn trong các thử nghiệm. Ngược lại, Sài Gòn mạnh mẽ và cuồng nhiệt như một dòng thác, sự va đập mạnh, sự xô bồ, xung đột… là tất yếu. Những giao tầng văn hóa xảy ra cùng sự rạn vỡ của vô số quan niệm đòi hỏi người làm thơ đề xuất những “tiêu chuẩn mới”. Nói chung là ở Sài Gòn rất có không khí sáng tạo!

- ĐCT: Tôi không biết mỗi câu thơ, bài thơ chở nặng cảm xúc riêng tư, ghi dấu cuộc đời đi qua của mình có cần không khí sáng tạo hay không? Tôi chỉ biết khi đối diện trang giấy, ít nhất là mình không lập lại và phải khác.

- NHHM: Có một thực tế như thế này: nhiều gương mặt thơ xuất hiện không nhờ những tờ báo văn nghệ chính thống hay hội nhà văn; sự nối kết giữa những người làm văn chương thông qua vai trò của hội là rất ít, nếu không muốn nói là không có. Hầu như bây giờ các cây bút trẻ thường tìm đến blog, web như là một kênh riêng.

 *Còn với chị Nguyệt Phạm thì sao? Một người tham gia khá nhiều sự kiện thơ không chỉ diễn ra ở Sài Gòn?

- NP: Tôi thấy mọi người họp mặt “bên lề” thì nhiều. Nghĩa là khi tập trung ở một nơi nào đó, họ thường đề cập đến mọi vấn đề của đời sống nhưng tuyệt nhiên chẳng có cái gì liên quan đến thơ. Hình như họ chỉ có nhu cầu một mình? Không biết tôi có quá chủ quan hay không?
      Ở Hà Nội khi có chương trình nào đó ví dụ như Ngày Thơ Việt Nam, tôi thấy ban tổ chức chuẩn bị khá kĩ lưỡng và mọi người tham gia rất vui. Sài Gòn khác hẳn. Vào ngày thơ, mấy năm liền chẳng có gì mới mẻ, khác lạ, năm nào cũng xếp hàng lên đọc thơ. 

* Vậy theo chị nguyên nhân chính là….

- NP: Có lẽ, vấn đề nằm ở chỗ những người có tiếng nói và đóng vai trò quan trọng trong nhũng sự kiện về thơ, tôi có cảm giác là họ dường như không mấy chú tâm. Trước ngày diễn ra các sự kiện Thơ thường được chuẩn bị thiếu chu đáo. Gần đến ngày diễn ra  họ vẫn chưa có ý tưởng cụ thể nào cả nên các nhà thơ trẻ không mấy hứng thú khi tham gia hoặc không tham gia. Các nhà thơ trẻ cũng ít phát biểu, đóng góp ý kiến vì nghĩ rằng dẫu có phát biểu hay ý kiến thì cũng chẳng được quan tâm đúng mức; cũng chẳng thay đổi được gì.

- PTT: Còn tôi nghĩ không cứ phải bầy đàn, đám đông là có không khí sáng tạo. Không khí sáng tạo nằm ở chỗ tương tác giữa tác giả-tác phẩm- dư luận. Những lễ hội có nói lên được điều gì cho sáng tạo đâu, có chăng là nơi “trình diễn thời trang son phấn” của vài ba gương mặt cũ, quá đát mà vẫn còn lầm tưởng “hàng xài được”.


B- ĐỊNH HƯỚNG TRONG SÁNG TẠO LÀ GƯỢNG ÉP VÀ PHI LÝ

Quay lại vấn đề thể nghiệm. Điều không thể phủ nhận là Sài Gòn là nơi dẫn đầu về nhóm, cá nhân có những thể nghiệm mới mẻ. Nhưng vấn đề này được nhìn nhận như thế nào, chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện ngắn sau đây:

- ĐCT: Tôi nghĩ giai đoạn thơ 1930-1945 đã phát triễn rực rỡ, hoàn thành sứ mệnh của mình. Giờ đến thế hệ chúng tôi, rõ ràng cần một tiếng nói mới, sự sáng tạo mới. Nhưng nếu thật sự mong muốn những người sáng tạo trẻ có thành tựu thì cứ để mặc họ đập phá một cách tự nhiên vì cái hay không thể thấy ngay được.

- PTT: Mọi lao động tạo ra sản phẩm khi đã đến mức chuyên nghiệp hoá thì đều có nhu cầu làm mới sản phẩm. Nhu cầu làm mới, thể nghiệm luôn tồn tại trong mỗi cá nhân sáng tạo, chỉ “nồng độ đậm đặc” khác nhau mà thôi. Ngay cả viết thơ lục bát - một thể thơ truyền thống, người ta cũng chú trọng đến sự “khác lạ” mà “gập ghềnh hoá” nhịp điệu hoặc ngôn từ. “Ta ru ta /trắng/ nhánh sầu đông/ mưa”  chẳng hạn.

- NP:  Nếu nói về thể nghiệm tôi tự thấy mình vẫn còn nhỏ bé lắm. Thật ra, khi viết tôi chỉ nghĩ làm sao để không còn quá cũ kỹ với những hình ảnh và ngôn từ quá quen thuộc đến mòn và sáo. Sau khi cố gắng thay đổi, một phần bạn văn yêu thích và đánh giá cao nhưng đôi khi người đọc than phiền là tại sao thơ của tôi không như thơ mà họ-thường-đọc.
      Khi tôi tham gia trình diễn thơ thì thái độ của báo chí và những bạn bè văn chương là ủng hộ và chia sẻ nhưng công chúng thì khác. Họ tỏ ra rất xa lạ với cái mới, có vài người bày tỏ với tôi rằng khi xem trình diễn, họ cảm thấy lạ quá và không hiểu gì cả. 

- NHHM: Tôi nghĩ bắt buộc người sáng tạo luôn luôn mới là điều rất khó. Cũng như trong sáng tạo có một số người “vượt chuẩn” và thường thì công chúng không chấp nhận chuyện đó.

* Kết quả là…

- NHHM: Phải trả giá thôi nhưng tôi chấp nhận tất cả. Tôi chỉ muốn làm theo ý mình. Tôi muốn nhấn mạnh là hãy đi đến cùng con đường của mình. 
 
- ĐCT: Khi ra Hà Nội dự ngày thơ Việt Nam, tôi quan sát thấy cơ quan văn nghệ báo chí dày đặc, các cây bút trẻ được nâng đỡ, được biết nhiều. Ngược lại ở Sài Gòn, các cơ quan ấy thưa hẳn. Mặt khác, ít có tờ báo chính thống nào có trang văn nghệ dành đất cho các sáng tác mới, thể nghiệm và khuyến khích thể nghiệm cả. Hầu như trang văn nghệ nào cũng tràn ngập những bài thơ “ru ngủ”. Chúng ta đã quá bội thực “thơ ru ngủ” rồi!       
     Nhưng hẳn là văn nghệ mà không có báo chí thì cũng khó. Hy vọng nhỏ của tôi là được tung tăng sáng tạo; không bị bơ vơ, lạc lõng mà phải có tiếng nói cảm thông, đồng hành. Đặc biệt trong sáng tạo không nên định hướng vì nó gượng ép và phi lý. Không nên xem văn nghệ là chính trị mà phải tách bạch nó ra.

* ”Cái hay không thấy ngay được, phải có thời gian kết tinh lại”. Rất cám ơn ý khá hay của anh Đồng Chuông Tử. Nhưng bao lâu, thưa anh?

- ĐCT: Cần một thời gian dài… 

- NHHM: Đặc biệt ở Sài Gòn, các gương mặt xuất hiện ngày càng dày đặc và đông đảo đến nổi chưa kịp định hình thì đã biến mất; chưa kịp đóng góp cho nền văn học trẻ đã vội xoá tên trên bản đồ Thơ. Lớp sóng này cuốn lớp sóng kia… một cách liên tục; do vậy chúng ta cần phải có thời gian khoảng 10 năm đủ để chấp nhận cái hay, cái độc đáo… của từng cá nhân, từng dòng chảy.
 

C - PR THƠ ĐANG BỊ BÃO HÒA

* Các nhà thơ có thể cho biết có cần thiết PR thơ không và thực trang PR thơ trong thời gian gần đây?     

- NHHM: Tôi nghĩ PR cần thiết chứ vì đây là thời đại của thông tin, thời đại PR cho bản thân; nhưng vấn đề là có phải muốn nổi tiếng là nổi tiếng đâu? Thậm chí những chiêu PR hiện nay đang có chiều hướng bão hòa. Do vậy, muốn khẳng định bản thân thì chỉ còn cách phải nương tựa vào thực lực, tài năng. Nhiều người thân tình với cánh báo chí nhưng nếu tác phẩm không có giá trị thì cũng chịu! Thơ là loại hàng hóa đặc biệt. Nó là sản phẩm của tinh thần. 

* Với nhà thơ Phan Trung Thành như thế nào, anh có vẻ trầm ngâm quá! 

- PTT:  Nếu đã nói thơ cũng là sản phẩm như các sản phẩm tiêu dùng khác rồi đem đi “rao bán chào mời” một cách cuồng nhiệt thì “tội” cho thơ lắm. Một vài tờ báo hiện nay vẫn đăng thơ theo “lối” quen biết nhau cho nên “bỏ thương vương nặng” đăng cả những bài họ đã sử dụng nhiều lần. Một bài thơ hay là bài thơ biết cách sống theo nghĩa khiêm tốn “tốt gỗ” mà cha ông ta thường dạy. PR sản phẩm thơ kém chất lượng giống như “cố đấm” mà chẳng “ăn” được son phấn thơm thảo gì chứ nói là “ăn xôi” dư luận.

- ĐCT: PR cũng tốt thôi. Người ta đọc thơ mình, có thích người ta mới viết bài.

- NHHM: Tôi thấy ảo tưởng của nhà thơ là rất lớn. Tất nhiên chẳng ai cho rằng thơ mình dở cả nhưng khi họ viết bài PR cho chính mình, tôi nghĩ như thế là không sòng phẳng. Tôi không thấy thích thú gì chuyện đó, thậm chí là sợ hãi. Những nhà thơ lớn thường chọn giải pháp im lặng, chẳng đặng đừng họ mới xuất hiện mà thôi.

- NP: Tôi nghĩ dẫu mình có PR hay không thì không vì thế mà giá trị của tác phẩm thay đổi; vậy tại sao lại không PR? Tôi nghĩ phải PR, phải nói cho mọi người biết tôi có thứ gì và nó phù hợp với những độc giả nào thì người đọc họ mới biết mà tìm tới chứ! 

(Nguồn: www.viet-studies.info/)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Công bố tập thơ chưa được biết đến của Lưu Quang Vũ

* Dung P.



Nhà thơ Vũ Quần Phương kể lại sau ngày Lưu Quang Vũ mất vì tai nạn giao thông (29.8.1988), ông tới thăm và được gia đình cho xem các tư liệu, ghi chép của Lưu Quang Vũ. “Tôi đã đi từ sự bất ngờ tới sửng sốt! Bất ngờ vì Lưu Quang Vũ còn quá nhiều thơ chưa được công bố. Nhưng sửng sốt là khi tôi được đọc bản thảo tập Cuốn sách xếp lầm trang gồm 22 bài mà tôi cho rằng là tập thơ hay nhất của Vũ”.

Trong buổi toạ đàm về thơ Lưu Quang Vũ diễn ra ở trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội tối 17.5, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết tiếp xúc với di cảo thơ của Lưu Quang Vũ, ông thấy một cách làm thơ khác hẳn: “Bình thường các nhà thơ viết các bài thơ và khi muốn thì lựa chọn vào một tập. Còn Vũ thì khác, anh ấy đóng sẵn một tập thơ, đặt tên cho nó và viết các bài thơ cho tập đó. Cuốn sách xếp lầm trang là một điển hình của lối làm thơ đặc biệt đó”.

Theo nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ, em gái đồng thời là người chịu trách nhiệm toàn bộ tư liệu về Lưu Quang Vũ, tập thơ này được viết khoảng năm 1971 – 1972. “Đó là thời gian rất khó khăn trong cuộc đời anh Vũ” – bà Thơ nói – “Một thanh niên 24 tuổi xuất ngũ đúng thời điểm không khí cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hừng hực. Trở về không nghề nghiệp, gia đình thì mỗi người một nơi vì sơ tán… Đó là những hoàn cảnh khách quan của cuộc sống cộng hưởng với những diễn biến tâm lý riêng của anh đã thai nghén ra 22 bài trong tập Cuốn sách xếp lầm trang”.

Những người bạn trong cuộc đời và bạn nghề của Lưu Quang Vũ khi được đọc tập thơ đều có chung cảm xúc bất ngờ bởi họ thấy một Lưu Quang Vũ ít được biết tới. Những bài thơ như Người con giai đến phòng em chiều thu; Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm, bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn hay Cuốn sách xếp lầm trang… thể hiện một tâm trạng cô đơn, cay đắng và mang nhiều ý nghĩa bế tắc trong cuộc sống. Nhưng cũng chính ở đây, Lưu Quang Vũ đã viết với sự chân thành cao nhất. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng “người đọc cảm nhận được một trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái. Chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành với mình đến tàn nhẫn như ở tập thơ này”.

Cho tới nay, gia đình nhà thơ không thể xác định được tập thơ đã từng được gửi in ở đâu chưa hay Lưu Quang Vũ chỉ viết cho riêng mình và để đó. Nhưng nói như nhà thơ Anh Ngọc, một người bạn thơ cùng thời với ông thì “nếu 40 năm trước tập thơ này được in ra, chẳng biết số phận của Vũ và những người in tập thơ đó sẽ ra sao…”. Lưu Quang Vũ đã viết tất cả những gì đang có trong mình lên giấy và thành thơ. Ông không cần quan tâm những điều đó có phù hợp với thời cuộc hay không.

Sinh thời, Lưu Quang Vũ có một tuyên ngôn nghệ thuật riêng: cảm xúc của người nghệ sĩ không được ngăn cản và kiềm chế, khi nó đến phải để cho nó phát triển hoàn toàn. Và với những bài thơ trong Cuốn sách xếp lầm trang, ông đã chứng minh tuyên ngôn của mình một cách rõ ràng nhất. Có lẽ đó là nhân cách con người và cũng là nhân cách thơ Lưu Quang Vũ.

Xúc động nâng trên tay tuyển thơ mới nhất của Lưu Quang Vũ mang tên Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi do nhà xuất bản Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam phối hợp ấn hành. Nguyễn Đức Trung, học viên cao học đại học Ngoại thương tâm sự: “Bốn mươi năm trước có thể những vần thơ của ông sẽ không được chấp nhận. Nhưng bốn mươi năm sau, chúng tôi đọc thơ Lưu Quang Vũ để giật mình nhận ra: 24 tuổi, ta đã nghĩ và làm được gì?”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Tác giả bài thơ "Triệu đóa hồng" qua đời



TTO - Gennady Ivanov, thư ký hội nhà văn Nga thông báo: Andrei Voznesensky - một trong những nhà thơ nổi tiếng của Nga thời kỳ Xô Viết -  đã ra đi thanh thản tại nhà riêng ở Moscow vào ngày 1-6-2010, thọ 77 tuổi.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/NhathoAdreiVoznesenskyTacgiaMillion.jpg

Nhà thơ Andrei Voznesensky - Ảnh: AP



Andrei Voznesensky được biết đến với những bài thơ có giai điệu đặc sắc, rất được các nhà phê bình ca ngợi trong thời kỳ Xô Viết. Nhà văn từng giành được giải Nobel văn chương và là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng  Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago)Boris Pasternak được coi là người thầy thông thái cũng như nguồn cảm hứng thi ca của Andrei Voznesensky.
Những tập thơ nổi tiếng của ông bao gồm  The Triangular Pear, Antiworlds, Stained-glass Master, Violoncello Oakleaf, Videoms and Fortune Telling by the Book. Một số tác phẩm của Andrei Voznesensky đã được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng, trong đó có tác phẩm  Triệu đóa hồng  rất quen thuộc với thính giả Việt Nam. Ca khúc này được chuyển thể từ bài thơ Million of Scarlet Roses mà ông viết để tặng cho ca sĩ nổi tiếng Alla Pugacheva của Liên Xô vào năm 1983.
Ngoài ra tác phẩm Antimiry của ông trở thành một vở kịch nổi tiếng thế giới được trình diễn tại nhà hát Taganka năm 1965. Tác phẩm Juno and Avos của ông cũng đã được chuyển thể thành vở nhạc kịch rock opera nói về cuộc đời và cái chết của Nikolay Rezanov và được biểu diễn trên sân khấu Lenkom.
Trong suốt những năm 60, ông thường xuyên qua Châu Âu và Mỹ để đọc thơ cùng với người bạn, nhà thơ Yevgeny Yevtushenko của mình và từng gặp gỡ với các nhân vật nổi tiếng như Allen Ginsberg, Arthur Miller, Marilyn Monroe và Robert Kennedy. Năm 1976 tên của ông được đặt tên cho một tiểu hành tinh (3723 Voznesenskij) mà nhà thiên văn học Xô Viết Nikolai Stepanovich Chernykh khám phá ra. Năm 1978, Andrei Voznesensky được tặng giải thưởng Nhà nước Liên Xô. Năm 2008, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã trao giải thưởng nhà nước dành cho ông.
Andrei Voznesensky còn là thành viên danh dự của hàng chục viện hàn lâm trên thế giới, trong số đó có Viện Hàn lâm Giáo dục Nga, Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Mỹ, Viện Hàn lâm Nghệ thuật Bavaria, Viện Hàn lâm Goncourt và nhiều viện hàn lâm khác.

NGHI XUÂN (Theo BBC News, AP, Wikipedia)
Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa...ri/Van-hoc/382267/Tac-gia bai-tho-Trieu-doa-hong-qua-doi.html

"Triệu bông hồng" do Alla Pugacheva trình bày

...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà thơ Đặng Vương Hưng:

Sau Quốc hoa, nên tính đến Quốc thơ!!!



Lễ trao giải cuộc thi thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ đã diễn ra tại Hà Nội vào sáng qua 2/7/2010. Tại lễ trao giải này, nhà thơ Đặng Vương Hưng, thành viên BTC cuộc thi, chủ nhiệm trang web lucbat.com đã có một đề xuất gây bất ngờ với nhiều người. Đó là đề xuất công nhận lục bát là “quốc thơ”, và không những thế, trang lucbat.com còn sẽ tích cực vận động kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận thơ lục bát là Di sản văn hóa thế giới.

http://media.thethaovanhoa.vn/2010/07/03/08/09/dangvuonghung.jpg

Trao đổi với TT&VH về đề xuất đầy lãng mạn này, nhà thơ Đặng Vương Hưng, cho biết:

- Việc có tới gần 16.000 bài thơ dự thi chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi đã cho thấy sức mạnh và sức hấp dẫn của thể loại thơ lục bát đối với độc giả và những người yêu thơ. Chúng tôi không bất ngờ về điều ấy. Bởi, nhìn tổng thể, không thể thơ nào có khả năng bám sát và gần gũi với đời sống nhân dân như thơ lục bát. Dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, mỗi nhà thơ đều chắc chắn có những lần sáng tác theo thể loại này.

Sau lễ trao giải, trên trang web lucbat.com, chúng tôi đã đề xuất ý tưởng cùng kêu gọi chọn thể loại thơ lục bát là “quốc thơ” của Việt Nam.

“Quốc thơ” ư? Liệu có quá lời hay không, thưa anh?

- Thơ lục bát không chỉ đơn thuần có giá trị ở góc độ thi ca. Nói không quá lời, lục bát là cội nguồn, là hồn vía của văn hóa Việt. Thể thơ này tồn tại cả ngàn năm và phát triển thông qua lời ăn tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Thậm chí, các vấn đề nặng tính xã hội như tôn giáo, chính trị... cũng đều sử dụng loại thơ này để tiếp cận từng cá nhân.

Thông thường, mỗi nền văn hóa, văn học hay thi ca đều có những thể loại mang tính biểu tượng riêng. Lục bát là thể thơ truyền thống, có thể coi là biểu tượng của thi ca Việt Nam. Nếu như người Anh và người Ý tự hào vì có thơ sonnet, người Nhật có thơ haiku, người Trung Quốc có tứ tuyệt... thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì thơ lục bát. Vừa qua, chúng ta đang cùng thảo luận để tìm một “quốc hoa” cho Việt Nam. Bởi vậy, tôi nghĩ việc đặt ra vấn đề “quốc thơ” là hợp lý.

Vậy, có điểm gì khó trong việc đề cử lục bát là quốc thơ, theo anh?

- Do những đặc trưng về cấu trúc, cách gieo vần... lục bát vẫn bị coi là thể thơ nôm na, giản dị, dành cho đại đa số những người có trình độ thấp hoặc cá biệt là không biết chữ. Chúng ta có thể quen với sự tồn tại của thơ lục bát trong cuộc sống hàng ngày, nhưng khi chính thức thừa nhận và tôn vinh nó thì lại là một câu chuyện khác. Khi ấy, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều cùng tranh luận và “mổ xẻ” thể loại thơ này.

Sáng nay, nghe ý tưởng của tôi, anh Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn VN) nói đại ý: lục bát thực ra đã là “quốc thơ”, là khuôn vàng thước ngọc của thi ca Việt Nam rồi, bây giờ việc vinh danh nó chỉ là vấn đề “thủ tục” . Nhưng chắc chắn, lộ trình hoàn thành thủ tục ấy sẽ khá dài.

Anh và trang web lucbat.com sẽ làm những gì để đóng góp vào lộ trình ấy?

- Bên cạnh việc tổ chức giải thưởng Ngàn năm thương nhớ theo từng năm, chúng tôi sẽ lấy ý kiến bạn đọc và các nhà thơ về vấn đề này. Ngoài ra, tôi được biết, tạp chí Văn nghệ Quân đội và Sông Hương cũng sẽ tổ chức một số giải thơ lục bát trong thời gian tới. Đó là điều rất đáng quý, bởi tôn vinh thơ lục bát cần sự đóng góp công sức của nhiều người. Khi đông đảo học giả, văn nghệ sĩ, bạn đọc có ý kiến, tôi mong những cơ quan có thẩm quyền sẽ chú ý tới vấn đề này một cách nghiêm túc.

Cuối cùng, giả sử như danh hiệu “quốc thơ” được công nhận thì điều đó sẽ có tác động thế nào tới đời sống của thơ lục bát tại Việt Nam?

- Nhiều lắm. Trước hết, tôi mong điều đó sẽ là cú hích cho sự phát triển thơ lục bát ở Việt Nam giai đoạn này. Người ta sẽ nhìn nhận lại và đặt lục bát vào một vị trí xứng đáng với quốc hồn quốc túy của người Việt, chứ không còn coi đó là một thể loại thơ dân gian và... nhà quê nữa. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử và các giai đoạn phát triển của thơ lục bát tại Việt Nam. Theo tôi biết, hiện chúng ta có rất ít các công trình về việc này...

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

(Bài phỏng vấn do ĐÔNG HẢI thực hiện.)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Xin lỗi rất nhiều, vì gặp trục trặc kĩ thuật nên ĐN xin post lại ở phía dưới.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Lục bát sẽ là quốc thơ?


Mới đây có ý kiến đề xuất công nhận lục bát là quốc thơ và vận động cơ quan chức năng làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận thơ lục bát là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, không ít người trong giới văn học cho rằng việc làm này là hình thức, là phù phiếm.
Người đưa ra đề xuất là nhà thơ Đặng Vương Hưng, chủ nhiệm trang web  lucbat.com.

Chọn quốc thơ để tạo cú hích

Ông Hưng cho rằng:  “Thơ lục bát không chỉ đơn thuần có giá trị ở góc độ thi ca. Lục bát là cội nguồn, là hồn vía của văn hóa Việt. Thể thơ này tồn tại cả ngàn năm và phát triển thông qua lời ăn tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Thậm chí, các vấn đề nặng tính xã hội như tôn giáo, chính trị... cũng đều sử dụng loại thơ này để tiếp cận từng cá nhân”.
Mỗi nền văn hóa, văn học hay thi ca đều có những thể loại mang tính biểu tượng. Lục bát là thể thơ truyền thống, có thể coi là biểu tượng của thi ca Việt Nam. Nếu như người Anh và người Italia tự hào vì có thơ Sonnet, người Nhật Bản có thơ Haiku, người Trung Quốc có thơ tứ tuyệt... thì người Việt Nam cũng có quyền tự hào vì thơ lục bát.
Ông Hưng cho rằng, nếu lục bát được công nhận làm quốc thơ thì đó có thể là cú hích cho sự phát triển của thể loại thơ này ở Việt Nam.  “Người ta sẽ đặt lục bát vào một vị trí xứng đáng với quốc hồn, quốc túy của người Việt, chứ không còn coi đó là một thể loại thơ dân gian và nhà quê nữa”, ông nói.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa nhận xét:  “Lục bát rất đáng quý, đó là một tài sản độc đáo, tinh hoa của thơ Việt. Đó là một thể loại dễ vận, nhất là với sự du dương của tiếng Việt, ai cũng có thể vận được”. Tuy nhiên, ông không đồng tình với đề xuất chọn quốc thơ và cho rằng, lục bát đang bị người ta lạm dụng; những bài lục bát “sống” được rất ít dù người làm thơ lục bát rất nhiều.

Chưa "phú quý" đã sinh "lễ nghĩa”?

Nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: thơ lục bát rất thuần Việt và không hề bị ảnh hưởng bên ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có một thể thơ thuần Việt là quá yếu, trong khi một số nước như Trung Quốc có nhiều thể thơ đặc hữu mà họ chẳng mang khoe. Ông thẳng thắn: “Tôi nghĩ không nên (chọn quốc thơ và đề nghị UNESCO) vì chuyện này rất buồn cười, lẩm cẩm. Hiện nay chúng ta có cái bệnh, nào là quốc hoa, quốc phục… Đó là cách tư duy mòn và tôi thấy chẳng nước nào có quốc thơ cả. Chẳng hạn như thơ Đường của Trung Quốc hay Haiku của Nhật Bản, có là quốc thơ gì đâu mà cả thế giới phải công nhận. Cần gì phải UNESCO công nhận, chỉ cần người dân công nhận là được. Mình hay đua đòi, chỉ cần được UNESCO công nhận là thích. Hay bệnh Guinness nữa, làm gì cũng thích to lớn nhất nhưng lại không tính đến chất lượng”.
Theo ông Phương, đời sống hiện tại cần nhiều thể thơ khác để diễn tả, trong khi lục bát chỉ nói được một số vấn đề mà thôi.  “Tôi không bài bác lục bát, nhưng cũng giống như áo tứ thân của các cụ ngày xưa rất đẹp, nhưng hiện nay nếu đi xe máy mà mặc áo đó chẳng may quấn vào xe gây tai nạn cũng chết. Do đó, thể thơ giống như y phục được bọc ra ngoài nội dung bài thơ và y phục đó phù hợp với điều kiện nào thì ta sử dụng, không nên đề cao bất kỳ cái gì”, ông nói.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa cho rằng, đất nước ta cần chấn hưng văn hóa trước đã, bởi nền văn hóa Việt Nam đang như một thứ hỗn mang. Chấn hưng xong, những gì tinh túy nhất của đất nước ắt sẽ lộ diện. Gọi việc tôn vinh kiểu này là bệnh hình thức, ông nói: “Tôi xin đứng ngoài các loại “quốc” vì không cẩn thận, chúng ta đang sa vào những trò hình thức, phù phiếm. Các cụ bảo phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng chúng ta đã phú quý đâu. Tôi vừa có một chuyến đi ở vùng sâu, vùng xa về, gặp những đứa trẻ đói nghèo, tôi mong chúng ta hãy làm cho những đứa trẻ đó có một cuộc sống tử tế đã, rồi hãy tính đến chuyện quốc thơ”.

Theo Đất Việt

...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Giả sử Quốc thơ được công nhận, thế là lại rùm beng tốn bao nhiêu giấy mực thời lượng, công của vào việc ca ngợi và tôn vinh, chào đón với lễ này lễ nọ, tốn kém. Rồi lại xếp xó, vì không có nó mọi việc vẫn tuần tự.
Hi hi...sau Quốc thơ có là Quốc thực, Quốc ẩm?
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Phạm Thiên Thư viết sử Việt bằng thơ



TT - Ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, thi sĩ của Ngày xưa Hoàng Thị  nổi tiếng một thời vẫn miệt mài làm việc và vừa cho ra đời thi phẩm mới nhất của mình: Hát ru Việt sử thi.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/81/437081.jpg



Theo lời nhà thơ, ông phải mất gần mười năm để hoàn thành Hát ru Việt sử thi - cuốn sách có độ dài 3.325 câu thơ lục bát, mở đầu từ thời thượng cổ và kết thúc vào thời Tây Sơn.

Nhìn vào phần chú giải trong sách, có thể thấy khi thi hóa Hát ru Việt sử thi ông đã nương theo bộ Việt Nam sử lược?

- Thật ra tôi chỉ dựa vào đó một phần, phần còn lại được kê cứu từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau của Việt Nam. Tôi phân tích, tổng hợp và chắt lọc các sử kiện, sắp xếp chúng theo dòng thời gian, sau đó biện giải theo cách của mình.

Đặc trưng của lịch sử là thời gian và sự kiện. Có hàng núi sự kiện đã được dồn nén trong cuốn sử bằng thơ chỉ dày độ 250 trang này. Vậy ông đã chọn lọc những sự kiện theo tiêu chí nào?

- Chỉ những diễn biến quan trọng, điển hình nhất trong mỗi thời kỳ, triều đại lịch sử mới được chọn mà khi nhắc đến nó ai thuộc sử cũng phải biết.

Tôi tin rằng những ai còn yêu thơ, còn có ý thức gìn giữ điệu hát ru dân tộc, người đó sẽ đồng cảm với Hát ru Việt sử thi. Tôi cũng đã nghĩ đến việc chuyển thể Hát ru Việt sử thi thành sách nói (xuất phẩm đĩa CD) để phục vụ tốt hơn cho mục đích “ru con thời hiện đại” với những ai thật sự có nhu cầu.

Trong Hát ru Việt sử thi, thơ nhất có lẽ là những đoạn chuyển mạch giữa hai thời kỳ lịch sử, hay những đoạn ông luận về thế sự. Viết sử Việt bằng thơ bởi trước tiên ông là một nhà thơ. Vậy Hát ru Việt sử thi là tác phẩm thơ ca hay chuyện sử bằng thơ?

- Tôi nghĩ cả hai. Đây là một món ăn tinh thần nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm hồn những người trẻ thời hiện đại. Thuộc sử, nhớ sử Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ tức là yêu nước, yêu tiếng nước mình. Điều đó quan trọng hơn việc phân loại tác phẩm.

Hát ru Việt sử thi dừng lại ở thời nhà Tây Sơn. Như vậy sẽ có những cuốn Hát ru Việt sử thi tiếp theo nữa, thưa ông?

- Chỉ có một Hát ru Việt sử thi hoàn chỉnh như bạn đọc đang cầm trên tay. Tôi dừng lại ở thời nhà Tây Sơn và quyết định kết thúc tác phẩm ngay tại trận thắng Đống Đa oanh liệt năm 1789 của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược. Tôi dừng ở đây vì muốn có một cái kết huy hoàng, phù hợp với không khí đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Hát ru Việt sử thi được viết ra từ một phần hồn tôi: mạch sử dân tộc, âm điệu hát ru và thơ lục bát.

TRẦN VĂN THƯỞNG thực hiện

Thời trẻ, Phạm Thiên Thư từng được nhiều người mến mộ qua những bài thơ tình đầy chất lãng mạn, mơ mộng và đắm say. Nổi tiếng trong số đó là hai bài thơ Động hoa vàng và Ngày xưa Hoàng Thị, đều đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Hát ru Việt sử thi là công trình thi hóa lịch sử đầu tiên của Phạm Thiên Thư ở tuổi 70. Trước đó, ông từng nổi tiếng với các tác phẩm thi hóa kinh Phật, đặc biệt tác phẩm Hội Hoa đàm (thi hóa Kinh Hiền Ngu  của ông đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “tác phẩm thi hóa theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam” năm 2009.


http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/107/437107.jpg

Một tập thơ lục bát nhưng theo thể thức hát ru. Khi đọc thơ cũng là lúc cất lời hát. Bà hát ru cháu, mẹ hát ru con, anh hát ru em, người hát ru người, ta hát ru ta... Nhưng hát ru ở đây không chỉ dỗ dành mà còn truyền trao tình cảm, trí tuệ. Những bài sử Việt được thi hóa bằng ngôn từ nôm na bình dân, sự bay bổng vần điệu giúp neo vào trí nhớ. Nhớ từ thuở vua Hùng với câu chuyện Âu Cơ - Lạc Long Quân, tới Phù Đổng, Tấm Cảm, Tiên Dung... các triều đại vong hưng, các bậc tiền nhân lẫy lừng.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Nhà văn băn khoăn chuyện "bầu bán" trước đại hội



Ngày 6/8, đại hội của những người cầm bút mới khai mạc, nhưng ngay từ buổi họp báo sáng 27/7, chuyện bầu cử Ban chấp hành mới đã trở thành đề tài nóng. Bởi, như nhà văn Văn Chinh nhận định, đó là nơi "Ai cũng nói không muốn vào nhưng ai cũng muốn vào".


Trong khi với các hội nghề nghiệp khác, đại hội thường chỉ diễn ra trong hai ngày, thì với Hội Nhà văn, Ban tổ chức dành ra 3 ngày (từ 4 đến 6/8), chưa kể một ngày dự bị vào 7/8. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhận định, đó là lượng thời gian cần thiết, bởi Đại hội sẽ tiếp đón hơn 1.000 đại biểu, 60 tham luận và đặt ra nhiều vấn đề cần thảo luận.
Tại buổi họp báo, Ban tổ chức đã công bố Dự thảo báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2005 - 2010 và Phương hướng nhiệm kỳ tới, đồng thời giải đáp những thắc mắc trước thềm đại hội. Trong đó, được quan tâm nhiều nhất là quy trình bầu cử để chọn ra Ban chấp hành mới.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/NhthHuThnh-ChtchHiNhvnVN.jpg

Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN hai nhiệm kỳ qua. Ảnh: L.H.


Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định, từ các đại hội trước cho thấy, phần lớn thành viên Đoàn Chủ tịch là những người trúng cử vào Ban chấp hành mới. Vì vậy, ông tỏ ra băn khoăn về chính quá trình bầu Đoàn Chủ tịch, liệu việc lựa chọn các thành viên này có được thực hiện một cách minh bạch, chặt chẽ? Nhà văn, nhà báo Văn Chinh cũng cho rằng, để thực hiện nguyên tắc dân chủ trong quá trình diễn ra đại hội, việc giới thiệu nhân sự cần được thực hiện một cách công khai, giúp đại biểu tìm hiểu rõ thêm về các ứng viên mình sẽ bỏ phiếu. Bởi với số lượng hội viên đông đảo, trải khắp ba miền, các nhà văn không thể biết hết nhau.
Trước những ý kiến này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Đoàn Chủ tịch không phải là hình ảnh của Ban chấp hành tương lai, mà đó là những người có năng lực điều hành, có am hiểu về hoạt động của Hội 5 năm qua". Ông khẳng định, năm nay, Ban tổ chức sẽ đổi mới công tác bầu cử bằng việc chuẩn bị hồ sơ, thông tin đi kèm của hơn 300 người được giới thiệu vào Ban chấp hành mới.
Con số hơn 300 đề cử từ các đại hội địa phương để bầu Ban chấp hành khóa 8 cũng là câu chuyện khiến các nhà văn bàn ra tán vào. Trong khi Hội nhà văn có tổng cộng 921 hội viên thì việc có đến hơn 30% hội viên được đề cử được coi là quá lớn. Trên blog Quê choa, nhà văn Nguyễn Quang Lập bình luận, với số lượng đó, "nếu không ai chịu rút thì chúng ta sẽ có một ban chấp hành đủ để lãnh đạo văn chương thế giới". Nhà văn Đặng Huy Giang cũng phát biểu: "Có hơn 300 đề cử mà chỉ bầu ra khoảng 15 người thì không bầu được đâu, loãng phiếu lắm".

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/NguynNgcTNhvntr.jpg
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư-tác giả "Cánh đồng bất tận"


Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trẻ từng nhận được sự bảo vệ của Hội trước vụ việc liên quan đến tác phẩm Cánh đồng bất tận. Nhưng ngoài trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư, Hội được đánh giá chưa thực sự hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Ảnh: L.H.
Tuy có lượng đề cử lớn, nhưng số thành viên được bầu vào Ban chấp hành Hội những nhiệm kỳ gần đây lại rất ít ỏi. So với khóa I (32 người), khóa II (33 người), khóa III (44 người)... thì những khóa sau, con số lãnh đạo hội khá khiêm tốn: khóa V (5 người), khóa VI (9 người), khóa VII (6 người).
Một số hội viên tỏ ra thông cảm với những khó khăn Ban chấp hành khóa 7, bởi họ chỉ có 6 thành viên, trong đó, chỉ có một vài người thực sự làm việc vì Hội. Tại buổi họp báo, nhà văn Huy Giang chia sẻ về tâm tính "khó chiều" của các nhà văn. Anh nói: "Trong đại hội trước, lúc bầu bán, các đại biểu đã thống nhất với nhau là dừng lại ở 6 người thôi. Nhưng xong đại hội, lại có những ý kiến ì xèo là bầu quá ít. Nhà văn ta là thế". Nhà văn Y Ban cũng bày tỏ, Hội cần có quy chế đối với những ủy viên Ban chấp hành làm việc thiếu hiệu quả, để không phụ lại sự tín nhiệm của các hội viên.
Bên cạnh chuyện bầu cử, buổi họp báo tiền đại hội cũng đặt ra một số vấn đề khác như: trách nhiệm của Hội trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên, cơ chế phát huy sức sáng tạo của các cây bút trẻ, quy chế giải thưởng Hội Nhà văn...
Trong dự thảo mang tên "Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người", Ban tổ chức đã đề ra nhiều phương hướng cho nhiệm kỳ mới trong đó có yêu cầu đổi mới Hội một cách mạnh mẽ theo phương châm: tất cả vì hội viên, tất cả cho hội viên".

Lưu Hà
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 14 trang (132 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối