Trang trong tổng số 2 trang (11 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

THƠ CHỌN

Lâu nay, trong những cuộc gặp mặt người Việt Nam ở nước ngoài về tại Hà Nội, thường thấy một người đàn ông trung niên tóc bạc trắng, mặt phúc hậu, ưu tư, nói giọng Nghệ. Đó là tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng. Xuất thân từ dòng dõi Nguyễn Huy nổi tiếng ở Hà Tĩnh, anh theo nghề văn ở Hà Nội, rồi sang Moskva, và gắn bó với nước Nga từ thời Xô viết, qua thời hậu Xô viết, đến nay. Tiếng thơ Nguyễn Huy Hoàng đã cất lên từ đó, từ nước Nga, anh coi như quê hương thứ hai của mình. Hơn năm tập thơ đã in ở trong nước, anh trải nỗi lòng mình giăng mắc giữa nước Việt và nước Nga, thương nhớ bên này, âu lo bên kia. Thơ anh nặng nỗi buồn đau trước tháng năm thế sự, nhân tình.

 Moskva bây giờ đã khác

Moskva bây giờ đã khác!
Dù tháp thờ vẫn ngụ giữa trời cao
Tuyết vẫn trắng, sông vẫn êm đềm chảy
Rừng bạch dương muôn thưở vẫn rì rào

“Moskva không tin vào nước mắt”
Chẳng mơ màng bánh vẽ chín tầng mây
Đêm choáng lộn trùm lên tầng phố cổ
Thần tượng chen cùng quảng cáo trưng bày

Thước đo cũ bỏ đi không dùng nữa
Điều thiêng liêng nhắc lại bỗng xưa rồi
Cả khúc hát cũng lạc bè, sai giọng
Niềm vinh quang, nay thay mốt lỗi thời

Những vẻ đẹp phô mình trên phố xá
Nét vàng son pha lẫn với tân kỳ
Nơm nớp sống giữa thực hư, thật giả
Giữa thấp hèn và trang trọng, uy nghi

Moskva – thiên đường cao vòi vọi
Của lớp người gặp vận, mới phất lên
Moskva – đáy thẳm sâu cơ cực
Của những người dân nhỏ bé, thấp hèn!

Bao quý ông từng ôm hôn cờ đỏ
Thấy trẻ ăn xin, giờ chẳng động lòng
Đám thanh niên kẻ say mê băng nhóm
Kẻ phớt đời trước mọi cảnh hưng vong

Vẫn còn lại người dân Nga chất phác
Nói chuyện bể dâu, chỉ biết lắc đầu
Moskva bây giờ đã khác
Những cái nhìn đầy ắp nỗi lo âu.

Nguyễn Huy Hoàng.


 Cố hương

Thâu đêm, thao thức không nằm
Tắt đèn, tựa cửa, ngồi canh trăng tàn
Thèm hơi ngọn gió mùa trăng
Đồng sau vụ gặt, óng vàng rạ rơm
Cá đàn quẫy động ao chuôm
Gà trưa đánh thức góc vườn nắng hanh
Khiêm nhường  ngọn khói mong manh
Khi xa ngàn dặm, hóa thành thiêng liêng
Lá rơi xao xác chân thềm
Như rơi vào giữa nỗi niềm cố hương…

Nguyễn Huy Hoàng.

(Nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần số 45/118 ra ngày 6/11/2009)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Đồ Nghệ đã viết:
THƠ CHỌN

Lâu nay, trong những cuộc gặp mặt người Việt Nam ở nước ngoài về tại Hà Nội, thường thấy một người đàn ông trung niên tóc bạc trắng, mặt phúc hậu, ưu tư, nói giọng Nghệ. Đó là tiến sĩ văn học Nguyến Huy Hoàng. Xuất thân từ dòng dõi Nguyễn Huy nổi tiếng ở Hà Tính, anh theo nghề văn ở Hà Nội, rồi sang Moskva, và gắn bó với nước Nga từ thời Xô viết, qua thời hậu Xô viết, đến nay. Tiếng thơ Nguyễn Huy Hoàng đã cất lên từ đó, từ nước Nga, anh coi như quê hương thứ hai của mình. Hơn năm tập thơ đã in ở trong nước, anh trải nỗi lòng mình giăng mắc giữa nước Việt và nước Nga, thương nhớ bên này, âu lo bên kia. Thơ anh nặng nỗi buồn đau trước tháng năm thế sự, nhân tình.

(Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chọn và giới thiệu).

Moskva bây giờ đã khác

Moskva bây giờ đã khác!
Dù tháp thờ vẫn ngụ giữa trời cao
Tuyết vẫn trắng, sông vẫn êm đềm chảy
Rừng bạch dương muôn thưở vẫn rì rào

“Moskva không tin vào nước mắt”
Chẳng mơ màng bánh vẽ chín tầng mây
Đêm choáng lộn trùm lên tầng phố cổ
Thần tượng chen cùng quảng cáo trưng bày

Thước đo cũ bỏ đi không dùng nữa
Điều thiêng liêng nhắc lại bỗng xưa rồi
Cả khúc hát cũng lạc bè, sai giọng
Niềm vinh quang, nay thay mốt lỗi thời

Những vẻ đẹp phô mình trên phố xá
Nét vàng son pha lẫn với tân kỳ
Nơm nớp sống giữa thực hư, thật giả
Giữa thấp hèn và trang trọng, uy nghi

Moskva – thiên đường cao vòi vọi
Của lớp người gặp vận, mới phất lên
Moskva – đáy thẳm sâu cơ cực
Của những người dân nhỏ bé, thấp hèn!

Bao quý ông từng ôm hôn cờ đỏ
Thấy trẻ ăn xin, giờ chẳng động lòng
Đám thanh niên kẻ say mê băng nhóm
Kẻ phớt đời trước mọi cảnh hưng vong

Vẫn còn lại người dân Nga chất phác
Nói chuyện bể dâu, chỉ biết lắc đầu
Moskva bây giờ đã khác
Những cái nhìn đầy ắp nỗi lo âu.

Nguyễn Huy Hoàng.

Hay! ĐN tìm nữa đi.
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

Nguyễn Huy Hoàng không những là nhà thơ nổi tiếng của cộng đồng người Việt ở Nga, mà còn là một công dân đầy tâm huyết đối với cộng đồng. Không những anh đã cho in nhiều tập thơ hay, mà còn có những bài viết rất sâu sắc. Trong đời tư, anh cũng có nỗi buồn riêng, nỗi đau xé ruột của người cha suốt đời đi tìm con. Xin được chia sẻ cùng anh Hoàng rất thân mến!

Lý thiên Nhẫn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

docaosang

.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

“Có có không không”
Một triết lý nhà Phật không dễ lĩnh hội thấu đáo


Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ. Nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.

Tôi có một ông chú rất yêu thích truyện kiếm hiệp Kim Dung. Và mỗi lần ngồi “lai rai chút đỉnh” với ông, thường bàn về tiểu thuyết Kim Dung rất tâm đắc. Trong một lần ngà ngà say, ông hỏi tôi một câu, nếu phải nhận xét về Đoàn Dự và Mộ Dung Phục trong một câu, thì cháu nhận xét thế nào?
Cố nhiên tôi nêu ra vô số nhận xét, rằng Đoàn Dự là một chàng trai chung tình, là người tốt, người nghĩa hiệp, còn Mộ Dung Phục là độc ác, ích kỷ, kẻ tiểu nhân…
Ông nói với tôi, tất cả những gì cháu nhận xét đều đúng, nhưng ý nghĩa sâu xa trong hai nhân vật này thì cháu chưa lĩnh hội được. Những gì mà cháu nói thì ai cũng biết cả và đối với 2 nhân vật này, Kim Dung gởi gắm nhiều triết lý cuộc sống sâu xa hơn thế. Và đương nhiên, tôi chống tai lên nghe ông sẽ nói về hai nhân vật nổi tiếng này của Kim Dung...
Đạo Phật có một triết lý sâu sắc là “sắc sắc không không”. Trong Phật học kinh điển, ý nghĩa của nó có thể rất thâm thúy và khó hiểu. Tôi không có tham vọng giải thích tất cả những ý nghĩa của nó, chỉ nêu một số cảm nhận “sắc sắc không không” từ bộ truyện Thiên Long Bát Bộ.
Sắc sắc: nghĩa là có có, không không là “không có, không có”. Nói một cách dân dã, ý nghĩa của từ này là “có có không không” để diễn tả sự ‘không’ và ‘có’, một quan niệm tương đối. Có mà không, không mà có, khó lường lắm thay.
Trong cuộc sống diễn ra hằng ngày, không ai là có tất cả cũng như không ai là không có gì cả. Cái sự có không chỉ là tương đối. Nhiều khi không có gì tức là có tất cả, và có tất cả lại là không có gì cả. Chỉ là quan niệm suy nghĩ của mỗi người trước cuộc sống mới biết mình có hay không?
Triết học gia cổ đại của Hi Lạp Socrate có câu nói nổi tiếng, là: "Tôi chỉ biết một điều, là tôi không biết gì cả". Và người thông minh nhất là người tự nhìn nhận mình không biết gì cả. Trong cả hai trường hợp đó, ông “có” rất nhiều. Đó cũng là một phần nào của ý nghĩa “sắc sắc không không” trong Phật học
Trở lại với bộ truyện Thiên Long Bát Bộ, thông điệp “sắc sắc không không" được tác giả chuyển tải hoàn chỉnh trong hai nhân vật đối lập chính - tà là Đoàn Dự và Mộ Dung Phục. Đây là hai nhân vật xuyên suốt của bộ truyện và là tham dự nhiều mâu thuẫn ân oán.
Bây giờ ta hãy xem họ có gì, và không có gì? Tại sao họ không có mà tác giả cho là có và ngược lại
Mộ Dung Phục là con trai độc nhất của Mộ Dung Bác, là dòng dõi quý tộc của quốc gia Đại Yên đã bị diệt vong từ những đời trước. Mộ Dung Bác một đời muốn khôi phục lại nước Yên và gia tộc của mình nên đã nghĩ ra những mưu mô xảo quyệt, giây chiến tranh thù địch giữa các thế lực Trung Nguyên và các quốc gia lân cận. Ông ta chết đi (sau này mới biết là chết giả) khi sự nghiệp khôi phục yên quốc còn dang dở, và tất cả đại nghiệp của gia tộc gánh vác lên chàng trai Mộ Dung Phục.
Như vậy, cái có của Mộ Dung Phục là một tiếng tăm, danh gia vọng tộc, là con nhà quý phái. Điều này không phải tự nhiên mà người ta có được. Tự hào lắm thay!
Mộ Dung Phục là một chàng trai anh tuấn, luận về võ công và danh tiếng sánh ngang với Kiều Phong, chính vì vậy mà giang hồ có câu “Nam Kiều Phong, Bắc Mộ Dung". Quả thật nhà Mộ Dung không phải là hư danh, bởi vì Mộ Dung Phục có môn võ là dùng võ người để đánh người, bởi vậy biết bao cao thủ đều bại dưới tay chàng.
Như vậy, Mộ Dung Phục có một thực tài, một tiếng tăm lừng lẫy, ít nhất người ngoài nhìn vào đều nghĩ anh ta có đủ tài lực để hoàn thành đại nghiệp.
Mộ Dung Phục có một tri kỷ Vương Ngữ Yên, người xinh đẹp bội phần, thông minh tuyệt đỉnh, và hết lòng vì chàng. Vương Ngữ Yên tuy không thích chuyện quốc gia đại sự, nhưng ép mình coi sách võ công để giúp ích cho Mộ Dung Phục. Và quả thật, những khi Mộ Dung Phục gặp khó khăn trong võ học thì được cô gái này chỉ điểm.
Mộ Dung Phục lại có những thuộc hạ toàn tài, và một lòng vì chàng. Đó là Bao Bấtt Đồng và Phong Ba Ác cũng nổi tiếng khắp thiên hạ
Đầu truyện, Kim Dung cũng ưu ái kể về lại lịch của Mộ Dung Phục một cách kỹ lưỡng và rõ ràng, ngay cách xuất hiện của chàng không phải tầm thường mà qua những lời kể của những nhân vật rồi mới đường đường xuất hiện khiến cho người đọc phần nào có cảm nhận tốt về nhân vật này.
Chính vì vậy Mộ Dung Phục cho rằng mình có tất cả, chàng nói “Không nam nam bắc bắc gì cả, trên đời này chỉ có Mộ Dung Phục ta”, chàng tuy chưa khôi phục Yến quốc nhưng lại đối xử với người khác như là bề trên đối xử với bề dưới, nhỏ nhen ích kỷ. Chàng không coi trọng tình yêu của Vương Ngữ Yên mà lấy cô giống như là con bài của mình.
Cuối cùng, Mộ Dung Phục vì cái danh háo đó mà làm hại mình, trở thành người điên điên khùng khùng, ngay cả người trước đây yêu thương mình cũng ra đi, bởi vì tham vọng quá mà hóa rồ.
Trong khi đó, Đoàn Dự giống như không có gì. Chàng tuy xuất thân là Vương gia nước Đại Lý, nhưng không chịu học võ công, nên bản lãnh tầm thương, tính tình hiền lành, và đi đâu cũng bị người khác chê bai ăn hiếp cho là ngờ nghệch (lời của Vương Ngữ Yên).
Chàng bị nhà sư Cưu Ma Trí ức hiếp đi lên phía Bắc lưu lạc giang hồ, đi đâu người ta cũng coi chàng là người chẳng đáng để kính trọng.
Nhưng tất cả trên hết, chàng có một tấm lòng đối tốt – hết lòng với mọi người, một tinh thần hiệp nghĩa, và một mối tình chung thủy với Vương Ngữ Yên, một tấm lòng xả thân vì bạn bè...
Kể từ lúc chàng gặp Mộ Dung Phục, chàng luôn kính phục Mộ Dung Phục, và tự trách bản thân mình kém tài nên không được Vương Ngữ Yên để ý tới.
Nhưng nhìn kỹ ra, chàng là người yêu thương Vương Ngữ Yên cao độ, và nhiều lần xả thân vì nàng, tình yêu của chàng cũng không toan tính. Vì yêu Vương Ngữ Yên mà chàng nhiều lần cứu cả Mộ Dung Phục, có thể gọi là tình địch của chàng.
Trong trận chiến Thiếu Lâm Tự, Đoàn Dự đã lột xác hết tất cả, cái không trong người chàng mất đi, trở thành cái có. Chính chàng ban đầu cũng nghĩ rằng mình không đủ bản lĩnh đối đầu với Mộ Dung Phục, và khi  lâm vào đường cùng chàng mới dùng sở trường để đánh. Một trận huyết chiến với Mộ Dung Phục đã thấy rõ tài năng cũng như bản chất hiệp nghĩa cao thượng của chàng. Trong khi đó, Mộ Dung Phục đã thể hiện rõ là một tên độc ác, tiểu nhân, không từ thủ đoạn để thực hiện đại nghiệp của mình...
Sự đời “sắc sắc không không” là chỗ đó. Mộ Dung Phục tuy bề ngoài có tất cả, nhưng bản chất bên trong lại không có gì, vậy mà anh lại lấy cái “không”, làm cái “có”, và tưởng rằng mình có tất cả. Từ đó có những hành động và suy nghĩ không được lòng người. Trịch thượng, cao ngạo, tiểu nhân không từ thủ đoạn và không có tình người.
Trong khi đó, Đoàn Dự bề ngoài có vẻ không có gì, nhưng chàng có tất cả, có một gia đình hạnh phúc, có tuyệt chiêu “Lục Mạch Thần Kiếm’, có cả một trái tim yêu thương, có một tấm lòng nghĩa hiệp, nhưng chàng lại không xem đó là của mình. Chàng lấy cái “không có gì” của mình để xử thế. Cuối cùng hóa ra chàng có rất nhiều.
Mộ Dung Phục lấy có mà hóa ra lại không. Còn Đoàn Dự lấy không có mà loại hóa ra có rất nhiều…
Trong xã hội có rất nhiều người cũng ảo tưởng như Mộ Dung Phục, và cũng có rất nhiều người ẩn mình như Đoàn Dự. Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ, nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.
Bởi vậy, không ai là có tất cả, cũng như không ai là không có gì. Cái có chỉ là ảo ảnh và hư danh, còn cái không trong đời mới là thực. Chính chúng ta sống, khiêm tốn lấy cái không có gì làm trọng, mới chính là có rất nhiều vậy.

(ĐNSuwtaam.)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Gửi bác Đồ Nghệ

Gặp bác Đồ Nghệ trên Thi Viện
Nhìn người mắt cũng hấp háy theo
Có phúc nên gặp Phượng Hoàng Lửa
Không thì mỹ nữ cho... "phăng teo"!
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

”Món quà cũ kỹ”


Của Phạm Đức

Bố chẳng có gì
Chỉ có vòng tay giang rộng
Đón các con vào lòng

Tất cả những thứ người ta hay tặng
Con trai, con gái
Bố đã từng mơ
Để có thể bất ngờ đặt vào bốn bàn tay
Các con thơ dại!
Nhưng bất ngờ không lại
Bất ngờ chẳng đến bao giờ

Vòng tay bố rộng mở
Đón các con ùa về
Nơi chẳng có thứ gì
Ngoài đôi bàn tay mở
Đầy nhớ thương cũ kỹ
Món quà không bất ngờ.


Lời Bình
Nhà tho Phạm Đức viết bài thơ này đã 16 năm, đó là dấu ấn thuở hàn vi của một gia đình vẫn còn ám ảnh thời bao cấp. Người cha chẳng có gì ngoài đôi tay khỏe dang rộng đón các con. Ông quá rõ những món quà mà những gia đình khá giả tặng con. Đã đi qua gian khó lại là người thâm trầm từng trải, Phạm Đức hiểu hết giá trị những món quà để cho con trai, con gái. Nên ông mơ, người bố có quyền mơ:

Bố đã từng mơ
Để có thể bất ngờ đặt vào bốn bàn tay các con thơ dại


Những món quà trong trí tưởng tượng của người cha nghèo có thể là búp bê cho con gái,máy bay cho con trai, có thể là những chiếc bánh ga tô, bánh socola tuyệt hảo…Ông nhìn thấy mắt các con ông sáng rực rỡ, sung sướng. Nhưng thực tế phũ phàng, người cha nghèo biết:

Nhưng bất ngờ không lại
Bất ngờ không đến bao giờ


Bất kỳ người cha làm cha, làm mẹ nào nuôi con từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành đều khát khao trao cho con những món quà quý giá nhất mà mình có. Nhưng cái nghèo đã khiến người không mua được những thứ khác, ngoài món quà cũ kỹ là vòng tay người cha ôm con. Giá trị nhất, và ấm áp nhất, dẫu món quà cũ kỹ này từ hành ngàn thế kỷ nay người cha luôn ôm con vào lòng bằng đôi tay thô ráp. Chon hai từ “cũ kỹ”, lấy tình cha con làm trọng, tác giả thể hiện sâu nỗi day dứt của người cha nghèo mơ về món quà rực rỡ cho bồn bàn tay các  con thơ dại.

nhưng ông biết rất rõ suốt tuổi thơ các con ông chỉ đôi bàn tay làm quà tặng khi chúng đi học về:

Vòng tay bố rộng mở
Đón các con ùa về
Nơi chẳng có thứ gì


Có gì sót xa lắm, muốn mua cho con nhiều thứ mà người cha thì không có tiền.

Quà của các con ông, đó là ôm các con vào lòng bằng đôi tay rộng mở.

Hai câu kết đẩy tứ thơ lên tột đỉnh của sự cũ kỹ. Ai trong nhân gian không có kiểu nhớ thương cũ kỹ này? Rất Phạm Đức, rất cổ điển! Nhớ thương của người cha với con luôn cũ kỹ. Muôn thửa cũ.

Và nhà thơ biết nhớ thương này là món quà không bất ngờ của tấm lòng cha mẹ. Nhưng sức nặng của món quà được giải mã:

Đầy nhớ thương cũ kỹ
Món quà không bất ngờ


Câu thơ đã đẩy bài thơ đến với bạn đọc một sức nặng tiềm ẩn: Sự yêu thương con của cha mẹ là món quà không gì có thể so sánh. Có ai không cần một món quà cũ kỹ như thế?.


CÁT QUẾ
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

GỬI NGƯỜI XỨ NGHỆ

Theo em anh về xứ Nghệ
Đi dọc dòng sông Lam
Gương nước soi lòng trong vắt
Xa xăm vọng về câu hát
Ví dặm giận thương…

Anh nghe em không ngược Lường (*)
Lại trót phải lòng giọng nói
Dùng dằng câu hò ngang chiều vời vợi
Để hoa nở, đò đầy sang sông. (**)

Thương khúc cầu Dùng Thanh Chương
Nắng qua Đô Lương anh về lèn Bút
Ủ thơm gió Lào cả mùa dưa nhút
Còn nao lòng người đi xa.

Anh về làng Sen bằng điệu dân ca
Nếp nhà xưa thời ấu thơ Người ở
Ngọt tương Nam Đàn nếm một lần đã nhớ
Nghe thân quen mô, tê, răng, rứa dịu dàng.

Ngược truông Vên anh lên Nghĩa Đàn
Rú Ấm, hang Bua gió ngàn thăm thẳm
Đêm gối sương nghiêng trời Nậm Cắn
Mơ bến sông trăng ngân khúc đò đưa…

Tìm dấu sao la trên Pù Mát hoang sơ
Nghe đá kể Trường Sơn heo hút gió
Bom dội một thời còn ai nhắc nhớ
Những ga Vinh, Bến Thủy, Truông Bồn…

Xốn xang cùng em trước biển sóng cồn
Cửa Hội, Cửa Lò, Hòn Ngư, Hòn Mắt
Chiều trải nắng cát trườn mình trắng ngát
Xứ Nghệ trong anh trăng mật với thời gian…
8-8-2010
(*), (**): Phỏng lời dân ca Nghệ An

Tác giả: Nguyễn Đình Xuân
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

”Bố đi lấy vợ” của Mai Hồng Niên

Bố đi lấy vợ thật rồi
Mẹ thành bóng lẻ lại ngồi đợi con
Chiều mưa đếm những giọt buồn
Bong bóng tan – bóng bóng còn – cơn mưa?
Lấy thêm gì để mộng mơ
Con đường xưa, bố bây giờ rẽ ngang
Trăng khuyết đâu phải trăng tàn
cứ đúng tuần – Ánh trăng vàng soi chung
Giờ bố mẹ thành người dưng
Con làm dấu nối đi cùng thời gian
Ngày khôn lớn bị lạc đàn
Để giờ mẹ Bắc, bố Nam mệnh trời
Phận làm con biết thế thôi
Cầu cho bố sống trọn người bố yêu
Một mai ngọn gió trở chiều
Và giông bão chẳng nghiêng theo ý người
Đã đến thế, đành vậy thôi
Bố đi lấy vợ
Mẹ ngồi chờ con…


Lời bình:
Rất nhiều cặp vợ chồng khi chia tay không ồn ào, họ biết dấu bớt đi sự đổ vỡ càng hay. Nhưng Mai Hồng Niên không im lặng mà còn làm thơ tuyên bố : Bố đi lấy vợ.
Và thơ ông tự sự:
Bố đi lấy vợ thật rồi
Mẹ thành bóng lẻ lại ngồi đợi con.


Đứa con chung của hai ta là sự níu giữ cho cánh buồm của mẹ. Đứa con chung của cha mẹ sau khi ra toà không chỉ đau buồn mà còn cả nghĩ. Sau sự chia tay, con ngồi nhìn mưa và đếm giọt buồn:
Chiều mưa đếm những giọt buồn
Bong bóng tan – bong bóng còn cơn mưa

Và thấm nỗi con đường ngày xưa có thể bố đi thẳng cùng mẹ và con, nhưng giờ thì bố rẽ khác :
Con đường xưa bố bây giờ rẽ ngang
Người con này hết nhìn mưa lại nhìn trăng : ”Trăng khuyết đâu phải trăng tàn” . Mai Hồng Niên lý sự thay tâm trạng đứa con khi tình yêu không còn, người bố đành rẽ ngang. Nhưng nỗi buồn vốn đa sự :
Giờ bố mẹ thành người dưng
Con làm dấu nối đi cùng thời gian

Đứa con làm gạch ngang hay gạch nối hiếu thuận cha và mẹ khi đã chia tay.

Dù khi xảy ra sự chia tay này, đứa con đã khôn lớn, nhưng vẫn giống như con nghé lạc bầy, ngơ ngác :
Ngày khôn lớn bị lạc đàn
Để giờ mẹ Bắc, bố Nam mệnh trời


Nghiêng về cách lý giải số phận, do ý trời sắp đặt mà bố mẹ phải chia tay, nỗi đau của đứa con chung không thể không như dao cắt. Có đứa con nhỏ chưa đến tuổi hiểu biết có thể sẽ hận cha, hoặc mẹ. Nhưng cũng có trẻ hiểu biết, cao hơn hiểu biết – cao thượng, nhân ái :
Cầu cho bố sống trọn người bố yêu.
Cách nghĩ của đứa con này rất đáng nể và hiếm gặp. Thương cha, và nghĩ đến ngày cần phải thay cha dưỡng mẹ, để cho người cha yên lòng, tìm ra tình yêu, người mà ông yêu chứ không phải mẹ mình…

Tứ bài thơ này nghiêng về tâm trạng không chỉ người con mà người bố cũng day dứt lắm. Cho dù có bước sang cuộc sống khác, người bố vẫn nặng nghĩa với tình xưa :
Một mai mưa gió trở chiều
Và giông bão chẳng nghiêng theo ý người

Người bố đã đi về phía khác, cho dù có giành giật đứa con thì người bố cũng thấu hiểu nỗi bơ vơ trống trải của người vợ cũ ở quê nhà. Bài thơ không rõ có phải là cảnh ngộ thật của tác giả hay không, nhưng ông hoá thân khá nhuần nhuyễn.

Câu kết thú thật chân thành, bố đi lấy vợ rồi, mẹ con ở quê bấu víu vào con thôi, con ạ. Con là điểm tựa của mẹ. Mẹ con cao thượng, chia tay cho bố ra đi, và mẹ ngồi đợi, hy vọng vào cuộc sống :
Bố đi lấy vợ
Mẹ ngồi đợi con

Vẫn còn đứa con để người mẹ ngồi đợi.
Không đả động đến nước mắt của hôn nhân, mà nhìn vào trực diện cuộc sống, bài thơ của Mai Hồng Niên đã tìm được cấu tứ chặt chẽ diễn đạt, chuyển tải nội tâm day dứt đến với người yêu thơ. [/color]

CÁT QUÊ
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

thayhuynh50

@ To anh Đồ Nghệ,
Cảm ơn anh mấy lần đã ghé đọc “thơ tôi”. Thực lòng tôi rất muốn đến vườn anh chơi, nhưng anh có nhiều vườn và vườn nào cũng rộng quá, đi không xuể, lạc lung tung.  Tôi cũng có quen anh Nguyễn Huy Hoàng, là học sinh chuyên văn cũ và nỗi đau mà anh ấy đang phải gánh chịu. Có dịp khác vào lại sẽ gửi cho anh ấy vài bài thơ để chia sẻ nỗi lòng.
Nhân đây xin gửi anh mấy câu thơ lục bát hạng thứ phẩm cho vui thôi anh nhé :

Thơ anh Đồ Nghệ khó ghê,
Trăm bài anh viết trăm bề ngổn ngang,
Vườn to cày cuốc dở dang,
Trồng hoa chưa thắm đã sang trồng chè,
Ảnh đẹp anh cũng đam mê,
Thi nhân khảo cứu cũng nghe bồi hồi,
A-va-tar rất buồn cười,
Đôi mắt nhấp nháy dạng người thâm nho,
Dòng thơ anh vẫn đang dò,
Biển thơ anh lặn để mò đáy sâu,
Sông thơ anh nối nhịp cầu,
Vườn thơ không thể một chầu ghé thăm,
Mai này trăng sáng đêm rằm,
Trung thu mở hội nhớ thăm vườn mình,
Chúc cho nồng thắm duyên tình,
Đông hương chung hội “thơ mình thơ tôi”.

Trần Hải Huỳnh
Sự thật phũ phàng
Là thang thuốc bổ !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối