Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Đỗ Lâm Hà



           “NON SÔNG NGÀN THUỞ” VINH DANH HỌ TRẦN
(Đọc “Non sông ngàn thuở” tập thơ nhiều tác giả -NXB Văn hóa dân tộc  Q1/2009)

Nhà doanh nghiệp Trần Đại Thanh nay đã nghỉ hưu với bút danh Trúc Đình hiện là phó chủ tịch CLB thơ Việt Nam chi hội tỉnh Thái Bình là người tuyển chọn tập thơ “Non sông ngàn thuở”.Thi phẩm dày hơn hai trăm trang gồm 120 bài thơ, 11 đôi câu đối và một số ảnh minh họa của 65 tác giả đang sinh sống ở Thái bình , trong đó có 4 tác giả ở tỉnh ngoài và 22 tác giả mang họ Trần. Chủ đề của thi phẩm là vinh danh vương triều Trần, ca ngợi truyền thống tốt đẹp của họ Trần trong lịch sử từ xưa đến nay nhằm dẫn dắt, giáo huấn con cháu họ Trần sống và làm việc xứng đáng trong tương lai cùng đất nước.
“Non sông ngàn thuở” được kết cấu hai phần. Phần một  gồm hai sơ đồ hình chóp là Phả tộc họ Trần và các đời vua thuộc vương triều Trần. Cuối phần này là trích lời của chủ tịch nước Trần Đức Lương ngày 3/2/2006 nhân dịp đúc tượng đồng 14 vị hoàng đế Nhà Trần “…Thời đại nhà Trần là thời đại phát triển rực rỡ của non sông Đại Việt vào các thế kỷ XIII – XIV” và câu thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thời Trần, văn giỏi võ nhiều/ Ngoài dân thịnh vượng trong triều hiển vinh”. Phần thứ hai là thơ đầu thế kỷ XXI họ Trần Việt Nam .
Thơ ca ngợi vương triều Trần là nội dung chủ yếu của thi phẩm “Non sông ngàn thuở”, trong đó tập trung ca ngợi những danh nhân lịch sử có nhiều công lao trong sự nghiệp giữ nước, xây dựng nền kinh tế văn hóa Đại Việt phồn thịnh như :Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải và các tướng lĩnh nhà Trần khác. Thơ ca ngợi Trần Nhân Tông và Trần Quốc Tuấn là đậm nét nhất. Mảng thơ này được viết theo bút pháp truyền thống, những sự tích anh hùng của các nhân vật phần lớn dựa vào chính sử, phần khác dựa vào văn hóa dân gian. Mở đầu phần thơ lịch sử  tác giả Trần Đức Thái đã khai bút luật Đường thi như một thông điệp nhắc nhở con cháu họ Trần: “Tháng giêng mười tám mỗi mùa xuân/ Hậu duệ Đông A vững gốc Trần/ Khởi tổ bách niên gieo hạt đức/ Kế tôn muôn thế nẩy mầm nhân/ Phương la – thần tích son còn thắm/ Tức Mặc – tháp xưa ngọc mãi ngần/ Mười tám tháng giêng ngày giỗ tổ/ Nhớ về kính lễ báo nguồn ân” (Ngày giỗ tổ). Trần Thủ Độ - Người có công chuyển vương triều nhà  Lý đã suy tàn lập nên vương triều Trần hưng thịnh gần hai trăm năm một cách hòa bình: “Dân tộc Việt đời đời ghi nhớ/ Công Thái sư muôn thuở nào quên/ Ra tay đắp móng xây nền/ Xứng ngôi Thượng Phụ dựng nên triều Trần” (Thái Sư Trần Trần Độ). Vị vua đầu tiên của vương triều Trần là một minh quân, tác giả Trần Đại Thanh đã cung kính hạ bút : “Ngai vàng vua Lý chuyển vua Trần/ Êm ngọt cung đình một giấc xuân/ Dựng nghiệp kinh bang ban Quốc chế/ Dụng thần tế thế mộ hiền nhân/ Luyện binh đuổi giặc yên bờ cõi/ Chống lụt quai đê trọng sức dân/ Đặt móng vương triều hai thế kỷ/ Thái Tông tỏa sáng đức minh quân” (Đặt nền móng triều Trần).Vua Trần Thánh Tông lên ngôi năm 18 tuổi và lên Thái thượng hoàng năm 38 tuổi là một vị vua hiền, tác giả Thanh An đề tứ tuyệt ca ngợi : “Dòng đích thay cho thái – Thái Tông/ Tài ba nội ngoại thật tinh thông/ Ở ngôi chính thống tròn hai chục/ Lên Thái thượng  hoàng chí góp công” (Vua Trần Thánh Tông).Đức Trần Nhân Tông là vị hoàng đế yêu nước và anh hùng bậc nhất của lịch sử vương truều Trần và là một Phật hoàng sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm của nước ta. Trong thi phẩm “Non sông ngàn thuở” có đến hơn hai mươi bài thơ ca ngợi Người. Xin dẫn đôi dòng về nhóm thơ này :Tác giả Nguyễn Xuân Hạm : “Trần triều hoàng đế vị Nhân Tông/ Sự nghiệp vẻ vang thắm sử hồng/ Phản nghịch tiễu trừ phường Ích Tắc/ Xâm lăng quét sạch giặc Nguyên Mông/…/ Yên Tử địa linh vui cảnh Phật/ Trúc Lâm Thiền phái dựng chùa Đồng” (Nhân Tông hoàng đế).Tác giả Nguyễn Anh Quốc : “Dẹp giặc xong/truyền long bào vương miện/ Gác tía, lầu son/ không chứa nổi trái tim Người/ Tìm cõi Phật/ cứu nhân độ thế/ Muôn sau gương đức vẫn ngời soi” (Trần Nhân Tông). Tác giả Vũ Minh Bắc : “Tại Ấn độ rừng sâu núi tuyết/ Có Thích ca chẳng thiết ngôi vua/…/ Tìm đường cứu khổ… chát chua một đời/ Nước Việt ta có vĩ nhân như thế/ Đức vua Trần – Thiền phái Trúc Lâm” (Có một vĩ nhân). Tác giả Nguyễn Minh Hoàng: “Là quân vương/ Hỏi lòng dân đánh giặc/ Là Thiền sư/ Tự hỏi chính tâm mình/ Là thi sĩ/ Hồn thơ lay ngựa đá/ Ca “Đắc thú lâm tuyền thành đạo”/ Với trời xanh!” (Trần Nhân Tông).Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được nhân dân đời đời cung kính tôn thờ: Đức Thánh Trần. Vương Triều Trần có một vị Phật hoàng và một vị Thánh nhân được cả nước tôn thờ. Đây là một hiện tượng xuất chúng nhân tài độc nhất vô nhị trong lịch sử các vương triều Phong Kiến nước nhà. Hầu hết các bài thơ trong  “Non sông ngàn thuở” đều trực tiếp hay gián tiếp ca ngợi danh nhân lịch sử Trần Quốc Tuấn, nhiều bài thơ rất hay nên chỉ xin nêu vài dòng có tứ lạ : “Hai thời đại có hai tướng tài/ …/ Bẩy trăm năm trước Nguyên Mông/ Á Âu chúng tiến như không có người/ Vào Đại Việt gặp tướng tài/ Đại vương Quốc Tuấn gánh vai diệt thù/ Ba lần thắng – tiếng ngàn thu/ Dân tôn là Thánh đền bù công lao/ Ngày nay một tướng tự hào/ Chống Tàu, Pháp, Mỹ khác nào Tác – Ta/ Non sông ba chục năm qua/Ba lần chiến thắng cả ba giặc nhào/ Tướng tài mưu lược lại cao/ Tướng Võ Nguyên Giáp cờ sao phất mừng/ Hai thời đại hai anh hùng/ Danh nhân thế giới đã cùng ghi tên”(Hai thời đại hai tướng tài). Tác giả Đinh Thế Lịch : “Tôi theo dòng người lên Kiếp Bạc/ Thắp nhang cầu nguyện thành tâm/ Linh ứng./…/ Nghe lời hịch:/ “ Khoan lượng sức dân là kế sâu rễ bền gốc”/…/ Người ban “sách” cho tôi/ hịch tướng sỹ, Binh thư yếu lược/…/ Ngài chữa bệnh cho tôi/ Thuốc hái từ núi Dược Sơn/…/ Tôi thoát khỏi nỗi đau trần tục/ Trong tôi ngào ngạt Hương Sen” (Giấc mơ ở đền Kiếp Bạc). Tác giả Nguyễn Nhật Thăng đã dành bài thơ dài 100 câu với đoạn mở đầu tổng quan về Triều Trần : “Đất nước bồn nghìn năm hùng vĩ/ Trải bao đời thịnh trị, thanh xuân/ Triều Trần, trăm bẩy nhăm năm/ Dân vui hạnh phúc vĩ nhân thiếu gì” (Vinh quang đất Việt sáng danh triều Trần) và các khổ thơ sau lần lượt ca ngợi sự tích , công lao, đức độ của các danh nhân, danh tướng triều Trần như: Trần Thái Tông (Trần Cảnh), Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tỏan, Trần Thị Dung (Linh từ quốc Mẫu), Yết Kiêu, Dã Tượng, Hán Siêu, Ngũ Lão, Trần Khắc Chung, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa . Bài thơ được khép lại bằng bốn câu cuối bài : “Ôi triều Trần quang vinh đất Việt/ Bản hùng ca trác tuyệt ngời ngời/ Chiến công hiển hách một thời/ Gương trong vằng vặc, muôn đời sáng soi” (Vinh quang đất Việt sáng danh triều Trần). Thi phẩm “Non sông ngàn thuở” còn có thơ ca ngợi tướng Trần Lãm khởi nghiệp ở Kỳ Bố hải khẩu Thái bình phò vua Đinh Tiên Hoàng, ca ngợi thi nhân Trần Tế Xương, ca ngợi các công chúa thời Trần. Đặc biệt các công chúa con vua Trần Duệ Tông : “Dòng dõi họ Trần – công chúa Quý Minh/ Từ phồn hoa chốn ấy kinh kỳ/ Về làng Giắng quê tôi lập ấp/ …/Để lại tiếng thơm…truyền lưu đến muôn đời/ Cùng ba mươi sáu cấp múa “Giáo cờ - giáo quạt/…/ Hơn sáu trăm năm dân vũ vẫn trường sinh “ (Nghệ sỹ nhân gian).
Ngoài phần thơ lịch sử tiền bối họ Trần thì “Non sông ngàn thuở” còn nhiều bài thơ ca ngợi con cháu họ Trần đã gương mẫu cống hiến sức lực kể cả hy sinh xương mấu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, Mỹ và bảo vệ biên giới đất nước . Nhà thơ Bùi Công Bính làm thơ tặng anh hùng liệt sỹ Trần Công Nhỡn Ở xã Đông Sơn Đông Hưng : “Chiếc xe lao đi, một vệt bụi mù/ Như khối nam châm hút cả máy bay thù/ Chúng hung hãn lao theo anh trút lửa/ Bom đạn bốn bề, xe anh ở giữa/ Nắng Trường Sơn cuốn bụi, tiếng bom rung/…/Anh nằm lại với Trường Sơn, không về nữa/ Nhưng trong tiếng hát này, tôi thấy dáng hình anh” (Gặp ở Trường Sơn).Thơ ca ngợi con cháu họ Trần đóng góp sức lực và trí tuệ trong thời kỳ đổi mới , trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhà thơ Lê Bính đã có bài thơ dài 44 câu tặng nhân dân xã Thái Phương và nghệ nhân ngành dệt Trần Văn Sen : “Tiếng thoi làng xuyên bao thế kỷ/ Khăn, áo từ đây đi bốn phương trời/ Nghề dệt đất này – họ Trần khởi thủy/ Bao nhân tài từ ấy sinh sôi” (Đánh thức tiếng thoi làng).Thơ “Vũng bước đi lên” của Trần Xuân Sảnh tặng giám đốc Trần Xuân Ứng và công ty XNK dệt Thành Công: “Giám đốc công ty giầu sáng tạo/ Công nhân cán bộ sẵn tài năng”.Đặc biệt tác giả Nguyễn Duy Bích đã dồn tâm huyết làm bản “Chúc Văn” lễ hội đình làng Lưu Đồn huyện Thái Thụy ngày 13/8 thờ Thành hoàng làng trong đó có Tam công tướng Nhà Trần dài tới 141 dòng thơ. Chúc văn như một thông điệp cho con cháu, mọi người đương thời phải biết ơn cội nguồn, noi gương truyền thống tốt đẹp của tiền nhân,cùng chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Cuối Chúc Văn kết lại : “Chúng con nguyện:/ Người người gắn bó yêu thương/Ngoài xã trong làng hài hòa qui tụ/ Lãnh đạo quê nhà - lao tâm khổ tứ/ Phát huy truyền thống ông cha/ Hết dạ vì dân – quản gì vất vả/…/ Các bậc lão thành:/ …/Ngọn đèn tỏa rạng xóm thôn/ Quyết tâm cao: con cháu học hành/ Trí tuệ vươn cao: Công nghệ tiến nhanh” .Chúc văn có lời kết sáng láng và cung kính : “Lưu Đông viễn chiếu thiên thu nguyệt/ Thắng tích lưu Đồn vạn cổ hương/ Sáng cung triều dã ngoại Trần Vương/ Xin cúi nguyện tâm thành tưởng niệm” (Chúc Văn).
“Non sông ngàn thuở” tác giả Trần Đại Thanh đã dồn tâm huyết mấy năm trời nung nấu sưu tầm, thông tin về muôn ngả thu thập bài vở và tuyển chọn rất công phu để có một thi phẩm hôm nay đang nằm trên tay bạn đọc. Tập thơ đa đề tài, đa thể loại nhưng chỉ có một chủ đề nói về một dòng họ Trần . Thơ được viết theo bút pháp truyền thống, có đến gần một nửa số bài là thơ Đường luật. Đọc “Non sông ngàn thuở” bạn đọc trân trọng nhiều ý hay tình đẹp, thơ Đường luật rất đúng niêm luật và có nhiều tiểu đối khá dụng công và tài hoa.
“Non sông ngàn thuở”là một thi phẩm quí trên thi đàn quê hương vừa có giá trị văn học vừa có giá trị lịch sử mang nhiều chất nhân văn và tính giáo dục .Tôi xin được mượn thơ của tác giả Nguyễn Tường Thuật khép lại trang viết nhỏ này: “Những nét son vương triều Trần bất tử/ Nghìn năm sau nước Việt mãi tự hào/ Trang sử mới – Thời đại Hồ Chí Minh Rực rỡ/ Đất nước các vua Hùng vươn tới những tầm cao” (Hào khí Đông A) ./.

ĐỖ LÂM HÀ
                                                       Hội viên hội VHNT Thái Bình

      Thái Bình 7/2009
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

trung30

Đọc xong thấy hoa cả mắt, chả hiểu bác ấy muốn viết về cái gì.
Gió thổi dừa rơi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Gió Đông Ngân

Trung ơi,nếu đọc 1 lần chưa hiểu thì đọc 10 lần,nếu 10 lần chưa hiểu thì đọc 100 lần miễn là đừng vì hoa mắt mà ngất xỉu hì...hì...
Ta đứng,chung quanh cồn cát trắng
Lặng mình,văng vẳng gió đông ngân...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

trung30 đã viết:
Đọc xong thấy hoa cả mắt, chả hiểu bác ấy muốn viết về cái gì.
@Trung30:

Mình mới nhìn vào cũng... hoa cả mắt! Nên... hổng dám đọc luôn! :D

@Đỗ Lâm Hà:

Cho phép NT nhắc bạn điều này nhé: Đưa một bài, một chủ đề lên forum, có nghĩa là ta muốn chia sẻ với mọi người, chưa nói đến nội dung, chỉ hình thức không thôi cũng cần có cách trình bày bài cho rõ ràng, trong sáng để ai muốn đọc sẽ có thể đọc được mà không bị rối mắt, phản cảm.

Bạn hoàn toàn có thể copy ở đâu đó rồi dán vào trang soạn thảo nhưng sau đó nên chỉnh sửa lại văn bản bằng cách xuống dòng ở những đoạn cần thiết. Có như vậy thì bài viết của bạn sẽ rõ ràng hơn và những ai muốn đọc sẽ nắm được ý, tình của bài viết.
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương sỏi

Trong Thi viện ta có một nhà thơ tự phong chứ chưa được vợ phong, đó là nhà thơ Trương Sỏi chuyên sản xuất thơ con cóc thường có những vần thơ đặc sắc ví như:

Thi viện xinh nhất là ai
Xếp vào ngôi hậu không ngoài...

Đấy!  đọc chẳng hoa mắt tý nào nhé , thưởng cho tràng vỗ tay đi .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Nhà bác này post mỗi bài rồi bỏ hoang, chả biết là đi đâu rồi?
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]