Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính và đồng nghiệp đấu khẩu bằng thơ



Trước ngày bế giảng lớp “Văn nghệ khoá Lê Trần” (1951) ở ấp Đồng Cùng, rừng U Minh, thi sĩ Nguyễn Bính tâm tình với bạn thân Hoàng Tấn: “Mình đã ngoài 30 rồi, sống lẻ loi mãi cũng buồn, mình tính vào khoảng sau hai tháng nữa sẽ cưới vợ”.

Hoàng Tấn ớ ra, cho là “chuyện lạ kháng chiến”. Một thi sĩ đa tình, lại như bèo dạt mây trôi, từng tuyên ngôn qua hai câu thơ:

“Sống là sống để mà đi
Con tàu bạn hữu, chuyến xe nhân tình”

và đã có “một ngàn lẻ người yêu trong mộng”, bây giờ muốn làm chú rể! Mà cô dâu là ai đây? Hoàng Tấn liền mau mau tranh thủ kể cho anh em trong tiểu đội nghe. Thế là đêm trước ngày Tiểu đội Thơ chia tay, Hoàng Tấn, Hoàng Phố, Thanh Bình, Truy Phong, Kiên Giang, Nguyễn Hải Trừng bày mưu trêu chọc Nguyễn Bính trong cuộc chất vấn - đối thoại bằng thơ hy hữu. Nhà thơ Thanh Bình xung phong “phát pháo” mở đầu.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/Nguyen_Binh2a.jpg
Nhà thơ Nguyễn Bính.



Thanh Bình (hỏi Nguyễn Bính):

Phải chăng ông sắp tuyên hôn?

Truy Phong (bồi tiếp):  

Bạc tiền không có vợ con nỗi gì?

Nguyễn Bính (thản nhiên):
 
Bạc tiền không có cần chi
Miễn yêu chung thuỷ việc gì cũng xong.


Hoàng Phố:

Rằng xong thì Bính dối lòng
Thuốc không có hút còn hòng cưới ai?


Nguyễn Bính (phản ứng):

Các anh nghĩ thế là sai
Theo "Đời sống mới" tiền tài kể chi.


Nguyễn Hải Trừng (ở Tiểu đội Họa sang chơi, góp ý):

Đứng trong thực tế mà suy
Bạc tiền không có lấy gì tiếp tân?


Nguyễn Bính (bực dọc):

Đã mang tiếng bạn bè thân
Đến chơi đâu phải cầu ăn cho nhiều?


Hoàng Phố (khích bác):

Bạn bè là chỗ thân yêu
Ít ra cũng phải một "heo" mới vừa.


Nguyễn Bính (trả miếng):

Tưởng rằng tình bạn thiết tha
Ai ngờ lại hoá "bạn gà bạn heo"?


Hoàng Tấn (phê phán):

Bính ơi xin chớ đặt điều
Bạn người ai lại bạn heo bao giờ?


Nguyễn Bính (chưa nguôi giận):

Bạn người uống rượu ngâm thơ
Bạn heo nên mới đợi chờ thịt heo!


Thanh Bình (tấn công):

Ông đừng vin cớ ông nghèo
Đơm chuyện đặt điều nói xấu bạn thơ
.

Nguyễn Bính (đắc chí):

Nào ai xuyên tạc bao giờ
Biết mình đuối lý thì ngơ cho rồi.


Hoàng Tấn (giả lả):

Chuyện ăn là chuyện lôi thôi…

Hoàng Phố (lái sang chuyện khác):

Nay xin gác lại hỏi chơi chuyện này
Vợ ông con cái nhà ai
Có phải lạc loài nên mới đụng ông?


Nguyễn Bính (trừng mắt):

Con ai cũng có giống dòng
Lạc loài đâu phải là không ra gì?
Biết bao nhiêu phận nữ nhi
Cấm cung mà cũng thị phi tiếng đồn
.

Truy Phong (đế vô):

Cây có cội nước có nguồn…

Hoàng Phố(châm chọc):

Lạc loài gái ắt chẳng còn tiết trinh

Nguyễn Bính (chỉ vào mọi người):

Tại sao câu nệ chữ trinh
Các ông phong kiến cùng mình chẳng sai…


… Được một thời gian nghe tin Nguyễn Bính cưới một cán bộ phụ nữ tỉnh, mở sạp báo “Nhân Dân Miền Nam” ở Huyện Sử. Gần cuối kháng chiến, nghe máy bay Pháp lượn vòng từ đập đá dài theo kênh chắc băng xuống Thới Bình, rải truyền đơn kêu gọi đích danh tác giả  Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính “quay về với chính nghĩa Quốc gia để được trọng đãi”… Bạn bè xôn xao cho đến khi có người gặp Bính đang làm rẫy ở Hang Mai, chung sống với một phụ nữ Bến Tre vừa sinh mụn con Nguyễn Hương Mai, kế Nguyễn Hồng Cầu.
Tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính hướng về Nam bộ, đặc biệt vùng sông nước kháng chiến chống Pháp dạt dào nỗi nhớ:

“Thấy dừa lại nhớ Bến Tre
Thấy hoa sen nhớ đồng quê Tháp Mười
Thấy trăng lại nhớ đến người!”,

để rồi đêm đêm ngửa mặt nhìn trời thốt lên

“…Sao đặc trời cao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có lúc sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em!”

(trích Đêm sao sáng).

Theo hồi ký Nhớ về rừng U Minh của Hoàng Tấn
Nguồn: Văn Nghệ TP HCM
ĐN s.t
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Một chút về Nguyễn Bính

              Bài viết này viết để riêng tặng một người thích thơ Nguyễn Bính

Tôi không hiểu vì sao mà trong cuốn “Thi nhân Việt nam” Hoài Thanh lại xếp vị trí của Nguyễn Bính quá ư khiêm tốn, gần cuối quyển sách. Và lời giới thiệu về ông cũng quá ư  sơ sài? Có lẽ tại khi Hoài thanh viết cuốn này là lúc phong trào thơ mới đang dâng cao như những đợt sóngdữ dội của một cơn bão biển. Nó cuốn phăng đi tất cả những gì gọi là xưa cũ như thơ Đường , thể văn biền ngẫu và cả cái hồn quê chân chất. những câu ca dao mộc mạc thấm đẫm tình người chăng?
Giữa thời buổi văn học trì trệ , im ắng, đọc ở đâu cũng chỉ thấy những bài thơ Đường cũ nát, sáo rỗng với một lớp trí thức đang hình thành nhỏ bé và cô đơn thì những câu thơ như “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người” hay
                                  Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
                                  Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Chẳng khác gì tiếng nổ của những trái bộc phá. Nó phá tan đi những gì xưa cũ trong tiếng reo hò của một tầng lớp tiểu tư sản thành thị mới hình thành đang muốn tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội thì cái tiếng thầm thì đầy gợi cảm của Nguyễn Bính bị chìm lấp đi cũng chẳng có gì là khó hiểu. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã phải viết
“Dầu sao, những tính tình, tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôicuốn ta, nên ở mỗi chúng ta cái người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi”
Nhưng rồi thời gian trôi đi, cái xưa cũ đã bị phá hết, những tiếng bộc phá vang trời không còn nữa, con người căng người ra đánh vật với sự mưu sinh, đầu óc quay cuồng với bao nhiêu tính toán, lo nghĩ. Đêm về, nằm vật xuống chiếc giường nhắm mắt lại cố giành cho mình một chút yên tĩnh để thư giãn thì từ đâu đó trong tiềm thức một tiếng thơ thì thầmnhư một dòng suối nhỏ trong mát róc rách tuôn chảy trong hồn
                         Nhà anh có một giàn trầu
                   Nhà em có một rặng cau Liên phòng
                         Thôn đoài thì nhớ thôn đông
                  Cau Liên phòng nhớ trầu không thôn nào
Đấy mới chính là lúc thơ Nguyễn Bính lên tiếng. Hóa ra cái anh chàng nhà quê trong mỗi chúng ta mà có lúc Hoài Thanh đã tưởng rằng đã chết chưa bao giờ chết cả và chẳng bao giờ chết vì anh ta là hiện thân của tâm hồn Việt trong mỗi một người Việt chúng ta. Đừng bao giờ nghĩ  từ “Nhà quê” là bao hàm của cây đa, giếng nước, một cánh đồng lặng cánh cò bay bởi vì nếu nghĩ như thế thì rồi sẽ đến lúc tâm hồn Việt trong mỗi chúng ta sẽ chết. Sẽ đến lúc cây đa không còn nữa, giếng nước không còn nữa ,dậu mồng tơi sẽ được thay thế bằng những bức tường.. Hãy nghĩ đến hai từ “Nhà quê” với người đàn bà một nắng hai sương chung thủy chờ chồng mà hóa thành tượng đá. Hãy gắn từ nhà quê với một anh chàng hiền lành chăm chỉ  mà tâm hồn bao la, bát ngát như những cánh đồng. Cái hồn Việt lạ lắm, kì diệu lắm mà trong chúng ta, những người Việt, không phải ai cũng nhận ra. Tuy không nhận ra, nhưng thẳm sâu trong tâm thức mỗi người nó vẫn sống cho dù thực tế cuộc đời có thay đổi đến thế nào đi nữa.
Và Nguyễn Bính là người đã nhận ra, đã chỉ cho chúng ta thấy thế nào là hồn Việt
                               Hồn em như hoa cỏ may
                          Một chiều cả gió bám đầy áo anh
Cả bài thơ có đúng hai câu. Nếu thoáng đọc ta chẳng thấy gì cả. Nhưng hãy lắng lại vài phút và suy nghĩ. Một cô gái được ví với một loài hoa cỏ không hương , không sắc, bình thường ta không hề để ý đến nàng. Thậm chí có thể ta không có khái niệm nàng có tồn tại ở trên đời. Nhưng rồi có một ngày ta gặp hoạn nạn, một buổi chiều cả gió, ta bỗng nhận ra rằng ta đã được sống trong tình yêu thắm thiết mà nhẹ nhàng, mãnh liệt mà kín đáo của nàng. Hồn Việt đấy! Gái Việt đấy!
Ai cũng bảo thơ Nguyễn Bính thấm đẫm chất ca dao, tôi không cho là như vậy. Nếu có chăng thì thơ nguyễn Bính chỉ khoác một cái áo của ca dao mà thôi. Trong thơ ông hình ảnh làng quê bến nước, con đò, thôn đoài, thôn đông luôn luôn hiện lên khiến người ta lầm tưởng. Cũng có thể cái giọng thơ trong sáng, mượt mà khiến người đọc nhiều khi tưởng nhầm rằng mình đang đọc một câu ca dao. Không phải thế! Thơ Nguyễn Bính là thơ đích thực.Thơ nguyễn Bính vừa sâu lắng, vừa tinh tế. Nằm sâu bên trong những hình ảnh cây đa bến nước là những khám phá của nguyễn Bính về tâm hồn việt nam.
                           Láng giềng đã đỏ đèn đâu
                     Chờ em chừng giập miếng trầu em sang
                           Đôi ta cùng ở một làng
                     Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
Cô gái trách chàng trai sao vội vàng vậy? Nhưng chính cô, cô còn vội vàng hơn. Các cụ ngày xưa thường nói “Vừa giập miếng trầu mà đã…” ý nói đến sự nhanh chóng thế mà cô gái của chúng ta “Chừng” giập miếng trầu. Phải hiểu chữ “Chừng” ấy như thế nào đây? Có thể miếng trầu chưa kịp giập mà cũng có thể miếng trầu đã giập lâu rồi. Nhà thơ không nói, cô gái không nói nhưng tất cả chúng ta đều hiểu. Với cô, thời gian để giập miếng trầu là đã quá lâu rồi. Thế mà cô vẫn bảo với chàng trai “Vội vàng chi anh”. Cái hồn Việt trong cô gái việt là thế đấy. Mãnh liệt mà tinh tế. Nó còn tinh tế hơn, kín đáo hơn khi chúng ta đọc tiếp hai câu dưới
                           Em nghe họ nói mong manh
                     Hình như họ biết chúng mình với nhau
“Với nhau” Thật là tuyệt bút. Không phải là “Yêu nhau”, “Thương nhau” mà là “ Với nhau” nhẹ nhàng, kín đáo và tinh tế. Tôi cứ nghĩ rằng mặc dù cô gái đã nói tránh đi rồi nhưng mặt cô gái vẫn cứ đỏ hồng lên e thẹn. Cái từ “Với nhau” của thi nhân đã cho ta cái cảm giác đó
Có nhiều người nghĩ,tình yêu mà đã kín đáo, nhẹ nhàng, sâu lắng thì làm sao tình yêu ấy có thể mãnh liệt được? Mà tình yêu đã mất đi sự mãnh liệt thì đâu còn là tình yêu. Không phải thế đâu. Tình yêu của cô gái Việt mãnh liệt lắm, nó mãnh liệt đến mức cô gái luôn luôn cảm thấy tình yêu của mình trở nên mong manh rất dễ đổ vỡ  và cô sợ, cô lo lắng cho tình yêu của mình
                        Ai làm gió cả đắt cau
                   Mấy hôm sương muối để trầu đổ non?
Một cơn gió nổi, một đêm sương sa, những lời thì thầm bàn tán của láng giềng cũng làm cô gái sợ. Đừng nghĩ theo cái lối nghĩ của người hiện đại chúng ta hiện nay “Cô gái không có niềm tin vào tình yêu” và cũng đừng nghĩ theo lối yêu bất cần đời mà tôi cũng không rõ đấy là tình yêu hay tình dục của đám thanh niên choai choai hiện nay vẫn yêu.
Hãy nghĩ đến nông thôn Việt nam của tám mươi năm về trước khi mà những cô gái không thể tự quyết định được số phận của chính mình thì mới thấy được ngọn lửa tình trong cô gái mãnh liệt đến nhường nào.
Cả một bài thơ chỉ có tám câu mà nói cho ta biết được cái hồn Việt trong những cô gái việt. Không có một bài ca dao nào làm được thế mặc dù đọc lên ta vẫn thấy phảng phất một phong vị của ca dao và làng quê việt nam cũng phảng phất hiện lên với cây cau giàn trầu với vần thơ lục bát thân thuộc.
Không phải ai cũng cảm nhận được bài thơ như tôi đã trình bày với các bạn. Nhưng dù không cảm nhận được bài thơ sâu như thế thì người đọc vẫn bị bài thơ cuốn hút và người ta thuộc nó. Đấy chính là cái tài của Nguyễn Bính. Thuộc thơ ông có đủ các lớp người từ anh lái xe ôm đến những vị giáo sư khả kính. Hoài thanh đã sai khi nhận định về Nguyễn Bính. Nếu là tôi, tôi sẽ kính cẩn đặt ông lên trang đầu của cuốn thi nhân Việt nam vì tôi đoan chắc với các bạn rằng “ Ở Việt nam chỉ có ba nhà thơ mà thơ của họ được hầu hết các tầng lớp dân chúng đều thuộc đó là Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Bính” .Bản thân tôi cũng vào loại đọc nhiều nhưng tôi cũng phải xấu hổ để thú nhận với các bạn rằng tôi không thuộc toàn bộ bài thơ nào của các tác giả thơ mới . Tôi có thể thuộc những câu thơ hay của họ nhưng cả bài thì không. Với Nguyễn bính thì khác, tôi thuộc toàn bộ rất nhiều bài thơ của ông.
Tôi chỉ dùng hai bài thơ ít được chú ý nhất mà không dùng bất cứ một bài thơ nào nổi tiếng của ông khi viết về ông là với dụng ý rằng “ Với Nguyễn Bính, còn nhiều điều chúng ta phải suy ngẫm”
Thơ của Nguyễn Bính cứ thầm lặng loang đi trong dân gian, nó tan vào trong lòng người và kết tinh ở đấy như một minh chứng mạnh mẽ về sự trường tồn của tâmhồn Việt
                                                       Hà nội  12-8-2009
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ



(phần 1)

Nguyễn Bính là một đỉnh cao riêng biệt trong nền văn học Việt Nam. Bằng những sáng tác độc đáo của mình, ông đã đưa hồn dân tộc vào thi ca Việt Nam hiện đại. Đó chính là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Bính. Về cuộc đời, Nguyễn Bính có nhiều nét rất đặc biệt. Ông là một con người nghệ sĩ hoàn toàn. Có thể nói hiếm có nhà thơ nào có được cuộc sống giang hồ lãng mạn đến tận cùng như Nguyễn Bính.

Với cách giới thiệu đan xen giữa các chi tiết đời thường và đặc điểm tác phẩm, tác giả Trần Đình Thu đã phác họa một chân dung Nguyễn Bính rất sinh động qua cuốn sách Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/Nguyen_Binh2a.jpg
Nhà thơ Nguyễn Bính.



Nguyễn Bính là một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu lang bạt kỳ hồ. Thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày lang thang khắp Bắc - Trung - Nam. Đi đến đâu là ông có thơ đến đó và dưới nhiều bài thơ ông có ghi năm sáng tác cùng với địa chỉ. Nhờ vậy mà ngày nay ta có thể theo dõi được bước chân của ông.

Chú bé si tình Nguyễn Bính

Nguyễn Bính thuở nhỏ tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Khi bước chân vào làng văn làng báo, ông lấy tên mình bỏ đi chữ lót thành ra bút danh Nguyễn Bính. Ông tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Quê nội và cũng là nơi sinh của ông là xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lên ba tháng tuổi, ông mồ côi mẹ. Sau đó, cha ông đi thêm bước nữa. Vì thế về sau khi gia cảnh rơi vào khó khăn thì ba anh em ông được bên ngoại ở thôn Vân Tập cùng xã Đồng Đội với quê nội đón về nuôi.

Nguyễn Bính ở với người cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho có tiếng, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là thầy dạy học chữ Nho của ông Trần Huy Liệu. Nhờ người cậu giỏi chữ Nho này mà ông có điều kiện tiếp xúc sớm với chữ nghĩa và nghệ thuật thơ phú.

Năm mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình. Năm đó, vào dịp tháng ba âm lịch, hội Phủ Giầy tỉnh Nam Định quê ông có tổ chức một cuộc thi thơ. Đề thi là tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Trong lúc mọi người đang loay hoay làm bài, thời gian cũng chỉ mới hết một nửa, người ta đã thấy một cậu bé con bước vào chỗ ban giám khảo đang ngồi để nộp bài. Đó chính là Nguyễn Bính. Bài thi của cậu bé là một bài thơ dài hơn ba trang giấy học trò. Sau khi xem xét cân nhắc, ban giám khảo quyết định chấm ngay giải nhất cho bài thơ. Và khi ban tổ chức dùng loa để đọc to bài thơ lên giữa sân đình cho mọi người cùng thưởng thức thì hàng ngàn người đang dự hội thơ vỗ tay không ngớt.

Có một điểm đặc biệt liên quan đến sự hình thành phong cách thơ Nguyễn Bính về sau trong câu chuyện thú vị này. Trong bài thơ tả cảnh chọi gà đó, ngoài sự độc đáo về mặt nghệ thuật thì chỗ làm tất cả mọi người, từ ban giám khảo đến người tham dự phải tâm phục khẩu phục là hai câu kết. Tác giả đã lấy hai câu ca dao "Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" để đưa vào bài thơ tả cảnh chọi gà một cách thật thú vị và đầy ý nghĩa.

Tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ có lẽ từ đó đã lan nhanh. Và những lời thêu dệt huyền hoặc cũng phát sinh theo khiến nảy sinh nhiều chuyện bất ngờ. Ban đầu là một số người tìm đến để nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Nguyễn Bính vốn có tài ứng tác tức thì nên thường bên nào được ông giúp sức thì y như rằng bên đó sẽ thắng cuộc. Vì thế dần dần lòng ngưỡng mộ của mọi người lên cao đến tột đỉnh. Và Nguyễn Bính trở thành một người "cõi trên". Một số người mê tín tin rằng thơ của Nguyễn Bính làm ra là thơ tiên, được giáng vào cho một cậu bé con chứ không phải là thơ của người bình thường. Vì thế nhiều người tìm đến Nguyễn Bính để xin thơ. Những đám dựng vợ gả chồng, trắc trở tình duyên hay làm ăn xui xẻo... đều đến nhờ "cậu" cho thơ tiên. Và tùy theo hoàn cảnh mà Nguyễn Bính cho thơ.

Lần nọ, một gia đình nông dân nghèo có cô con gái vừa được đám nhà giàu đến dạm hỏi. Ngặt nỗi, cô gái trước đó cũng đã có người thương ở làng. Gia đình phân vân không biết quyết định thế nào, bàn nhau tìm đến cậu. Nghe trình bày xong, Nguyễn Bính liền cho ngay một quẻ thơ có đoạn như sau: "Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên/Phù vân, giả dối chẳng lâu bền/Tình em đâu phải trao thiên hạ/Dành để trai làng mới đẹp duyên". Lời thơ tiên đã truyền dạy như vậy, gia đình đành phải chối đám nhà giàu xứ khác để chọn anh trai làng cho con gái.

Độc đáo nhất là có một anh chàng hành nghề đạo chích cũng tìm đến xin thơ tiên và được Nguyễn Bính "giáng" cho mấy câu thơ và từ đó bỏ luôn nghề ăn trộm.

Một người quen của Nguyễn Bính có kể lại câu chuyện thú vị sau đây nữa. Đó là câu chuyện si tình của Nguyễn Bính năm ông mười bốn tuổi. Chuyện kể rằng, tháng ba năm ấy, Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy. Đó là lễ hội mà ông mê từ thuở bé. Một buổi đang ngồi xem hầu bóng, ông thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé người cao dong dỏng mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Cô đi cùng với một người dáng chừng là mẹ. Nguyễn Bính có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng chạy theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con họ, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn.

Rồi trong nhiều ngày sau nữa, ông luôn luôn đi theo bên họ. Đến ngày thứ tư, ông lén dúi được vào tay cô bé mảnh giấy có mấy câu thơ như sau: "Em ở cõi trần hay cõi tiên?/Phủ đền nhang khói nức hương em/Xin đi chầm chậm cho theo với/Lộc Thánh dâng người một trái tim". Cô gái nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng ngó lơ đi nơi khác. Tuy nhiên, chỉ cần vậy là ông đã tràn ngập sung sướng trong lòng mình rồi.

Sau đó cô bé theo mẹ về quê và ông tìm cách đi theo cho đến tận nơi ở của nàng. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó. Bởi chừng ba tháng sau thì gia đình cô có việc gì đó phải đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên biến mất. Hình ảnh cô bé trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung thả tóc đuôi gà từ đó luôn lẩn quất trong tâm hồn ông.

Khởi bước giang hồ

Nguyễn Bính là một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu lang bạt kỳ hồ. Thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày lang thang khắp Bắc - Trung - Nam. Đi đến đâu là ông có thơ đến đó và dưới nhiều bài thơ ông có ghi năm sáng tác cùng với địa chỉ. Nhờ vậy mà ngày nay ta có thể theo dõi được bước chân của ông.

Mùa xuân năm Quý Dậu (1933), Nguyễn Bính rời quê ngoại thôn Vân, nơi đã trải qua quãng đời thơ ấu của mình để bắt đầu dấn thân vào cuộc đời phiêu bạt. Lúc này, Nguyễn Bính mới chỉ 15 tuổi. Ông đến Hà Nội, tới phố Hàng Bồ, gia nhập vào đội quân bán báo lẻ. Nhưng con người nhà quê của Nguyễn Bính khó lòng tồn tại được với cuộc sống hè phố, vì vậy ông bỏ Hà Nội tìm đến Hà Đông - nơi người anh ruột Nguyễn Mạnh Phác (tức nhà biên kịch Trúc Đường sau này) đang dạy học - tá túc. Một thời gian sau, Nguyễn Bính cùng với anh trở về Hà Nội. Rồi ông lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi. Lấy Hà Nội làm tâm điểm, ông liên tục thực hiện những chuyến đi như thế. Một phần là kiếm kế sinh nhai nhưng phần khác cũng là để thỏa mãn chí phiêu bồng.

Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều bài thơ mà trong đó một số bài lưu lại rất rõ dấu ấn của những chuyến đi. Đặc biệt, có một bài thơ bốn câu mà một thời trong sách giáo khoa chương trình phổ thông trung học người ta xếp nhầm nó vào ca dao. Đó là bài thơ Xa cách, được Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1938 tại Phú Thọ:

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em


Đây là bài thơ đặc biệt nhất của Nguyễn Bính. Chất dân gian trong thơ nhiều đến nỗi hầu như nó chính là một bài ca dao. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có nhận xét: "Giá mà Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu". Có lẽ thời đó, Hoài Thanh không để ý đến những câu thơ này của Nguyễn Bính nên mới giả định như vậy mà thôi.

Quãng thời gian lưu lạc trên những vùng đồi núi sơn cước có lẽ làm ông thỏa chí tang bồng lắm, dù rằng đôi lúc cuộc sống cũng khó khăn. Có tài liệu cho biết, trong thời gian này có lúc ông đi làm nghề gõ đầu trẻ để kiếm sống. Nhưng ta hãy đọc mấy câu thơ dưới đây của ông:

Buổi chiều uống rượu làm thơ
Buổi trưa đi đốt lá khô trên đồi
Lá khô là lá của trời
Thơ tôi là để riêng tôi tặng nàng


(Thơ tôi)

Đọc mấy câu thơ này, ta hiểu được sự phóng khoáng và lãng mạn đến vô cùng ở Nguyễn Bính. Ta thấy trong thơ ca, có nhiều người vẫn làm được những bài thơ hay nhưng nếu nói rằng để có một cuộc đời đúng chất thi sĩ như Nguyễn Bính thì có lẽ không mấy ai đạt được.

Tuy vậy ở nơi đất khách quê người, dù sao buồn vẫn nhiều hơn vui. Có những đêm giao thừa lạnh lẽo hiu quạnh ở miền biên ải, ông lại hoài vọng:

Có phải đêm nay trời mới tối
Đêm nào trời cũng tối như đêm
Ải xa không pháo giao thừa nổ
Mưa rét tơi bời mưa rét thêm
Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi
Cành mai ai gửi đến xa xôi
Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi


(Tết biên thùy)

Ta thấy một điểm dễ nhận ra ở con người Nguyễn Bính: thích phiêu bạt giang hồ nhưng lại luôn luôn hoài cố hương, hay buồn tủi nhớ thương những ngày tháng đã qua. Chính vì vậy mà trong thơ ông thường hiện hữu hình ảnh quê nhà. Trong bài thơ Quán trọ có lẽ cũng được ông sáng tác trong thời kỳ này, Nguyễn Bính viết:

Từ độ phiêu linh mãi đến giờ
Xuân dàn vào tết bốn năm thưa
Bốn năm biết mấy tao gian khổ
Thôi để xuân sau trở lại nhà
Nhưng rồi tết ấy tết sau qua
Lần lữa ai chưa trở lại nhà
Quán trọ xuân này hoa lại nở
Lại ngồi xem tết, tết người ta


Một điều đáng chú ý, Nguyễn Bính nghiện rượu rất sớm. Hay là các thi nhân thời đó thường nghiện rượu sớm? Có lẽ là thế. Vào năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi tròn nhưng có vẻ đã rất sành rượu. Trong bài thơ Ga đơn ga kép làm tại ga Kép, Nguyễn Bính có những câu thơ như sau:

Ở đây chiều xuống rất mau
Bình minh lên sớm, tôi sầu bơ vơ
Rượu say từ sáng đến giờ
Nhớ người, tôi nhớ mãi từ hôm lên


Quả thật là một người thường hay say rượu thông tầm mới có cái cảm giác "sầu bơ vơ" khi uống rượu từ sáng sớm say đến chiều tối, tỉnh giấc nhìn ra bên ngoài thấy hoàng hôn sắp đổ xuống.

Ta hãy đọc thêm một khổ thơ buồn nữa của Nguyễn Bính. Đó là một khổ thơ nằm trong bài Một trời quan tái, sáng tác ở Lạng Sơn năm 1940:

Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
Lá rừng thu đổ nắng sông tà
Chênh chênh quán rượu mờ sương khói
Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà


Đây là những câu thơ tả cảnh đường rừng thật đẹp. Hóa ra là Nguyễn Bính có hẳn một mảng thơ đường rừng mà lâu nay ta không để ý đến. Ta hãy đọc bài thơ Phố chợ đường rừng Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1940 tại Kép:

Đồi lau gió lạnh phất cờ
Tán bàng đã rụng đôi tờ huyết thư
Sương buông, chiều xuống lững lờ
Thịt rừng nướng ngậy, rượu vò bốc men
Điếm canh tuần tráng thay phiên
Bước đi nhập nhoạng nâu chen lẫn chàm


Quả là không thể có một họa sĩ tài ba nào vẽ được bức tranh phố rừng sinh động hơn những câu thơ này. So sánh những lá bàng cuối thu như những tờ "huyết thư" hay là tả cái cảnh những tuần điếm lẫn vào trong đêm tối chập choạng "nâu chen lẫn chàm" thì thật là tuyệt diệu!

Nhưng cái tài tả cảnh như viết tiểu thuyết của Nguyễn Bính ở những câu thơ tiếp theo của bài thơ trên mới thật sự làm ta kinh ngạc:

Giường tre le lói ánh đèn
Đôi ba mặt lạ chia tiền nhỏ to
Đôi ba người bạn giang hồ
Tóc bồng cỏ dại bình thơ nhớ nhà
Chập chờn bóng quỷ hình ma
Khoanh tay chủ quán nhìn ra đường mòn

Thật là những câu thơ tả cảnh quá độc đáo!


Còn tiếp...

(Nguồn: Thanh Niên)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.
.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ


(phần 2)


Giữa phố phường Hà Nội

Tập thơ của Nguyễn Bính.

Hà Nội là nơi đầu tiên mà Nguyễn Bính đặt chân đến khi rời bỏ làng quê để cất bước giang hồ. Tuy nhiên, ông sống ở Hà Nội không nhiều lắm. Bởi ông luôn xê dịch qua nhiều địa phương khác nhau.

Tính từ năm 1936 đến 1945 là gần mười năm, nhưng có lẽ tổng cộng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội chỉ chừng vài năm. Nhưng đó là khoảng thời gian quan trọng nhất để ông bước chân vào sự nghiệp văn chương. Một điều chắc chắn rằng, chỉ từ khi rời Hà Đông về Hà Nội, vào khoảng năm 1935 hoặc 1936, Nguyễn Bính mới bắt tay vào sáng tác một cách chuyên nghiệp.

Ở Hà Nội, thoạt đầu Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, làm thành một nhóm thơ trẻ, được bạn bè mệnh danh là xóm thơ áo bào gốc liễu. Về sau, Nguyễn Bính chơi thêm với Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương... Đó là những cây bút có tiếng tăm trong làng văn. Còn những bạn bè văn chương báo chí khác thì nhiều lắm. Hà Nội có, tỉnh lẻ có.

Qua một số tài liệu để lại, ta thấy rằng dường như những bài thơ hay về làng quê của Nguyễn Bính đều được viết ra trong khoảng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội. Khoảng năm 1935 hoặc 1936, cùng với Trúc Đường đặt chân đến Hà Nội, Nguyễn Bính bắt đầu sáng tác thơ về làng quê. Đề tài làng quê trước hết là thế mạnh của Nguyễn Bính, sau nữa là đề tài mà độc giả các báo, vốn hầu hết là người thành thị, khi đó vẫn rất thích đọc. Mặt khác, một người sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê, cuộc sống thị thành vẫn còn quá xa lạ như Nguyễn Bính, thì lấy đề tài làng quê để sáng tác sẽ là thuận lợi hơn so với đề tài khác. Những bài thơ như Mưa xuân, Chân quê, Lòng mẹ, Thời trước... đều được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Ta hãy đọc lại vài câu thơ độc đáo viết về làng quê của Nguyễn Bính trong giai đoạn này:

Xóm Tây bà lão lưng còng
Có hai cô gái lấy chồng cả hai
Gió thu thở ngắn than dài
Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa


 (Không đề - 1938)

Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều


 (Qua nhà - 1936)

Đấy là những câu thơ đặc tả về làng quê mà khó có người thứ hai nào sáng tác được hay hơn thế. Như là những bức tranh làng Hồ vẽ bằng thơ.

Khi Nguyễn Bính bước chân vào văn đàn, vào khoảng năm 1936, thì cuộc cách mạng thơ mới khởi đầu từ năm 1932 đã đến hồi kết thúc. Lúc này, Nguyễn Bính chỉ việc ung dung thừa hưởng thành quả của cuộc cách mạng mà thôi. Tuy nhiên, ông lại có một công lao khác đối với cuộc cách mạng này. Đó là, bằng những câu thơ mang hơi thở làng quê của mình, Nguyễn Bính đã góp phần giữ cho cuộc cách mạng không đi quá xa đến mức trên văn đàn tràn ngập những câu thơ ảnh hưởng nặng nề thơ Pháp. Có người cho rằng, Nguyễn Bính đã ra một tuyên ngôn về thơ trong bài thơ Chân quê ngay trong năm 1936 khi ông viết những câu thơ sau đây:

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê


Có thể Nguyễn Bính không nghĩ như thế nhưng vừa bước chân vào văn đàn mà đã thành công rực rỡ ngay là chính nhờ ông đã khai thác đề tài làng quê.

Nhưng rồi viết về làng quê mãi cũng có lúc cạn nguồn đề tài. Vả lại những năm 1939 trở về sau này, Nguyễn Bính đã dần quen thuộc với cuộc sống phố phường Hà Nội rồi. Vì vậy, ông đã bắt đầu lấy những đề tài thành thị để sáng tác. Ta đã thấy xuất hiện những câu thơ như thế này trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, là tập thơ xuất bản đầu tiên của Nguyễn Bính vào năm 1940:

Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Lòng chàng có để một tơ vương
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác
Góp lại đường đi, vạn dặm đường


 (Hà Nội ba mươi sáu phố phường)

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Châu thành Hà Nội chít khăn xô


 (Lòng người trinh nữ)

Những năm 1939 trở đi, đề tài sáng tác của Nguyễn Bính đã mở rộng ra rất nhiều. Và thật đáng ngạc nhiên, khi rời bỏ cây đa giếng nước của làng quê để viết về phố phường, sau một thời gian lúng túng, thơ ông lại vẫn hay như thường:

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh


 (Người con gái ở lầu hoa)

Có những ngày đi rất nhẹ nhàng
Vườn tôi đầy cả gió xuân sang
Hai ba con bướm giang hồ đó
Đã trở về đây rũ phấn vàng


 (Vườn xuân)

Vào lúc này, Nguyễn Bính không còn là một chàng trai ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội như ngày nào vừa mới rời khỏi thôn Vân nữa. Nguyễn Bính đã biết hút thuốc phiện, uống rượu tây, đi hát ả đào. Có lần Nguyễn Bính cùng hai người bạn thân Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương kéo nhau lên tàu lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên là Tuyết Lành ở phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Rong chơi ngày này qua ngày khác. Thú vui hát ả đào ngày ấy đã trở thành món ghiền khó bỏ đối với nhiều văn thi nhân, trong đó có Nguyễn Bính. Chính vì thế mà Nguyễn Bính có vài bài thơ khi đọc lên thấy ngờ ngợ vì nó không giống những bài thơ khác của ông về tiết tấu, về ngôn ngữ. Chẳng hạn như mấy câu thơ dưới đây nằm trong tập thơ Mây Tần, xuất bản năm 1942:

Đêm xuân này giấc mộng thế là tan
Tiệc đương vui lỡ đứt cả dây đàn
Tài với sắc, thôi thôi là lụy sạch
Một khúc trường ca men Lý Bạch
Mười bài khuê oán lệ Bằng Phi


 (Trên cầu Chiết Liễu)

Đây chính là những câu thơ Nguyễn Bính sáng tác ra để cho các đào nương ngâm nga trong những hội hát ả đào ngày ấy chứ không phải là những bài thơ viết ra để đọc?


Còn tiếp
Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ (phần 2)

Trần Đình Thu
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Ngọc Anh Lê

Bài viết hay quá bác ĐÒ ơi  . Tiếp tục đi bác em đang hóng đây . Có lẽ xin phép bác em được copy qua một nơi khác cũng có nhiều bạn thơ yêu Thi sĩ Nguyễn Bính bác nhé .

Chúc bác weekend vui vẻ .
Em Ngọc Anh
Bắt phong trần phải phong trần
Cho phong lưu mới được phần phong lưu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

@Ngocanhonline: Đã đưa lên đây là của chung mà bạn. Có người đọc cho đã là vui rồi, lại được giới thiệu tiếp cho nơi khác nữa thì còn gì bằng. Vẫn còn các phần tiếp theo, rỗi rãi hơn lão Đồ xin tiếp tục. Trước kia còn nhờ cậu con trai gõ hộ, nó gõ nhanh hơn...điện nhưng lắm khi cháu bỏ sót nhiều dòng hoặc các từ tiếng nước ngoài cháu gõ không chính xác, thường là mình phải duyệt và gõ lại...nay thì cu cậu không có nhã hứng giúp ba nữa rồi, nên ngồi gõ lại khá lâu...Cảm ơn bạn đã động viên.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ


(phần 3)

Mưa xuân và những sáng tác đầu tay


http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/a15bChkNguynBnh-1.jpg
Chữ ký của Nguyễn Bính.


Từ 1936 đến 1940 là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của Nguyễn Bính. Phần lớn những bài thơ làng quê có giá trị đều được ông sáng tác trong thời kỳ này. Có hàng trăm bài thơ của ông được đăng báo. Năm 1940, Nguyễn Bính cho in thành sách hai tập thơ "Lỡ bước sang ngang" và "Tâm hồn tôi".

Đây là hai tập đầu tiên trong bảy tập thơ sáng tác trước năm 1945 của Nguyễn Bính.
Căn cứ theo những số liệu về ngày tháng ghi dưới các bài thơ thì những bài thơ sớm nhất của Nguyễn Bính được sáng tác vào năm 1936, lúc Nguyễn Bính mới 18 tuổi. Trong hai tập thơ đã nói trên, có rất nhiều bài thơ cùng đề năm sáng tác là 1936. Đó là các bài Mưa xuân, Lòng mẹ, Đêm cuối cùng, Nhớ, Qua nhà… Điều đặc biệt đáng quan tâm là tất cả những bài thơ sáng tác vào năm đầu tiên này đều là những bài thơ hay. Về sau có thể có những bài thơ không xứng tầm với Nguyễn Bính nhưng thời gian này thì không xảy ra tình trạng đó. Và trong số những bài thơ sớm nhất đó, bài Mưa xuân nằm trong tập Lỡ bước sang ngang  được nhiều người xác nhận là bài thơ đầu tiên, tức tác phẩm đầu tay chính thức của Nguyễn Bính.
Toàn bộ  Mưa xuân  là một câu chuyện yêu đương hẹn hò vui buồn của trai gái đến tuổi lấy vợ gả chồng ở thôn quê. Cô con gái sống bằng nghề canh cửi phải lòng chàng trai làng bên. Họ đã vài lần nói chuyện với nhau. Một hôm có hội chèo về hát, cô con gái xin phép mẹ đi xem với mục đích để được gặp chàng trai. Trời tháng giêng mưa xuân bay phơi phới, xòe bàn tay thử trước mái hiên mưa rơi từng chấm lạnh ngắt. Thế nhưng cô gái vẫn náo nức đi. Đến hội hát, cô gái mải lặn lội đi tìm chàng trai mà không để ý gì đến chuyện hát hò. Nhưng tìm mãi, tìm mãi không thấy chàng đâu. Đêm ấy, trên đường về cô gái lầm lũi đi trong mưa. Cô nhớ lời chàng hẹn hôm trước, khi nào có đám hát sẽ sang xem và gặp nhau trò chuyện. Lời hẹn hò thật chắc chắn mà nay đã bay đi đâu mất rồi?
Một câu chuyện thơ hoàn toàn có thể kể lại được bằng văn xuôi một cách rõ ràng, có đầu có đuôi như vậy. Thậm chí có thể viết lại thành một truyện ngắn được. Đấy chính là một trong những đặc điểm nổi bật của nhiều tác phẩm thơ Nguyễn Bính: thơ có cốt truyện, có nhân vật, có cao trào, có kết thúc mà trong các phần khác chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn.
Bài thơ này không có nhân vật tôi. Hai nhân vật trong Mưa xuân là mẹ và em. Nguyễn Bính đã ký thác tâm sự của mình vào họ, để họ thay ông nói ra bằng lời những suy tư ngẫm nghĩ, những buồn vui cuộc đời... Nguyễn Đăng Điệp gọi đây là cách nói thác lời. Đây vốn là sở trường của các nhà tiểu thuyết, không hiểu vì sao Nguyễn Bính lại giỏi về khoa này? Có rất nhiều bài thơ Nguyễn Bính dùng cách nói thác lời tài tình như vậy.
Mưa xuân cho ta những câu thơ thật đẹp và đặc biệt thật chỉn chu. Hình như là những bài thơ đầu tiên này Nguyễn Bính phải viết đi viết lại nhiều lần lắm. Nghe nói vào thời gian này, Trúc Đường trực tiếp biên tập thơ cho Nguyễn Bính rất kỹ. Về sau này ta thấy nhiều câu thơ của Nguyễn Bính viết quá dễ dãi. Nhưng giờ đây ta hãy đọc vài câu thơ hay và chỉn chu của Mưa xuân. Chẳng hạn như bốn câu thơ đầu tiên:

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa


Khổ thơ thật nhẹ nhàng và chân chất. Ta để ý thấy có một chỗ đặc biệt, là hai câu thơ so sánh cô gái với cây lụa trắng. Trong thơ Việt Nam dường như không có tác giả nào khác có kiểu so sánh như vậy. Đây chính là cách so sánh kiểu dân gian, nó cụ thể hóa những điều trừu tượng thành vật chất cụ thể: sự trẻ trung hồn nhiên của một cô gái so sánh với một cây lụa trắng mới dệt xong. Nguyễn Bính đã học tập từ các nghệ sĩ dân gian cách làm này và sau đó ông đã đẩy lên đến mức điêu luyện, đôi lúc vượt qua những người thầy dân gian của mình. Chẳng hạn như hai câu thơ "Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em".
Thơ Nguyễn Bính viết về xuân rất nhiều nhưng bài  Mưa xuân  này có một vẻ đẹp lung linh huyền diệu hơn tất cả. Đặc biệt nghệ thuật tả cảnh tài tình của Nguyễn Bính được vận dụng vào đây để tạo thành những câu thơ đẹp:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy


Diễn đạt mưa và hoa như thế thật là tài tình. Mưa phơi phới bay thì đúng là mưa xuân rồi. Những cơn mưa của sự đâm chồi nảy lộc, của sự hớn hở trong lòng người. Làm sao có thể tìm ra từ nào xuân hơn là phơi phới bay? Cũng như thế, hoa xoan thì lại lớp lớp rụng vơi đầy. Đọc câu thơ, ta hình dung rõ mồn một cảnh trên đường làng gió tung hoa lên từng trận mịt mù phủ kín không gian. Dường như là hoa nhiều lắm. Hoa từ đầu làng đến cuối ngõ. Chỉ thấy hoa chứ không thấy cảnh vật nữa. Làng quê qua ngòi bút tả cảnh của Nguyễn Bính hiện lên đẹp như là một bức tranh.
Một góc độ nào đấy, có thể so sánh  Mưa xuân  của Nguyễn Bính với  Đây thôn Vỹ Dạ  của Hàn Mặc Tử bởi sự toàn bích của nó. Nếu một số bài thơ hay khác của Nguyễn Bính, đôi lúc ta thấy tiếc trong một vài chỗ thì với  Mưa xuân, ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Ta không còn có thể khen chê vào đâu được nữa. Viên ngọc đầu tiên của người thợ chạm tài ba này không hề có một tỳ vết.
Trên một số báo Văn Nghệ trước đây, tác giả Nguyễn Xuân Nam lấy làm tiếc rằng ngày ấy Hoài Thanh không trích dẫn Mưa xuân vào  Thi nhân Việt Nam. Đúng là như vậy thật. Tác giả Chu Văn Sơn cũng viết: "Nếu chọn bài Nguyễn Bính nhất, hẳn tôi sẽ chọn  Mưa xuân. Tương tư  cũng hay nhưng phần khéo không ít. Lỡ bước sang ngang réo rắt nhưng đã nghiêng nhiều về phần dễ dãi". Ý Chu Văn Sơn cho rằng Mưa xuân  là một bài thơ thể hiện đúng chất ngòi bút đồng quê của Nguyễn Bính nhất. Nhận định này rất chính xác. Hiện nay trong chương trình văn học phổ thông, phần giới thiệu Nguyễn Bính có trích dẫn duy nhất một bài Tương tư, nói như Nguyễn Xuân Nam là ta thấy rất đáng tiếc vì  Mưa xuân không được trích dẫn thêm vào. Ở đây cần nhấn mạnh, nếu vì lý do gì đó không thể trích dẫn thêm thơ Nguyễn Bính, thì ta nên thay bài  Tương tư  bằng bài  Mưa xuân.

Trần Đình Thu
(Còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ

(phần 4)

Bài thơ tạo ra hiệu ứng kỳ lạ nhất

Tập thơ Lỡ bước sang ngang.

Có lẽ sự kiện đặc biệt nhất trong đời thơ Nguyễn Bính là việc Tuần báo Tiểu thuyết thứ năm đăng tải bài thơ "Lỡ bước sang ngang" của ông vào năm 1939.

Sau khi được đăng tải, bài thơ đã tạo ra một sự say mê cuồng nhiệt trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ. Người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ. Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc lòng Lỡ bước sang ngang. Các bà các chị dùng nó để ngâm vịnh cho nhau nghe, để hò ru con ngủ. Bài thơ đã tạo nên một hiện tượng văn học kỳ lạ chưa từng có. Nó được phổ cập từ Bắc chí Nam. Đâu đâu người ta cũng đọc Lỡ bước sang ngang, cũng nói chuyện về Lỡ bước sang ngang. Có người kể, trong những ngày đi kháng chiến, thỉnh thoảng trên bước đường hành quân lại nghe văng vẳng giọng những người mẹ trẻ cất lên lời ru  Lỡ bước sang ngang  trong những xóm làng hiu quạnh.
Từ khi bài thơ được đăng tải, nhắc đến Nguyễn Bính là người ta dùng cụm từ "tác giả  Lỡ bước sang ngang". Lỡ bước sang ngang  không chỉ cuốn hút những độc giả nữ hoặc là tầng lớp bình dân. Ngay cả những trí thức lớn vẫn thích đọc thích nghe. Trong một thiên hồi ký của mình, học giả Trần Bạch Đằng kể ông từng phải đọc đi đọc lại Lỡ bước sang ngang  cho cố Tổng bí thư Lê Duẩn nghe để ông quên mệt trong một lần tránh Tây đi càn.
Lỡ bước sang ngang  là tên của một bài thơ nhưng đồng thời cũng là tên của cả tập thơ, bao gồm những bài như  Mưa xuân, Thời trước, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lá thư về Bắc, Tương tư… Tập thơ này cùng với tập Tâm hồn tôi  đã đưa tên tuổi của thi sĩ vượt lên trên nhiều tác giả đương thời khác.
Năm 1944, Nguyễn Bính sống cùng bạn bè ở khu vực Đa Kao, quận 1, TP HCM ngày nay. Túng tiền tiêu, một hôm mấy anh em bàn nhau xem có cách gì kiếm tiền một cách thật đàng hoàng. Một người bạn thân của Nguyễn Bính là Hoàng Tấn bày ra một kế hay. Thế là chỉ mấy ngày sau, người ta đọc được những mẩu quảng cáo về việc bán đấu giá bản viết tay tập thơ  Lỡ bước sang ngang  của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ được trưng bày trong một tủ kính lớn đặt tại một nhà sách. Cuối cùng bản viết tay tập  Lỡ bước sang ngang  được một nhà thầu khoán yêu thơ mua với cái giá tính ra khoảng 18 triệu đồng hiện nay. Cần nhớ là Nguyễn Bính chỉ bán một bản viết tay tập thơ chứ không phải bán bản quyền cả tập thơ, nên cái giá này phải nói là quá cao.
Sau khi mua được tập thơ, nhà thầu khoán đã tổ chức bữa tiệc ăn mừng với hơn 50 quan khách, mời cả ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ đến để ngâm bài  Lỡ bước sang ngang.  Tiệc tùng kéo dài đến tận quá nửa đêm mới ngưng. Hoàng Tấn cho biết, vào năm 1999, sau 45 năm kể từ ngày mua tập thơ viết tay của Nguyễn Bính, gia đình nhà thầu khoán hiện sinh sống ở Pháp vẫn còn lưu giữ tập thơ. Quả là một chuyện hiếm có trong văn chương.
Nhưng vì sao mà bài thơ tạo nên một hiệu ứng ghê gớm như vậy? Có gì đặc biệt trong bài thơ này? Một vài tác giả có lý giải về vấn đề này nhưng dường như không hợp lý lắm.
Lỡ bước sang ngang  là câu chuyện về một người con gái bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không yêu, phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh "Rồi đây sóng gió ngang sông/Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ".
Đấy là câu chuyện riêng của người con gái - nhân vật chị trong bài thơ Lỡ bước sang ngang – nhưng đấy cũng đồng thời là câu chuyện chung của hàng vạn, hàng triệu người con gái khác sống dưới chế độ gia đình phong kiến, dưới mái nhà mang tên gọi tam tòng tứ đức. Lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận họ, đè nặng lên những kiếp người. Suốt cả đêm dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, người ta mới dám nghĩ đến điều này. Bắt đầu từ năm 1933, Nhất Linh cùng với một số nhà văn khác trong Tự Lực Văn Đoàn đã ào ạt tấn công vào cái thành trì kiên cố đó để giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự áp đặt của quan niệm gả bán, tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, tư tưởng môn đăng hộ đối. Nhưng xã hội lúc đó vẫn còn quá nhiều những cô gái bị bán gả theo kiểu như cô Loan trong Đoạn tuyệt.
Chính vì vậy mà cho đến năm 1939,  Lỡ bước sang ngang ra đời, người ta đón nhận nó như đón nhận cơn mưa giữa ngày đại hạn. Đó là nguyên nhân chính của sự thành công vang dội của bài thơ này. Bằng thể loại thơ,  Lỡ bước sang ngang đã đem đến cho người ta phương tiện để than thân trách phận, để giãi bày, để tự an ủi mình mà trước đó những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn không thể làm thỏa mãn độc giả được.
Thật ra thì trước đó một năm, những bài thơ của T.T.Kh đã gián tiếp bày tỏ vấn đề này rồi. Nhưng mấy bài thơ của T.T.Kh là những bài thơ mang tiếng nói cá nhân, còn  Lỡ bước sang ngang  là phát ngôn của thời đại, phản ánh một thực trạng bất công trong xã hội. Nguyễn Bính đã thay mặt hàng triệu tâm hồn người phụ nữ để phát biểu với toàn thể cộng đồng vấn đề bức xúc ấy.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay  Lỡ bước sang ngang  không còn làm xúc động nhiều người như xưa nữa, vì thời đại phong kiến đã trôi qua, tình yêu lứa đôi được giải phóng. Giờ đây những đôi trai gái yêu nhau đã được tự do lựa chọn hôn nhân cho mình. Tình cảnh lỡ bước sang ngang chỉ còn trong quá khứ đau buồn của một thời. Tuy nhiên ta không phủ nhận  Lỡ bước sang ngang là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính và có một thời là bài thơ hay của thi ca Việt Nam.
Ở đây cần lưu ý, một số tác giả khi phân tích bài thơ này đã không gắn nó vào giai đoạn lịch sử mà nó ra đời, không xem xét hết đặc điểm của bài thơ nên đã có những phân tích bình giảng không chính xác. Chẳng hạn như giáo sư Hoàng Như Mai. Ông đã đi theo hướng phân tích  Lỡ bước sang ngang  như là một bài thơ phản ánh sự trắc trở lỡ làng muôn thuở trong tình yêu nói chung của cả nam lẫn nữ chứ không phải là những bi kịch tất yếu từ chế độ hôn nhân gia đình của lễ giáo phong kiến mà người phụ nữ phải gánh chịu, nên đã không lột tả hết bài thơ.

Trần Đình Thu

(Nguồn: Thanh Niên)
Còn tiếp
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

khongkhong

VN yêu thích thơ của Nguyễn Bính.Nó mộc mạc ,chân tình,gần gũi....và nhiều bài thơ của ông khiến cho ta đầy lòng trắc ẩn....mang đậm tính nhân văn....
(VN không bình thơ Chỉ là những cảm nhận khi đọc thơ ông)

Xóm Tây bà lão lưng còng
Có hai cô gái lấy chồng cả hai
Gió đông thở ngắn than dài
Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa..

VN thích hai đoạn trong bài thơ" Những bóng người trên sân ga":

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tầu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
....
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ soi bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc chia ly...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

@VN! Chắc em đang nhớ đến ... trích tặng em đoạn này:
"...

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu.

..."
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối