Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

“Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông


(phần 2)
Thực hiện đức Nhân ngoài hết lòng hết dạ (Trung) còn phải ngay thẳng và thật thà (Chính trực). Điều này không chỉ thể hiện ở lời nói mà cả trong việc làm, từ ngôn đến hành đều phải ăn khớp với nhau và hợp với “thiên lý”.
Lê Thánh Tông cho rằng dù đã học hết Tứ thư Ngũ kinh, thấu hiểu đạo lý rồi nhưng lòng chưa thành tâm thật ý, trước sau như một thì vẫn không thể hành đạo được: “Nghiền ngẫm chín kinh đã hiểu thấu đạo lý/ Sở dĩ thực hành được là ở lòng chí thành” (Giang hành ngẫu thành - kỳ nhị). Bên cạnh đó, người quân tử khi hành sự không được ngạo mạn, khinh nhờn mà phải cung kính, khiêm nhường. Như thế mới có được lòng tin của mọi người và giữ chữ tín để khiến người. “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ” là những đức tính bổ trợ, có tác dụng làm cho mọi việc được trôi chảy, thông suốt. Đây là những phẩm chất cụ thể gắn liền với mỗi hành vi đạo đức của con người. Lê Thánh Tông viết: “Tiếp đãi kẻ dưới cung kính thì con đường đi sáng sủa hanh thông” (Văn minh cổ xuý thi tập bài thứ 5 [VMCX-5]). Ông tuy làm vua nhưng vẫn giữ được sự gần gũi với dân, thương dân; âu cũng thể hiện nếp khiêm nhường của đấng chí tôn và cũng là lòng nhân vậy.
Ngoài ra, Lê Thánh Tông cũng ca ngợi những phẩm chất khác của con người mà Nho giáo ít khi đề cập tới như lòng trong sáng, thanh bạch, khí tiết thanh cao, rắn rỏi, coi thường danh lợi, v.v...

"Trội cành nam chiếm một chồi
Tin xuân mãi mãi điểm cây mai
Tinh thần sáng thuở trăng tĩnh
Cốt cách đông khi gió thôi
Tiết cứng trượng phu thông ấy bạn
Nết trong quân tử trúc là đôi
Nhà truyền thanh bạch dăng từng khối
Phỉ xứng danh thơm đệ nhất khôi".

(Mai thụ)

Mượn hình ảnh “mai - trúc - thông”, ông ca ngợi cốt cách tinh thần luôn giữ được phong thái ung dung, đĩnh đạc của người quân tử; đồng thời sự cám dỗ của vinh hoa phú quý không làm lung lạc được chí khí. Ông cũng thích thú với sự nết na như loài cúc, dìu dịu như loài sen. Đây là những đức tính nảy sinh do sự tác động qua lại của tư tưởng Phật, Lão và tư tưởng dân gian Việt Nam khiến cho “người quân tử” trong quan niệm của Lê Thánh Tông thoát ly ít nhiều với khuôn mẫu cứng nhắc của Nho giáo Trung Hoa. “Người quân tử” không những là danh chung của những người có học; ở đây, Lê Thánh Tông đã tiếp cận với tư tưởng dân gian, coi “quân tử” còn là người trong sạch, dù trong hoàn cảnh nào cũng không sa ngã. Trong bài Lại vịnh sen, ông viết: "Quân tử danh hay giống khác thường"; vừa đồng ý với Nho giáo: "Liên hoa chi quân tử giả dã" (Chu Đôn Di đời Tống) vừa kết hợp được cả tư tưởng của nhân dân: "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Thực tế đã cho thấy “người quân tử” trong xã hội phong kiến Việt Nam, dù sinh ra từ nhân dân lao động hay không, đều có nét gần gũi với quần chúng nhân dân và được nhân dân yêu mến.

2.2. Nếu đạo người đã được xem xét với tính cách là hệ thống phẩm chất của con người trong xã hội thì mặc nhiên cũng được tính đến như là sự bộc lộ, hiện hữu thực tế các phẩm chất đó trong phạm vi hoạt động nhất định của mỗi cá nhân. Nói khác đi, những phẩm chất của con người là nội dung, chỉ có thể biểu hiện thông qua hình thức là các quan hệ xã hội đan xen giữa người này với người khác. Từ đó, quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông khái quát thành hệ thống chuẩn mực quan hệ xã hội dựa trên Tam cương, Ngũ luân đã được đúc kết từ trước và hiện thực xã hội đang diễn ra.
Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ cơ bản hàng đầu là quan hệ vua - tôi (quân thần). Hình ảnh của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến biểu hiện tập trung ở vua (quân vương), hình ảnh của giai cấp bị trị biểu hiện ở phận bề tôi (thần dân). Đạo làm vua và đạo làm tôi được Lê Thánh Tông nhắc đến trong nhiều bài thơ với tần số xuất hiện cao. Ông dành riêng hai bài Ngự chế Quân đạo thi và  Ngự chế Thần tiết thi  trong QUCC, để bàn trực tiếp đến mối quan hệ tối cao này. Ở đấy, Lê Thánh Tông khắc sâu vai trò, trách nhiệm của vua là “thay trời chăm dân”. Trong việc trị nước, bảo vệ lãnh thổ, vua phải lao tâm suy nghĩ tìm ra kế sách phù hợp, phải biết dựa vào người tài giỏi và sáng suốt điều hoà mọi việc theo quy luật, phải có chính sách đoàn kết dân tộc. Muốn vậy, đối với bậc quân vương, yêu cầu của ông đặt ra là “giữ lòng thanh tịnh, hạn chế dục vọng và tuyệt đối bỏ hẳn du chơi săn bắn”. Đó mới là đạo lớn của bậc đế vương!

"Đế vương đại đạo cực tinh nghiên
Hạ dục nguyên nguyên thượng kính thiên
Chế trị bảo bang tư kế thuật
Thanh tâm quả dục tuyệt du điền
Bàng cầu tuấn ngải phu văn đức
Khắc cật binh nhung trọng tướng quyền.
Ngọc chúc điều hoà hàn noãn tự
Hoa di cộng lạc thái bình niên".

(Ngự chế Quân đạo thi)

Chỉ trong một bài thơ thất ngôn bát cú gọn ghẽ, Lê Thánh Tông đã tóm lược một cách tương đối đầy đủ những việc trọng đại cần làm của một ông vua, những chính sách đối nội và đối ngoại vì mục tiêu lo cho dân, cho nước thái bình, no ấm. Đạo làm vua như vậy quả là thực tế, không chỉ là chuẩn mực áp đặt đạo quân thần trong Tam cương Nho giáo. Hơn thế, với tư cách là vua một nước, ông còn làm riêng một bài thơ răn mình:

"Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc trời, dám trễ đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu
Nhân khi cơ biến xem người biết
Chứa thuở kinh quyền xét lẽ màu
Mượn biểu áo vàng chăng có việc
Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu".

(Tự thuật)

Nổi bật trong lời thơ chân thành trên là hình ảnh cúc cung tận tụy của một vị vua “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc, Phạm Trọng Yêm  đời Tống). Làm vua phải dốc lòng dốc sức nghiên cứu sách vở, sử dụng hiểu biết của mình để phê duyệt tấu chương, xem xét việc triều chính, say sưa đến nỗi quên hết thời gian. Trong công việc của một vị vua, Lê Thánh Tông luôn đề cao khả năng xét đoán linh hoạt, khi thì theo nguyên tắc thường hành, cố định, khi lại thay đổi quyền biến tuỳ từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể. Những nhà tư tưởng sáng suốt luôn coi trọng yếu tố biện chứng trong tư duy và trong hành động, dĩ bất biến ứng vạn biến.
Bên cạnh đó, bậc minh quân không thể không có đức Nhân. Đức Nhân ấy vừa có cái chung là lòng nhân của con người, vừa có cái riêng do địa vị xã hội quy định. Đức Nhân của bậc đế vương không loại trừ việc diệt trừ lũ bạo tàn giữ yên đất nước, đó không phải là vì hiếu chiến, ham mê việc binh không chán. ("Trừ tàn khử bạo đế vương nhân/ Cảm tác cùng binh độc vũ quân", Khải hành thi - kỳ nhất, CTKH-1). “Lời biện bạch” này có thể còn có những bình giá khác nhau (về sự hiếu chiến và hiếu sát của Lê Thánh Tông[15]) nhưng xét trong bối cảnh lịch sử xã hội phong kiến, thì tư tưởng “bành trướng” là không tránh khỏi. Nhìn ở khía cạnh khác, giá trị tư tưởng của nó là ở chỗ giữ yên đất nước, bảo vệ cương thổ, mở mang bờ cõi. Vì vậy, trong Chiếu đánh Bồn Man  ban ngày 7/6/1479 niên hiệu Hồng Đức thứ 10, Lê Thánh Tông viết: “Trời đất khoan thứ như dương sinh, thảm khắc tựa âm tàn, nguyên khí bao la mọi chốn. Đế vương nuôi dưỡng bằng lòng nhân, đánh dẹp dùng điều nghĩa, đức uy trùm khắp tám phương. Kinh Dịch nói: “Cung tên để ra uy trong thiên hạ”. Kinh Thư ghi: “Kẻ vô đạo thì thúc đẩy cho diệt vong, người có đạo thì giữ gìn cho còn mãi, như thế thì nước mới phồn vinh”. Kinh Thi viết: “Chăm việc võ bị, để yên nước vua”. Chu Lễ nói: “Kẻ nào giết người hiền, hại sinh dân thì phải đánh, kẻ nào cậy hiểm trở, không phục tùng thì phải chiếm”. Câu nói trị đời của thánh hiền xưa nay vẫn là một”[16]. Hoặc trong Chiếu đánh Ai Lao (22/7/1479): “Bậc đế vương đời xưa chế ngự di địch, phục tùng thì cưu mang bằng đức, phản lại thì sấm sét ra oai. Cốt để diệt bạo trừ hung, cho dứt mối lo cõi bờ bị xâm lấn; đổi lòng theo hoá, cho trọn lòng nhân của trời đất chở che”[16].
Học theo Kinh Dịch, hào Lục ngũ, quẻ Khiêm, Lê Thánh Tông không những coi trọng cái uy dũng của bậc thánh vương mà còn biết giữ sao cho cái uy dũng đó không đi quá đà, bằng cách chú trọng thêm đức khiêm nhường; giống như sự tác động hài hoà giữa cương và nhu, giữa dương và âm: “Nhún nhường mà vẫn phải đánh kẻ láng giềng không quy phục/ ấy là việc đánh dẹp của các bậc tiên hiền ngày xưa” (CTKH-13). Triết lý này thể hiện đặc điểm chung của tư tưởng phương Đông luôn “yêu mến” sự cân bằng (dĩ hoà vi quý), giữ được trạng thái ấy mới là vẹn toàn bởi nếu nghiêng quá về bên nào cũng đều gây ra sự lệch lạc bất ổn, không tốt (thái quá bất cập).
Trở lên là quan niệm về đạo làm vua trong “Đạo người” của Lê Thánh Tông, trong đó đức Nhân được tham chiếu bởi các đức tính khác như trí dũng, khiêm hoà, chuyên cần, uy đức... Vừa có trí vừa có dũng, vừa có uy vừa có đức thì mới thu phục được nhân tâm, thực hiện được việc trị nước; khiêm hoà thì giữ được uy dũng, chuyên cần thì nâng được trí - đó đều là những đức tính cần thiết để trở thành một minh quân.
Về đạo làm tôi, Lê Thánh Tông cũng cho rằng chữ Trung phải được đặt lên hàng đầu, là tấm lòng son sắt trước sau không đổi, tựa như mặt trời sáng chói. Trung là trung quân? Trung là trung với dân, với nước? Lê Thánh Tông thậm chí không đề cập đến quan niệm “trung quân” mà chỉ nhấn mạnh kẻ bề tôi (những người giúp vua lo việc nước) phải một lòng giúp nước an dân, vỗ yên trong ngoài, cũng phải lo trước vui sau như người làm vua vậy. Những tấm gương được viện dẫn trong lịch sử Trung Hoa như Y Doãn, Phó Duyệt (thời Thành Thang nhà Thương), Trương Lương, Hàn Tín (thời Hán Cao Tổ) đều lấy trung như thế làm đầu, mọi cố gắng rèn luyện khác đều vì mục đích ấy.

"Một long son rờ rỡ sáng chói như mặt trời
Chính trị là ở chỗ an dân, điều nghĩa ấy thật là sâu sắc
Y Doãn, Phó Duyệt trung thành, chăm chỉ, phô đức chuyên nhất
Trương Lương, Hàn Tín tiếng tăm danh giá nặng tợ nghìn vàng
Trong ngoài vỗ yên, ấy sức kéo trời
Vui sau lo trước, là lòng giúp nước
Chí thành danh toại, con cháu đông vui
Khác nào cây tùng, cây bách trên vách đá sum suê xanh tốt".


(Ngự chế Thần tiết thi)


Còn tiếp
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

“Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông


(Tiếp theo phần 2)

Một bậc minh quân luôn mong tìm được bề tôi tài giỏi, dốc lòng dốc sức chèo chống vận hội nước nhà, mỗi người mỗi việc tuỳ theo khả năng của mình, có thể “vào thời làm rường làm cột, khoẻ chống miếu đường; ra thời nên ải nên thành, bền che phiên trấn” (Giới quan liêu, TGCHQNV). Đồng thời, Lê Thánh Tông cũng cảnh báo nguy cơ thoái hóa biến chất, sa ngã của tầng lớp quan lại trước sự cám dỗ của vinh hoa phú quý:

"Phú quý nhìn xem yêu hết tấc
Máy nghèo sao khéo hãm người ta"

(Bài kệ Giới quan liêu, TGCHQNV).

Như vậy, đạo làm tôi ở đây thực chất là đạo làm quan, đạo của những người đứng ra chăm lo cho dân, “dân chúng bị đói rét thì phải trăm phương nghĩ cách xoay xở [ ... ] để cho dân có của thừa và không còn nạn đói rét lưu vong nữa”[17]. Muốn vậy, việc khen thưởng - xử phạt phải phân minh: “Nếu có việc gì hại giáo hóa, xấu phong tục, phải để ý răn trị. Người nào có trung, tín, hiếu, đễ phải chú ý khen thưởng. Như vậy thì dân đều trở nên trung hậu mà thói điêu bạc gian dối đều được trừ bỏ. Người nào biết tuân theo và thi hành có hiệu quả thì hai ty khai tâu lên để khen thưởng. Nếu có viên quan nào coi thường chức sự thì bãi chức sung quân” (sắc dụ 26/11/1485 niên hiệu Hồng Đức thứ 16)[17]. Với người dân, ông khuyên phải trung hậu, chăm nghiệp nông tang, không điêu bạc gian dối, giữ gìn phong hoá - đấy cũng là đạo của thần dân.
Gia đình bao giờ cũng là cái nôi nuôi dưỡng con người lớn lên, quy định sự hình thành các phẩm chất cơ bản của mỗi cá nhân từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành. Sự tác động của gia đình, vì thế rất quan trọng. Lê Thánh Tông quan tâm đến đạo người biểu hiện trong gia đình, mà ở đó nền tảng cốt lõi là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Sắc dụ 14/10/1485 niên hiệu Hồng Đức thứ 16: “Người làm cha không được quá yêu dấu thiên lệch để xảy ra tan cửa nát nhà, kẻ làm con không được bất nghĩa mà gây thói xấu tổn thương phong hoá”[17]. Tội bất hiếu cũng được quy định là một trong “thập ác”, bị xử rất nghiêm khắc (Điều 2, chương Danh lệ[18]). Lê Thánh Tông rất ngưỡng mộ tổ phụ (Thái Tổ, Thái Tông), làm nhiều thơ ca ngợi, cho thấy truyền thống hướng về tổ tiên của tín ngưỡng người Việt có những sắc thái riêng, ảnh hưởng sâu đậm cả trong dân gian lẫn triều đình phong kiến. Vua cũng nhiều lần về bái yết sơn lăng, thường vào mùa xuân tháng 2 hằng năm, để tỏ lòng thành kính, hiếu thuận[19].

"Cao Đế anh hùng dễ mấy ai
Văn Hoàng trí dũng kế ngôi trời"

(QUCC-4)
"Hiển hách võ công lừng nghiệp đế
Mênh mông văn đức hợp dân ta"

(Tưởng nhớ công nghiệp của hai vị thánh)

Đặc biệt đối với thân mẫu Quang Phục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Thánh Tông luôn hướng đến với tấm lòng thành kính yêu thương. Nhất là trong những chuyến đi xa, chinh chiến dẹp loạn ngoài biên ải, nỗi nhớ thương không lúc nào nguôi của ông một mực dành cho người mẹ. Tất thảy được ghi lại trong CTKH (các bài 3, 6, 8, 12, 28) với tình cảm chân thành, sâu sắc: “Cung sâu Trường Lạc giấc mộng nơi xa trở về”, “Mỏi mòn con mắt nhớ mẹ hiền nơi xa xôi vạn dặm/ Lúc ngồi nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm trong đêm”, “Nhớ lời mẹ dặn, giữ mình cẩn thận, đề phòng bệnh tật”, “Gió đưa giấc mộng bay về kinh đô/ Trông về quê mẹ đường xa vời vợi/ Muôn dặm non sông đè nặng tâm can/ Canh tư trống nổi lan xa trời thẳm”, “Biết lấy gì an ủi được tấm lòng nhớ thương người mẹ nơi xa”.
Quan niệm của Lê Thánh Tông về mối quan hệ cha mẹ - con cái không hề cứng nhắc. Những quan niệm “phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”, hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chắc chắn vẫn còn tác động mạnh trong xã hội phong kiến, song trong tư tưởng Lê Thánh Tông, nó hầu như nhạt đi; thay vào đó là cả thế giới nội tâm bao la trong mỗi con người, chứa đựng nhiều nhân tố tích cực. Đạo làm cha mẹ tất nhiên thương con, chăm con nhưng phải thương, chăm cho đúng cách. Đạo làm con tất nhiên phải lấy chữ Hiếu làm đầu, trong đó điều cốt yếu là phải có “tấm lòng thành đầy đặn”. Chỉ có lòng thành thì hiền thảo mới thấu lên tận trời xanh ("Hiền thảo dòng nhà thấu bích thiên", Chử Đồng Tử). Ví với sừng sững núi non, cuồn cuộn sông nước, Lê Thánh Tông khẳng định như một chân lý trường tồn:

"Vua nhân con hiếu là bổn phận phải lo toan
Dù kiếp người ngắn ngủi như hơi thở cũng chẳng làm hao mòn được chí khí anh liệt
Muôn ngọn núi vẫn sừng sững, dòng sông vẫn trôi xuôi mãi".

(Giang hành ngẫu thành - kỳ thập)

Trong quan hệ gia đình, bên cạnh đạo làm cha mẹ và đạo làm con, đạo vợ chồng cũng là một nhân tố quan trọng tạo nên chỉnh thể gia đình toàn vẹn. Lê Thánh Tông đề cao sự chung thuỷ, trinh tiết, vợ chồng đối xử ân cần hoà thuận. Một điều, có lẽ là hạt nhân tiến bộ của nhân sinh quan Lê Thánh Tông được duy trì nhất quán, là sự thông cảm sâu sắc đối với thân phận người phụ nữ, người vợ. Ông viết về nỗi oan khuất của họ cũng như việc họ phải xa chồng vì binh loạn: Thương người con gái Nam Xương "cách trở bấy lâu hằng giữ phận" mà chỉ "một phút hiềm nghi" phải chịu thác oan (Hoàng giang điếu Vũ nương); thương "khách vọng phu đau lòng vì tin nhạn tắt" (Thu tứ). Hơn nữa, ông còn tỏ ý khâm phục những người phụ nữ anh hùng "trợ dân dẹp loạn" trả thù nhà đền nợ nước (Trưng Vương), Triệu ẩu, Chế Thắng phu nhân, hay người phụ nữ "Thờ chúa thờ chồng hết tấc thương/ Một mình lọn đạo việc cương thường" (Vịnh Mỵ Ê).
Không dừng lại ở những lời thơ, dẫu sao mới chỉ là sự chia sẻ mối đồng cảm với những thân phận truân chuyên, Lê Thánh Tông còn phê chuẩn trong thực tiễn những chỉ dụ nhằm ca ngợi những người phụ nữ trinh tiết “Ban biển ngạch cho người phụ nữ trinh tiết là Nguyễn Thị Bồ ở xã Đại Hữu Lệ, huyện Thanh Trì để nêu khen với xóm làng, cho một người con hay cháu được miễn phu dịch để nuôi sống” (tháng 2/1463 niên hiệu Quang Thuận thứ 4)[[20]. Ông cũng thẳng tay trừng trị người chồng tệ bạc. Chẳng hạn chuẩn y theo lời hặc tội Trấn điện tướng quân Bùi Huấn của Hàn lâm viện trực học sĩ quyền Công khoa cấp sự trung Lương Thế Vinh: “Luân thường lớn của con người có 5 điều thì đạo bè bạn vợ chồng đều chiếm 1 điều trong đó. Nay Huấn đương lúc còn tang vợ mà đi lấy con gái của người về hàng bạn hữu, hơn nữa trước đã lấy con gái của người ấy làm vợ cả rồi. Tệ bạc trong ân ái vợ chồng, khinh miệt đạo cương thường đến thế. Việc này quan hệ đến phong hoá, làm rối loạn nhân luân, xin giao cho pháp ty trị tội”[20].
Những phác thảo trên phần nào thấy được quan niệm của Lê Thánh Tông về chuẩn mực quan hệ xã hội thông qua ba mối quan hệ cơ bản: vua - tôi, cha mẹ - con cái, chồng - vợ. Trong các quan hệ này, phẩm chất con người một lần nữa được trình bày một cách khá thực tế; qua đó cũng cho thấy cách nhìn nhận tích cực của Lê Thánh Tông về sự phong phú, phức tạp của các mối quan hệ xã hội, dù vẫn phải mượn lốt Tam cương ít nhiều cứng nhắc.

(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------------Chú thích:

[15] Xem Trần Quốc Vượng, Về Lê Thánh Tông (1442-1497) - (Mấy điều giải ảo hiện thực lịch sử Việt Nam thế kỷ XV). Trong Hoàng đế Lê Thánh Tông - nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.83-108.
[16] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.474, 476.
[17] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.497, 496.
[18] Xem Vũ Huy Phúc (khảo cứu), sđd, tr.37.
[19] Xem Lê Văn Đình, Tình yêu của Lê Thánh Tông với đạo Thanh Hoa thuở ấy. Trong Hoàng đế Lê Thánh Tông - nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.67-82.
[20] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.393, 418.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

“Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông


(phần 3)
 
2.3. “Đạo người” của Lê Thánh Tông không chỉ là những phẩm chất làm người theo khía cạnh đạo đức luân lý mà còn bao quát hơn, là toàn bộ đời sống nội tâm phong phú của con người, của người dân Đại Việt.
Ở đó, sáng ngời và hiện diện trong mọi lĩnh vực tình cảm, là lòng thương yêu - hạt nhân của đời sống tâm lý - của mỗi cá nhân. Lòng thương yêu biểu hiện rất đa dạng với nhiều trạng thái, nhiều cấp độ đan xen phức tạp; tựu trung có thể phân chia thành ba nội dung theo mối quan hệ giữa chủ thể tâm lý và đối tượng như sau:

a. Tình yêu thương con người trong xã hội là nét cơ bản nhất của đời sống nội tâm.
b. Tình yêu thiên nhiên vạn vật là đặc điểm thể hiện sự hoà hợp với tự nhiên của con người.
c. Tình yêu quê hương đất nước là mức độ cao nhất của tình cảm cá nhân.

Không đưa ra một định nghĩa cụ thể về “đời sống nội tâm” song Lê Thánh Tông, qua nội dung thơ văn giàu cảm xúc của mình, đã phần nào phản ánh đậm nét những mặt, những chiều hướng và tầng sâu tâm lý tình cảm của con người. “Đạo người” phải chăng bao hàm cả tình người, tình cảm con người với thiên nhiên, vạn vật?”[21].
Lê Thánh Tông là một ông vua đặc biệt yêu mến người hiền tài. Ông từng làm thơ vịnh các nhân vật xuất chúng trong lịch sử Việt Nam và Trung Hoa: Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Trưng Vương, Triệu Ẩu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...; Dĩnh Khảo Thúc, Án Anh, Khuất Nguyên, Lão Tử, Giới Tử Thôi, Mạnh Tử, Trang Tử... Lấy tấm gương sáng của người xưa để răn đời nay là việc thường tình trong tâm thức con người. Lê Thánh Tông rất trọng người tài giỏi đương thời. Ông từng khóc than, làm thơ viếng hai trạng nguyên Nguyễn Trực và Lương Thế Vinh.

"Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa".
(Điếu Cao Hương Lương trạng nguyên)
"Từ đường ở đấy niềm tây lạnh
Dấu cũ càng thơm xạ có hương".
(Điếu Nghĩa Bang trạng nguyên)

Đối với nỗi oan khuất của dân chúng, Lê Thánh Tông cũng không dửng dưng. Khi tuần du qua miếu “vợ chàng Trương”, ông từng xúc động trước câu chuyện về nàng Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, vì chồng nghi ngờ lòng chung thuỷ, trinh tiết mà gieo mình xuống sông tự vẫn; và làm hai bài thơ viếng với những câu thơ đau đáu lòng người:

"Hay lòng phó mặc vầng cao thẳm
Lẻ bóng tìm nơi chốn vẳng thanh
Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy
Thương nàng hoà lại trách Trương Sinh".
(Hoàng Giang điếu Vũ nương)
"Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy tới nàng
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng".
(Lại bài viếng Vũ thị)

Tuy là một ông vua ở ngôi cao vòi vọi, Lê Thánh Tông vẫn có sự liên hệ với người dân qua những chuyến vi hành. Giai thoại còn ghi nhiều câu chuyện về ông như việc viết câu đối tặng bà hàng nước, tặng bà hàng nhuộm... Ngay việc một vị vua đi cày đầu năm đã là chuyện hiếm có. Ông cảm nhận khung cảnh lao động của người dân với con mắt ưu ái; thơ ông có những hình ảnh so sánh làm bật lên số phận khác nhau giữa các tầng lớp người trong xã hội, thể hiện tấm lòng thực sự cảm động trước dân nghèo.

"Rừng kia bố cốc còn khuya giống
Làng nọ nông phu đã thức nằm
Bóng ác rạng đông trời đã sáng
Tiếng gà sôi nổi, tiếng hàn châm".
(Ngũ canh)

"Người nằm trướng gấm mồ hôi lạt
Kẻ hái rau tần nước bọt se".
(Hạ thì)

Nhờ gần dân, ông thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, bãi bỏ những luật lệ hà khắc, điều chỉnh hoạt động trị nước của mình. Đây là nguyên nhân quan trọng để cho tư tưởng cũng như các chính sách của Lê Thánh Tông đạt được sự hợp lý và dân chủ nhất định. Tình người là điều đáng trân trọng. Hiểu được lẽ đó, Lê Thánh Tông tuy thân làm vua cầm quân ra trận nhưng cũng rất cảm thông với tâm tư của tướng sĩ khi phải xa nhà, ly biệt với người thân. Nỗi nhớ nhà day dứt đeo đẳng họ cũng như hoà nhập với tâm trạng của Lê Thánh Tông tạo nên những hình ảnh thơ xúc động: nắm tay trong gió bấc lạnh lẽo, bóng trăng cô đơn chiếu rọi đỉnh đầu, cánh hoa mai rụng và nỗi buồn xa xứ.

"Biết nắm tay ai cùng đi trong gió bấc lạnh lùng
Đêm sáng như ban ngày, trời cao bóng trăng đơn chiếc
Hoa mai rụng suốt năm canh làm tăng thêm mối hận phải đi xa.
Sầu tới, chỉ một ngày mà như ba thu đằng đẵng.
Hồn có thể len vào giấc mộng, nhưng có còn lưu lại trong tâm trí lúc tỉnh không?
Rượu cũng làm quên hình hài, song tiếc là chưa có bữa say nào?
Muốn hay tin tức của người thân.
Chỉ e không có chim nhạn mang thư tới Thần Châu (kinh đô).
(Tư gia tướng sĩ)
(Minh lương cẩm tú thi tập bài thứ 14 [MLCT-14])

Trạng thái tình cảm trong bài thơ rất thực, thấm đẫm tình người. Dù cho có ý ca tụng vua chăng nữa, lời bình của Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận, hai Đại học sĩ trong triều, không phải không có tính khách quan: “Thánh thượng ở ngôi cao chót vót, thể tất được nỗi vất vả của kẻ làm tôi đi viễn chinh, miêu tả tình cảm vợ chồng ly biệt một cách u nhã, tha thiết, mới mẻ tân kỳ, kế thừa sâu sắc được phong cách của thơ “Đông sơn”, “Thái vi”... hơn hẳn những sáng tác trên ải trong động của các đời sau”[22].
Không chỉ có thế, Lê Thánh Tông đau lòng thương xót binh sĩ bỏ mạng nơi sa trường: “Luống thương binh sĩ dầm bùn vất vả/ Ngã chết mà trong túi không tiền sắm cỗ ván” (CTKH-19). Những tình cảm ấy đã chứng tỏ quan niệm “yêu quân như con” và minh chứng sâu sắc cho quan niệm về “Đạo người” của ông.
Tình yêu thiên nhiên vạn vật là tâm hồn rung động của con người trước vẻ đẹp kỳ thú của cảnh vật xung quanh. Vẻ đẹp ấy có thể toát ra từ những vật nhỏ bé như thân cây, ngọn cỏ, tảng đá, bóng chim...; cũng có thể là hình ảnh lớn hơn như núi non, sông bể, hang động, chùa chiền... Những cái được tạo thành tự nhiên, do quy luật của tự nhiên mà người xưa gọi là dưới bàn tay thợ hoá (hoá công), những cái được tạo thành theo quy luật khách quan dưới bàn tay con người, tất cả chỉ được coi là cái Đẹp khi được phản ánh bởi chủ thể thẩm mỹ là con người. Nhìn ra, phát hiện mỹ tố của cảnh và vật có thể không khó nhưng thực sự cảm được vẻ đẹp ấy, và hơn nữa, thổi vào cho nó một “linh hồn” sống động thì không phải ai cũng làm được. Làm được điều đó ở mức độ nào thì đó chính là kết quả của sự chắt lọc, kết tinh tạo nên đời sống nội tâm của con người. Sự rung động đó, vì thế, ở mỗi người mỗi khác. Tập hợp lại, nó tạo thành một mặt của đời sống tinh thần xã hội. Quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông không loại trừ khía cạnh này; ngược lại, những đóng góp không nhỏ của nó còn làm phong phú thêm đời sống nội tâm của mỗi cá nhân và đời sống tinh thần của xã hội.
Là một ông vua đã đi nhiều nơi: chinh chiến, tuần du, vi hành hoặc thưởng ngoạn, Lê Thánh Tông đã đặt chân lên nhiều địa danh nổi tiếng trên mọi miền nước Việt. Nơi nào phong cảnh hùng vĩ tráng lệ, là những danh lam thắng cảnh hay gắn với di tích lịch sử, ông đều có nhã hứng làm thơ đề vịnh. Cảnh vật đã trở thành thi liệu giúp ông giãi bày tâm sự và cảm xúc của mình. Từ núi Dục Thuý đến động Long Quang, từ Sài Sơn đến Bạch Đằng, từ chùa Phật Tích đến chùa Trấn Quốc, từ núi Chích Trợ đến núi Thần Phù, rồi các cửa biển dọc theo chiều dài đất nước... được ghi lại trong những vần thơ trong sáng, hào hứng và cũng không kém phần lắng đọng. Tỷ như bài Đông tuần quá An Lão:

"Dặm ngàn xa cách mấy non sông
Gió đẩy thuyền xuôi thuận một dòng
Bóng xế long lanh làn sóng nước
Mây bay êm dịu mối tơ lòng
Úa vàng cây cối mùa sương lạnh
Mờ mịt đồng dâu lớp khói lồng
Núi bể mênh mông nhìn tít tắp
Màu xanh lồng lộng khoảng trời không".
(Bản dịch Hoàng Việt thi văn tuyển)

Những hình ảnh núi rừng, sông biển, đồng dâu, trời nước, gió mây, sương khói,... như trải ra trước mắt một không gian rộng lớn, cho thấy vẻ thái bình của nước Nam. Những hình ảnh quen thuộc ấy dường như cũng chung cho phong cảnh nước Nam. Cho nên, trạng nguyên Nguyễn Trực không ngần ngại phụng bình: “Miêu tả cảnh toàn thịnh trong sáng, thung dung tuyệt diệu, xưa nay ít có”[23].

Còn tiếp
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.
(Tiếp theo phần 3 ở trên)

Có thể thấy rằng, Lê Thánh Tông có một tâm hồn nhạy cảm và thiết tha với tạo vật. Cùng với tình thương yêu con người - đặc biệt là dân nghèo, đây là cái nền vững chắc đẩy tư tưởng của ông lên một tầm cao xứng đáng, kết hợp được cả tính nhân văn và tính dân tộc. Bởi thế, quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông đến đây đã tiếp nối được với truyền thống dân tộc, bồi đắp làm giàu thêm bề dày truyền thống bằng những đóng góp riêng; trong đó, tình yêu quê hương đất nước luôn chiếm vị trí cao nhất và giữ vai trò chủ đạo, định hướng cho các tư tưởng khác.
Tình yêu quê hương đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng thường trực trong mỗi con người. Nó thể hiện tính dân tộc sâu đậm bên cạnh tính nhân loại cao cả. Nó như một mạch ngầm vô tận, âm thầm cuộn chảy, và chỉ chờ có dịp là trỗi dậy mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh tổng lực phi thường. Sức mạnh ấy biểu hiện rõ nét nhất trong các cuộc chống ngoại xâm của dân tộc, trong công cuộc kiến tạo đất nước hoà bình thịnh trị. Nhưng đồng thời, nó cũng biểu hiện muôn hình muôn vẻ ở những khía cạnh tình cảm bình thường, giản dị trong cuộc sống, trong sinh hoạt như tình cảm gia đình, tình thương yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên vạn vật. Quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông có thực sự mang bản sắc dân tộc hay không phần lớn ở sự chuyển tải nội dung này.
Tiếp nhận giang sơn gấm vóc từ sự gian khổ đánh đuổi giặc Minh và xây dựng nền hoà bình non trẻ của tổ tiên, Lê Thánh Tông luôn ghi nhớ những chiến công huy hoàng của ông cha và các vị anh hùng triều trước, lấy đó làm tấm gương để gắng công dốc sức trị vì đất nước, để không thẹn với liệt tổ liệt tông, với non sông xã tắc, với nhân dân. Tâm sự ấy được giãi bày trong nhiều bài thơ, đặc biệt là QUCC-4:

"Cao Đế anh hùng cái thế danh
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự
Bát bách Cơ Chu lạc thái bình”

(Đức Cao Đế (Lê Thái Tổ) là bậc anh hùng đệ nhất thiên hạ
Đức Văn Hoàng (Lê Thái Tông) trí dũng kế thừa cơ nghiệp
Ức Trai (Nguyễn Trãi) lòng soi sáng văn chương
Vũ Mục (Lê Khôi) bụng chứa đầy binh giáp
Mười anh em họ Trịnh (con thái uý Trịnh Khả) tất thảy đều vẻ vang phú quý
Hai cha con họ Thân (Thân Nhân Trung và Thân Nhân Tín) đều hưởng ân vinh lớn
Cháu hiếu là Hồng Đức (Lê Thánh Tông) nay kế thừa nghiệp lớn
Vui hưởng thái bình như nhà Chu tám trăm năm).

Những ánh hào quang của triều trước đã từng được dân gian ca tụng: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa tốt đầy đồng trâu chẳng thèm ăn” (Ca dao) nay lại tiếp tục soi rọi đến sự thịnh vượng của triều Lê Thánh Tông, vừa là tiền đề, nguồn cổ vũ, vừa là sự nhắc nhở đối với đường lối trị nước của ông. Vì thế, ông đã từng kiên quyết một lòng giữ yên bờ cõi: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di” (Chỉ dụ cho Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy, tháng 4/1473 niên hiệu Hồng Đức thứ 4)[[24]]. Cái đích hướng tới của ông là  Nam thiên vạn cổ sơn hà tại (“Trời Nam muôn thuở núi sông bền vững” – Ngự chế Thiên Nam động chủ đề,  CCTT-6).
Đôi lúc bắt gặp trong thơ ông tâm sự của một người xa xứ nhớ quê hương. Có thể là sự nhớ nhung quê cha đất tổ xứ Thanh dẫu ông vẫn thường xuyên về dâng hương bái yết. Có thể là ông nói hộ tấm lòng của người khác khi bôn ba chinh chiến nơi biên ải. Có thể là cảm xúc bất chợt trước cảnh trời nước mênh mông chạnh nỗi niềm sầu xứ. Hình ảnh con thuyền vượt sóng nước là hình ảnh chứa chan tình cảm nhớ quê: "Chiếc thuyền khách lướt trên sông Xích Lỗ/ Nỗi xa nhà, lòng nhớ quê khiến ta man mác" (Xích Lỗ hải môn lữ thứ, MLCT-9); "Say rượu, ngồi tựa cửa thuyền, hứng thơ chứa chan/ Thơ mang nỗi niềm khách xa nhà, càng thêm vời vợi" (Hà Hoa hải môn lữ thứ, MLCT-8). Dẫu sao chăng nữa, những tâm sự đó quả là đã góp thêm tiếng nói tâm tình vun đắp cho đời sống nội tâm sâu sắc của con người. Đó là tình cảm muôn đời không thay đổi:

Muôn đời con cháu kính dâng
Tấm lòng cố quốc bâng khuâng đêm trường.

(VMCX-3)

Nói chung, tình yêu thương con người, tình yêu thiên nhiên vạn vật và tình yêu quê hương đất nước trong quan niệm về “Đạo người” của Lê Thánh Tông hoà quyện không tách rời nhau. Việc phân lẻ từng nội dung để xem xét chỉ có ý nghĩa khắc sâu nhận thức về từng mặt của vấn đề. Tổng hợp lại, đó là một chỉnh thể nội tâm sâu sắc, mà ở đó tính dân tộc, tính nhân văn bao trùm đã làm nên đặc trưng của “Đạo người” Việt Nam; trong đó có công của Lê Thánh Tông.
3. Tóm lại, quan niệm “Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông được xây dựng trên cơ sở lý luận và thực tiễn đương thời, trong đó chủ yếu đưa ra một hệ thống phẩm chất làm người có khả năng thực hiện được trong các mối quan hệ xã hội cụ thể. Có thể nói tư tưởng của ông đã tính đến tính thực tiễn khi nhận thấy cần phải có sự tương thích giữa phẩm chất với sự bộc lộ phẩm chất thông qua các mối quan hệ xã hội phức tạp đan xen. Vì thế, “Đạo làm người” của Lê Thánh Tông là thứ đạo chủ trương con người “có văn hoá”, “được giáo hoá”, biết “hành đạo” (tức là có khả năng hoạt động thực tế), tất cả đều nhằm làm cho đất nước cường thịnh, thanh bình, muôn dân no ấm, yên vui”[25]. Nghĩa là con người phải tích cực rèn luyện, được tạo điều kiện và môi trường rèn luyện để trở thành người “có văn hoá”. Sự tích luỹ về mọi mặt ấy phải được thi thố, được sử dụng, được áp dụng trong mọi hoạt động. Như thế, con người mới thực sự làm ra và làm giàu văn hoá; ngược lại, văn hoá thẩm thấu trở lại con người, phát triển con người. Rõ ràng, “Đạo người” của Lê Thánh Tông chứa đựng nhiều nhân tố tích cực, mang sắc thái dân tộc với đặc trưng lớn nhất là hướng về đời sống vật chất và tinh thần của con người. “Vượt lên trên Tam cương - Ngũ thường mang tính luân lý áp đặt, đạo cương thường của Lê Thánh Tông cụ thể và thiết thực hơn, hợp lý và dân chủ hơn”[25]. Cụ thể và thiết thực là tính thực tiễn nằm trong tương quan với lý luận, hợp lý và dân chủ là sự phù hợp với lòng dân, nằm trong tương quan giữa giai cấp thống trị phong kiến và giai cấp bị trị là quần chúng nhân dân lao động. Do đó, tư tưởng Lê Thánh Tông có tính vượt trước so với tồn tại xã hội. Những di sản để lại như chính sách đối nội, đối ngoại, chế định luật pháp, văn bài thi cử, sáng tác văn học, v.v... có ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đối với các triều đại phong kiến về sau.
Nói đến tư tưởng là nói đến nội dung của thời đại lịch sử. Thời đại nào thì tư tưởng ấy. Bởi vì, “không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ, mà chính tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”[26]. Xem xét Đại Việt thế kỷ XV, một đất nước vừa trải qua chiến tranh, mục tiêu trước mắt là thúc đẩy sản xuất, củng cố chính quyền nhà nước và sửa sang phong hoá. Giai cấp cầm quyền nhà Lê đã biết kết hợp tương đối toàn diện các mục tiêu kinh tế, chính trị và văn hoá để hướng tới một triều đại vững mạnh, hùng cường, vì mục đích độc lập tự chủ cho dân tộc, cường thịnh cho đất nước, no ấm cho muôn dân. Lịch sử đã chứng minh nhà Lê không những không coi nhẹ mặt nào trong “chiến lược phát triển” đất nước của mình mà còn biết đề ra những ưu tiên cụ thể cho từng mặt tuỳ theo từng thời điểm lịch sử thích hợp. Chẳng hạn, khi nhân dân vừa cởi bỏ ách đô hộ nặng nề của giặc Minh xâm lược, nhà Lê ngay lập tức chú trọng vào sản xuất nông nghiệp nhằm giúp dân thoát cảnh nghèo đói, bần hàn. Kế đó và cùng với đó, nhà Lê quan tâm đến việc giữ yên đất nước, lập ra thiết chế, giữ vững cương thổ và mở mang bờ cõi. Bởi nhà nước độc lập non trẻ là miếng mồi ngon cho ngoại bang nhòm ngó. Chính trị vững, kinh tế mạnh thôi chưa đủ, “nguy cơ tụt hậu về văn hoá” cũng trở thành mối lo thường trực. Trong một thời gian, Đại Việt bị cho là văn hoá kém phát triển so với nhà Minh vì sự rập khuôn các thể chế Minh triều mà không tính đến các yếu tố lịch sử - xã hội cũng như bản sắc của dân tộc. Do đó, song song với các hoạt động kể trên, việc chấn chỉnh giáo dục, mở rộng thi cử, chiêu đãi hiền tài, ban hành lễ chế mới, xây dựng các chuẩn mực làm người phù hợp được các vua Lê đầu triều thực hiện rất hiệu quả. Trong đó phải kể đến Lê Thánh Tông với quan niệm “Đạo người” của ông.

---
Chú thích:
[21] Vũ Minh Tâm, Thơ Lê Thánh Tông - Đạo và Mỹ. Trong Hoàng đế Lê Thánh Tông- nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.316.
[22] Dẫn theo Mai Xuân Hải, Lê Thánh Tông - thơ văn và cuộc đời, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1998, tr.312.
[23] Dẫn theo Mai Xuân Hải, sđd, tr.371.
[24] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.462.
[25] Xem Vũ Minh Tâm, bài đã dẫn, tr.315.
[26] Các Mác, Góp phần phê phán khoa chính trị kinh tế học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.7.

(Còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

“Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông


(phần cuối)
 
Trước hết, đánh giá mặt tích cực trong quan niệm về “Đạo người” của Lê Thánh Tông không thể không thấy rằng hệ thống đạo đức thời đó đã đạt đến hoàn thiện nhất định. Các chuẩn mực đạo đức được xây dựng hợp lý và có giá trị thực tiễn. Nó tham gia tích cực vào sự điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, hành vi của con người và xã hội, bên cạnh sự điều chỉnh cưỡng bức của luật pháp.

Nói cách khác, Lê Thánh Tông đã vận dụng linh hoạt khả năng tác động của đạo đức vào công cuộc trị nước, thiết lập một trật tự xã hội mới trên cơ sở kết hợp hài hoà “đức trị” với “pháp trị” - kiến thiết nên một xã hội “văn trị”, “lễ trị” rực rỡ trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông từng nhiều lần nói "Nay là lúc sửa sang việc văn, tạm ngưng việc võ". Việc văn được hiểu là toàn bộ những công việc trị nước như kinh tế, chính trị, pháp luật, giáo dục, đạo đức, văn học- nghệ thuật, v.v... “Sửa sang việc văn” được hiểu là đổi mới toàn bộ đất nước trên nhiều lĩnh vực. Đây là một tư tưởng lớn của Lê Thánh Tông: lớn cả về nội dung, tầm bao quát và tầm nhìn chiến lược.
Hệ thống đạo đức trong quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông là hệ thống đạo đức Nho giáo. Điều này được khẳng định dựa trên hai lý do sau: 1) Nho giáo dần trở thành hệ tư tưởng độc tôn trong xã hội phong kiến thời Lê; hơn nữa, nó phát triển đến đỉnh cao nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội phong kiến và hệ tư tưởng Nho giáo triều Lê, cho nên không thể không mang dấu ấn đậm nét nhất của đạo đức Nho giáo. 2) Các phạm trù đạo đức Nho giáo được sử dụng tối đa để chuyển tải nội dung đạo đức trong quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông. Dù sao, khuôn mẫu đó đã có thời gian tồn tại lâu dài trong lịch sử, thâm nhập khá sâu vào tâm thức nhân dân; còn việc sáng tạo những phạm trù hoàn toàn mới lại cần một thời gian nhất định, không thể đáp ứng ngay yêu cầu “sửa sang phong hoá” trong điều kiện lịch sử đó.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là hệ thống đạo đức Lê Thánh Tông không chứa đựng những yếu tố làm nên bản sắc “Đạo người” Lê Thánh Tông. Trái lại, hệ thống đạo đức của ông không phải là sự rập khuôn hệ thống đạo đức Nho giáo trước đó như Nho Tiên Tần, Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho; mà đã xuất hiện những tính chất hợp lý và thiết thực hơn. Có được sắc thái ấy phần lớn là vì đạo đức được ông quan niệm gần gũi với đời sống sinh hoạt của quần chúng nhân dân trong cộng đồng của họ. Các phẩm chất người chính từ những hoạt động đa dạng của con người mà nảy sinh ra. Nhưng để cắt nghĩa tại sao thì ông không giải quyết được! Ông không thể quan niệm xa hơn, đạo đức chính là sản phẩm của các mối quan hệ xã hội. Dừng lại ở đấy, quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông đã tiến bộ hơn rất nhiều so với cách nhìn trước kia. Mỗi người dân giờ đây có thể cảm nhận cụ thể hơn về các đức tính của con người, ví như đức Nhân, lòng nhân được biểu hiện ở mỗi cá nhân với vị thế xã hội khác nhau; thậm chí có thể hiểu đức nhân từ những khía cạnh rất nhỏ như những sự việc, những quyết định, những hoạt động của con người đang diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn, vua nhân từ là phải chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc - chăm dân trước hết là lo cái ăn cái mặc cho dân; quan lại giúp vua chăm dân, dạy dân việc nông tang, giữ gìn phong hoá...; tất cả những việc ấy đều hàm chứa đức Nhân. Từ đấy, những chỉ dụ, sắc dụ ban ra, người dân hoàn toàn cảm nhận được sự thấu tình đạt lý, biểu hiện lòng nhân từ của nhà vua. Lê Thánh Tông luôn cố gắng làm cho chúng hiện hữu trong đời sống xã hội thông qua các hành động cụ thể. Có thể nói, bằng việc hiện hữu hoá các chuẩn mực đạo đức, ông đã truyền “sức sống” cho các hình thức đạo đức cũ, đưa chúng trở lại môi trường hoạt động của chúng là cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, nhân tố quan trọng giúp cho Lê Thánh Tông vận dụng thành công hệ thống đạo đức Nho giáo tạo nên “Đạo người” của mình là việc kế thừa những tư tưởng đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tinh hoa của các dòng tư tưởng khác. Do vậy, quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông ngoài ý nghĩa cốt lõi là “đạo làm người” còn được mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực của đời sống tinh thần xã hội. Xây dựng mẫu người quân tử làm cốt song sẽ là một khuôn mẫu xa rời hiện thực nếu nó không bao hàm đời sống nội tâm của con người, không có được tình người vốn rất phong phú và đẹp đẽ đã được nuôi dưỡng từ lâu trong truyền thống dân tộc. Hay nói cách khác, đó sẽ chỉ là một “hình nhân” không có sức sống nếu không có liên hệ gì với đời sống hiện thực, là sản phẩm của tư duy thuần tuý của giai cấp thống trị nhằm áp đặt vào xã hội như một thứ gông cùm, xiềng xích tinh thần. Một mặt đề cao kẻ sĩ nhập thế giúp đời; mặt khác, Lê Thánh Tông cũng tôn trọng cuộc sống phóng khoáng của những đạo sĩ, cuộc sống điền viên của tầng lớp bình dân (Ngư, Tiều, Canh, Mục - thơ Nôm). Những phẩm chất thanh cao, trong sáng, không ham danh lợi, không bị mê hoặc bởi giàu sang phú quý trong tư tưởng Đạo giáo, những phẩm chất yêu thiện ghét ác, từ bi hỉ xả cứu vớt chúng sinh trong tư tưởng Phật giáo cùng với tình người trong tư tưởng dân gian là những bộ phận hợp thành “Đạo người” của Lê Thánh Tông. Nó hoà quyện, pha loãng tính chất cực đoan Nho giáo, cân bằng các mặt trong chỉnh thể “Đạo người” tạo nên sự hài hoà sâu sắc. Do đó, quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông có giá trị hiện thực, có tính vượt trước và hoàn toàn gia nhập dòng chảy tư tưởng của dân tộc, góp phần vun đắp bản sắc văn hoá dân tộc.
Như vậy, giá trị của quan niệm về “Đạo người” của Lê Thánh Tông là ở chỗ hoàn thiện hệ thống đạo đức Nho giáo trên cơ sở kế thừa những tư tưởng truyền thống và tinh hoa của các dòng tư tưởng khác có mặt ở Việt Nam. Hoàn thiện với ý nghĩa là làm cho có sức sống còn lớn hơn nhiều hoàn thiện với ý nghĩa là sự đầy đủ về mặt hệ thống và hoàn bị về mặt nội dung. Quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông có sức sống mãnh liệt, cùng với đó là sự thúc đẩy Nho giáo ở Việt Nam đi đến chỗ hoàn bị.
Mặt hạn chế trong quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông xuất phát từ thế giới quan duy tâm, hệ tư tưởng của giai cấp thống trị và ý thức bản ngã quân chủ nặng nề của ông. Ba yếu tố này thực chất chỉ là một! Nó là các khía cạnh khác nhau phát sinh từ một thế giới quan duy tâm không thuần nhất. Giống như nhiều nhà tư tưởng phương Đông cổ trung đại, Lê Thánh Tông thừa nhận có trời trong khi vẫn băn khoăn ở sức mạnh chủ quan của con người. Thực ra, tư tưởng Lê Thánh Tông thiên về nhân sinh quan xã hội, trực tiếp đề ra các lý lẽ vận dụng trong đời sống của con người nhằm xây dựng các mối quan hệ xã hội, trật tự xã hội tốt đẹp hơn.
Điều mà ai cũng nhận thấy là Lê Thánh Tông rất tin ở mệnh trời. “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là ba tác nhân vốn được nhân dân ta đúc kết từ lâu qua hoạt động thực tiễn từ đời này sang đời khác; trong đó “thiên thời” luôn được đặt lên hàng đầu, có ý nghĩa chi phối hoạt động của con người. Không thể tránh được, Lê Thánh Tông cũng phải lập đàn tế lễ, cầu đảo mỗi khi xảy ra những hiện tượng của tự nhiên gây nên tác hại lớn cho đời sống nhân dân mà trí tuệ con người bị hạn chế lịch sử không cho phép lý giải như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh phá hại mùa màng, v.v... Đứng trên quan điểm lịch sử, điều cần phải rút ra ở đây là tấm lòng lo cho dân cho nước của ông. Trước vận mệnh của dân tộc, trước những nỗi thống khổ, điêu linh của người dân, một người ở ngôi cao cửu trùng phải tìm mọi cách để xoay xở, sao cho đất nước trở lại mưa thuận gió hoà, nhân dân bình yên no ấm là lẽ đương nhiên được quý trọng. Ghi nhận tấm lòng ấy mới thấy hết được nét tiến bộ, nhân văn trong tư tưởng Lê Thánh Tông ngay cả ở những mặt hạn chế nhất. Đối với sự hưng vong của các triều đại, ông cũng cho là do sự xếp đặt của trời. Con người nhỏ bé và hữu hạn trước sự vô cùng của thế giới xung quanh luôn luôn phải tuân theo ý trời, và chỉ có thể bằng cách đó mới giữ được sự tồn tại, phát triển lâu bền. Tuy nhiên, ông lại là người có khuynh hướng tư tưởng nghiêng về sự tiến hoá tự nhiên, theo quy luật tự nhiên. Ông không hề nghi ngờ rằng các triều đại sau tất nhiên có khả năng phát triển hơn các triều đại trước, có thể biểu hiện trước hết ở mặt này hay mặt khác. Nhìn vào tổng thể cả một giai đoạn lịch sử dài, rõ ràng quan điểm tiến hoá của ông không phải là không có căn cứ. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh một cách sâu sắc niềm tin của ông, mặc dù niềm tin đó còn chịu khoác lớp áo duy tâm là sự điều khiển từ bàn tay vô hình của trời.
Như vậy, sự mâu thuẫn trong thế giới quan duy tâm của Lê Thánh Tông biểu hiện ở chỗ: một mặt, ông quan niệm mọi sự thịnh suy đều phó mặc cho trời, dẫn đến tư tưởng “an phận thủ thường”, phủ nhận sự tiến hoá; mặt khác, ông luôn thực thi những biện pháp canh tân, đổi mới trên tất cả các mặt của đời sống xã hội (từ nông nghiệp đến quân sự, từ giáo dục - thi cử đến văn - thơ...) với một niềm tin mãnh liệt về sự tốt đẹp hơn đang ở phía trước. Thêm nữa, trong khi ông tin vào những hoạt động mê tín như cầu đảo, tế lễ thì đồng thời lại phê phán và tỏ ý hoài nghi quan niệm tâm truyền của các tín ngưỡng, tôn giáo như thần giao cách cảm của giới đạo sĩ, giác ngộ của nhà Phật. Tâm truyền là sự truyền đạt tri thức, sự hiểu biết hoặc các thông tin nói chung từ người này sang người khác mà không cần thông qua con đường ngôn ngữ. Ông phê phán một giai thoại nhà Phật chép chuyện Phật tổ nâng hoa sen và chỉ có Ca Diếp đứng bên là hiểu ý, mỉm cười. Thậm chí, ông còn ban các chỉ dụ hạn chế các tôn giáo: “Chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới”[27]. Những biểu hiện của Lê Thánh Tông chống lại ảo tưởng tôn giáo như báo ứng, hoạ phúc, thiên đường, địa ngục... chưa thể nói là quan niệm tiến bộ; cùng lắm thì đó chỉ là những tác nhân giúp cho trong tư tưởng của ông có sự biến hoá linh hoạt, ít nhiều thoát ra khỏi quan niệm số mệnh, mệnh trời siêu hình chết cứng vốn có sẵn trong học thuyết Nho giáo. Hưng/ vong, thịnh/ suy, được/ mất, trị/ loạn, may/ rủi, khoẻ/ yếu, sang/ hèn, v.v... được Lê Thánh Tông quan niệm là những trạng thái biến đổi của vạn vật và con người. Không có gì là đứng nguyên như thế mãi, không có gì là “xưa sao nay vậy”. Tất nhiên, đây chỉ là sự xét đoán dựa trên quan sát thực tiễn, lấy kinh nghiệm và sự việc xảy ra để giải thích các sự việc khác.

(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

“Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông




Chủ nghĩa chủ quan trong tư tưởng Lê Thánh Tông biểu hiện ở ý thức bản ngã quân chủ nơi ông. Luôn đánh giá cao bản thân và triều đại mình trị vì, ông viết: "Ba chén rượu tự xem mình ngang bậc thánh" và "Đừng nói sinh ra không gặp thời Nghiêu Thuấn". Tự coi mình là trung tâm trong mối quan hệ với mọi người, ông ví mình với mặt trời còn người khác là "trăm loài hoa cỏ hướng về mặt trời tranh nhau phô vẻ tươi tốt". Tư tưởng chủ quan trên có căn cứ ở sự ổn định tạm thời của chế độ xã hội phong kiến hoàn bị. Mầm mống bất ổn định của nó vẫn tồn tại trong bản thân nền kinh tế tự nhiên dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất của một bộ phận người là vua và tầng lớp quý tộc, quan lại. Chính Lê Thánh Tông nhiều lúc phải thừa nhận "quay đầu lại thấy việc người thật là lắm mối"; song vì háo hức trước vẻ huy hoàng mới có được, ông đã lảng tránh. Do đó, sự tự nhận định về xã hội đương thời cũng như vai trò của ông không thật sự khách quan.
Mặc dù vẫn lưu ý quan điểm “lấy dân làm gốc”, nhưng nhiều khi ông không thể nhìn thấy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và cải tạo đất nước; dẫn đến những lý lẽ "Nước vô công chừ nước vô tư/ Nước là dân chừ thuyền là vua/ Nước dìm đò chừ nước chở đò" (Lam Sơn Lương Thủy phú) dường chỉ là mớ lý thuyết suông với tính chất kinh viện cố hữu của nó. Điều đó thể hiện ở những hạn chế của ông trong công việc lãnh đạo đất nước: ông có ý thức xây dựng một bộ máy nhà nước siêu mạnh song lại trở thành một bộ máy quan liêu cồng kềnh và can thiệp quá sâu vào đời sống nhân dân - triệt tiêu vai trò chủ thể năng động sáng tạo của quần chúng. Xét cho cùng, đây cũng chỉ là một kiểu củng cố quyền lực tối cao vào tay cá nhân đại diện cho giai cấp thống trị phong kiến là nhà vua khiến cho quan hệ “phục tùng mệnh lệnh” vẫn là rường cột trong nhà nước Đại Việt thế kỷ XV.
Về cuối đời, trước khi băng hà, Lê Thánh Tông thú nhận: “Trẫm có hai sai lầm, một là chính lệnh ban ra vi phạm đạo lý, hai là ngồi giữ ngôi không, nhiễu loạn việc trời”[28]. Tự hào về thành tích cá nhân là điều chính đáng, nhất là trong giai đoạn cường thịnh về mọi mặt; nhưng nếu quá say sưa trong ánh hào quang bao phủ, làm mờ đi những “vệt đen”, “mảng tối” còn lẩn khuất khắp nơi  thì lại là điều đáng chê trách. Khi đó tự hào biến thành tự mãn, đánh dấu sự thoái hoá về tư tưởng và chùn bước về hành động. Rất may, Lê Thánh Tông cũng còn có được một đôi lúc tự nhìn lại mình, có độ lùi cần thiết để phán xét mình - đó là điều đáng quý!
Bên cạnh đó, sự tuyệt đối hoá đạo đức Nho giáo quyết định sự hình thành “Đạo người” của Lê Thánh Tông. Ông chủ trương đề cao những người quân tử, kẻ sĩ xuất thân từ Nho gia: "Đừng cho văn chương là mọt đục khoét/ áo mũ của quan lại triều đình vốn từ nhà nho mà ra". Ông không thấy được một cách khách quan rằng tác dụng của đạo đức đó làm cho xã hội ổn định là do sự phù hợp của nó với hiện thực đương thời, cho nên dẫn đến khẳng định tính vĩnh cửu của tư tưởng Nho giáo. Về sau, tầng lớp nho sĩ dù thông thuộc kinh sử nhưng lại thoát ly thực tế đất nước, hoàn toàn ít có khả năng đổi mới ngăn chặn sự suy thoái của xã hội đang dần hiện hữu.
Nhìn chung, tư tưởng Lê Thánh Tông là một hiện tượng phức tạp; có những ưu điểm lớn, đồng thời lại có những hạn chế. Tính hai mặt đó không những kiềm chế lẫn nhau làm cho tư tưởng của ông mang tính không thuần nhất và hạn chế khả năng đạt tới những đỉnh cao trong lĩnh vực tư tưởng của Lê Thánh Tông. Giai đoạn đầu, ông có nhiều điểm tích cực; giai đoạn sau, ông lại bộc lộ nhiều tiêu cực. Chẳng hạn, nếu “nhân” trước có nội dung là yêu thương, chăm lo đời sống của người dân, trừ tàn khử bạo, giữ yên đất nước thì sau lại chỉ giới hạn ở sự cùng vui với mọi người.
Có thể nói, quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông có ảnh hưởng khá sâu sắc trong lịch sử. Quan niệm “nhân” và tình người trong “Đạo người” của ông đã tiếp tục kết nối dòng chảy “tình người” của dân tộc Việt Nam trở thành một mạch thông suốt. Cái tâm đạo đức của Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà lý học xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XVI - phần nào kế thừa “Đạo người” của Lê Thánh Tông. Bởi vì Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như Lê Thánh Tông đều đề cao đạo làm người cố ở cái tâm chí thành. Chỉ khác là ở Trạng Trình, hình thức kiến giải dựa trên cơ sở Lý học một cách mạch lạc; còn Lê Thánh Tông dựa trên kinh nghiệm quan sát thực tế.
Tình người là nhân tố tiếp tục được nhân rộng và làm cho sâu sắc thêm trong tư tưởng cũng như văn thơ thế kỷ XVI-XIX. Qua nội dung tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... thân phận con người được soi rọi từ nhiều phía đã nổi bật lên như lời thức tỉnh, lay thức tâm can của mọi người. Con người với những số phận éo le, trắc trở, oan khuất khác nhau đã được đề cập nhiều hơn và tập trung hơn: từ người cung nữ cho đến người chinh phụ, từ những người dân trong thời buổi loạn lạc nội chiến đến những người dân trong cảnh nước mất nhà tan... Đâu đâu cũng thấy hiện lên nỗi thống khổ của người dân với những lời chan chứa sự cảm thông, đau xót. Dĩ nhiên “tình người” là nội dung đã tồn tại từ lâu trong tâm thức người Việt, không thể nói “tình người” trong “Đạo người” của Lê Thánh Tông là cơ sở cho tư tưởng đề cao con người và số phận con người trong các thế kỷ sau, nhưng nét tương đồng về tư tưởng ấy rõ ràng thể hiện sự liên tục của dòng chảy tư tưởng Việt Nam, một khi nó là giá trị tinh thần tích cực của dân tộc. Một ví dụ khác, Lê Thánh Tông là người sùng Nho đầu tiên (có thể khẳng định như vậy) trình bày một cách tập trung quan niệm “ưu ái” người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Mặc dầu ông chưa thoát khỏi sự ràng buộc của tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” từ lễ giáo phong kiến nhưng có thể cảm thông được với nỗi khổ của người phụ nữ, ca ngợi không chút ngần ngại những nữ anh hùng trong lịch sử (kể cả Mỵ Ê - vợ chúa Chiêm Thành làm phản đối với mình), ban thưởng cho những người phụ nữ trinh liệt đương thời và giảm nhẹ hình phạt cho những nữ phạm nhân thì quả là những biểu hiện tiến bộ. Phải chăng đó là sự mở đường cho những tiếng nói bênh vực người phụ nữ xuất hiện ào ạt trong một vài thế kỷ sau?
Lê Thánh Tông cố gắng trình bày một cách có hệ thống các phẩm chất làm người lấy phẩm chất của kẻ sĩ làm chuẩn mực. Trong chừng mực nhất định, ông chỉ tập trung vào phẩm chất của người làm quan, làm vua. Nhìn chung, Lê Thánh Tông quan niệm đạo làm người cấu thành bởi ba yếu tố: 1) Phẩm chất đạo đức tốt, nghĩa là phải nhân ái, trung thực, cần cù, ham học hỏi - phải có tình người; 2) Năng lực hoạt động sáng tạo, độc lập, quyết đoán, dám làm dám chịu; 3) Năng lực đó phải dựa trên nền tảng tri thức đủ rộng, đủ sâu để có thể làm tròn công việc, mang lại hiệu quả tối ưu.
Như thế, phẩm chất con người trong “Đạo người” của Lê Thánh Tông đã hàm chứa cả đức lẫn tài hội tụ trong mỗi một cá nhân: đức để giáo hoá dân chúng, tài để lãnh đạo đất nước. Nếu quan lại, vua chúa ngày xưa đạt đến mức độ “thanh quan”, “minh quân” như thế thì xã hội phong kiến hoàn toàn có thể phát triển tới giai đoạn thịnh trị của nó và thực sự gần gũi với quần chúng nhân dân. Tấm gương “chăm không mỏi” của Lê Thánh Tông là điều đáng để các thế hệ sau học tập, kể cả đức chuyên cần, chí tiến thủ, lòng ham học, sự lo nghĩ cho đất nước lẫn tính quyết đoán khi hành sự của ông. Sự coi trọng giáo dục - thi cử thời Lê Thánh Tông với phương châm hiền tài là nguyên khí quốc gia cũng là một trong những nét tiến bộ cần phát huy. Bởi vì đạo làm người luôn luôn gắn liền với giáo dục con người - một trong những chức năng cơ bản của đạo người là chức năng giáo dục. Có thể nói, tư tưởng giáo dục của Lê Thánh Tông cũng là một bộ phận trong “Đạo người” của ông.
Lê Thánh Tông coi trọng kẻ sĩ nhưng phải là kẻ sĩ biết lo cho dân cho nước, có khả năng hành đạo. Kẻ sĩ chỉ biết lý luận suông mà thiếu đi những hiểu biết thực tiễn, ít gần dân, không chịu khó tìm hiểu đời sống xã hội thì đều là những người khuyết mất một mặt quan trọng trong phẩm chất làm người. Lê Thánh Tông đặc biệt khuyến khích đạo học, có nghĩa là khuyến khích người ta trở thành người có học, gia nhập tầng lớp sĩ. Điều đó được chứng minh bằng những con số ngày một tăng của sĩ tử qua các kỳ thi dưới triều Lê Thánh Tông. Ngày nay, để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tiến vào nền kinh tế tri thức một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, không có cách nào hơn là khuyến khích học tập dưới mọi hình thức, xã hội hoá giáo dục ở trình độ cao - nói nôm na là coi trọng tri thức, trí thức hoá quần chúng nhân dân trong chừng mực có thể, nhất là ở những ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, sự phổ cập giáo dục, xã hội hoá giáo dục, khuyến khích học tập cũng gây ra những tiêu cực nhất định mà chủ yếu tập trung ở sự học “giả” - học “thật”. Tức là vấn đề chất lượng giáo dục! Lê Thánh Tông trong “Đạo người” của mình cũng kịch liệt phê phán thói học phù phiếm, cốt chỉ cầu công danh phú quý, học hình thức mà không chú trọng đến chất lượng và khả năng giúp đời bằng sở học của mình. Cái học đó dĩ nhiên không thể đạt đến “trí”. “Trí “ bao hàm “tri”, mà “tri” chỉ có được bằng “thực học”mà thôi.
Mặc dù đề cao đạo học, coi trọng “trí”, yêu kẻ sĩ mến người tài, Lê Thánh Tông vẫn không quên xem xét mặt đức hạnh như là yếu tố then chốt của người có học chân chính. Trong một đạo chỉ dụ ban tháng 4/1462, niên hiệu Quang Thuận thứ 3, ông viết: “Cho quan sở tại và xã trưởng xã mình làm giấy bảo đảm rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được vào danh sách dự thi. Kẻ nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa... thì dẫu học giỏi, văn thơ hay, cũng không cho vào thi”[29]. Song, vì ưu ái với người tài, ông quy định phạm nhân “nếu ai xét ra [...] tài năng đáng tiếc thì đặc cách cho khỏi phải thích mặt”[30]. Đó là những nét biến hoá mềm dẻo trong tư tưởng của ông. Đối với những người mất tư cách đạo đức, giáo dục không tách rời với sự trừng phạt nghiêm khắc. Lê Thánh Tông không vì mục tiêu “đức trị” mà quên mất sự đòi hỏi phải có “pháp trị”. Vì thế, [/i]Quốc triều hình luật[/i] được ông chỉ đạo biên soạn rất công phu, bao gồm nhiều tội danh được trình bày cặn kẽ và chi tiết, có khả năng điều chỉnh bao quát một phạm vi tương đối rộng và đầy đủ các hành vi trong xã hội. Với quan niệm pháp luật đặt ra là nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, sự phong phú về điều luật và phạm vi điều chỉnh vươn tới hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của Quốc triều hình luật(hay còn gọi là luật Hồng Đức) đã thể hiện nhận thức sâu sắc về con người và mối quan hệ của họ trong thực tiễn.

(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

“Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông



(tiếp theo và hết)

Lê Thánh Tông, mặc dù cũng có lúc tự mãn, song ông không phải không có lúc nhìn nhận lại mình, thậm chí còn mong có người chỉ ra cái sai của mình để kịp thời sửa chữa. Rõ ràng trong một con người bao giờ cũng tồn tại những ưu điểm và nhược điểm không thể tránh khỏi mà đứng ở vị trí chủ quan khó có thể nhìn ra. Vì vậy cần phải có “con mắt khách quan” của “người ngoài cuộc” đánh giá. Tiếc là với vị thế một bậc quân vương ở ngôi hoàng cực, tính chất phục tùng tuyệt đối không cho phép Lê Thánh Tông và những người xung quanh ông thực hiện thường xuyên và hiệu quả việc “nghị gián”, dẫn đến những hạn chế của ông lúc cuối đời. Hồ Chí Minh từng nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”[31]. Cho nên, phải chăng “Đạo người” cũng bao hàm cả ý thức nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa sai lầm để ngày càng hoàn thiện bản thân?
Quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông là sự kế thừa có chọn lọc các quan niệm “Đạo người” trong lịch sử như Nho, Phật, Lão và tư tưởng dân gian Việt Nam. Hơn nữa, trong “Đạo người” của ông đã có sự chuyển hoá các tư tưởng ngoại lai thành tư tưởng nội nhập. “Biến cái tinh hoa của người thành cái nhuần nhị của mình” là nguyên tắc hành động đã giúp cho dân tộc Việt Nam không bị đồng hoá suốt thời kỳ Bắc thuộc. Cho nên tư tưởng Lê Thánh Tông đã có sức sống vững vàng trước sự tấn công của các luồng tư tưởng bên ngoài, khiến cho văn hoá người Việt tiếp tục giữ được tính độc lập. Sức sống của dân tộc biểu hiện ra ở sức sống của nền văn hoá, điều này không ai có thể bác bỏ!
Mối quan hệ qua lại giữa các luồng tư tưởng tác động đến “Đạo người” của Lê Thánh Tông không những không thể triệt tiêu mà còn thúc đẩy sự phát triển của tư tưởng Lê Thánh Tông lên một tầm cao nhất định. Chẳng hạn, người quân tử trong quan niệm của ông vừa đảm bảo những phẩm chất cần thiết của người có học, vừa đảm bảo có tình người sâu sắc và đời sống nội tâm phong phú. Mẫu người ấy không quá xa vời mà ai ai cũng có thể tu dưỡng để đạt đến được. Mẫu người ấy không chỉ là kiểu mẫu về hình thức mà còn cụ thể và xác thực về nội dung, có khả năng hoạt động thực tế, giáo hoá dân chúng, trị nước an dân. Đó là mẫu người nằm trong các mối quan hệ xã hội cụ thể; nằm trong vòng danh lợi mà không vì danh lợi đánh mất bản thân, vẫn giữ được sự thanh cao, trong sạch, gần gũi với quần chúng.
Phân tích như trên để thấy rằng bản sắc văn hoá trong “Đạo người” của Lê Thánh Tông nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung được hình thành trong quá trình người Việt sinh sống, hoạt động thực tiễn trên một phạm vi lãnh thổ nhất định và giao lưu văn hoá với các cộng đồng người khác trong suốt chiều dài lịch sử. Có nghĩa là, bản sắc văn hoá được hun đúc nên bởi tổng thể các yếu tố khách quan và chủ quan. Một khi bản sắc văn hoá đã được xác định thì nó trường tồn cùng với sự trường tồn của dân tộc bằng cách thế hệ sau tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những hạt nhân hợp lý từ thế hệ trước. ý nghĩa nhân văn của “Đạo người” là quan niệm hướng về con người chân - thiện - mỹ, xây dựng các phẩm chất người vì mục tiêu đề cao con người, ít nhiều đặt ra vấn đề giải phóng con người; chẳng hạn giải phóng con người khỏi sự nghèo đói, thấp hèn, không hiểu biết, giải phóng con người khỏi những oan khuất... Vì thế, quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông phù hợp với ý thức dân tộc, có giá trị lâu bền.
Nói chung, quan niệm “Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông đã để lại những giá trị quý báu. Một mặt, “Đạo người” của Lê Thánh Tông khắc sâu quan niệm về đạo đức xã hội; mặt khác, nó mở ra cánh cửa văn hoá giàu bản sắc cho tương lai. Chỉ riêng hai phương diện ấy thôi cũng đủ để khẳng định tính vô giá của quan niệm về “Đạo người” của Lê Thánh Tông mà hơn 500 năm qua lịch sử đã minh chứng. Nếu chối bỏ điều đó là đi ngược lại quy luật. Bởi vì: “Một dân tộc có nền văn hoá lâu đời bao giờ cũng trọng thị, giữ gìn, coi như thiêng liêng những di tích của nó, đặc biệt là dấu tích của những sự nghiệp anh hùng và quang vinh của ông cha, nòi giống, những gì nhắc lại những kỳ công của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đã qua. Về phương diện ấy, những cái gọi là di sản văn hoá, tuy thuộc về quá khứ của một dĩ vãng không bao giờ trở lại, nhưng nó vẫn sống, bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay, trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần, là tiếp tục cái hôm qua”[32].

Hà Huy Tuấn


---
Chú thích:
[27] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.393.
[28] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.519.
[29] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.396.
[30] Xem Vũ Huy Phúc (khảo cứu), sđd, tr.40.
[31] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.283.
[32] Nguyễn Khánh Toàn, Lời giới thiệu. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.7.
ĐN sưu tầm và chép lại.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

http://i1211.photobucket.com/albums/cc432/ltritham/mo01.jpg

Thằng Mõ

Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơị
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh rền-rĩ khắp đòi nơi
Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh,
Làng nước ai ai phải cứ lờị
Trên dưới quyền hành tay cắt đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồị


Một đấng thiên tử mà chú ý đến một nhân vật thấp hèn trong xã hội thời ấy, đã nói lên tất cả tính cách của một đấng minh quân. Vua: Lê Thánh Tông
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]