Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

TN Như Mai

XANH MÃI QUÊ HƯƠNG

Tôi yêu quê với tình yêu sâu sắc,
Yêu hàng cây xanh bóng mát rợp đường.
Yêu xóm làng với tình cảm thân thương,
Che chở cả thời thơ đầy kỷ niệm.

Tôi yêu lắm biết bao tình yêu mến,
Hàng me xanh rũ bóng khuất đường quê.
Phượng đỏ tươi rợp bóng mát ta về,
Kỷ niệm ấy như in vào ký ức.

Tôi mong được góp phần vào đất nước,
Xây dựng quê mình mãi mãi xanh tươi.
Cho quê tôi bóng mát rợp xanh trời,
Quê hương đẹp phải là môi trường đẹp.

Cho xanh sắc một núi rừng xanh biếc,
Bảo vệ rừng cây quí của nước ta.
Ngăn những người phá tài sản quốc gia,
Tài nguyên quí  phải được ta bảo vệ.

Và chúng ta những người đang tuổi trẻ,
Quyết không phụ lòng mong mỏi của quê hương.
Yêu quê hương phải bảo vệ môi trường,
Quyết ngăn cấm với những người phá hoại.

Quyết không để cho rừng cây tàn lụi,
Cho quê mình xanh mãi một màu xanh.
Màu xanh tươi đem lại vẻ thanh bình,
Xanh, xanh mãi một màu xanh hi vọng.

Màu xanh ấy là màu   xanh sự sống,
Đồng lúa xanh, xanh ngắt tựa bài thơ.
Hàng cây xanh xinh như tuổi mộng mơ.
Cần chăm sóc cho rừng cây tươi mãi,

Ta yêu quí và sẽ luôn yêu quí,
Luôn giữ gìn và bảo vệ rừng cây.
Cho quê tôi thêm sức sống mỗi ngày,
Cho sức sống môi trường tươi xanh mãi.
23-4-2001

Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

CHA MÃI TRONG CON

Trên cõi thế và ở trong thực tại,
Con mất Cha vĩnh viễn mất thật rồi.
Trong hồn con ray rứt nhớ không nguôi,
Thế là hết thật rồi không mơ nữa!

Cơn mộng sống bồi hồi con tưởng nhớ,
Cha ơi Cha nay Cha ở phương nào?
Cõi Tây Phương Cực Lạc giữa trời sao,
Con vẫn nặng xót xa sầu trong trí.

Hồn mang nặng một tình thương vị kỷ,
Nặng thường tình không rõ đạo uyên thâm.
Đâu biết rằng Cha lìa bỏ hồng trần,
Là hồn đã tiêu diêu miền Tịnh Độ.

Nặng tham ái con bi thương sầu khổ,
Đem u sầu làm nặng bước chân Cha.
Sư Phụ ơi nay ở chốn ta bà?(1)
Bơ vơ trẻ biết tìm đâu nương tựa?

Con vẫn nhớ Cha ơi con vẫn nhớ!
Đến mãn đời Cha vẫn ở trong con.
Dù thời gian sắt đá có phai mòn,
Tình phụ tử vẫn ngàn năm sáng mãi.

(1) Vì ba của NC là người tu nên gọi bằng Sư Phụ
Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

NHỚ CHA

Tám mùa xuân con khờ xa từ phụ,
Tám mùa xuân đăng đẳng với thời gian.
Tám mùa xuân xui hoa nỡ hoa tàn,
Con đã mất cha hiền từ độ ấy.

Con đã biết thời gian không trở lại,
Nhưng sao con vẫn nghe nhói tim đau.
Nghe trong tim vẫn thổn thức ưu sầu!
Nỗi chua xót con không còn Cha nữa.

Nơi  cảnh Phật Cha không còn chịu khổ,
Cơn bệnh hành nhức nhối đến não lòng.
Con thương Cha và chua xót vô cùng,
Nhưng Cha hỡi con Cha vô dụng quá!

Con đã đứng nhìn Cha mà rơi lệ,
Nhìn Cha già quằn quại nén tiếng rên.
Con nghe lòng buốt nhói thấu tim gan,
Thương Cha quá nhưng không làm gì được.

Trong thâm tâm con nguyện cầu tha thiết:
“Xin cho con chia sẻ nỗi đớn đau,
Xin Phật Trời dung rủi phép nhiệm mầu.
San bớt nỗi đớn đau cho con trẻ.”

Nhưng con đã không làm gì được cả,
Để phải nhìn Cha rên rỉ kêu la.
Bệnh ung thư khủng khiếp tựa quỉ ma,
Nó hành hạ người Cha con yêu kính.

Cha đã nói trong lúc Cha mang bệnh:
“Cha quá đau quá sức chịu đựng rồi,
Con thương Cha hãy kiếm thuốc độc thôi,
Cha đau quá không làm sao  chịu nỗi.”

Người Cha già nghiêm trang và cứng cỏi,
Nay mõi mòn hết sức chịu đựng rồi,
Con hận mình con hận quá Cha ơi!
Không tài cán cứu giúp Cha thoát khổ,

Nay Cha hẳn siêu sanh miền Tịnh Độ.
Nương Phật đài ngồi ngự giữa Liên Hoa,
Con ngày đêm cầu nguyện Phật Di Đà.
Hồi hướng phước người Cha con yêu kính,

Cõi Cực Lạc trang nghiêm và thanh tịnh.
Khác cõi đời chỉ có khổ và đau.
Biết trời xanh đầy thăm thẳm nhiệm mầu,
Con vẫn xót xa đau tình phụ tử!

Con vẫn nhói tim đau đời sanh tử!
Đem ưu sầu làm nặng bước chân cha,
Có biết đâu Cha về cõi Di Đà.
Là vĩnh viễn không còn sầu vương vấn,

Con khờ lắm con Cha còn khờ lắm.
Tâm si mê còn chưa tỏ sự đời,
Nhưng nay con đã giác ngộ hẳn rồi.
Con cầu nguyện Cha thảnh thơi cõi Phật.
16-6-2001
Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

BÚT GIẤY TRANH CÔNG
Bút bảo giấy rằng: “Công tôi rất lớn,
Không có tôi anh chẳng biết làm gì.
Những chuyện hay, những trang sử, bài thi.
Nhờ tôi đó mà nhiều người biết đến,

Còn như anh thì quá ư làm biếng.
Không có tôi thì anh chẳng tích sự gì!”
Giấy nghe xong không chịu cải lại ngay:
“Anh nói bậy chính công tôi rất lớn,

Chính mọi thứ một mình tôi cai quản.
Không có tôi anh làm nổi hay không?
Những bài văn hay những trang sử hào hùng,
Đều nhờ tôi để lưu danh cho hậu thế.

Anh thật ra không có gì cao quý,
Không có tôi thì anh sẽ làm gì?
Cả hai bên đều tranh cãi hăng say,
Ai cũng bảo rằng là mình hay giỏi.

Mực bên cạnh nực cười lên tiếng hỏi:
“Thế không có tôi các anh sẽ làm gì?
Các anh đừng cho là mình giỏi mình hay,
Mọi người phải cùng nhau làm nhiệm vụ.

Nếu ba chúng ta mà mất đi một thứ,
Thì các anh có làm tốt hay  không?
Ba chúng ta hãy chung sức chung lòng,
Thành công đó ba chúng ta chung hưởng.

Nếu không vậy một mình anh cố gắng,
Cũng hoài công cũng uổng phí công lao.
Bút, Giấy nghe xong xấu hổ cúi đầu,
Nhưng tự giác chúng nắm tay nhau xin lỗi.

Rồi từ đó chúng đồng tâm đồng chí,
Vì biết rằng mọi sự phải cần nhau.
Ở trên đời cũng vậy khác gì đâu,
Những bác học, nông phu, và bác sĩ.

Những  thủ công, người trồng cây ăn trái,
Người bán buôn, những người chạy xe hàng.
Những thợ may, người đốt củi làm than,
Những nhà giáo, những công nhân nhà máy.

Những thợ dệt, những người quay cuồng sợi,
Những kỹ sư lo phác hoạ công trình.
Và những nhà làm vô tuyến truyền hình,
Nhiều, nhiều nữa có cùng trong cuộc sống.

Tất cả đều chung tay vui  lao động,
Cho cuộc đời ngày ngày sẽ đẹp hơn.
Đừng khinh  nông phu tay lấm chân bùn,
Không có họ ở đâu ra cơm gạo.

Bưng bát cơm nhớ công người cầy cấy,
Bận  áo lành nhớ công kẻ dệt xe.
Người đi buôn, thợ đốt củi, trồng cây,
Tất cả thảy đều liên quan mật thiết.

Những người đó làm cuộc đời thêm đẹp,
Cả công nhân hốt rác chốn vỉa hè.
Từ nơi nơi đều sạch sẽ đẹp ghê,
Không có họ phố phường không sạch đẹp.

Vì thế chúng ta cần nên phải biết,
Sống trên đời cần giúp đỡ lẫn nhau.
Đừng khinh chê những lam lũ nông phu,
Đối với chúng ta họ thảy đều bình đẳng.

Những người  đã góp phần trong cuộc sống,
Cho cuộc đời càng thêm đẹp thêm tươi.
Những bàn tay khối óc chung nhau,
Xây dựng cuộc đời
Như giấy, bút, mực
Thiếu một phần không thể được.
Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

http://images.yume.vn/photo/pictures/20100312/qiaoqingxuan/thumbnail/604x604/dsc_0317kth_238496990.jpg
CÂY LĂNG TIÊU
Có cây tên gọi Lăng Tiêu,
Lớn cao nhưng chẳng do nơi sức mình.
Nương cây cao bèn tỏa nhành,
Cao hơn trăm thước khoe mình xinh tươi.

Trổ hoa vờn thấu mây trời,
Cho mình thần thế không ai sánh bằng.
Ai ngờ một sớm bình minh,
Cây to gãy ngã một mình bơ vơ.

Lăng Tiêu trước gió phất phơ,
Đến là tội nghiệp đến là thảm thương.
Phía đông gió bấc điên cuồng,
Không đầy buổi sáng lót đường cỏ cây.

Sáng thì làm hoa vờn mây,
Chiều thì làm củi rớt đầy đất kia.
Khuyên cùng trong khắp người ta.
Đừng theo học thói xấu xa phàm tình.

Vươn lên nên tự sức mình,
Đừng nương người khác việc thành cũng nhơ.
Sống chi học thói nương nhờ?
Đến khi mất chỗ bây giờ khổ thân.

Nhắn cùng trong khắp cõi trần,
Đừng nên học thói cây Lăng Tiêu này!
28-7-2002
Như Mai (Ngọc Châu 2311)

Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

Chào các cô chú và các anh chị cùng các bạn trong diễn đàn thơ, nếu ai từng yêu Huế và từng đến Huế chắc hẳn sẽ nghe nói đến Ông Hoàng thứ 10 con vua Minh Mạng một người đã từng được ca ngợi rằng:
"Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán,
Thơ đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường".
Tạm dịch
"Văn của đời Tiền Hán là nổi tiếng mà văn của hai ông Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát còn hay hơn.
Thơ của đời Thịnh Đường nổi tiếng là hay đến khi gặp thơ của hai ông Tùng Thiện Vương thì không còn hay nữa".
Nay xin kể sơ lược về ông bằng đoạn thơ lục bát, có kèm theo Ngự Chế Văn của Vua Tự Đức khóc ông.


NHỚ ĐỨC ÔNG TÙNG THIỆN VƯƠNG
Đất Rồng nảy nở mạch tiên,
Đức Ông Tùng Thiện mở miền thi ca.
Cố đô kết ngọc thêu hoa,
Lời vàng ý ngọc sáng lòa sử xanh.

Cuộc đời qua bốn vương triều,
Bao nhiêu kỷ niệm lắm điều bi thương.(1)
Cuộc đời Tùng Thiện Thi Vương,
Chưa ba mươi tuổi văn chương lẫy lừng.

Rỡ ràng làm sáng nghiệp chung,
Sứ thần khuất phục văn phong dậy trời.
Phải chăng huyết thống của người?
Hay là cố gắng đắp bồi công phu?

Nổi danh rạng rỡ thi thư,
Chiếm vào địa vị thi sư Thịnh Đường.(2)
Vang danh nổi tiếng thi vương,
Bao nhiêu thuyền, tướng dễ thường được chưa?

Thống Biên Phong Nhã bấy giờ,
Sứ Tầu khiếp vía Vua Ta vui mừng.
Thơ tuy không phải bao cùng,
Hay làm cho nước lẫy lừng vẻ vang.

Nhưng về hình thức tinh thần,
Thơ là quốc túy của dân muôn đời…
Gia sinh phú quí hơn người,
Vẫn theo gương trước không lơi học hành.

Trọng thực nghiệp, bỏ đua tranh,
Vui đờn ty trúc, vui văn Thánh hiền.
Sơn khê lâm thủy có duyên,
Tâm tình hàn sĩ một niềm thân thương.

Hay chăng vui ít nhiều buồn?
Lúc còn thơ bé bệnh vương “dạ đề”.
Trưởng thành dạ xót tái tê (3)
Thương dân quí nước chớ hề lãng xao…

Cả đời cần kiệm thanh cao,
Lâm chung di biểu lệ trào dầm chan.(4)
Hơn sáu mươi vạn Thánh văn,
Hơn năm xe sách rành rành hiểu thông.

Phải chăng thấu ngộ chân không,
Hay chăng chân tướng trong lòng thế gian!
Phải chăng mê ngộ khó bàn?
Tỉnh thì biết ngộ, mê càng biết mê…

Lúc gần thoát tỷ quay về,
Dường như rõ biết ngộ mê là gì.
Muốn đem chỉ dạy cho đời,
Nhưng không nói được bằng lời uổng thay.

Nhưng mà cũng vẫn còn may,
Vẫn còn hai tám chữ đây cho đời (5).
Tiếc hay di sãn tuyệt vời,
Chưa ai thừa nhận để lời xót xa…

Cả đời dệt gấm thêu hoa,
Bên Tầu truyền tụng, bên ta cũng đầy.
Bằng theo định luật xưa nay,
Khách quan Tự Đức lời ngay phân bày:

“ Nước triều lúc cạn lúc đầy,
Ngày qua đêm lại đổi thay thế thường.
Giữa đời vạn vật chuyển luôn,
Có sinh, có diệt việc thường thế gian.

Thế thì khóc thảm thương than,
Có làm sống lại kho tàng quốc gia?
Huống chi Tùng Thiện tài hoa,
Vinh quanh phú quí tột đà ai hơn?

Uy danh đã dậy khắp phương.
Chí đà thỏa mãn thọ đường cũng cao.
Tài anh hùng chí anh hào,
Đã vang khắp thế lời nào tỏ phân.

Sinh ra trong cõi dương trần,
Cho người kính mến khó phần được thay.
Chỉ riêng khổ tấm lòng này,
Ôm lòng đau đớn đêm ngày nhớ thương.

Một người đạo đức văn chương,
Đem tài thi phú Thịnh Đường sánh ngang.
Người như ông, phước trời ban,
Để làm vinh dự rỡ ràng Quốc Gia.

May ông dòng giỏi con nhà,
Lại nhờ Thánh Tổ dạy cho tận tình.
Mừng người hoàng tộc cao minh,
Tài cao thực lực đăng trình thênh thang.

Không vì xưng tán cố nhân,
Mà ông đạo đức đáng phần tuyên dương.
Người như băng khiết, ngọc gương,
Chất trong sắc nhuận không vương bụi trần.

Việc gia đình để lụy thân (6)
Cho băng vướng bụi ngọc chân vết tỳ.
Nhưng ngọc vốn tánh lưu ly,
Chất băng sẳn tốt sá gì bẩn nhơ.

Trong khi “dịch trách” (7) bấy giờ,
Biểu văn tấu cáo lời thơ não lòng.
Trung thần ai được hơn ông,
Sử Ngư thây để tấm lòng muôn thu (8)

Không như bản thảo Tương Như,
Nên ta cảm động tâm tư nghẹn ngào.
Người hùng vẫn lụy tình sao?
Bóng non, gương nước biết bao là tình.

Hay là trong chốn vô hình,
Huyền vi bí mật tâm tình khó vơi.
Bao nhiêu sắc cảnh trên đời,
Túy Vân, Thiên Mụ tâm người thiết tha.

Nay đưa ông thoát ta bà,(9)
Ngậm ngùi dòng lệ đòi sa não lòng,
Hồn thiêng chứng giám hằng mong,
Thấu tình ta đó tâm đồng chứng tri…”


(1)Con rễ ông là Đoàn Trưng tạo phản ông bị liên lụy,
(2)Có câu thơ rằng: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường
(3)Đau xót cảnh nước nhà bị giặc Pháp chiếm
(4)Tờ biểu dâng Vua lúc gần lâm chung
(5)Lúc gần chết Ngài có viết hai mươi tám chữ để lại cho đời
(6)Vụ con rễ làm phản
(7)Lúc gần chết thay chiếu mới
(8)Sử Ngư gần chết dặn người nhà không chôn, đem thây để ngoài đường mong can Vua
(9)Ta bà chỉ cõi đời

Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

KỶ NIỆM THỜI THƠ

Khi còn bé nhà của tôi gần biển,
Cảnh biển êm đềm xinh đẹp làm sao.
Những buổi chiều chúng tôi dắt tay nhau,
Đi ra biển ngồi chơi trò đắp cát.

Sóng biển mênh mông rì rào tiếng hát,
Những chú dã tràng lanh lẹ dễ thương.
Tôi đưa tay hất chúng ngã ra đường,
Chúng ngoe nguẩy tám càng bò để dậy.

Nhưng kỷ niệm sao khó quên đến vậy!
Giờ nghĩ về tôi vẫn thấy nao nao…
Đêm dần buông mặt biển hiện đủ màu,
Những ngọn hãi đăng sáng vùng biển đẹp.

Và đó đây thơm lừng mùi khói bếp,
Chúng tôi theo ba, những bước tung tăng.
Bụng chúng tôi liên tưởng đến bửa ăn,
Được ăn bắp nướng dầu hành nước mắm.

Nhà tôi nghèo nên bửa ăn thanh đạm,
Mà vẫn nghe ngon miệng đến làm sao.
Biển cả nhấp nhô những ngọn sóng trào,
Vẫn bí hiểm như ngàn xưa vẫn có.

Thế mà có một thời gian sóng gió,
Biển ngập tràn xác chết những chàng trai.
Những chàng trai khỏe mạnh sức hơn người,
Nằm phơi xác đầy trên vùng biển cát,

Biển vô tư sóng trào dâng xô dạt.
Mộ đắp hờ, hở lộ cả tay chân,
Thuở bé thơ tôi chỉ biết bâng khuâng.
Chưa xót mấy tình yêu thương nhân loại,

Chị của tôi một người luôn thấu hiểu.
Bảo chúng tôi hốt cát đắp lại dùm:
“Họ cô đơn không có cạnh người thân,
Chết cô độc không mộ phần tử tế.

Tội những kẻ đầu xanh đời rất trẻ,
Sống trên đời cũng có đủ mẹ cha.
Có anh em, có tình cảm ruột rà,
Nay ngã xuống không người thân vuốt mắt.

Cha, Mẹ họ chắc cào gan ruột thắt,
Trông vợi vời tin con trẻ mờ xa…
Có biết đâu trên vùng biển của ta,
Họ ngã xuống trải đầy trên cát biển.

Chắc lòng họ đầy tủi hờn lưu luyến,
Có làm ma cũng vất vưởng lang thang.
Khi làm người sống trên cõi trần gian,
Chưa thỏa mộng chết còn mang mối hận”.

Kỷ niệm xưa như cuộn phim quay chậm,
Giờ nghĩ về tôi vẫn thấy nao nao.
Cảnh chiến tranh thì có kể người nào!
Tên bay đạn lạc cùng ai than trách,

hững cảnh đau thương đẫm buồn nước mắt.
Những bé thơ đội khăn trắng tang cha,
Thương xót thay những đôi mắt lệ nhòa.
Chỉ biết khóc trong cảnh đời nghiệt ngã!

Những thiếu phụ vẫn còn là rất trẻ,
Mà tang chồng đau đến khóc ngẩn ngơ.
Cha, Mẹ già đau xót khóc con thơ,
Cảnh tre khóc măng non sao chua xót.

Tuổi già cả biết nhờ ai chăm sóc,
Đành bơ vơ nơi xó chợ đầu đường.
Có những người tàn phế đến thảm thương,
Nghề kiếm sống đành vào đường hành khất.

Cuộc chiến tranh sao vô tình tàn ác,
Để lại gì? Khăn tang trắng phế nhân!
Để lại gì? Cảnh góa bụi cô đơn!
Những giọt nước mắt xót xa đau đớn!

Chiến tranh thật quá ư là tàn ác,
Đẩy con người vào hố thẳm hang sâu.
Biết bao lâu và cho đến bao lâu?
Dư ảnh sẽ xóa tan đi vĩnh viễn,

Cho con người sống trong tình thương mến,
Biết yêu thương biết giúp đỡ lẫn nhau.
Đó là điều thế giới thảy mong cầu,
Hòa bình ấy là ước mơ nhân loại!
7-6-2002
Như Mai (Ngọc Châu 2311)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

DUY TÂM

Văn chữ Hán Lương Khải Siêu
Ngọc Châu 2311 chuyển dịch thơ tiếng Việt

Trong các cảnh đều do nơi tâm tạo,
Hết thảy là hư thật giả khó phân.
Chỉ có tâm nhận cảnh đúng giả chân.
Nếu đêm trăng có tiệc quỳnh chén vũ,

Giọng ca trong điệu múa hay quyến rũ,
Hé rèm thêu những cặp dắt tay nhau,
Thì niềm vui lai láng có buồn đâu?
Nếu là kẻ sống bần hàn khó nhọc,

Người cô phụ sống cuộc đời cô độc.
Ngồi ưu tư ngó chiếc bóng một mình,
Nghe sầu thương thấm đậm tận trong tim!
Lá phong rụng quanh thuyền rồi bay tản,

Tiếng dế kêu sao mà nghe ảm đạm.
Cái nỗi cô đơn thật khó nói lên lời!
Nếu một đêm mưa gió phủ đầy trời,
Vài người bạn quây quần trong lều cỏ.

Ngồi uống rượu luận bàn đời kim cổ.
Cùng luyện gươm tập luyện những đường hay,
Có bao giờ buồn lại đến nơi đây?
Nếu người khách đi đường xa cô độc,

Nghe hơi núi lạnh thấm vào trí óc.
Một mình cùng một ngựa duỗi đường xa,
Rạch nước tuôn làm hư gãy trục xe.
Cải cảnh ấy sao mà nghe buồn quá!

Vầng trăng vàng đậu lên trên nhành liễu,
Cánh hoa lê mưa dập nát tan buồn.
Người chờ người, đợi sau buổi hoàng hôn!
Đóng kín cửa vẫn nghe sầu nằng nặng.

Cũng là hoàng hôn mà khác nhau hai cảnh,
Một đàng thì vui vẻ tựa hoa tươi,
Mưa gió qua càng tươi thắm đất trời.
Bên thì lại nghe sầu vương lên mắt.

Nhìn hoa nở cũng nghe lòng muốn khóc,
Thấy mưa rơi cũng nghe nát tan lòng.
Thật lạ kì cùng một buổi hoàng hôn,
Mỗi người lại đeo mang tâm trạng khác.

Nước tuôn chảy đào trôi ra viễn xứ,
Đất trời như riêng biệt khác nhân gian!
Năm ngoái hoa cùng người đón gió xuân,
Nay quanh cảnh lạnh lùng như đổi chổ.

Cánh hoa đào vẫn tươi cười đón gió,
Mà người yêu sao không đợi chờ nhau.
Thật lạ là cùng một cảnh hoa đào,
Mà cảm xúc cùng chia hai cảnh tính.

Một bên thì vẻ hiền hoà thanh tĩnh,
Một bên thì nghe lưu luyến xót xa.
Cùng hoa đào quang cảnh lại khác xa,
Tàu muôn dặm rợp trời cờ cùng tán.

Đứng trên mé sông rót ly rượu uống,
Ngâm câu thơ đưa tiễn khách lên đường.
Nghe trong lòng tràn ngập khí hào hùng,
Bến Tầm Dương nằm canh khuya đưa khách.

Quạnh quẽ hơi thu đìu hiu lau lách,
Người thì xuống ngựa, kẻ dừng chèo.
Nghe nỗi lòng ly biệt nhớ nhau nhiều,
Nâng chén rượu khóc chào câu ly biệt.

Một cảnh thì tiêu điều buồn tha thiết,
Một đàng thì hùng tráng cảnh hùng binh.
Cùng là sông, cùng là rượu, là thuyền,
Mà không thể nói là đều giống đặng.

Chỉ tâm cảnh không phải là vật cảnh,
Đeo kính màu vàng mọi vật thảy màu vàng.
Kính màu xanh quang cảnh thảy màu xanh,
Ngậm mật ngọt các thứ  không còn đắng.

Thế mọi sắc có đủ màu đen trắng?
Hay gọi là đắng hay ngọt thế nào?
Lục hay vàng hai sắc chẳng giống nhau.
Ngọt hay đắng cũng khó phân biệt được.

Thế thì là gọi đúng vàng đúng lục,
Thế thì là ngọt đắng cũng đã phân.
Vậy thì là mọi vật thảy do tâm.
Vậy phải nói do tâm  là chắc thật.

Trong tất cả đều do tâm nắm bắt,
Cho nên nói rằng: “Ba cõi do tâm.”
Hai vị tăng ngó lá cờ trước sân,
Cờ lay động mà cùng nhau bàn luận.

Một người nói: “Cờ kia do gió động.”
Người thì rằng: “Cờ động chỉ do cờ.”
Cả hai bên một người một lý do,
Không phân biệt nỗi khó mà quyết định.

Lục Tổ bảo: “Chẳng phải do nơi gió động,
Mà cờ kia cũng chẳng phải động mình,
Do lòng người xúc động tự tâm sinh.”
Nhiệm Công nói:“Muốn rõ ràng chân lý.

Tam giới do tâm từ  xưa vạn kỷ,
Trong thiên nhiên đều cố định chẳng sai.
Nó chịu chung qui luật của đất trời,
Một là một, vạn lại là thành một.”

Núi là núi luôn vươn mình chót vót,
Sông là sông với nước mãi mênh mông.
Xuân là xuân, bao giờ cũng  là xuân,
Thu là phải vào mùa thay đổi lá.

Gió thì vẫn suốt đời làm hơi gió,
Trăng là trăng dù có khuyết hay tròn.
Hoa là hoa luôn tô điểm nước non,
Chim thì vẫn là chim không là cá.

Muôn đời vẫn gọi danh như thế đó,
Không chỗ nào mà không gọi giống nhau.
Nhưng lòng người không biết để đâu đâu.
Có một cảnh mà trăm lòng cảm xúc.

Cũng trăng, núi, hoa, xuân, thu, chim, gió.
Mà ngàn người mang tâm trạng khác nhau.
Cũng mang ngàn cảm xúc khổ, vui, sầu,
Cùng vô số cũng biết bao vạn ức,

Cũng cho đến vô số lòng cảm xúc.
Người nhàn trông thì bảo nhàn nơi này,
Người đang vui trông thấy cảnh gọi vui.
Người trí thấy thì gọi đây là trí.

Người lo buồn thấy cảnh càng suy nghĩ,
Giữa những lòng muôn kẻ lại muôn nơi,
Cái giả chân khó phân biệt ở đời.
Cái chân tướng là cảnh mình nhận được.

Cảnh trong tâm mới chính là chân thực,
Đạo do tâm thì đã biết nơi tầm.
Người học trò nơi thôn xóm nghèo nàn.
Được nhà mới lòng vô cùng vui sướng,

Nhưng ở cảnh giàu sang mà tưởng tượng,
Được nhà kia thì chẳng đáng hân hoan.
Đứa ăn mày bắt được cả trăm quan,
Lòng sung sướng như sắp thành triệu phú.

Người giàu trông thì có gì vui thú,
Đạn tên bay vun vút lướt qua người,
Người dân thường thì lo sợ rụng rời.
Với lão tướng đã đánh từng trăm trận,

Trông thấy thế chẳng có gì dao động.
Một giỏ cơm, một bầu nước,gốc cây,
Người khác thì khó chịu  vẻ đìu hiu.
Người tu đạo thì có gì đáng kể.

Những cảnh ấy khắp cùng trong dương thế,
Đem con người vào cảnh mất tự do.
Không cảnh  vui, cảnh  sợ, cảnh nào lo.
Do tâm tạo do lòng người tất cả.

Trong thiên hạ không có gì khác lạ,
Người tầm thường tự lo lắng mà thôi.
Cảnh  giống nhau mà ta lại chợt vui,
Chợt vô cớ, chợt lo mà chợt sợ.

Như con ruồi bay vào trong cửa sổ,
Thấy kiếng trong bèn ra sức bay vào.
Như con mèo bắt bóng nắng ngọn cây cao,
Như con chó nghe gió mà sủa loạn.

Tự đưa mình vào những cơn hốt hoảng,
Tự làm rối bời những lo sợ buồn vui.
Như thế thì để vật ngự trị lấy người,
Chỉ biết vật nên mình làm nô lệ.

Con tâm bị những cảnh ngoài chia sẻ,
Thế gọi rằng: “Là nô lệ trong lòng.”
Vì thế cho nên những bậc hào hùng,
Không thèm chứa trong tâm nhiều nỗi khổ.

Không chứa chất nỗi mừng hay lo sợ,
Thì tâm hồn luôn mãi được thong dong.
Những người ấy há có thuật khác dùng?
Chỉ hiểu rõ thế nào là chân lý!

Biết trừ diệt trong tâm tên nô lệ,
Nếu trong lòng đã hiểu rõ lý này.
Thì khắp cùng trong trần thế ai ai,
Cũng có thể gọi là trang hào kiệt!
Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

Không Đề-  Thơ Hán Việt (Lý Thương Ẩn) bài 4
        Ngọc Châu chuyển dịch Việt

Gặp nhau là chuyện khó khăn,
Xa nhau càng lại khó ngăn u buồn.
Trăm hoa tươi tốt khoe hồng,
Gió đông không đủ sức hòng tàn hoa.
Tằm xuân cho áo tằm tơ,
Đến khi ngày chết vẫn chưa thoả lòng.
Nến tàn thành vụn tro không,
Lệ sầu tuôn đổ thành dòng chưa khô.
Soi gương buổi sáng ngẩn ngơ,
Tóc mây nay đã phơ phơ đổi màu.
Đêm ngâm khúc nhạc tương cầu,
Nghe trăng lành lạnh nghe sầu vương vương.
Bồng lai vốn chẳng nhiều đường,
Chim xanh ơi hỡi tìm phương hướng giùm.

Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

TN Như Mai

SỰ ĐỜI KHÓ NÓI

Người nghèo có khổ của nghèo,
Quanh năm vất vả nợ đeo đẳng dài.
Cuộc đời sao cứ khổ hoài?
Đói nghèo sao chẳng có ngày yên thân?

Thuốc men quần áo cơm ăn,
Vợ chồng con cái trăm phần đeo mang.
Vụng thường chán vì thích nhàn,
Làm gì cũng bỏ thì làm làm chi?

Sống đời chẳng tích sự gì?
Làm thân ăn bám báo đời mẹ cha.
Sơ sanh cho đến tuổi già,
Không làm gì cả vì ta thích nhàn.

Hiền thì lành quá hoá hèn,
Người ta ăn hiếp như điên như khờ.
Gọi rằng hiền quá hoá ngu,
Để đời cười nhạo nằm mơ ban ngày.

Người khen khen vậy là hay,
Người cười thì cũng có đầy khắp nơi.
Còn người ương ngạnh khó chơi,
Tính tình hung dữ người người tránh xa.

Luôn luôn lấn áp người ta,
Chuyện nào cũng thế ta là phần hơn.
Sống đời chẳng biết nhịn nhường,
Người ghét đầy dẫy người thương khó tìm.

Giàu thì thường bị ghét ghen,
Tại sao ta chẳng nhiều tiền như ai?
Càng giàu càng bị mỉa mai,
Bới lông tìm vết đem lời gièm pha.

Thói quen ganh ghét người ta,
Thấy người giàu có đâm ra bực mình.
Nghèo thì kẻ thị người khinh,
Cái đồ hèn mạt kết thân làm gì.

Dù nghèo chẳng có tội chi,
Mà người đời vẫn khinh khi như thường.
Siêng năng chăm chỉ làm gương,
Đời cười rằng kẻ ấy thường tham lam.

Tóm thâu vơ vét dẫy tràn,
Việc gì cũng gánh cũng làm không ngơi.
Vậy mà cũng bị người cười,
Chỉ vì kẻ ấy hơn người siêng năng.

Chi tiêu tiết kiệm kỹ càng,
Thân mình không dám người càng không cho.
Của đâu có của trời cho?
Cho nên tiết kiệm để mà mai sau.

Cười rằng bủn xỉn gốc sâu,
Làm mà không hưởng hơi đâu mà làm.
Việc đời trong cõi thế gian,
Thấy rõ không biết lại càng bị chê.

Quê ơi quê quá là quê,
Quá ngu như kẻ làm hề giúp vui.
Thông minh hiểu rõ rạch ròi,
Lúc nào là lúc nắm thời chuyển xoay.

Như người cờ đã đến tay,
Ung dung làm tướng nắm ngay cơ đồ.
Khôn ngoan ấy kẻ thời cơ,
Người cười kẻ ấy hoá ra gian hùng.

Cho hay suy xét cho cùng,
Làm người rất khó khó sanh làm người.
Vậy nên sống giữa cõi đời,
Sống cho toàn vẹn làm người khó thay.

Bút khô giấy hết mỏi tay,
Không sao hết chuyện, khó thay làm người.


Ngọc Châu 2311
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối