Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]

Ảnh đại diện

phuongcacanh

Trước năm 1986, giới trẻ ít người biết đến nhà thơ Nguyễn Bính, trên văn đàn người ta chỉ đăng những bài thơ ca ngợi, cổ vũ cho sản xuất và chiến đấu, mà những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính không phải là những bài thơ nằm trong chủ đề này. Chỉ có những người sinh cùng thời với ông, đã từng đọc những bài thơ ông viết những năm 30 và 40 của thế kỷ trước, trong lòng họ luôn luôn mến mộ Nguyễn Bính! Nhắc đến tên ông, họ thường nói ngay: “Nguyễn Bính – thi nhân tiền chiến”.
Đầu năm 1986, tròn 20 năm ngày Nguyễn Bính mất, để tưởng nhớ ông Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh hợp tác cùng nhà xuất bản Văn học, cho ra cuốn “Tuyển tập Nguyễn Bính”. Cuốn sách này giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của ông từ khi ông sáng tác đến khi ông mất. Đặc biệt là những bài thơ Nguyễn Bính sáng tác trước năm 1945 đã nhanh chóng được nhiều bạn đọc chú ý. Từ đó các nhà xuất bản thi nhau cho in “Thơ tình Nguyễn Bính”, “Giai thoại Nguyễn Bính” , “Hồi ký về Nguyễn Bính” … Dù sách đó ở thể loại nào, hễ cứ nói về Nguyễn Bính là bán rất chạy, gây ra một hiện tượng Nguyễn Bính những năm sau đó. Và rồi người ta hiểu ra rằng ông vua thơ tình thực sự trong lòng độc giả từ lâu chính là Nguyễn Bính. (Cùng năm 1986 xuất bản 40 500 cuốn Tuyển tập Nguyễn Bính; 50000 bản Thơ Nguyễn Bính, năm 1987, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh lại cho in 50 000 bản Thơ tình Nguyễn Bính, 50 000 bản Cây đàn tỳ bà. Liên tiếp mấy năm liền NXB Giáo dục đều cho in Thơ Nguyễn Bính, tập Chân quê đã tái bản đến lần thứ ba, không kể thơ tình Nguyễn Bính loại sách bỏ túi và hàng chục cuốn sách của các nhà xuất bản khác dưới dạng này, dạng khác. Khối lượng khổng lồ ấn bản phẩm ấy thể hiện sức sống lạ thường của thơ Nguyễn Bính mà nhiều nhà thơ nổi tiếng khác không dám mơ tới )
Ngay từ lần xuất bản đầu năm 1986 cuốn “Tuyển tập Nguyễn Bính” đã cho in hai bài: “Lời giới thiệu” (của Tô Hoài) và “Lời Bạt” (của Chu Văn) có nhiều thông tin rất giá trị và lý thú. Sau này nhiều tác giả đã lấy những thông tin ở hai bài này làm “nguyên liệu” để “xào đi nấu lại” mà người đọc vẫn thấy ấn tượng. Nhưng rất tiếc ngay phần tiểu sử lại nghi rằng: “Nguyễn Bính (thủa nhỏ tên là Nguyễn Trọng Bính, xuất hiện trên văn đàn với bút danh Nguyễn Bính, thời ở Nam Bộ, để tránh sự lôi thôi của chính quyền thực dân Pháp ,đã sửa giấy căn cước thành Nguyễn Bính thuyết) sinh năm 1918( khoảng cuối xuân đầu hạ năm Mậu Ngọ )…” Có lẽ để kịp ra mắt tập sách này vào đầu năm 1986 nên những người biên tập đã không khảo cứu kỹ được, để rồi không ghi được ngày sinh tháng đẻ của Nguyễn Bính và nói về tên ông có điểm cũng chưa đúng, làm cho sau này có nhiều thông tin sai lệch.
Thực ra Nguyễn Bính sinh vào ngày 13/2/1918 tức mồng ba tết năm Mậu Ngọ, ông là con của nhà Nho Nguyễn Đạo Bình, mẹ ông là bà Bùi thị Miện, em gái của một nhà Nho lớn thời đó là ông Bùi Trình Khiêm thì họ không thể quên ngày sinh tháng đẻ của ông được, hơn thế nữa, họ còn làm cho ông một lá số tử vi mà sau này người ta nói lá số đó rất đúng.
Nguyễn Bính, tên thật là Nguyễn Trọng Bính, khi làm thơ ông lấy bút danh là Nguyễn Bính. Theo hồi ký của bà Nguyễn Lục Hà (người vợ đầu của ông) cái tên Nguyễn Bính Thuyết là do bạn bè gọi trêu, còn Nguyễn Bính chưa bao giờ ông sử dụng cái tên này.

Một trong những bài thơ hay nhất của ông, bài Lỡ bước sang ngang cũng có nhiều thông tin sai lệch, hoặc chưa thật sự đúng.
Xin được hiểu lại thế này: Chị Trúc, khá đẹp và có tâm hồn thơ mộng, tên thật là Lê Thị N Th. Chị đã có chồng là ông chủ một hiệu ảnh ở đường Hà Đông – Hà Nội (nay là đường Thanh Xuân). Gia đình chị không có hạnh phúc, luôn mâu thuẫn, rất khổ tâm. Sau chị yêu Nguyễn Mạnh Phác, anh trai Nguyễn Bính. Đọc Lỡ bước sang ngang nhiều người thắc mắc: Một cô gái mười bảy tuổi đi lấy chồng, không thấy nói gì ép gả, không thấy nói không có tình yêu, vậy mà sao đoạn đầu tả ngày cưới buồn thế?
"…Chuyến này chị bước sang ngan
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây…
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị đâu?"

Nguyễn Mạnh Phác, khi viết kịch ông lấy bút danh là Trúc Đường (do khi sinh, mẹ ông đang làm đồng không kịp về nhà, đã đẻ ông văng ra bên khóm trúc bên đường). Nghệ sĩ Trúc Đường và chị Th đã quyết tâm lấy nhau, hai người đã thuê nhà ở riêng:
"…Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.
Tim ai khắc một chữ Nàng
Mà tim chị một chữ Chàng khắc theo…"

Nhưng rồi sau mối tình không thành:
"Đã đành máu trở về tim
Nhưng không buộc nổi cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương…"
Theo phong tục ở vùng quê Nam Định thời đó, gái có chồng thì người ta phải gọi theo tên chồng. Mối tình của chị Th và Trúc Đường tuy không thành, nhưng Nguyễn Bính vẫn luôn coi chị Lê Thị N Th như là chị dâu của mình, nên ông luôn gọi chị là “chị Trúc”. Cảm động vì mối tình đau khổ dở dang, Nguyễn Bính đã làm một bài thơ dài tặng anh chi. Bài thơ dài 110 câu chính là để kỷ niệm 110 ngày anh chị mình đã gắn bó trong tình yêu hạnh phúc. Biết được câu chuyện này, bây giờ bạn đọc có thể hiểu khá rõ ràng từng câu chữ trong bài thơ Lỡ bước sang ngang.
Một bài thơ nữa của Nguyễn Bính có nhiều điều rất lý thú, nhưng cũng bị hiểu sai, đó là: Bài thơ vần rẫy (gửi người chị dưới mái trăng non). Bài viết nhan đề Nhà thơ Nguyễn Bính: Người cài đặt nhiều “mật mã” trong thơ của tác giả Tường Duy, đăng trên báo “Công an nhân dân” có đoạn:
“Nữ sĩ Mộng Tuyết, trong hồi ký "Dưới mái trăng non" có nhắc tới chuyện tình của Nguyễn Bính với "một người con gái quê" có tên là Ngọc. Bà kể, một buổi chiều, cô gái này đã trao cho bà một mảnh giấy nhàu nát, nội dung là "xin một cây bút máy tốt và chiếc đồng hồ đeo tay".Cuối tờ giấy là dòng chữ "Người yêu Ngọc" (mà bà gọi là "Bính ký ẩn danh") và hai câu thơ của Nguyễn Bính: "Than ôi, không có giá liên thành/ Để đổi cho tròn viên ngọc ấy". Cùng là người làm thơ, chẳng khó khăn gì mà nữ sĩ Mộng Tuyết không nhận ra tâm sự của Nguyễn Bính với người con gái tên Ngọc trong câu thơ có nhắc tới chữ "ngọc" ấy.”
Viết như vậy là tác giả Tường Duy đã nhầm người vợ thứ hai của Nguyễn Bính là bà Mai Thị Mới với người Nguyễn Bính thầm yêu là cô cháu gái của nữ sĩ Mộng Tuyết có tên là Tú Ngọc. Bài thơ có đoạn tả người cháu gái này như sau:
"…Chị có cô cháu tuổi mười bảy
Tóc dài chấm gót má hồng tươi
Mi vòng cánh cung mắt đen láy…"
Trong tập hồi ký “Dưới mái trăng non” của nữ sĩ Mộng Tuyết có mục “Để nhớ Nguyễn Bính những ngày ghé bến Hà Tiên” có nói đến cô cháu gái Tú Ngọc, đọc truyện Tam Quốc cho bà nghe và Nguyễn Bính cũng vào nghe ké. Và còn có đoạn viết khi nữ sĩ Mộng Tuyết may cho Nguyễn Bính bộ quần áo bằng lụa Hà Đông Nguyễn Bính rất thích. Một hôm Bính lật bên trong lá đính vạt trước mà khoe với tôi: “Đố chị mấy chữ này là nghĩa gì?” Tôi cầm vạt áo lên nhìn thấy bốn chữ “KHẢ THỦY SƠN NHƠN” thêu Hán tự. Tôi không đoán ra. Bính nói “anh Đông Hồ thấy thì biết”. Hôm sau tôi kể lại cho anh Đông Hồ nghe, anh Đông Hồ bảo Bính đã chiết tự hai chữ Hà Tiên đó. Bốn chữ Bính kẻ vào đính áo và nhờ tụi trẻ thêu bằng nét chữ màu son. Rồi Bính lại cười bí mật: “Đây là của Ngọc thêu cho “chú Bính” đấy!”. Những ngày ở Hà Tiên, Nguyễn Bính đã thầm yêu Tú Ngọc! Nhưng chỉ khi xa Hà Tiên, nhà thơ mới dám thổ lộ:
"Chị ơi, trôi nổi là thân tôi
Cánh buồm bạt gió trôi hồ hải
Than ôi không có giá liên thành
Để đổi cho tròn viên Ngọc ấy..."

Thời gian qua đi, năm 1951 Nguyễn Bính đã kết hôn với bà Nguyễn Lục Hà (tức Nguyễn Hồng Châu) rồi năm 1952 ông lại bỏ bà này và yêu một cô gái quê tên là Mai Thị Mới. Nữ sĩ Mộng Tuyết đã viết lại khi gặp người này: "Một buổi chiều có người con gái quê đến trao cho tôi một mảnh giấy nhàu nát. Trong giấy xin một cây bút máy tốt và chiếc đồng hồ đeo tay, lội nước. Dưới ký “Người yêu Ngọc”. Đó là Bính ký ẩn danh bằng câu thơ: “Than ôi không có giá liên thành/Để đổi cho tròn viên ngọc ấy”.
“Người con gái quê” Mai Thị Mới hồi ấy mới mười chín tuổi, đã đi vào thơ của Nguyễn Bính qua bài “Gửi người vợ Miền Nam” có đoạn:
Nhớ lại buổi chúng mình gặp gỡ
Xanh bóng dừa bỡ ngỡ nhìn nhau.
Cắn môi chẳng nói lên câu
Ai hồng đôi má nghiêng đầu làm thinh.

Đường công tác thuyền anh ghé bến
Anh ngập ngừng, em thẹn quay đi
Mẹ cười, mẹ chẳng nói chi
Đã người kháng chiến mẹ thì cho không.

Khỏi mai mối, cũng không lễ lạt
Đám cưới mình tiếng hát vang sông
Trầu xanh têm với vôi hồng
Đêm trăng xuân ấy vợ chồng sánh đôi

Trăng hè giãi sáng màu áo cưới
Gió hương bay hoa bưởi thơm lừng
Ghé tai em báo tin mừng:
“Nói riêng anh biết, anh đừng khoe ai!”

Trải chín tháng mười ngày mong mỏi
Sớm đầu xuân, ấy buổi khai hoa
Hương Mai tên xóm quê nhà
Vợ chồng liền đặt con là Hương Mai!
Những câu thơ ấy đã góp phần vào sự nghiệp thi ca chan chứa tình đời của ông, để ông được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật. Cô con gái Hương Mai sau này làm giáo viên. Bà từng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, rồi Trưởng ban Văn hóa-Xã hội tỉnh Bến Tre, hiện đã nghỉ hưu và sinh sống tại địa phương.

Phạm Duy Trưởng

mọi người có thể xem bài viết này ở đây:

http://phuongcacanh.blogt..._caosn_hiar_u_laoii_var_t

http://vannghenamdinh.com...inh-Pham-Duy-Truong-2134/

http://bienphong.com.vn/B...i-si-Nguyen-Binh/bbp.aspx

http://tranmygiong.blogti..._caobn_hiar_u_laoni_var_t

Bài này tôi đưa vào đây để mọi người đừng hiểu sai về NB khi đọc bài (Nguyễn Bính: Người cài đặt nhiều "mật mã" trong thơ) ở đây:
http://www.thivien.net/fo...ID=4JeAvQwDreg3hUj_n78jdw
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

phuongcacanh

Trong phần giới thiệu Nguyễn Bính có ghi (Tuyển tập Nguyễn Bính 1984). Xin nói lại là năm 1984 không hề có tập thơ nào của Nguyễn Bính được xuất bản nhé. Mãi đến đầu năm 1986 mới có cuốn  "Tuyển tập Nguyễn Bính 1986" xuất bản để kỷ niệm 20 năm ngày NB mất. Trong 20 năm này người ta ít nói về ông.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

phuongcacanh

"Chân quê thi hội" là hội của những người yêu thơ Nguyễn Bính. Đây là sáng kiến của Nguyễn Bính Hồng Cầu, trưởng nữ của nhà thơ Nguyễn Bính. Cùng với một số bạn thơ ở thành phố Hồ Chí Minh, họ lập “Chân quê thi hội” tại TPHCM trước rồi lần lượt lan ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.
"Viếng mộ thi sĩ: Chân Quê!" Là bài thơ được CLB thơ Chân Quê Thi Hội Hải Phòng sáng tác nhân dịp đến dự lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Nguyễn Bính tại trường trung học phổ thông Nguyễn Bính - Vụ Bản - Nam Định ngày 29/03/2008. Bài thơ gồm 49 câu lục bát, để tưởng nhớ nhà thơ quá cố Nguyễn Bính hưởng dương 49 tuổi (theo cách tính truyền thống)
Những người yêu thơ Nguyễn Bính, đã từng đọc hết các tác phẩm của ông và hiểu được những gì ông đã chải qua thì sẽ cảm nhận được đây là một bài thơ rất hay!
Xin được chép ra đây để mọi người cùng đọc.

Viếng mộ thi sĩ: Chân Quê!
(Kính tặng: Gia đình và quê hương thi sĩ Nguyễn Bính 49 vần thơ)
Về thăm Thiện Vịnh chiều nay
Mưa xuân phơi phới ngất ngây hương nồng
Chốn xưa lắm bưởi nhiều hồng
Để cho ong bướm lượn vòng đường xa
Cải trồng nay đã đơm hoa
Tiếng tơ còn có thiết tha gieo vần?
Nhớ người rũ lụa sông Vân
Một trời quan tái mây tần bay bay
Năm xưa trên bến sông này
Con đò đưa chị những ngày sang ngang
Chị đi duyên phận lỡ làng
Coi như đời đã quá giang đắm đò
Người ta vang vọng câu hò
Chị tôi tàn úa nấm mồ thanh xuân

Ơi! Thôn Vân, nhớ chi ân
Một thời niên thiếu, thắm vần thơ hay
Đa tài mà lắm đắng cay
Hồn thơ chiến sĩ, đong đầy gió sương...
Tiểu đoàn... lẻ bảy vinh quang
Oai hùng giữa Cửu Long giang sóng trào
Sông Châu, đò ấy, năm nào
Cô Thoa ứa lệ nghẹn ngào khóc ông
Tình ai trải khắp núi sông
Mang theo gió nội, hương đồng vào thơ

Thoi ngà dệt những ước mơ
Hỏi con bướm trắng bao giờ bay sang?
Mấy mươi xuân ấy phũ phàng
"Trăm Hoa" dập nát trong làng văn chương
Hướng đi như đã cùng đường
Phong trần một kiếp tha phương quê người.
Năm tàn, tháng tận đến rồi
Sáng ba mươi tết, về trời đau thương!
Bướm vàng còn có tơ vương?
Không người thân quyến, khói hương phụng thờ
Ngàn thu vọng mãi hồn thơ
Thuyền tình chao đảo bến bờ long đong

Gian nhà dựng tạm cho xong
Khách muôn phương đến, chật, không chỗ ngồi
Dăm ba quyển sách ngậm ngùi
Lơ thơ trong tủ, ai người muốn xem?
Hồn ông phảng phất đêm đêm
Xưa nghèo nay vẫn khó quên đoạn trường...
Nặng lòng thắp một tuần hương
Trời cao, đất thấp xót thương nỗi gì???
Giếng nhà, nước cạn còn chi?
Mà người thân ấy mãi đi chưa về
***
Tiếc thay! Một mảnh hồn quê
Đoàn tôi ngả mũ, não nề viếng ông

Cuộc đời này lắm bão dông!!!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]