Trang trong tổng số 41 trang (405 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [34] [35] [36] [37] [38] [39] [40] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

@Na: Thanks bạn nhiều. Nhưng mà lần sau bạn cứ copy cả bài vào rồi để link bên cạnh, cho dễ theo dõi bạn à. Chứ vào mà toàn thấy link là link ko có bài đâu thấy cũng hẫng hẫng hihi/
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

NanLan

Tớ cũng thích đọc ngay cơ, còn link thì tớ lại lười đưa chuột vào đó. Hiiii 1/10 tớ cho chuột vào dòng chữ xanh ấy nhấn.
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Nhật Tân.

Bảo vệ tiếng Việt và chuyện... leo cột mỡ
01/03/2010 14:59 (GMT +7)
Nhiều người lo ngại về thực trạng của tiếng Việt hiện nay. Là một nhà ngôn ngữ học, PGS.TS Phạm Văn Tình lại có một cái nhìn rất biện chứng về hiện tượng này.

Không buồn mà chỉ tiếc

- Là người nghiên cứu ngôn ngữ, trước sự lộn xộn của tiếng Việt trong thời gian gần đây, ông có buồn không?

- Nói là buồn cũng không hẳn. Tôi thấy băn khoăn và hơi tiếc. Tiếng Việt đang bị xâm lấn bởi ngôn ngữ mạng, bởi tiếng Anh...

Tuy nhiên, tôi thấy đó là điều bình thường, bởi ngôn ngữ là một dòng chảy. Nó luôn có sự thay đổi giao thoa và chuyển di.

Do bối cảnh, do sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật, sự giao lưu, hòa trộn giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ cũng không nằm ngoài biến động chung đó. Vấn đề là đứng trước hiện thực ấy, tự thân mỗi ngôn ngữ chấp nhận như thế nào.

Tất nhiên, trong xu thế chung, ta không thể "bế quan tỏa cảng" để giữ mình được. Cũng bởi khi đã chủ động hội nhập, chúng ta phải chấp nhận tuân thủ "luật chơi". Hai bên thâm nhập lẫn nhau, bên nào mạnh hơn, có bản lĩnh hơn sẽ lấn át bên kia. Nếu chúng ta không biết đón nhận thì sẽ bị loại bỏ.


Tôi thấy buồn vì ngôn ngữ học hình như vẫn chưa nhận được sự tôn trọng đúng mức trong "thang giá trị" của xã hội.

- Nhưng đáng lo ngại là hiện có vẻ tiếng Anh đang lấn át? Trẻ con học tiếng Anh từ khi chưa đi học...

- Điều đó cũng tốt chứ. Sẽ rất thuận lợi nếu chúng ta sử dụng thành thạo tiếng Anh. Không chỉ riêng ta "mê" tiếng Anh mà cả thế giới cùng mê. Mặc dù tiếng Hán của người Trung Quốc là thứ tiếng có nhiều người nói nhất trên thế giới, nhưng cũng không chiếm ưu thế bằng tiếng Anh.

Người Pháp khư khư bảo vệ "tiếng của Victor Hugo, của La Fontaine..." nhưng rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận coi tiếng Anh như một "song ngữ không chính thức"...  Điều quan trọng là nếu học tiếng Anh (để cố hoà nhập cho được) mà quên tiếng Việt thì vô hình trung ta đang bị "đồng hóa" tự nguyện. Đừng hy vọng học ngoại ngữ giỏi nếu tiếng mẹ đẻ của chúng ta tồi.

- Có phải vì vậy mà dư luận cho rằng cần phải có Luật bảo vệ tiếng Việt?

- Vấn đề là luật thì phải có các điều khoản chế tài chặt chẽ, dựa trên các quy định ngôn ngữ mang tính điển chế, có thế ta mới có cơ sở để "bắt lỗi" mà phạt chứ...

Mà tiếng nói thì khó phân định lắm. Trước mắt, chúng ta chỉ có thể ban hành Pháp lệnh về việc bảo vệ tiếng dân tộc, để nhắc nhở, khuyến khích mọi người có ý thức quan tâm đến việc giữ gìn tiếng Việt.

Chúng ta cũng đã xới lên vấn đề phải bảo vệ tiếng Việt, nhưng đáng tiếc là lại "chìm nghỉm" luôn. Tôi có cảm giác là ta đang "leo cột mỡ", leo một đoạn lại tụt một đoạn. Cuối cùng lại trở về chân cột (cười).

- Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

- Nói một cách khoa học, ngôn ngữ giống một cơ thể sống, có sự chọn lọc tự nhiên, loại đi những nhân tố bất hợp lý, giữ lại các yếu tố tích cực. Là một hệ thống mở, ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh, dần dần loại đi những cái không phù hợp...

Nhiệm vụ của chúng ta là không ngồi chờ sự loại bỏ của xã hội theo hướng "chọn lọc tự nhiên" mà phải có chiến lược phù hợp để điều chỉnh và định hướng cho ngôn ngữ phát triển lành mạnh, tránh những hiện tượng có thể làm "lệch" các xu hướng tích cực.

Mà việc này không thể chỉ nằm trong tay nhà ngôn ngữ. Phải có sự "đồng tâm hiệp lực" của toàn xã hội với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.
  
Người trẻ cũng có cái lý của họ

Tôi thấy những người có ý bảo vệ tiếng Việt đều là những người lớn tuổi, còn lớp trẻ dường như rất hào hứng với cái mới và tỏ ra "đứng ngoài cuộc"?

- Đúng là trong giới trẻ nhiều người còn cho các ý kiến đó là bảo thủ, cổ hủ. Nhưng lớp trẻ lại là số đông và họ cũng có lý của họ đấy. Không phải cái gì mới cũng là xấu. Những người trẻ thường thông minh, hiểu biết nhiều, tiếp cận nhanh với cái mới.

Nhưng họ cũng có hạn chế là bồng bột, thích đổi mới "phá cách", thích thể hiện "cái tôi", không cân nhắc, thường thích nói theo nhau. Ví dụ, hiện nay các bạn trẻ rất thích sáng tác và hát các bài hát với ca từ "vô nghĩa, vô duyên, nhạt nhẽo...", thích nói theo lối xuyên tạc tếu táo...

- Nhưng chính trên sách báo có nơi người ta cũng dùng cách nói này?

- Người ta vẫn đưa cả lên sách báo để cho thấy sự phong phú của ngôn từ trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều người cảm thấy hình như xã hội cũng bỏ qua (thậm chí cổ xúy) việc đó. Theo tôi, nên thận trọng khi đưa lên báo chí. Vì dư luận luôn coi báo chí là căn cứ để hướng theo.

Nếu không có việc xử phạt thì xem chừng để kêu gọi mọi người giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng khó lắm.

Có những cái còn hơn cả luật. Khi người ta thấy bị đánh giá kém về văn hóa thì tự nhiên như một phản xạ, họ sẽ tự điều chỉnh thôi. Văn hoá ngôn từ làm cho người nói tự thấy ngượng thì sẽ không phát ngôn như thế, không hành xử như thế nữa.

- Càng tìm hiểu về ngôn ngữ tôi càng thấy phức tạp và cứ như rơi vào mớ bòng bong. Ông có tiếc là đã chọn ngành ngôn ngữ này không?

- (Hơi trầm ngâm) Ngày trước tôi đang học ngành văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) thì đi bộ đội. Khi về thì chuyển sang học ngành ngôn ngữ (và phải học lại từ đầu) vì tôi thấy ngôn ngữ học mới mẻ và cũng hay, cần tính chính xác cao hơn.

Ngôn ngữ học là một môn "đứng gần" khoa học tự nhiên nhất trong các ngành khoa học nhân văn. Hơn nữa, tôi thích tiếp cận với tiếng Việt, nắm hết được cái hay, cái "cốt cách" tận cùng của tiếng Việt. Thực sự là đến nay tôi thấy mình đã lựa chọn hoàn toàn đúng.  

Hài lòng và hối tiếc

- Ông hài lòng nhất về điều gì trong sự nghiệp của mình?

- Góp được một phần nhỏ bé trong việc thiết lập một "kênh" phổ biến kiến thức ngôn ngữ học cho xã hội qua báo chí. Càng ngày tôi càng thấy yêu ngôn ngữ học và tiếng Việt.

Chính tình yêu đó đã động viên tôi vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. 12 cuốn sách và hơn một ngàn bài viết về ngôn ngữ trên các báo của tôi trong vòng 10 năm trở lại đây đã nói lên điều đó.

- Và ông hối tiếc nhất điều gì?

Có một điều tiếc của tôi còn lớn hơn cả một nỗi buồn. Trước đây tôi có làm thư ký toà soạn cho tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống (của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam). Khi đó tôi tình cờ có quen, giúp đỡ bồi dưỡng cho một cô học sinh chuyên văn suốt 6 năm trời. Tôi rất hy vọng cô bé sẽ vào ngành ngôn ngữ học theo nghiệp mình.

Khi thi học sinh giỏi văn toàn quốc năm cuối cấp, bạn ấy đã đoạt giải, được quyền chọn học bất cứ trường đại học nào. Sau một thời gian "đấu tranh tư tưởng”, bạn ấy đã chọn học trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Một trường đang rất "nóng".

Tôi thấy buồn vì ngôn ngữ học hình như vẫn chưa nhận được sự tôn trọng đúng mức trong "thang giá trị" của xã hội.

- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này.


PGS.TS Phạm Văn Tình sinh năm 1954. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1981, chuyên gia về Ngữ pháp Văn bản và  Ngôn ngữ Xuất bản - Báo chí.
Hiện ông là phó tổng biên tập Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư kiêm trưởng phòng Thư ký Biên tập Khoa học Tự nhiên - Viện Từ điển học và Bách Khoa thư Việt Nam; Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học.
********************************************************************

Bài viết này theo tôi có nhiều điều đáng bàn, phải không các bạn?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Nhật Tân.

“A, bê, xê” hay “a, bờ, cờ”?
10/05/2010 10:12 (GMT +7)
Trong khi ngành giáo dục vẫn giữ quan điểm phát âm hệ thống chữ cái theo “a, bờ, cờ” cho học sinh tiểu học dễ ghép vần thì nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng cần thống nhất cách phát âm “a, bê, xê” cho phù hợp với xu thế hội nhập.
Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT.
********************************************************************
Ông Thành cho biết: Trong giáo dục có những lựa chọn phải trên cơ sở nguyên tắc sư phạm chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào khoa học thuần túy. Trường hợp sử dụng cách gọi a, bê, xê hay a, bờ, cờ cũng phải xem xét từ thực tiễn dạy học.

Việc sử dụng hệ thống a, bê, xê (A, B, C) hiện nay vẫn được thống nhất trong nhà trường từ tiểu học lên các bậc học trên. Duy chỉ có việc dạy ghép vần cho học sinh lớp 1, để trẻ dễ hiểu, dễ học, các nhà giáo dục đã lựa chọn cách gọi tên “a, bờ, cờ”.


“A, bờ, cờ” hay “a, bê, xê” dường như vẫn chưa quan trọng bằng gánh nặng học hành mà học sinh phải gánh chịu ngay từ khi mới bước vào lớp 1

Nếu chỉ đứng từ ngoài nhìn thì thấy việc sử dụng này là lộn xộn, nhưng trong thực tế dạy học nếu máy móc sử dụng a, bê, xê cho thống nhất, trẻ sẽ rất khó ghép vần.

Chẳng hạn, trẻ ghép “bờ e be sắc bé” sẽ đơn giản hơn nhiều so với “bê e be sắc bé”, hay sẽ ghép vần “cờ o co huyền cò” chứ không thể “xê o co huyền cò”...

Nếu điều chỉnh theo cách thống nhất gọi là a, bê, xê tôi nghĩ sẽ lại có những xáo trộn lớn không có lợi cho việc học tiếng Việt của trẻ ở lớp 1. Việc sử dụng cách gọi tên để ghép vần này đã được nghiên cứu từ thực tiễn giáo dục chứ không tùy tiện. Cá nhân tôi ủng hộ vì đó là con đường nhanh nhất giúp trẻ ghép vần.

- Việc học sinh ở bậc học dưới phải ghi nhớ cùng lúc nhiều cách phát âm hệ thống chữ cái, có ý kiến cho rằng, điều đó làm tăng thêm gánh nặng tri thức cho học sinh và sự phát âm lẫn lộn phản ánh việc “quá tải” đó. Ông nghĩ thế nào?

- Nếu đặt câu chuyện này vào chương trình cụ thể của học sinh tiểu học sẽ thấy ngay không có chuyện đó. Học sinh lớp 1 chỉ sau học kỳ thứ nhất đã có khả năng ghép vần, đọc, viết. Các em có một năm đầu tiên tập trung nhiều cho việc đọc, viết tiếng Việt. Ở các lớp trên của bậc tiểu học, trẻ mới dần dần tiếp cận kiến thức phức tạp hơn.

Cách phát âm a, bờ, cờ chỉ sử dụng khi ghép vần để trẻ biết đọc tiếng Việt. Còn trong những trường hợp khác, kể cả ở lớp 1, vẫn sử dụng cách đọc a, bê, xê để đọc bảng chữ cái.

Chúng tôi không thấy có sự phản ảnh về tình trạng “quá tải”. Nếu các trường, giáo viên làm đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì không có chuyện tạo gánh nặng cho trẻ.

-Nhưng thực tế có chuyện chỗ này sử dụng hệ thống a, bờ, cờ, chỗ kia lại sử dụng a, bê, xê trong các trường?

- Tôi khẳng định lại, ngoài việc sử dụng phát âm a, bờ, cờ để ghép vần, trong việc giảng dạy, trong chương trình, sách giáo khoa các cấp đều thống nhất sử dụng cách phát âm a, bê, xê. Đâu đó cũng có người đọc lẫn lộn nhưng tôi cho rằng rất ít.

Không phải bây giờ mà từ lâu chúng tôi đã yêu cầu các trường sử dụng đúng theo hệ thống a, bê, xê (trừ học ghép vần). Nếu học sinh đọc sai, giáo viên phải có trách nhiệm chỉnh sửa.

- Còn việc phát âm hệ chữ cái tiếng Anh đang được sử dụng rộng rãi, nhất là trong giới trẻ, quan điểm của ông về việc này?

- Tôi nghĩ là người Việt Nam, sống trên đất Việt thì cần sử dụng tiếng Việt. Cách phát âm tiếng Anh chỉ nên dùng trong những môi trường nói tiếng Anh. Trong các trường không sử dụng cách phát âm này, trừ những giờ học tiếng Anh. Chủ yếu do sự xâm nhập tiếng Anh ở ngoài cộng đồng tạo nên xu hướng phát âm đó.

- Vậy với tình trạng sử dụng nhiều cách đọc hệ chữ cái tiếng Việt ở khắp nơi, theo ông, cần làm gì để việc sử dụng tiếng Việt được thống nhất?

- Bắt đầu từ nhà trường, việc này phải được thống nhất. Từ nhỏ đến lớn học sinh quen với một cách phát âm thì ra cuộc sống sẽ không sử dụng lộn xộn. Tuy nhiên, việc này cần có vai trò của xã hội, của những người lớn. Không riêng chuyện phát âm chữ cái mà cả cách nói, viết tiếng Việt nói chung còn nhiều điều cần phải xem lại, điều chỉnh.

Trước hết là sử dụng tiếng Việt trên báo chí, sóng phát thanh, truyền hình, trong những chương trình, hoạt động chính thống cần có sự chuẩn mực. Trong các gia đình, cách sử dụng tiếng Việt của người lớn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ con. Đây là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của nhà trường.
*************************************
(Theo Trịnh Vĩnh Hạ)- Báo Tuổi Trẻ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

TỪ HEO VÀ LỢN TRONG TIẾNG VIỆT
                                PTS . Võ Xuân Trang

  Trong tiếng Việt,từ Heo và từ Lợn  cùng chỉ  “con vật nuôi thuộc bộ guốc chẵn, chân ngắn, mõm dài và vểnh, ăn tạp, nuôi để lấy thịt và mỡ” ( Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên ).
   Heo và Lợn là hai từ được dùng phổ biến từ lâu trong tiếng Việt. Từ thế kỷ XVII (1651), Alexander de  Rhodes đã đưa hai từ Heo và Lợn vào cuốn Từ điển Việt-Bồ-La :
   “Heo, con heo: con heo. Tốt hơn, con lợn.
   Lợn:con lợn, con heo. Cùng một nghĩa”.
    Như vậy, từ thế kỷ XVII đã có sự phân biệt giũa lợn và   heo. Qua một số từ điển tiếng Việt xuất bản gần đây, có thể thấy có hai cách ứng xử khác nhau đối với từ heo và lợn ;
    - Một số từ điển biên soạn và xuất bản ở Hà Nội (Từ điển tiếng Việt của văn tân, từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên) thì coi lợn là từ phổ thông, còn heo là từ mang tính chất phương ngữ. Do đó, những người biên soạn chủ trương chỉ giải thích hoặc định nghĩa từ lợn.
   - Một số từ điển biên soạn và xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 (của Thanh Nghị, Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ…) thì không thừa nhận lợn là từ phổ thông, do đó chỉ giải nghĩa từ heo.
   Vấn đề tưởng như đơn giản nhưng hoá ra lại không đơn giản chút nào. Heo và Lợn từ nào là phổ thông, từ nào là địa phương? Phải chăng, tất cả đều do những người biên soạn từ điển định đoạt?
   Chuẩn hoá từ vựng là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với chuẩn hoá về mặt chính tả, phát âm. Rõ ràng, không thể dễ dàng kết luận :cắt tóc hợp lý hơn hớt tóc, xe đỗ hợp lý hơn xe đậu; thìa hơn muỗng; vừng hơn mè; bánh đa hơn bánh tráng… Ngay cả một số từ ngữ dễ dàng được chấp nhận là phương ngữ nhưng vẫn có giá trị riêng và khó lòng mà thay thế bằng các từ phổ thông tương ứng.
Chẳng hạn, một số từ ngữ trong câu ca dao sau đây của miền Trung :
      Đôi ta thương chắc mần ri,
      Mẹ cha mần rứa, ta thì mần răng?
   Trở lại với từ heo và từ lợn. Để giải quyết thoả đáng vị trí từ heo và từ lợn trong tiếng Việt, cần phải tiến hành điều tra khảo sát phạm vi phổ biến của hai từ này. Theo điều tra khảo sát của chúng tôi thì phạm vi phân bố của từ lợn là từ Hà Tĩnh ( Bắc đèo Ngang) trở ra miền Bắc; còn từ heo được dùng phổ biến từ Quảng Bình (Nam đèo Ngang) vào các tỉnh phía Nam. Một số địa phương ở sát hai bên bờ sông Gianh thuộc huyện Quảng trạch, tỉnh  Quảng bình vừa dùng heo vừa dùng lợn. có thể coi đây là vùng đệm, vùng tranh chấp giữa từ lợn và từ heo trong tiếng Việt. vì vậy, đường đồng ngữ (isogloss) của heo và lợn không đi qua đèo Ngang mà phải đi qua vùng đệm này. Từ thực tế đó, có thể hình dung rằng, ngay từ thời Trịnh- Nguyễn phân tranh đã có sự phân biệt : Đàng Ngoài dùng từ lợn còn Đàng  Trong dùng từ heo.
   Phạm vi sử dụng hay địa bàn phân bố của từ heo và từ lợn là như vậy, nhưng đối với các thành ngữ có dùng từ heo và từ lợn thì tình hình lại không hoàn toàn như vậy. trong các thành ngữ như : nói toạc móng heo, xắn quần móng lợn hoặc quần xắn móng lợn, thì cả heo và lợn đều được phổ biến trong cả nước.
   Người việt ở các tỉnh phía Bắc không dùng từ heo trong đời sống hàng ngày, nhưng khi gặp một tình huống cần sử dụng thành ngữ này, họ vẫn dùng một cách tự nhiên, không một chút đắn đo là “Nói toạc móng heo” và không một ai dám nghĩ đến việc phải đổi thành “nói toạc móng lợn”. “Xắn quần móng lợn hay quần xắn móng lợn có nghĩa là “ xắn hai ống quần không bằng nhau, ống cao, ống thấp’. Ở các tỉnh phía nam, tuy người ta không dùng từ lợn, nhưng vẫn nói quần xắn móng lợn, không một ai nói quần xắn móng heo.
   Thế mới hay, ngôn ngữ có sức sống của nó và có quy luật riêng. Ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội. cá nhân (cho dù là nhà biên soạn từ điển) không thể áp đặt đối với ngôn ngữ.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

thachdong2010

Dân thì heo cũng như lợn
Lợn béo miếng lòng thật ngon
Heo sữa mà đem quay giòn
Bắc Nam thảy đều ưa nhậu

Định nghĩa heo chính là lợn
Như vậy có phải hơn không
Nếu mà cứ thế nhiều công
Vì còn ngàn từ khác nữa
Ô là ô - Áo vá choàng - ồ a i hí
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

Về hai bộ từ điển tiếng Việt

(LĐCT) - Tôi có trong tay hai bộ từ điển tiếng Việt: Một bộ do Văn Tân chủ biên, nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội xuất bản năm 1967, dày 1.172 trang; một bộ do Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học Hà Nội - Đà Nẵng xuất bản 2002, dày 1.221 trang, in lần thứ 8, có sửa chữa, có tới 39.924 mục từ.
Trong quá trình tra cứu, chúng tôi thấy có một số từ chưa được chuẩn xác hoặc còn thiếu nghĩa, xin mạnh dạn nêu dưới đây:

Bộ từ điển do Văn Tân chủ biên:

- Từ "giáo viên": Người giảng dạy ở các trường phổ thông.
Như vậy người dạy mẫu giáo không được gọi là giáo viên trong khi ta có trường sư phạm mẫu giáo hàng năm đào tạo hàng loạt các giáo viên mẫu giáo. Từ Bộ Giáo dục & Đào tạo đến nhân dân vẫn gọi các cô mẫu giáo là giáo viên.

- Từ "lý trưởng": Cường hào cai trị một xã trong thời phong kiến và Pháp thuộc.
Cường hào là tính chất, phẩm chất của con người, không phải định nghĩa về công việc. Thế những lý trưởng mà không phải cường hào, lại tham gia cách mạng thì sao?

- Từ "ông Công": Như ông Táo. Tra: "Ông Táo" thì ghi: Thần bếp theo mê tín. Tra: "Táo Quân" thì: Như ông Táo. Như vậy ông Công, ông Táo, Táo Quân là một. Tra chức "Thổ Công" thì ghi: Thần coi đất của mỗi nhà, theo mê tín. Như vậy ông Công lại khác với Thổ Công (thần coi đất). Giải thích như trên thì thật loanh quanh, khó hiểu trong khi khái niệm dân gian thông thường thì ông Công là thần cai quản đất nhà (Thổ Công), ông Táo là thần cai quản việc bếp núc (Táo Quân).

Bộ từ điển do Hoàng Phê chủ biên:


- Từ "bia": Tấm đá lớn có khắc chữ để ghi lại việc người đời cần ghi nhớ hoặc để làm mộ chí.

Chưa chính xác vì tấm bia dựng ở mộ phần nhiều không lớn, chỉ đủ ghi tên họ người chết, ngày tháng năm sinh, năm mất.

- Từ "nuôi dưỡng": Nuôi (nói khái quát). Nuôi dưỡng con cái. Nuôi dưỡng ý chí tự lập. Nuôi dưỡng những mầm non nghệ thuật.
Giải nghĩa như trên là chưa giải nghĩa gì.

- Từ "bạn": I (d) có 4 nghĩa thì không có nghĩa nào cho phép hiểu được "bạn" có thể là con vật hoặc đồ vật. Còn ở  bộ từ điển do Văn Tân chủ biên: từ "bạn" có hai nghĩa đều chỉ về người.

Phải chăng những điều nêu trên là khiếm khuyết của hai bộ từ điển, cần có sự bổ sung để có sự thống nhất chung.

Trần Hành
Lao Động Cuối tuần số 1 Ngày 03/01/2010
(Natasha st từ LĐCT)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

Tục kiêng “huý” và hiện tượng biến đổi từ trong ngôn ngữ địa phương

(LĐCT) - Theo “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, “huý” được giảng nghĩa: kiêng không được nói đến. Nhiều triều đại phong kiến, tục kiêng huý như là quy tắc bắt buộc trong các văn tự.
Ở nước ta, tục lệ này không biết xuất hiện từ đời nào, chỉ biết rằng sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyển V có chép “...năm Nhâm Thìn, Kiến Trung năm thứ 8 (1232), vào mùa hạ, tháng 6, (Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh - P.T.M chú giải) ban bố chữ quốc huý và miếu huý. Vì nguyên tổ tên huý là Lý mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng” (sđd, t.2,  bản dịch của NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983).

Không biết nguyên tổ nhà Trần có phải tên huý là Lý hay không, nhưng lệnh vua đã ban thì thần dân phải thi hành; và đương nhiên con cháu nhà Lý phải từ bỏ gốc gác họ hàng của mình để được tồn tại(!). Và từ đó đến mãi thời nhà Nguyễn, lệnh kiêng huý tiếp tục duy trì, nhiều thời được áp dụng một cách khắt khe.

Ngoài tên riêng là nguyên tổ và vua, nhiều khi tên của những người thân thuộc với vua cũng được kiêng như: cha, mẹ, vợ, con, anh, em,... và có khi đến hàng ông nội, bà nội, tên giả, chữ đệm của vua cũng được kiêng.

Sau khi lên ngôi, Vua Gia Long cấm thần dân nói và đọc tên riêng của mình là Ánh  (Nguyễn Phúc Ánh) và cả tên con trai của mình đã chết trước đó là hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) nên các trường hợp trùng âm phải đọc chệch thành yến, kiểng (ví dụ: ánh sáng - yến sáng, cây cảnh - cây kiểng...).

Vua Tự Đức vốn là nhà thơ, uyên thâm chữ nghĩa nhưng tính tình hẹp hòi và lắm cố tật, dễ giật mình nên bắt thần dân kiêng nhiều chữ đến mức vô lý trong đời sống ngôn ngữ và xã hội.

Tương truyền, ông vốn mê “Kim Vân Kiều truyện” đến nỗi quên ăn mất ngủ, nhưng Truyện Kiều có khá nhiều chữ “thì”, nào là “Ra tuồng trên Bộc trong dâu/ Thì con người ấy, ai cầu mà chi”, nào là “Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra thì cũng con người nhỏ nhen”...; từ đấy vua bỏ công “hiệu đính” - cho nên bản in Kiều cũ nhất hiện nay còn là dưới thời Tự Đức - 1871(?). Thì ra là thế, vì lẽ Nguyễn Phúc Thì là tên cúng cơm của Nguyễn Hồng Nhậm, tức Vua Tự Đức. Và cũng vì lẽ đó, tên danh sĩ Ngô Thì Nhậm sống ở triều đại trước cũng đổi thành Ngô Thời Nhiệm.

Ngày xưa sĩ tử thi cử, trước hết phải thuộc các chữ cần phải kiêng để mà làm bài khỏi phạm huý (đồng nghĩa với phạm quy). Theo PGS.TS Lê Trung Hoa trong “Họ và tên người Việt Nam” (NXB Khoa học xã hội, 2005),  Phan Văn San phải đổi thành Phan Bội Châu để được đi thi, vì lẽ chữ San trùng với tên huý “Vua Duy Tân là Vĩnh San. Tuy nhiên theo chúng tôi, Vua Duy Tân sinh năm 1900, đúng năm Phan Bội Châu thi hương và đỗ đầu, mãi đến năm 1907 (khoa Canh Tý) Vĩnh San mới lên ngôi, vì vậy việc đổi tên của cụ Phan là vấn đề cần nói lại cho rõ.

Từ quy định của vua ra lệnh, nhiều thời đã thành lệ “bất thành văn” được phổ biến đến dòng tộc riêng và cả thái độ ứng xử với người lớn tuổi. Việc đặt tên cho trẻ sơ sinh cũng phải tra cứu gia phả của cả dòng tộc hai bên nội-ngoại để mà tránh trùng tên với bậc bề trên; nếu mắc phải được xem như là hỗn láo. Thời chưa trưởng thành, người viết bài này (sinh cuối năm 50 thế kỷ trước) vẫn không biết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của mình tên thật là gì, vì thời ấy mọi người thường gọi những người lớn tuổi theo tên con cả (ở miền Nam thường gọi là con thứ hai).

Lý giải các hiện tượng tộc Huỳnh hiện diện từ Quảng Nam trở vào Nam, nhiều nhà nghiên cứu gia phả của tộc này đều cho rằng: xuất xứ của nó là tộc Hoàng có gốc gác vùng Thanh Hoá - Nghệ An, do kiêng tên huý của Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) mà nói trại thành (tương tự: Võ - Vũ, Châu - Chu, Phúc - Phước...). Dấu tích các hiện tượng này dễ thấy rõ ở miền Nam, ở miền Bắc hầu như không kiêng mấy (?).  Tuy nhiên, ngay tại Huế (kinh đô dưới triều Nguyễn) và các vùng lân cận thì hiện tượng này không rõ lắm. Vì ngay ở Huế vẫn tồn tại tộc Hoàng(?).

Ngoài hiện tượng nói trại do kiêng huý, nhiều danh từ khác cũng được nói trại so với ngôn ngữ phổ thông như: đàn (nhạc cụ) thành đờn, hoa thành huê, sinh (đẻ) thành sanh, chính (chính trị, hành chính, chính sách, chính nghĩa,...) thành chánh, nàng thành nường, hồng (hoa hồng) thành hường, phụng (loài chim) thành phượng, long thành luông v.v... Những trường hợp này chưa thấy một ai giải thích cặn kẽ dưới gốc độ ngôn ngữ học. Mong rằng sẽ có lời giải đáp khoa học.

Ngày nay, những quy định về kiêng huý không còn tác dụng nữa. Bởi lẽ nó là hình thức quá vô lý với đời sống ngôn ngữ và xã hội một thời; mặt khác nó không phải là phong tục tốt đẹp mà chúng ta cần phải giữ gìn.

Do vậy, người viết bài này mong những người có trách nhiệm hãy trả lại tên thật cho những danh nhân đất Việt đã một thời do kiêng huý hoặc lý do nào đó mà biến thành tên khác như Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh), Châu Thượng Văn (Chu Thượng Văn)...

Phan Thanh Minh (Quảng Nam)

Lao Động Cuối tuần số 10 Ngày 21/03/2010
(Natasha st từ LĐCT)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

.
Về câu: "Miếng khi đói, gói khi no!"

(LĐCT) - Trong nhiều năm gần đây, trên báo chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác và ngay trong lời nói thường ngày, nhiều người dùng câu nói: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no!".
Không thấy ai nói: "Miếng khi đói, gói khi no!". Hầu như câu sau ấy bị lãng quên hẳn rồi!
Riêng đối với tôi, mỗi lần nghe câu so sánh: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no!", tôi vẫn thấy áy náy, khúc mắc trong lòng! Mặc dù tôi vẫn chấp nhận nó!

Từ khi còn bé, học sơ học, tôi chỉ được nghe "Miếng khi đói, gói khi no!" chứ không được nghe "Một miếng khi đói bằng một gói khi no!" bao giờ! Và được thầy giáo cũng như cha đẻ của tôi dạy: Đó là câu cách ngôn dạy con người ta phải biết lo xa, biết tiết kiệm. Khi được mùa phải lo lúc giáp hạt tháng ba ngày tám, không nên vung vãi lãng phí.

Trong câu nói "Miếng khi đói, gói khi no!", từ "miếng" và từ "gói" là động từ: "Miếng" có nghĩa là "ăn" và "gói" có nghĩa là "để dành" lại: "Hãy ăn lúc đói và để dành lại khi đã no, lo cho lúc đói!".

Còn câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no!" thì từ "miếng" và từ "gói" là danh từ. Miếng thường có miếng to miếng nhỏ, gói thì cũng có gói nhỏ gói to. Miếng vì không to nên sự chênh lệch to nhỏ không nhiều lắm, thường thì từ một thìa càphê đến một thìa lớn.

Còn gói thì to nhỏ vô cùng: Gói to có thể bằng một người ôm; còn gói nhỏ lại vô cùng nhỏ, có khi chỉ một chiếc kim khâu, hai ba hoặc một viên đá lửa cũng thành một gói. Chính vì vậy có khi một miếng lại bằng nhiều gói nhỏ, chứ tuyệt nhiên không nhất thiết một gói bao giờ cũng bằng nhiều miếng!

Tất nhiên, ngôn ngữ cũng như mọi phương diện khác của cuộc sống, đều có sự vận động và thường sự vận động đều dần đi đến hoàn chỉnh và hợp với cuộc sống hiện tại hơn.

Nhưng dù sao đi nữa, với riêng tôi mỗi khi nghe câu nói so sánh ấy, tôi vẫn thấy áy náy thế nào! Có thể tôi đã già, sự bảo thủ hơi cao, vẫn xin có đôi lời, mong sự góp ý của quý vị bạn đọc.

Ngô Duy Cát (73 tuổi - cán bộ hưu trí quận Ba Đình, HN)

Lao Động Cuối tuần số 1 Ngày 03/01/2010
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Natasha

.

Trao đổi về câu: "Miếng khi đói, gói khi no"

(LĐCT) - Trên LĐCT số 1, năm 2010, trong mục "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", tác giả Ngô Duy Cát có bàn về câu tục ngữ: "Miếng khi đói, gói khi no".
Trong bài viết của mình, ông Ngô Duy Cát có nêu lên hai ý:

- Câu: "Miếng khi đói, gói khi no" và câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là hai câu khác nhau về cả ý nghĩa và ngữ pháp.

- Trong câu: "Miếng khi đói, gói khi no" thì từ miếng và từ gói là động từ, còn trong câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" thì từ "miếng" và từ "gói" mới là danh từ.

Từ sự phân biệt đó tác giả đi đến kết luận câu: "Miếng khi đói, gói khi no" thì từ miếng có nghĩa là ăn và từ gói có nghĩa là để dành và toàn bộ câu tục ngữ này có nghĩa là: Hãy ăn lúc đói và để dành lại khi đã no, lo cho lúc đói.

Thoạt nghe sự phân tích đó của tác giả thấy có vẻ có lý, nhưng suy nghĩ kỹ và xem xét các câu tục ngữ có dạng so sánh, ví von khác, tôi thấy ý kiến phân tích của tác giả chưa thật thoả đáng, nên muốn làm rõ hơn về cách hiểu câu tục ngữ này.

Trước hết, tôi thấy câu: "Miếng khi đói, gói khi no" và câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" chỉ là một với hai cách diễn đạt khác nhau. Câu sau chỉ là cách diễn đạt để làm rõ hơn ý nghĩa của câu trước. Đây là các câu tục ngữ thuộc dạng so sánh, ví von, nhằm nói lên bản chất của các sự vật và hiện tượng khi đem so sánh, ví von chúng với nhau. Những câu tục ngữ thuộc dạng này có rất nhiều.

Thí dụ như câu: "Học thầy không tầy học bạn", so sánh hai hiện tượng học thầy và học bạn cái nào quan trọng hơn cái nào và nhấn mạnh trong học tập thì học tập lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Hoặc câu: "Miệng quan, trôn trẻ" là một câu ví von, so sánh miệng của quan với cái đít của trẻ con: miệng nói của quan (thời phong kiến) chẳng khác gì cái đít hay ị bậy của trẻ con, muốn vặn vẹo, đặt điều cho dân lành thế nào cũng được, không ai có quyền cãi lại.

Gần hơn với câu "Miếng khi đói, gói khi no" có câu tục ngữ: "Miếng giữa làng hơn sàng xó bếp". Câu này nói lên không gian của miếng ăn. Cũng là miếng ăn nhưng ăn ở đâu thì danh giá hơn. Từ đó, ta nên hiểu câu "Miếng khi đói, gói khi no" là muốn nói tầm quan trọng của miếng ăn ở mỗi thời gian khác nhau. Những lúc đói kém, khó khăn thì một miếng ăn nhỏ cũng vô cùng quý giá, nó có giá trị bằng cả một gói to lúc no nê, đủ đầy.

Nói rộng ra, những lúc khó khăn về kinh tế thì chỉ một chút tiền của nhỏ nhoi cũng vô cùng quý giá, nó có giá trị bằng cả một khối lượng của cải lớn khi kinh tế khá giả, cho nên phải biết chắt chiu, tiết kiệm, không được phung phí.
Trần Hữu Lạn (Hà Nội)
Theo bác Ngô Duy Cát, khi còn nhỏ bác nghe cha và thầy thường dạy là "Câu cách ngôn ấy dạy người ta phải biết lo xa, biết tiết kiệm. Khi được mùa phải lo lúc giáp hạt tháng ba ngày tám, không nên vung vãi, lãng phí".

Bây giờ bác Cát áy náy khi nghe đài, đọc báo thấy nói "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" và bác giải thích: "Miếng khi đói, gói khi no" thì "miếng" và "gói" là động từ. "Miếng" là ăn và "gói" là để dành lại. Ăn lúc đói, để dành lúc no. Còn câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" thì "miếng" và "gói" là danh từ. Miếng to miếng nhỏ không đều nhau. Gói cũng vậy. Nhưng gói có thể được nhiều miếng thì miếng khi đói không thể bằng một gói khi no được.

Nếu chỉ hiểu đơn giản như vậy thì bác "áy náy" là phải. Câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" xuất hiện gần đây, nhất là từ khi thiên tai bão lụt dập dồn, đồng bào nhiều nơi chịu tang tóc đau thương, trôi nhà mất cửa. Đảng, Chính phủ và UBTUMTTQVN kêu gọi đồng bào cả nước "no đói sẻ chia, rách lành đùm bọc" với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Câu nói trên với hàm nghĩa là sẻ chia cho nhau "một miếng" lúc khó khăn thiếu thốn thì giá trị của một miếng ấy bằng cả gói khi no, khi đầy đủ. Khi đã no đủ, có cho nhau một gói hay bao nhiêu gói thì cũng không giá trị bằng lúc này giúp nhau một miếng.

Rõ ràng là ngôn ngữ phát triển theo cuộc sống. Có nhiều thiên tai địch hoạ, nhiều người mất mát đau thương cần sự chia sẻ của cộng đồng xã hội thì câu "Miếng khi đói, gói khi no" mới phát triển thành "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" với nhiều tầng ý nghĩa, chứ không chỉ gói gọn trong "ăn lúc đói, để dành lúc no".

Một ý kiến nhỏ trao đổi. Mong được đồng cảm.

Thôn Trang (650 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Định)

Lao Động Cuối tuần số 2 Ngày 10/01/2010.
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 41 trang (405 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [34] [35] [36] [37] [38] [39] [40] ... ›Trang sau »Trang cuối